1. Hãy lập dàn ý cho bài văn thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi. Chọn một ý nhỏ trong dàn bài đó để viết một đoạn văn.
Anh (chị) đã được học về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi vào đầu học kì II. Hãy đọc lại bài viết trong SGK và dựa theo bài viết đó để lập dàn ý.
Sau đây là một số ý chính cần có :
(1) Cuộc đời của Nguyễn Trãi :
a) Gia đình.
b) Thuở thiếu thời.
c) Sự nghiệp chính trị.
(2) Sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Trãi :
a) Các tác phẩm chính.
b) Nguyễn Trãi - nhà văn chính luận kiệt xuất.
c) Nguyễn Trãi - nhà thơ trữ tình sâu sắc.
Để viết đoạn văn, anh (chị) có thể chọn một trong các ý (a), (b), (c) ở mục (1) hoặc một ý nhỏ của các mục (2.a) hoặc (2.b).
Có thể tham khảo một đoạn văn viết về tình yêu thiên nhiên của Nguyễn Trãi:
Tình yêu thiên nhiên của Nguyễn Trãi thể hiện qua mảng thơ thiên nhiên rất có giá trị ở Ức Trai thi tập và Quốc âm thi tập. Trong thơ chữ Hán có những bức tranh thiên nhiên hoành tráng : "Kình ngạc băm vằm non mấy khúc - Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng” (Cửa biển Bạch Đằng - bản dịch). Thiên nhiên trong thơ Nôm có những bức tranh lụa xinh xắn, phảng phất phong vị thơ Đường: "Nước biếc non xanh thuyền gối bãi - Đêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu” (Bảo kính cảnh giới - bài 26). Thiên nhiên bình dị, dân dã, từ quả núc nác, lảnh mồng tơi, bè rau muống, đến "ngõ cày đất ải”, con đòng đong... đều đi vào thơ Nguyễn Trãi một cách tự nhiên, tạo nên những rung động thẩm mĩ. Thiên nhiên trở thành môi trường sống thanh tao, con người gắng giữ gìn vẻ đẹp nguyên sơ, không làm tổn thương đến cảnh vật. Nhà thơ không nỡ thả mái chèo vì sợ làm tan vỡ bóng trăng in trên nước: "Nước còn nguyệt hiện xá thôi chèo”; hớp chén rượu in bóng trăng mà tưởng đang hớp ánh trăng : "Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén”; gánh nước về pha trà, nước in bóng trăng tưởng mang cả trăng về theo : "Chè tiên nước ghín nguyệt đeo về”. Có thể nói, ở Nguyễn Trãi "lòng yêu thiên nhiên vạn vật là một kích thước để đo một tâm hồn”.
(Ngữ văn 10, tập hai)
2. Hãy đọc và tóm tắt bài Văn bản văn học (Ngữ văn 10, tập hai, trang 117).
a) Anh (chị) đọc lại bài Văn bản văn học trong SGK và trả lời các câu hỏi sau :
- Đối tượng thuyết minh của văn bản là gì ?
- Để thông tin về văn bản văn học, tác giả đã thuyết minh những phương diện nào ?
- Văn bản sử dụng hình thức kết cấu chủ yếu nào ?
a) Khi trả lời các câu hỏi trên, anh (chị) có thể dựa vào một số gợi ý sau :
- Tên văn bản.
- Các tiêu đề trong văn bản.
Advertisements (Quảng cáo)
- Các câu chủ đề của các đoạn văn (thường là các câu đầu mỗi đoạn văn).
- Thứ tự triển khai và sắp xếp các ý.
3. Hãy đọc kĩ đề bài sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới.
Nhạc sĩ Pháp S. Gu-nô có lần nói :
"Hồi tôi hai mươi tuổi, tôi chỉ thừa nhận riêng tôi là có tài. Ba mươi tuổi tôi đã nói : "Tôi và Mô-da”. Bốn mươi tuổi tôi nói : "Mô-da và tôi”. Còn bây giờ tôi chỉ nói : "Mô-da”.”
Anh (chị) nghĩ thế nào về câu nói trên ? Từ đó rút ra điều gì bổ ích cho bản thân mình ?
a) Xác định yêu cầu của đề bài.
b) Lập dàn ý cho bài viết.
c) Viết đoạn mở bài và kết bài cho bài viết.
Anh (chị) hãy đọc kĩ đề bài và lần lượt thực hiện các yêu cầu :
a) Xác định yêu cầu của đề bài.
- Thể loại : nghị luận.
- Nội dung : Cùng với sự trưởng thành của bản thân, sự nhận thức, đánh giá mình và người khác ngày càng đúng đắn hơn. Đức tính khiêm tốn là bài học bổ ích được rút ra từ câu nói này.
b) Lập dàn ý cho bài viết.
Như các dàn ý của bài văn nghị luận nói chung, dàn ý của bài viết gồm ba phần : mở bài, thân bài, kết bài. Dàn ý cần triển khai các luận điểm sau đây :
- Cùng với tuổi tác, vị trí của cái "tôi” và "Mô-da” qua nhiều lần thay đổi trong nhận thức của S. Gu-nô, và cuối cùng đảo ngược hoàn toàn so với ban đầu.
- Con người cần tự tin nhưng cũng cần phải biết mình, biết người và có đức khiêm tốn.
- Sau đây là hai đoạn mở bài và kết bài được dẫn ra với tư cách là ví dụ để tham khảo :
Mở bài :
Trong cuộc sống, nhận thức của con người không ngừng thay đổi theo thời gian, ngày càng tiếp cận dần chân lí. Nhạc sĩ Pháp S. Gu-nô có lần đã nói : Hồi tôi hai mươi tuổi, tôi chỉ thừa nhận riêng tôi là có tài. Ba mươi tuổi tôi đã nói : "Tôi và Mô-da”. Bốn mươi tuổi tôi nói : "Mô-da và tôi”. Còn bây giờ tôi chỉ nói : "Mô-da”. Cần phải có sự từng trải, con người mới học được bài học khiêm tốn, để ngày một đến gần chân lí, đó là điều Gu-nô muốn nói với chúng ta.
Kết bài :
Tóm lại, câu nói của Gu-nô cho ta bài học sâu sắc mà tế nhị. Nó nhắc ta chớ vội chủ quan, nông nổi khi tự đánh giá xung quanh, nếu không muốn làm "thầy bói xem voi” hoặc rơi vào cảnh "ếch ngồi đáy giếng”. Tự tin và khiêm tốn, đó là hai mặt biện chứng của phẩm chất con người chân chính. Nhưng giữa chúng chỉ có một ranh giới hết sức tế nhị. Phải luôn luôn tâm niệm câu nói của một nhà bác học lừng danh : "Những gì tôi biết chỉ là hạt cát, nhưng những gì tôi chưa biết là cả một đại dương bao la”, từ đó chúng ta xác định con đường tích cực học tập, rèn luyện, không ngừng vươn lên và tránh thói tự kiêu, tự mãn để trở thành người tài đức vẹn toàn.