Căm ghét xã hội thực dân phong kiến thối nát, phê phán mãnh liệt các thế lực thống trị xã hội, trên cơ sở cảm thông, yêu thương trân trọng con người, nhất là những con người bị vùi dập, chà đạp, đó là cảm hứng chung của các nhà văn hiện thực phê phán giai đoạn 30-45. Tuy nhiên, trong tác phẩm Chí Phèo,Nam Cao đã khám phá hiện thực ấy bằng một cái nhìn riêng biệt. Nam Cao không trực tiếp miêu tả quá trình bần cùng, đói cơm, rách áo dù đó cũng là một hiện thực phổ biến. Nhà văn trăn trở, suy ngẫm nhiều hơn đến một hiện thực con người: con người không được là chính mình, thậm chí, không còn được là con người mà trở thành một con “quỉ dữ”, bởi âm mưu thâm độc và sự chà đạp của một guồng máy thống trị tàn bạo. Với một cái nhìn sắc bén, đầy tính nhân văn, bằng khả năng phân tích lý giải hiện thực hết sức tinh tế, bằng vốn sống dồi dào và trái tim nhân ái, nhà văn đã xây dựng nên một tác phẩm với những giá trị hiện thực và nhân đạo đặc sắc không thể tìm thấy ở các nhà văn đương thời.
Thật ra trong bất cứ tác phẩm nghệ thuật chân chính nào, giá trị hiện thực bao giờ cũng đi liền với giá trị nhân đạo. Tác phẩm càng xuất sắc, những giá trị ấy càng thẩm thấu, thống nhất với nhau, khó tách rời. Chí Phèo của Nam Cao cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Bởi vì nội dung phản ánh (và tiếp nhận) – yêu thương, trân trọng hay căm ghét, khinh bỉ? Tách riêng ra hai giá trị là làm phá vỡ sự gắn liền hữu cơ của một chỉnh thể nghệ thuật vốn dĩ thống nhất.
Đọc xong tác phẩm Chí Phèo ta thấy gì? Mở đầu tác phẩm là cảnh Chí Phèo ngật ngưởng trên đường đi vừa chửi, từ trời đến người, tiếng chửi hằn học, cay độc và chua xót. Kết thúc là cảnh Chí Phèo giãy đành đạch giữa bao nhiêu là máu tươi. Bao trùm lên tất cả, tác phẩm ám ảnh ta một không khí ngột ngạt, bế tắc đến khủng khiếp, đầy những mâu thuẫn không thể dung hòa của một làng quê Việt Nam trước Cách mạng, với bao cảnh cướp bóc, dọa nạt, giết chóc, ăn vạ, gây gổ… trong đó Chí Phèo hiện lên như một biếm họa tiêu biểu. Hãy nghe nhà văn miêu tả: “Bây giờ thì hắn trở thành người không tuổi rồi. Ba mươi tám hay ba mươi chín? Bốn mươi hay là ngoài bốn mươi. Cái mặt hắn không trẻ cũng không già; nó không còn phải là mặt người: nó là mặt một con vật lạ, nhìn mặt những con vật có bao giờ biết tuổi?. Sau khi ở tù về, hắn đã trở thành một con quỉ dữ của làng Vũ Đại mà không tự biết. Cuộc đời hắn không có ngày tháng bởi những cơn say triền miên. Hắn ăn trong lúc say, thức dậy vẫn còn say, đập đầu rạch mặt, chửi bới, dọa nạt trong lúc say, uống rượu trong lúc say, để rồi say nữa, say vô tận. Chưa bao giờ hắn tỉnh và có lẽ chưa bao giờ hắn tỉnh để nhớ hắn có ở đời. Có lẽ
hắn cũng biết rằng hắn là quỉ dữ của làng Vũ Đại để tác quái cho bao nhiêu dân làng. Hắn đâu biết hắn đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đập đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu nước mắt của bao nhiêu người lương thiện… Tất cả dân làng đều sợ hắn và tránh mặt hắn mỗi lần hắn qua…”
Đoạn văn chất chứa bao nhiêu nỗi thống khổ của một thân phận đã không còn được cuộc sống của một con người. Những năng lực vốn có của một con người – năng lực cảm xúc, nhận thức – hầu như bị phá hủy, chỉ còn lại năng lực đâm chém, phá phách. Chí Phèo bị phá hủy nhân tính lẫn nhân hình như thế bởi đâu? Nhà văn không tập trung miêu tả dông dài quá trình tha hóa ấy. Ông thiên về lí giải phân tích cái cội nguồn sâu xa dẫn đến kết cục bi thảm của nó, chỉ bằng một số phác thảo đơn sơ về Bá Kiến, về nhà tù, về bà cô Thị Nở, về dư luận xã hội nói chung… Trong hàng loạt mối liên kết ấy, người đọc dễ dàng nhận ra: sở dĩ Chí Phèo (và không chỉ Chí Phèo mà cả những Năm Thọ, những Binh Chức – cả một tầng lớp được nhà văn cá thể hóa qua nhân vật Chí Phèo) từ một thanh niên lành như cục đất hoá thành con quỉ dữ là bởi vì Chí, ngay từ thuở lọt lòng đã thiếu hẳn tình ấp ủ yêu thương, và đặc biệt khi lớn lên, chỉ được đối xử bằng rẻ khinh, thô bạo và tàn nhẫn. Thủ phạm trực tiếp là Bá Kiến được nhà văn miêu tả là một con cáo già “khôn róc đời”, “ném đá giấu tay”, “già đời trong nghề đục khoét”, biết thế nào là “mềm nắn rắn buông”, “Hay ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông, nhưng lại dắt nó lên để nó đền ơn. Hay đập bàn đập ghế đòi cho được 5 đồng, nhưng được rồi lại vứt trả lại 5 hào vì thương anh túng quá!”. Chính hắn đã lập mưu đẩy Chí Phèo vào chỗ tù tội oan uổng và sau đó sử dụng Chí Phèo như một tay sai đắc lực phục vụ cho lợi ích và mưu đồ đen tối của mình. Không có Bá Kiến thì không có Chí Phèo, nhưng Chí Phèo không chỉ là sản phẩm của sự thống trị mà thậm chí là phương tiện tối ưu để thống trị: “không có những thằng đầu bò thì lấy ai mà trị mấy thằng đầu bò”. Chính Bá Kiến đã rút ra cái kết luận mà theo hắn rất chí lí ấy. Là một tội nhân, nham hiểm, nhẫn tâm, nhưng Bá Kiến lại hiện ra bề ngoài như một kẻ ôn hòa, xởi lởi, biết điều, khiến người đời phải nhìn bằng cặp mắt “kính cẩn”… Vì thế mà hắn đã lường gạt được bao nhiêu dân chất phác lương thiện. Chí Phèo trở thành tay chân đắc lực của hắn; thật sự biến thành công cụ, phương tiện thống trị cho kẻ thù của mình mà không tự biết. Bá Kiến hiện ra trong tác phẩm Chí Phèo như một nhân vật điển hình, sống động và cá biệt, tiêu biểu cho một bộ phận của giai cấp thống trị, được miêu tả, khám phá dưới một ngòi bút bậc thầy. Cùng với hắn là Lý Cường, là chánh Tổng, là đội Tảo… Chính bọn chúng đem lại không khí ngột ngạt khó thở cho nông thôn Việt Nam thành cái thế “Quần ngư tranh thực” (bọn đàn anh chỉ là một đàn cá tranh mồi, chỉ trực rình rập tiêu diệt nhau). Chính chúng là thủ phạm gây ra bi kịch của những Chí Phèo… Số phận của Năm Thọ, Binh Chức, tuy chỉ được nhắc qua tác phẩm, nhưng cũng góp phần chỉ ra tính hệ thống và phổ biến của phương cách tha hóa người dân trong sự thống trị của chúng. Đằng sau những Bá Kiến, Lý Cường, Chánh Tổng… như một sự hỗ trợ gián tiếp nhưng tích cực là hệ thống nhà tù dã man, bẩn thỉu – cả một điều kiện môi trường bất hảo. Quá trình Chí Phèo ở tù không được miêu tả trực tiếp, chỉ biết rằng khi vào tù Chí Phèo là người hiền lành lương thiện. Ra khỏi tù, hắn trở về với cái vẻ hung đồ, cái thói du côn ương ngạnh học được từ đấy. Nhà văn chỉ nói có thế. Nhưng như thế với bạn đọc thông minh cũng đã quá đủ!
Bằng bút pháp độc đáo, tài hoa linh hoạt, giàu biến hóa, Nam Cao khi tả, khi kể theo một kết cấu tâm lý và mạch dẫn dắt của câu chuyện với một cách thức bề ngoài tưởng chừng như khách quan, lạnh lùng và tàn nhẫn, nhưng chất chứa bên trong biết bao nỗi niềm quằn quại, đau đớn trước thân phận đau đớn của kiếp người. Lồng vào bức tranh hiện thực trên kia là thái độ yêu ghét, là cách phân tích và đánh giá những vấn đề về hiện thực mà nhà văn đặt ra. Ngay việc lựa chọn một nhân vật cùng đinh thống khổ nhất của xã hội làm đối tượng miêu tả và gởi gắm biết bao thông cảm, suy tư thương xót… tự nó đã mang nội dung nhân đạo. Nhưng giá trị
Advertisements (Quảng cáo)
nhân đạo của tác phẩm thể hiện tập trung nhất ở cách nhìn nhận của nhà văn đối với nhân vật bị tha hóa đến tận cùng. Nam Cao vẫn phát hiện trong chiều sâu của nhân vật bản tính tốt đẹp vốn dĩ, chỉ cần chút tình thương chạm khẽ vào là có thể sống dậy mãnh liệt, tha thiết. Sự xuất hiện của nhân vật Thị Nở trong tác phẩm có một ý nghĩa thật đặc sắc. Con người xấu đến “ma chê quỉ hờn”, kỳ diệu thay, lại là nguồn ánh sáng duy nhất đã rọi vào chốn tối tăm của tâm hồn Chí Phèo thức tỉnh, gợi dậy bản tính người nơi Chí Phèo, thắp sáng một trái tim đã ngủ mê qua bao ngày tháng bị dập vùi, hất hủi. Sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với Thị Nở, Chí Phèo giờ đây đã nhận ra nguồn ánh sáng ngoài kia rực rỡ biết bao, nghe ra một tiếng chim vui vẻ, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá, tiếng lao xao của người đi chợ bán vải… Những âm thanh ấy bao giờ chả có. Nhưng hôm nay Chí mới nghe thấy. Chao ôi là buồn, trong cái phút tỉnh táo ấy, Chí Phèo như đã thấy tuổi già của hắn, đói rét, ốm đau và cô độc – cái này còn sợ hơn đói rét và ốm đau. Cũng may Thị Nở mang bát cháo hành tới. Nếu không, hắn đến khóc được mất trong tâm trạng như thế… Nhìn bát cháo bốc khói mà lòng Chí Phèo xao xuyến bâng khuâng: Hắn cảm thấy lòng thành trẻ con, hắn muốn làm nũng với thị như làm nũng với mẹ… Ôi sao mà hắn hiền! “Hắn thèm lương thiện – Hắn khát khao làm hòa với mọi người”… Từ một con quỉ dữ, nhờ Thị Nở, đúng hơn nhờ tình thương của Thị Nở, Chí thực sự được trở lại làm người, với tất cả những năng lực vốn có. Một chút tình thương, dù là tình thương của một con người dở hơi, bệnh hoạn, thô kệch, xấu xí,… cũng đủ để làm sống dậy cả một bản tính người nơi Chí Phèo. Thế mới biết sức cảm hóa của tình thương kỳ diệu biết nhường nào!
Bằng chi tiết này, Nam Cao đã soi vào tác phẩm một ánh sáng nhân đạo thật đẹp đẽ – Nhà văn như muốn hòa vào nhân vật để cảm thông, chia sẻ những giây phút hạnh phúc thật hiếm hoi của Chí Phèo…
Nhưng, bi kịch và đau đớn thay, rốt cuộc thì ngay Thị Nở cũng không thể gắn bó với Chí Phèo. Chút hạnh phúc nhỏ nhoi cuối cùng vẫn không đến được với Chí Phèo. Và thật là khắc nghiệt, khi bản tính người nơi Chí Phèo trỗi dậy, cũng là lúc Chí Phèo hiểu rằng mình không còn trở về với lương thiện được nữa. Xã hội đã cướp đi của Chí quyền làm người và vĩnh viễn không trả lại. Những vết dọc ngang trên mặt, kết quả của bao nhiêu cơn say, bao nhiêu lần đâm chém, rạch mặt ăn vạ… đã bẻ gãy chiếc cầu nối Chí với cuộc đời. Và, như Đỗ Kim Hồi nói, “một khi người được nếm trải chút ít hương vị làm người thì cái xúc cảm người sẽ không thể mất… Đấy là mối bi thảm tột cùng mà cách giải quyết chỉ có thể là cái chết”. (Tạp chí Văn học số 3-1990)
Cái chết bi thảm của Chí Phèo là lời kết tội đanh thép cái xã hội vô nhân đạo, là tiếng kêu cứu về quyền làm người, cũng là tiếng gọi thảm thiết cấp bách: Hãy cứu lấy con người! Hãy yêu thương con người!
Đó là tư tưởng, tình cảm lớn mang giá trị nhân đạo và hiện thực sâu sắc mà người đọc rút ra được từ những trang sách giàu tính nghệ thuật của Nam Cao. Sự kết hợp giữa giá trị hiện thực sắc bén và giá trị nhân đạo cao cả đã làm cho tác phẩm Chí Phèo bất tử, mãi mãi có khả năng đánh thức trí tuệ và khơi dậy những tình cảm đẹp đẽ trong tâm hồn người đọc mọi thời đại.