Sự phát triển không đều về kinh tế của chủ nghĩa tư bản cuối thế kỉ XIX-đầu thế kỉ XX đã làm thay đổi sâu sắc so sánh lực lượng giữa các nước đế quốc. Bên cạnh các nước đế quốc “già” (Anh, Pháp) với hệ thống thuộc địa rộng lớn là các đế quốc “trẻ” (Mĩ, Đức, Nhật Bản) đang vươn lên mạnh mẽ về kinh tế, nhưng lại có quá ít thuộc địa. Mâu thuẫn giữa các nước đế quốc về vấn đề thuộc địa là không tránh khỏi và ngày càng trở nên gay gắt. Giới cầm quyền Đức đã vạch kế hoạch tiến hành cuộc chiến tranh nhằm giành giật thuộc địa, chia lại thị trường. Nhật và Mĩ cũng ráo riết hoạch định chiến lược bành trướng của mình. Vì vậy, ngay từ cuối thế kỉ XIX-đầu thế kỉ XX, các cuộc chiến tranh giành thuộc địa đã nổ a ở nhiều nơi.
Sau chiến tranh Trung-Nhật (1894-1895), Nhật Bản thôn tính Triều Tiên, Mãn Châu,Đài Loan, Bành Hồ.
Sau chiến tranh Mĩ-Tây Ban Nha (1898), Mĩ chiếm Phi-líp-pin, Cu-ba, Pu-éc tô-Ri-cô…Sau chiến tranh Anh-Bơ-ơ (1899-1902), Anh chiếm vùng đất Nam Phi.
Sau chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905), Nhật Bản gạt Nga để khẳng định quyền thống trị của mình trên bán đảo Triều Tiên, Mãn Châu và nam đảo Xa-kha-lin.
Trong cuộc đua giành giật thuộc địa, đế quốc Đức là kẻ hung hãn nhất, vì có tiềm lực kinh tế và quân sự nhưng lại ít thuộc địa. Thái độ của Đức đã làm quan hệ quốc tế ở châu Âu ngày càng căng thẳng, đặc biệt là quan hệ giữa các nước đế quốc với nhau.
Advertisements (Quảng cáo)
Từ những năm 80 của thế kỉ XIX, giời cầm quyền Đức đã vạch ra kế hoạch chiến tranh nhằm chiếm hầu hết lãnh thổ châu Âu, vươn ra các thuộc địa của Anh, Pháp ở châu Phi và châu Á. Năm 1882, Đức cùng Aó-Hung và I-ta-li-a thành lập liên minh tay ba, được gọi là phe Liên minh. Sau này, I-ta-li-a rời khỏi Liên minh (1915), chống lại Đức.
Đối phó với âm mưu của Đức, Anh cũng chuẩn bị kế hoạch chiến tranh. Anh, Pháp, Nga tuy có tranh chấp về thuộc địa, nhưng phải nhân nhượng lẫn nhau, kí những bản hiệp ước tay đôi: Pháp-Nga (1890), Anh-Pháp (1904), Anh-Nga (1907), hình thành phe Hiệp ước.
Như vậy, đến đầu thế kỉ XX, ở châu Âu đã hình thành hai khối quân sự đối đầu nhau. Cả hai khối đề ôm mộng xâm lược, cướp đoạt lãnh thổ và thuộc địa của nhau, tăng cường chạy đua vũ trang. Chính mâu thuẫn giữa các nước đế quốc về vấn đề thuộc địa, mà trước tiên là giữa đế quốc Anh với đế quốc Đức, là nguyên nhân cơ bản dẫn đến chiến tranh.
Tình hình căng thẳng ở Ban-căng từ năm 1912 đến năm 1913 đã tạo cơ hội chiến tranh bùng nổ. Ngày 28-6-1914. Thái tử Áo-Hung bị một người Xéc-bi ám sát tại Bô-xni-a. Giới quân phiệt Đức, Áo chớp lấy cơ hội đó để gây chiến tranh.