1.Chính sách kinh tế mới
Năm 1921, nước Nga Xô viết bước vào thời kì hòa bình xây dựng đất nước trong hoàn cảnh cực kì khó khăn. Nền kinh tế quốc dân bị tàn phá nghiêm trọng, tình hình chính trị không ổn định, các lực lượng phản cách mạng điên cuồng chống phá, gây bạo loạn ở nhiều nơi.
Trong bối cảnh đó, tháng 3-1921, Đảng Bônsêvích Nga quyết định thực hiện Chính sách kinh tế mới (NEP) do V.I Lê –nin đề xướng, bao gồm các chính sách chủ yếu về nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp về tiền tệ.
Trong nông nghiệp, Nhà nước thay thế chế độ trưng thu lương thực thừa bằng thu thuế lương thực. Thuế lương thực nộp bằng hiện vật. Sau khi nộp đủ thuế đã quy định từ trước mùa gieo hạt, nông dân toàn quyền sử dụng số lương thực thừa và được tự do bán ra thị trường.
Trong công nghiệp, Nhà nước tập trung khôi phục công nghiệp nặng, cho phép tư nhân được thuê hoặc xây dựng những xí nghiệp loại nhỏ (dưới 20 công nhân) có sự kiểm soát của Nhà nước; khuyến khích tư bản nước ngoài đầu tư, kinh doanh ở Nga. Nhà nước nắm các ngành kinh tế chủ chốt như công nghiệp, giao thông vận tải, ngân hàng, ngoại thương. Nhà nước chấn chỉnh việc tổ chức, quản lí sản xuất công nghiệp, phần lớn các xí nghiệp chuyển sang chế độ tự hạch toán kinh tế, cải tiến chế độ tiền lương nhằm nâng cao năng suất lao động.
Trong lĩnh vực thương nghiệp và tiền tệ, tư nhân được tự do buôn bán, trao đổi, mở lại các chợ, khôi phục và đẩy mạnh mối liên hệ giữa thành thị và nông thôn. Năm 1924, Nhà nước phát hành đồng rúp mới thay cho các loại tiền cũ.
Bằng việc thực hiện Chính sách kinh tế mới, chỉ sau một thời gian ngắn, nền kinh tế quốc dân của nước Nga Xô viết đã có những chuyển biến rõ rệt.
Advertisements (Quảng cáo)
Bảng thống kê sản lượng một số sản phẩm kinh tế của nước Nga (1921-1923)
Chính sách kinh tế mới là sự chuyển đổi kịp thời từ nền kinh tế do Nhà nước nắm độc quyền về mọi mặt sang nền kinh tế nhiều thành phần, nhưng vẫn đặt dưới sự kiểm soát của Nhà nước. Với chính sách này, nhân dân Xô viết đã vượt qua được những khó khăn to lớn, phấn khởi sản xuất và hoàn thành công cuộc khôi phục kinh tế. Cho đến nay, Chính sách kinh tế mới còn để lại nhiều kinh nghiệm đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một số nước trên thế giới.
2. Sự thành lập Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết
Công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước đòi hỏi các dân tộc trên lãnh thổ Xô viết phải liên minh chặt chẽ với nhau nhằm tăng cường sức mạnh về mọi mặt. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Lê-nin, Đại hội lần thứ nhất các xô viết toàn Liên bang, diễn ra cuối tháng 12-1922, đã tuyên bố thành lập Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (gọi tắt là Liên Xô), gồm 4 nước Cộng hòa Xô viết đầu tiên là Nga, U-crai-na, Bê-lô-rút-xi-a và Ngoại Cáp-ca-dơ.
Mặc dù có sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế, về dân số và diện tích giữa các nước cộng hòa, nhưng tư tưởng chỉ đạo cơ bản của Lê nin trong việc thành lập Liên Xô là sự bình đẳng về mọi mặt và quyền tự quyết của các dân tộc, sự giúp đỡ lẫn nhau vì mục tiêu chung là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Ngày 21-1-1924, Lê-nin, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản, người đứng đầu Đảng và Nhà nước Xô viết qua đời. Đó là một tổn thất to lớn đối với nhân dân Liên Xô, giai cấp công nhân quốc tế và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Sauk hi Lê-nin mất, Xta-lin lên thay, tiếp tục lãnh đạo công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước Liên Xô trong những năm 1924-1953.