Từ năm 1906, Phan Châu Trinh và nhóm sĩ phu tiến bộ ở Quảng Nam như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Ngô Đức Kế mở cuộc vận động Duy tân ở Trung Kì.
Trên lĩnh vực kinh tế, các ông chú ý đến việc cổ động chấn hưng thực nghiệp, lập hội kinh doanh.
Tại Quảng Nam đã xuất hiện Quảng Nam hiệp thương công ti. Tại Hà Nội, Nguyễn Quyền và Hoàng Tăng Bí mở công ty Đông Thành Xương. Ở Nghệ An, Ngô Đức Kế lập ra Triêu Dương thương quán. Ở Phan Thiết có công ty Liên Thành.
Ngoài việc lập hội buôn, các sĩ phu cải cách còn chú ý phát triển nghề làm vườn, thủ công. Ngay tạo quê nhà, Phan Châu Trinh đã thành lập “nông hội”, chuyên việc san đồi trồng quế, hồ tiêu…, mở lò rèn, xưởng mộc…
Việc mở trường dạy học theo lối mới cũng được quan tâm.
Advertisements (Quảng cáo)
Các trường này được thành lập ở nhiều nơi, dạy chữ Quốc ngữ, dạy các môn học mới, thay thế cho Tứ thư, Ngũ kinh của Nho học. Riêng ở Quảng Nam, có 4 trường lớn là Diên Phong, Phước Bình, Phú Lâm và Quảng Phước, mỗi trường trung bình có từ 70 đến 80 học sinh trường đông nhất có tới 200 học sinh.
Một hoạt động độc đáo khác là cuộc vận động cải cách trang phục và lối sống.
Phan Châu Trinh cùng các cộng sự của mình vận động nhân dân cắt tóc ngắn, mặc áo ngắn với các kiểu quần áo “Âu hóa”, may bằng vải nội. Những hủ tục phong kiến bị lên án mạnh mẽ.
Tư tưởng Duy tân khi đi vào quần chúng đã vượt qua khuôn khổ ôn hòa, biến thành cuộc đấu tranh quyết liệt, điển hình là phong trào chống thuế năm 1908 ở Trung Kì.
Phong trào Duy tân là một cuộc vận động yêu nước có nội dung chủ yếu là cải cách về văn hóa-xã hội, gắn liền với việc giáo dục lòng yêu nước, đấu tranh cho dân tộc thoát khỏi ách thống trị ngoại xâm. Phong trào đang phát triển sâu rộng thì bị thực dân Pháp đàn áp dữ dội. Năm 1908, Phan Châu Trinh bị bắt và chịu mức án tù 3 năm ở Côn Đảo. Năm 1911, chính quyền thực dân đưa ông sang Pháp. Suốt những năm sống ở Pa-ri, Phan Châu Trinh vẫn theo đường lối cải cách, kêu gọi thực hiện dân quyền, cải thiện dân sinh.