Yếu tố tưởng tượng trong loại hình truyện cổ tích Việt Nam nói chung ít xa lạ với nhân tính : loại truyện sinh hoạt chiếm một tỉ lệ tương đối cao ; loại truyện thần kì, truyện loài vật, truyện phiêu lưu mạo hiểm chiếm một tỉ lệ tương đối thấp.
- Truyện cổ tích Việt Nam thấm đậm chất liệu đời sống xã hội Việt cổ ; là biểu trưng nghệ thuật của cái hiền hoà, nhân ái, hay tính chừng mực trong tâm lí dân tộc.
- Tính cách phê phán hiện thực khá đậm trong truyện cổ tích Việt Nam ; nhân vật tích cực thường tỏ ra không bằng lòng với trật tự, tập tục có sẵn, phản ứng lại cái ti tiện tầm thường.
- Truyện cổ tích Việt Nam có một mảng đáng kể nêu bật vai trò tích cực của người phụ nữ, đề cập đến ước mơ tình yêu và hôn nhân tự do(1).
Truyện cổ tích gồm ba loại lớn :
- Truyện cổ tích thần kì ;
- Truyện cổ tích sinh hoạt ;
- Truyện cổ tích loài vật.
2. Tác phẩm
Tấm Cám thuộc loại truyện cổ tích thần kì, thể hiện những đặc trưng tiêu biểu của truyện cổ tích. Đó là câu chuyện về cuộc chiến đấu giữa thiện và ác, là minh hoạ cho tư tưởng “ở hiền gặp lành” của nhân dân, là câu chuyện về những người thấp cổ bé họng trong xã hội nhưng lại có những phẩm chất tốt đẹp. Câu chuyện có hai tuyến nhân vật, đây là nét tiêu biểu cho thi pháp truyện cổ tích : Tấm – đại diện cho phía thiện, luôn bị chèn ép và hãm hại ; mẹ con Cám – đại diện của cái ác, luôn tìm mọi cách hãm hại người tốt. Cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa thiện và ác được thể hiện rõ ở mối quan hệ Tấm – Cám.
Trong truyện cổ tích, yếu tố kì ảo có vai trò giúp Thiện thắng ác, tạo nên sự hấp dẫn cho tác phẩm ; đồng thời thể hiện sức sáng tạo và ước mơ của nhân dân lao động về một cuộc sống tốt đẹp và công bằng hơn. Tấm Cám là câu chuyện có nhiều ý nghĩa : ý nghĩa nhân sinh, ý nghĩa văn hoá… Kết thúc truyện tuy rất bi thảm song nó thể hiện niềm căm phẫn tột độ của tác giả dân gian đối với cái ác.
3. Tóm tắt
Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Tấm ở với dì ghẻ, bị mẹ con Cám bắt làm lụng suốt ngày. Một lần, để giành lấy yếm đỏ, Cám lừa đổ hết tép trong giỏ của Tấm, chỉ còn sót lại con bống. Tấm khóc, Bụt hiện lên dặn Tấm về nuôi cá bống. Mẹ con Cám lại lừa Tấm đi chăn trâu xa, ở nhà giết bống. Mất bống, Tấm khóc. Bụt hiện lên và dặn cô nhặt xương bống chôn vào bốn chân giường. Vua mở hội. Bụt bày cách cho Tấm nhặt thóc gạo nhanh và có quần áo, khăn, giày đẹp để đi hội. Vua nhặt được chiếc giày Tấm đánh rơi bèn truyền lệnh ướm giày kén vợ và Tấm trở thành hoàng hậu.
Ngày về nhà giỗ cha, Tấm bị mẹ con dì ghẻ bày mưu giết chết để Cám được thế chân. Tấm biến thành chim vàng anh bay vào cung. Nhiều lần bị Cám hãm hại, Tấm phải hoá thân thành cây xoan đào, khung cửi rồi cây thị… Về ở với bà cụ bán nước, Tấm đảm đang, khéo léo. Vua ghé vào quán nước thấy miếng trầu giống trầu Tấm têm ngày xưa bèn hỏi thăm, nhận ra vợ mình và đón nàng về cung. Cám càng sinh lòng ghen ghét, ao ước được xinh đẹp như chị. Tấm bày cách xui Cám ngồi dưưới hố thật sâu rồi sai người dội nước sôi xuống. Cám chết. Nghe tin dữ, mụ dì ghẻ uất lên, ngã vật xuống đất chết theo.
4. Cách đọc và kể
- Thể hiện lời dẫn chuyện khác với lời nhân vật.
- Dựa trên đặc điểm của các nhân vật, thể hiện giọng đọc, giọng kể : Tấm hiền thục, Cám chanh chua, Bụt nhân từ, mẹ Cám độc ác.
II - Kiến thức cơ bản
Một vấn đề nổi bật trong truyện cổ tích Tấm Cám là xung đột truyện. Mâu thuẫn giữa Tấm với mẹ con dì ghẻ phản ánh mối xung đột giữa cái thiện với cái ác trong xã hội. Xung đột này thường được truyện cổ tích giải quyết theo hướng cái thiện chiến thắng cái ác, dù phải trải qua gian nan, nguy khó, cuối cùng kẻ “ở hiền” tất sẽ “gặp lành”, được hưởng hạnh phúc và cái ác sẽ bị trừng trị một cách đích đáng.
Xét trên phương diện diễn biến, từ mở đầu đến kết thúc truyện, thái độ của Tấm đối với hành vi tàn ác của mẹ con Cám chuyển biến theo hướng sự phản kháng mỗi lúc một tăng tiến ; đồng thời cuộc đấu tranh giành và giữ hạnh phúc của Tấm trước mẹ con dì ghẻ ngày càng gian nan, quyết liệt hơn. Từ một cô Tấm hiền lành, chăm chỉ, lương thiện luôn luôn bị ức hiếp, bị bắt nạt, chỉ biết khóc trong oan ức, tủi cực,… đến một hoàng hậu bị cái ác hãm hại, giết chết, hết hoá thành vàng anh đến thành cây xoan đào, trở thành khung cửi và bị đốt thành tro, đến khi hoá thân vào quả thị rồi trở lại là cô Tấm,… Quá trình chết đi sống lại ấy cho thấy tính chất gian khó của cuộc đấu tranh “một mất một còn” của cái thiện với cái ác, đồng thời cũng cho thấy sức sống mãnh liệt đến mức không thể bị tiêu diệt của cái thiện.
Sự trở về với cuộc đời của Tấm ở cuối truyện nói lên quan niệm của nhân dân ngày xưa về hạnh phúc với triết lí “ở hiền gặp lành”. Trong ước mơ về công lí, công bằng xã hội ấy, cái thiện, người lương thiện được phần thắng, được hưởng hạnh phúc, đó là một kết cục tốt đẹp mang đặc trưng của truyện cổ tích ; còn cái ác phải trả giá, đúng như triết lí “ác giả ác báo”, “gieo gió gặp bão” mà nhân dân đã đúc kết.
Qua số phận của nhân vật Tấm, tác giả dân gian đã gửi gắm nhiều ước mơ, khát vọng. Đó là ước mơ về sự công bằng xã hội, cái thiện chiến thắng, cái ác phải trả giá ; ước mơ về hạnh phúc gia đình (Tấm – vua, sự trở về của Tấm bên vua…) ; ước mơ chính đáng và sự bù đắp cho những oan khổ bằng sự đổi đời (Tấm trở thành hoàng hậu) ; ước mơ tình nghĩa (Tấm và bà cụ hàng nước ; chim vàng anh, xoan đào và vua),…
Sự xuất hiện miếng trầu têm cánh phượng trong truyện mang nhiều ý nghĩa. Miếng trầu gắn với phong tục hôn nhân, với sự kết giao, hẹn ước, với tình nghĩa thuỷ chung,… mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam. Có thể thấy hình ảnh miếng trầu và tục ăn trầu trong truyện Sự tích trầu cau hoặc trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ, ví dụ :
- Miếng trầu ăn ngọt như đường,
Đã ăn lấy của, phải thương lấy người.
- Miếng trầu là đầu câu chuyện.
- Miếng trầu nên dâu nhà người.
Trong quá trình chuyển biến của thái độ, sự phản kháng của Tấm đối với hành vi tàn ác của mẹ con Cám, cũng là quá trình đấu tranh của cái thiện với cái ác, yếu tố kì ảo có một vai trò quan trọng, thể hiện khát vọng, ước mơ, quan niệm của nhân dân. Nếu như ở phần đầu của truyện, mỗi lần Tấm gặp khó khăn Bụt đều hiện lên để ban tặng cho những vật thần kì, thì đến phần sau câu chuyện, ta không còn thấy Tấm khóc, cũng không thấy Bụt hiện ra nữa, mặc dù càng về sau thì sự nguy khó, gian nan mà Tấm gặp phải càng cao. Tính chất của yếu tố kì ảo ở phần sau không giống như ở phần đầu truyện, dù nó vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc quyết định số phận, quá trình hoá thân của Tấm nhưng rõ ràng là tác giả dân gian đã gửi gắm vào nhân vật Tấm ý thức chủ động trong việc giành và giữ hạnh phúc cho mình. Chim vàng anh, xoan đào, quả thị, rồi Tấm trở về và trừng trị mẹ con Cám, ở giai đoạn này cái thiện đã trực diện đấu tranh, quyết giành lấy sự sống trước cái ác.
Truyện Tấm Cám thể hiện rõ đặc điểm của thể loại truyện cổ tích thần kì. Đó là sự xuất hiện của yếu tố kì ảo và vai trò của nó đối với diễn biến, kết thúc câu chuyện. Có thể liệt kê ra các yếu tố kì ảo trong truyện Tấm Cám : Bụt, con gà biết nói tiếng người, đàn chim sẻ, sự hoá thân của Tấm thành chim vàng anh, xoan đào, quả thị rồi trở lại làm người, con quạ biết nói.
III - Liên hệ
Tham khảo một số bản kể :
1. Các bản kể của người Kinh
a) Các bản kể ở đồng bằng Bắc Bộ :
Bản kể trên là bản kể phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ. Một số làng xã ở Bắc Ninh có đền thờ bà Tấm. Đây là hiện tượng phong kiến hoá truyện cổ tích dân gian để đề cao một nhân vật lịch sử có ảnh hưởng rộng ở một vùng nhất định. Truyện ỷ Lan Thái hậu đã mượn nhiều chi tiết của truyện dân gian Tấm Cám. Các làng, xã như Dương Quang, Thuận Quang (huyện Thuận Thành), Sơn Trung, Sơn Nam (huyện Võ Giàng), Hưng Lãng, Thanh Đăng, Cát Lư, Thục Cầu, Nghĩa Lộ, Hoàng Nha, Thanh Miếu (huyện Văn Mĩ, Hải Hưng), Phú Thị (Gia Lâm, Hà Nội)… có đền thờ ỷ Lan Thái hậu (vợ Lí Thánh Tông), tức gọi là đền bà Tấm. Có một số chi tiết khác với bản kể chung, như :
- Tấm đem đôi hài quý phơi nắng, chẳng may chim thần cắp đi một chiếc đem vào bỏ ở cung vua Lí Thánh Tông. Vua đi cầu tự, bắt đàn bà con gái ướm thử, Tấm bận cắt cỏ không ra đón vua, vua cho gọi lại ướm hài thì chân vừa như in. Vua lấy làm vợ, gọi là ỷ Lan thái phi. ỷ Lan từ chỗ là cung phi được tôn làm nguyên phi (đứng đầu các phi sau hoàng hậu), về sau đoạt ngôi thái hậu của bà Thượng dương.
- Giày của Tấm là do chen chúc nhau ngày hội mà tuột ra. Vua nhận được giày, bắt dân gian ướm chân. Một số vùng như La Miệt (Quế Võ), Nga Hoàng (Võ Giàng)… trong ngày hội làng trước đây còn có tục chen nhau, với niềm tin có làm như vậy mới có hạnh phúc.
- Trong bốn lọ chôn ở chân giường có một lọ nước thần, Tấm tắm rửa, người mỗi ngày mỗi đẹp.
- Ông Bụt được thay bằng nhà sư Đại Điên, vị pháp sư đã giết Từ Vinh và bị Từ Đạo Hạnh đánh chết.
Sự tích ỷ Lan Thái hậu không phải là dị bản của truyện dân gian Tấm Cám mà là hiện tượng vay mượn cốt truyện dân gian để đề cao một nhân vật lịch sử. Chúng ta nêu ở đây để đối chiếu với tham khảo.
b) Bản kể ở đồng bằng Nam Bộ :
Cốt truyện cũng giống như bản kể chung, chỉ khác một số chi tiết :
- Tấm, Cám là hai chị em sinh đôi, Cám có xấu hơn nhưng khuôn mặt có hao hao giống nhau. Về sau, Cám giết Tấm tranh lấy vua, vua mới bị lầm.
- Tấm, Cám đi bắt cá để chọn xem ai làm chị, chứ không phải để lấy cái yếm đỏ. Do đó, lúc con Cám lừa Tấm, nó hát :
Đầu ai có rơm có rác,
Kêu tôi bằng bác
Tôi phủi rác cho
- Chim sẻ hiện lên, bày cho Tấm sàng gạo. Tấm chỉ sàng một loáng là đấu thóc và đấu gạo tách khỏi hẳn nhau.
- Vua tới dự giỗ chồng bà lão hàng nước, cầm miếng trầu mà nhận ra Tấm.
2. Các bản kể của đồng bào miền núi
a) Các bản kể của đồng bào Tày :
Truyện Tua Gia – Tua Nhi na ná như truyện Tấm Cám, ngoài ra có một số chi tiết khác như :
- Mụ dì ghẻ bắt Tua Gia gánh nước bằng ống bương thủng và lừa :
Gánh nước thì gánh suối xa
Chớ gánh gần nhà, nước chẳng nên ăn
- Tua Gia bị giết hoá kiếp thành gà chứ không phải chim vàng anh.
Advertisements (Quảng cáo)
- Tua Gia có con trai, Tua Gia chết đi, sống lại, nhờ có con trai mà vua và Tua Gia mới nhận ra nhau.
Ngoài truyện Tua Gia – Tua Nhi, đồng bào Tày còn có một số truyện khác như Nàng Khao – nàng Dăm,Cô gái mồ côi, nội dung cơ bản cũng như vậy.
b) Bản kể của đồng bào Nùng :
Truyện Ô Pẻn – Ô Kin của đồng bào Nùng giản đơn, ít chi tiết nhưng lại có những chi tiết đậm màu sắc núi rừng, thí dụ :
- Mẹ Ô Pẻn bị bố Ô Pẻn đánh chết vứt vào rừng hoá thành thần hổ. Ô Pẻn bị dì ghẻ bắt lên rừng canh nương. Thần hổ săn sóc Ô Pẻn, cô gái trở nên xinh đẹp vô cùng. Ô Kin thấy vậy, tranh đi canh nương. Thần hổ hiện lên quật chết. Quạ báo tin Ô Kin chết cho mụ dì ghẻ, mụ này lên rừng tìm xác con cũng bị thần hổ quật chết luôn.
c) Bản kể của đồng bào Thái :
Đồng bào Thái có truyện ý Ưởi, ý Noọng.
- ý Ưởi bị dì ghẻ hành hạ, khi mang giỏ cá rỗng không về bị dì đánh đuổi lên rừng, ngủ trong một túp lều lợp lá chuối. Hổ bắt gặp, định ăn thịt nhưng thấy ý Ưởi khổ sở, hổ động lòng thương lại giúp nàng có quần áo đẹp. Vua đi săn gặp nàng lấy làm vợ.
- ý Ưởi trèo cây cau bị dì ghẻ chặt gốc, ngã xuống suối chết đuối, hoá thành chim gáy. Dì ghẻ giết chim vứt vào lửa. Một bà cụ xin than mang xác chim bị cháy về, chim hoá thành người.
Truyện này không có nhiều chi tiết hoá kiếp như các bản kể phổ biến.
d) Bản kể của đồng bào Mèo :
Đồng bào Mèo có truyện Gầu Nà – Gầu Rềnh.
- Gầu Nà mồ côi, hàng ngày bị dì ghẻ bắt đi chăn bò. Bò thường hoá ra người và dệt vải đẹp cho Gầu Nà. Gầu Rềnh bắt chước tranh đi chăn bò bị bò húc đau và người càng ngày càng xấu xí.
- Gầu Nà gặp Nù Náng, một chàng trai Mèo khoẻ đẹp. Hai người lấy nhau. Đến ngày cưới, mẹ con Gầu Rềnh tìm cách đánh tráo cô dâu, nhưng Nù Náng thông minh đã đánh tráo lại và lấy được Gầu Nà.
- Đoạn cuối, lúc mụ dì ghẻ chết, hồn mụ còn hoá ra hai cây gạo để ngăn cách vợ chồng Gầu Nà nhưng thất bại.
Các bản kể ít nói đến vua hay hoàng tử mà thường nói đến một chàng trai khoẻ, đẹp. Truyện không nhắc đến chi tiết đôi giày.
e) Bản kể của đồng bào Chàm :
Truyện Ca Dong, Ha Lốc có một số chi tiết đáng lưu ý :
- Ca Dong là con gái nuôi, Ha Lốc là con gái đẻ.
- Ca Dong sống một mình buồn bã, nuôi con cá giá rốc làm em, hàng ngày bớt phần cơm nuôi nó.
- Ca Dong bị mất cá, nằm mê, hồn cá hiện lên bảo đem xương bỏ vào gáo dừa chôn ở ngã ba đường. Xương cá biến thành một đôi giày vàng. Ca Dong nhặt được một chiếc, còn một chiếc chim thần cắp vào cung vua.
- Vua xuống chiếu cho dân gian dự hội ướm giày. Ca Dong bị người mẹ nuôi trộn ngô lẫn vừng, rồi bắt nhặt riêng ra, lại còn bắt gỡ một cuộn chỉ rối.
- Bốn kiếp của Ca Dong là rùa, măng tre, chim sáo và quả thị.
g) Bản kể của đồng bào Xơ-rê :
Đồng bào Xơ-rê (Tây Nguyên) có truyện Gơ Liu, Gơ Lát.
Phần mở đầu truyện này có chi tiết chim thần thả xuống đất một đôi giày, ai ướm vừa thì hoàng tử lấy làm vợ. Gơ Liu ướm vừa được lấy hoàng tử. Gơ Lát giết Gơ Liu. Gơ Liu hoá thành khóm trúc, rồi hoá thành chim, thành cây thị. Đoạn cuối, chính hoàng tử là người giết Gơ Lát làm mắm về cho mụ dì ghẻ.
3. Các bản kể ở nước ngoài
Trên thế giới có rất nhiều bản kể chuyện người con riêng kiểu Tấm Cám. Năm 1893, nữ sĩ Ro-an-phơ Cốc-xơ (người Anh) đã viết một cuốn sách giới thiệu ba trăm bốn mươi lăm bản kể. Đến năm 1958, Mê-lê-tin-xki (người Nga) đã tập hợp hơn năm trăm dị bản kiểu truyện này, và lần đầu tiên mới đưa vào hai bản kể Việt Nam. Sau đây là một số bản kể có liên quan đến truyện Tấm Cám ở ta.
a) Bản kể ở Căm-pu-chia :
Người Khơ-me có truyện Nàng Can-tóc và nàng Song Ang-cát. Can-tóc có nghĩa là xinh tươi, Song Ang-cát có nghĩa là đầu mẩu củi. Truyện kể về một người đàn ông goá vợ có con gái là Can-tóc, sau lấy vợ kế, có con riêng là Song Ang-cát. Truyện na ná truyện Tấm Cám, có một số chi tiết khác như :
- Ông Bụt thay bằng một vị pháp sư. Con cá bống được thay bằng một con cá quả. Vị pháp sư hiện lên bảo thả cá xuống ao và gọi :
Quả đẹp quả xinh
Lên ăn cơm lành
Cho mau chóng lớn
- Chi tiết đôi giày ở bản kể Căm-pu-chia có điều lí thú. Pháp sư bảo Can-tóc lấy một chiếc giày (chỉ một chiếc) ở gầm giường cất đi. Còn chiếc kia Song Ang-cát nhặt được nhưng không biết làm gì, vứt ra bờ rào. Quạ bay qua quắp mang vào cung vua.
- Sự biến hoá của Can-tóc không phải thành chim, thành khung cửi, thành quả thị mà là thành cây chuối và thành cây tre.
- Kết thúc truyện không có chi tiết làm mắm gửi dì ghẻ.
b) Bản kể ở Thái Lan :
ở Thái Lan có truyện Con cá vàng. U-ay là con vợ chồng người đánh cá. Mẹ bị chết đuối. Dì ghẻ có hai cô gái độc ác là Ai và Le. Một hôm bị dì ghẻ đánh đập, U-ay ra bờ sông khóc. Mẹ hiện lên thành một con cá nhỏ. U-ay mang cá về nuôi ở giếng. Những chi tiết mụ dì ghẻ lừa U-ay bắt cá ăn thịt giống như trong truyện Tấm Cám. U-ay về lấy chiếc vẩy cá còn sót lại chôn ở rừng, vẩy mọc lên hai cây ma khua. Vua đi săn thấy cây quý, hỏi ra biết là U-ay trồng bèn lấy nàng làm vợ. Mụ dì ghẻ nhắn U-ay về thăm bố ốm làm bẫy giết. U-ay biến thành chim chào mào. Một số chi tiết biến hoá cũng na ná như truyện Tấm Cám. Đoạn cuối, một vị đạo sĩ cho vua biết sở dĩ U-ay bị khổ như vậy là vì kiếp trước đã giết một con gà mẹ và bắt con gà con cho con chơi.
ở Miến Điện cũng có truyện Con rùa tương tự như vậy, chỉ khác người mẹ là một con rùa. Ngoài những bản kể ở khu vực Đông Nam á, ta có thể kể ra đây một số bản kể của Trung Quốc, ấn Độ.
c) Bản kể ở Trung Quốc :
ở Trung Quốc có truyện Nàng Diệp Hạn. Truyện kể có một cô gái tên là Diệp Hạn, bố mẹ chết phải ở với dì ghẻ. Một hôm bắt được một con cá quý, nàng nuôi ở chậu, rồi thả xuống ao, cá mỗi ngày một lớn. Cá chỉ nổi lên khi nào thấy bóng Diệp Hạn trên bờ. Mụ dì ghẻ bắt Diệp Hạn đi gánh nước xa, lấy áo của nàng lừa cá, rồi bắt ăn thịt. Mất cá, Diệp Hạn khóc lóc đem xương cá chôn cất. Nhờ đó, cô có quần áo đẹp và giày vàng. Diệp Hạn đi xem hội, đánh rơi giày, có người bắt được bán cho vua Đà Hãn. Vua cũng cho dân ướm giày và lấy Diệp Hạn. Mẹ con mụ dì ghẻ bị trời đánh. Dân thương hại chôn cất và có miếu thờ…
d) Bản kể ở ấn Độ :
ở ấn Độ có truyện kể về một hoàng hậu gian ác hành hạ con chồng và giết chết con chồng. Hành vi của mụ bị vua phát hiện và xử tội chết, mụ bị đốt cháy lấy xương gửi về cho mẹ mụ.
ở Bắc ấn có truyện một nàng công chúa đánh rơi giày xuống dòng sông, một con cá to nuốt mất. Người đầu bếp của một vương quốc láng giềng mổ con cá đó bắt được chiếc giày đẹp, đem nộp vua. Vua truyền ai ướm vừa chân sẽ rước về làm hoàng hậu.
Ngoài những bản kể ở châu á, trong số những bản kể ở châu Âu có thể đối chiếu với truyện Tấm Cámcủa ta, ta có thể kể truyện Lọ Lem của Pháp.
e) Bản kể ở Pháp :
ở Pháp có truyện Cô Lọ Lem (còn gọi là truyện Cô Tro bếp hay Chiếc hài cườm pha lê). Tóm tắt truyện như sau : Tro bếp mồ côi mẹ, phải ở với dì ghẻ. Người dì ghẻ bắt con riêng làm việc nặng nhọc, suốt ngày rách rưới, đen đủi. Tuy vậy, nàng Tro bếp rất đẹp. Hoàng tử mở dạ hội. Tro bếp được một nàng tiên gõ gậy vào một quả bí hoá thành một cỗ xe, biến sáu con chuột nhắt thành sáu con ngựa và một con chuột cống thành một chàng xà ích. Còn Tro bếp thì như một nàng tiên. Đến dạ hội, hoàng tử rất vừa lòng. Vào nửa đêm, nàng vội về đánh rơi một chiếc giày cườm pha lê. Hoàng tử truyền mọi người ướm giày. Hai cô chị ướm không được, còn Tro bếp thì vừa như in. Hoàng tử lấy nàng làm vợ, còn hai cô chị gả cho hai viên quan to.
Đối chiếu và so sánh các bản kể ở Việt Nam, bản kể mà chúng ta chọn giảng đã trải qua một sự lựa chọn tinh vi và mang tính chất dân tộc sâu sắc. Truyện Tấm Cám của ta có ba chặng rành mạch trong tình tiết :
1. Sự xung đột gia đình tập trung xung quanh chi tiết con bống và đôi giày.
2. Sự biến hoá của Tấm xung quanh chi tiết con vàng anh và quả thị.
3. Sự báo thù của Tấm và cái chết đáng kiếp của mẹ con mụ dì ghẻ.
ở một số bản kể khác, các chi tiết không được phong phú như thế. Có truyện chỉ có một hoặc hai chặng cuối. Một số truyện cho con người biến thành bò, thành hổ v.v… rõ ràng là không lí thú bằng.
Có một số truyện ở phần kết thúc lại thuyết minh cho giáo lí đạo Phật hoặc đề cao vương quyền không phù hợp với nội dung cơ bản của sáng tác dân gian.