1.Tình hình kinh tế
Chiến tranh thế giới thứ nhất đã đem lại “những cơ hội vàng” cho nước Mĩ. Với nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao trong suốt những năm trong và sau chiến tranh, Mĩ trở thành nước tư bản giàu mạnh nhất. Cùng với lợi thế đó, việc cải tiến kỹ thuật, thực hiện phương pháp sản xuất dây chuyền và mở rộng quy mô sản xuất đã đưa nền kinh tế Mĩ bước vào thời kì phồn vinh trong thập niên 20 của thế kỉ XX.
Sự phồn vinh của kinh tế Mĩ được thể hiện ở mức tăng trưởng cao của các ngành kinh tế. Chỉ trong vòng 6 năm (1923-1929), sản lượng công nghiệp tăng 69%. Năm 1929, Mĩ chiếm 48% sản lượng công nghiệp thế giới, vượt qua sản lượng công nghiệp của 5 cường quốc công nghiệp là Anh, Pháp, Đức, I-ta-li-a và Nhật Bản cộng lại. Mĩ đứng đầu thế giới về các ngành công nghiệp sản xuất ô tô, thép, dầu mỏ… Đặc biệt, sự bùng nổ của ngành sản xuất ô tô đã tác động mạnh đến các ngành công nghiệp khác. Năm 1919, nước Mĩ sản xuất được 7 triệu ô tô, đến năm 1924 đạt 24 triệu chiếc.
Về tài chính, từ chỗ phải vay nợ châu Âu 6 tỉ đô la trước chiến tranh, Mĩ đã trở thành chủ nợ của thế giới (riêng Anh và Pháp nợ Mĩ 10 tỉ đô la). Năm 1929, Mĩ nắm 60% số vàng dự trữ của thế giới.
Mặc dù đạt mức tăng trưởng cao, nhưng ngay cả trong thời kì phồn vinh này, nhiều ngành công nghiệp của Mĩ chỉ sử dụng 60-80% công suất. Sự phát triển kinh tế chạy theo lợi nhuận, theo chủ nghĩa tự do thái quá đã đưa đến sự phát triển không đồng bộ giữa các ngành công nghiệp, giữa công nghiệp với nông nghiệp, và không có kế hoạch dài hạn cho sự cân đối giữa sản xuất và tiêu dùng.
Advertisements (Quảng cáo)
2.Tình hình chính trị, xã hội
Giai đoạn tăng trưởng cao của kinh tế Mĩ trong thập niên 20 gắn liền với sự cầm quyền của các tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa. Chính phủ của Đảng Cộng hòa một mặt đề cao sự phồn vinh của nền kinh tế, mặt khác thi hành chính sách ngăn chặn công nhân đấu tranh, đàn áp những người có tư tưởng tiến bộ trong phong trào công nhân.
Sự giàu có của nước Mĩ không cải thiện đời sống cho tất cả mọi người trong nước. Những người lao động thường xuyên phải đối mặt với nạn thất nghiệp, bất công xã hội và nạn phân biệt chủng tộc đối với người da đen. Đặc biệt, cuộc sống của dân trại (nông dân Mĩ) rất khó khăn do giá nông sản hạ rất thấp và ế thừa. Đời sống người lao động ngày càng giảm sút, điều đó đã thúc đẩy phong trào đấu tranh của họ.
Phong trào đấu tranh của công nhân diễn ra sôi nổi trong các ngành công nghiệp than, luyện thép, vận tải đường sắt…Tháng 5-1921, Đảng Cộng sản Mĩ được thành lập trên cơ sở hợp nhất Đảng Cộng sản công nhân Mĩ và Đảng Cộng sản Mĩ ra đời trước đó (1919), đánh dấu bước phát triển của phong trào công nhân Mĩ.