Giữa thế kỉ XIX, Pháp mới có điều kiện tập trung lực lượng, tổ chức cuộc tấn công đánh chiếm Việt Nam. Ngày 1-9-1858, liên quân Pháp-Tây Ban Nha nổ súng đánh vào cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược.
Do thiếu đường lối chỉ đạo đúng đắn và quyết tâm kháng chiến của triều đình nhà Nguyễn, cuối cùng Việt Nam đã rơi vào tay thực dân Pháp. Hiệp ước ngày 6-6-1884 (Hiệp ước Patơnốt) là hiệp ước cuối cùng, đánh dấu sự đầu hàng hoàn toàn của triều đình phong kiến nước ta trước thế xâm lăng, kết thúc giai đoạn tồn tại của Nhà nước phong kiến Việt Nam độc lập.
Trái ngược với thái độ của triều đình Huế, ngay từ đầu nhân dân Việt Nam đã đứng dậy chiến đấu chống Pháp. Cuộc chiến tranh nhân dân bền bỉ, dẻo dai, đều khắp, với tinh thần dũng cảm vô song….đã khiến thực dân Pháp phải chịu nhiều tổn thất, phải mất hơn 26 năm chúng mới hoàn thành công cuộc chiến tranh xâm lược và còn phải mất thêm 11 năm nữa để tiến hành cuộc bình định quân sự mới tạm thời thiết lập được nền thống trị trên toàn cõi Việt Nam.
Advertisements (Quảng cáo)
Trong những năm cuối thế kỉ XIX, cuộc đấu tranh vũ trang chống Pháp của nhân dân ta tiếp tục nổ ra. Tháng 7-1885, phong trào Cần Vương được phát động, kéo dài đến năm 1896 mới chấm dứt.
Cùng lúc phong trào Cần Vương, phong trào đấu tranh tự vệ ở các địa phương, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế, là biểu hiện cụ thể, sinh động tinh thần quật khởi, bất khuất của nhân dân ta.
Mặc dù thất bại, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó chủ yếu là thiếu một lực lượng xã hội tiên tiến, có đủ năng lực lãnh đạo, phong trào yêu nước cuối thế kỉ XIX đã đánh mốc son trong trang lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.