1. Bài tập 1, trang 116, SGK.
Thơ mới khác với thơ trung đại như thế nào?
Thơ mới khác với thơ truyền thống (thơ trung đại) không chỉ ở “phần xác” của thơ, mà chủ yếu là ở “phần hồn” của nó, hay nói như Hoài Thanh là ở “tinh thần thơ mới” (Một thời đại trong thi ca). Đó là “cái tôi” cá nhân vói cách nhìn con người, cuộc đời và thiên nhiên bằng đôi mắt xanh non, bằng cặp mắt biếc ròn (Xuân Diệu). Đó là cách nhìn đời bằng đôi mắt trẻ trung, tươi mới, ngơ ngác trước thiên nhiên và cuộc sống, đồng thời thấm đượm một nỗi buồn cô đơn, bơ vơ giữa cuộc đời, trước không gian mênh mông và thời gian vô tận. Thơ mới khác thơ trung đại không chỉ ở phương diện nghệ thuật (phá bỏ những lối diễn đạt ước lệ, những quy tắc cứng nhắc, những công thức gò bó...) mà chủ yếu ở phương diện nội dung (cách nhìn, cách cảm nhận mới mẻ đối với con người và thế giới). Lời thơ trong thơ mới được tổ chức gần với chuỗi lời nói của cá nhân khác với lời thơ trong thơ trung đại, do bị tính quy phạm chi phối, nên thường nặng tính ước lệ, cách điệu...
2. Làm rõ tính chất giao thời (giữa văn học trung đại và văn học hiện đại) của các bài thơ Lưu biệt khi xuất dưong (Phan Bội Châu) và Hầu Trời (Tản Đà).
Ở các bài thơ Lưu biệt khi xuất dương ( Phan Bội Châu), Hầu Trời (Tản Đà), nội dung cảm xúc đã có những nét mới, nhưng thể thơ, thi pháp cơ bản vẫn thuộc phạm trù văn học trung đại.
- Nội dung cảm xúc của bài Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu đã cố những nét mới: lẽ sống mới, quan niệm mới về chí làm trai, ý thức cá nhân trước thời cuộc, khát vọng hành động và tư thế buổi lên đường... Nhưng thể thơ vẫn là thể thơ cũ (thất ngôn bát cú), niêm, luật và ngôn ngữ vẫn thuộc phạm trù văn học trung đại.
- Bài Hầu Trời của Tản Đà mới hơn so với Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu. Trong bài thơ Hầu Trời đã thấy xuất hiện một “cái tôi” cá nhân phóng túng, tự ý thức về tài năng, giá trị đích thực của mình và khao khát được khẳng định mình. Qua Hầu Trời, Tản Đà cũng bộc lộ một quan niệm khá hiện đại về nghề văn. Cách chia khố thơ như vậy cũng chưa thấy trong thơ trung đại... Nhưng “cái tôi” cá nhân phóng túng của Tản Đà vẫn phảng phất tinh thần cái “ngông” ở nhà nho tài tử của thơ ca cuối thời trung đại kiểu Nguyễn Công Trứ, Tú Xương. Vì vậy, bài Hầu Trời chưa thực sự hiện đại, vẫn chưa phải là thơ mới.
3. Hãy chỉ ra tính chất hiện đại của các bài thơ mới: Vội vàng (Xuân Diệu), Tràng giang (Huy Cận), Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử), Tương tư (Nguyễn Bính).
Giai đoạn khoảng từ năm 1930 đến năm 1945, nền văn học nước nhà đã hoàn tất quá trình hiện đại hoá với nhiều cuộc cách tân sâu sắc trên mọi thể loại. Phong trào Thơ mới (được khơi lên từ năm 1932) được xem là “một cuộc cách mạng trong thơ ca” (Hoài Thanh). Vội vàng của Xuân Diệu, Tràng giang của Huy Cận, Đây thôn Vì Dạ của Hàn Mặc Tử, Tương tư của Nguyễn Bính... là những bài thơ rất tiêu biểu, thể hiện rất rõ những đặc trưng của thơ mới. Các bài thơ trên không hề có dấu vết của thi pháp thơ trung đại. Đó là tiếng nói nghệ thuật của “cái tôi” cá nhân tự giải phóng hoàn toàn ra khỏi hệ thống ước lệ của thơ ca trung đại, trực tiếp quan sát thế giới và lòng mình bằng con mắt của cá nhân, đồng thời cảm thấy bơ vơ, cô đơn trước vũ trụ và cuộc đời. Ngôn ngữ thơ được tổ chức gần với lời nói thường ngày...
4. Dựa vào một số bài thơ đã học (đọc) trong tập Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh, hãy chứng minh nhận định của nhà vãn Hoài Thanh : “Nhật kí trong tù là một tiếng nói chan chứa tình nhân đạo” (Đọc “Nhật kí trong tù”, NXB Tác phẩm mói, Hà Nội, 1977).
Để làm tốt bài tập này, cần chú ý một số điểm chính sau đây :
(1) Chủ đề của bài là tính nhân đạo. HS cần xác định rõ hàm nghĩa nhân đạo, không nên lạc sang nội dung lòng yêu nước (thiếu sót này thường gặp trong bài làm của HS, có khi do không nắm được các biểu hiện của chủ nghĩa nhân đạo một cách chắc chắn, cũng có khi do không có khả năng triển khai được các phương diện của chủ nghĩa nhân đạo nên đành nói về lòng yêu nước để bài làm có thêm nội dung nhưng vô hình trung đã đi lạc đề).
(2) Đây là kiểu bài chứng minh. Nhưng muốn chứng minh được đầy đủ phải nắm được các biểu hiện của tính nhân đạo để tập hợp ý và dẫn chứng cho sát, đúng
(3) Về nội dung, tính nhân đạo trong Nhật kí trong tù, nên chú ý đến mấy khía cạnh chính sau đây :
a) Lòng thương cảm đối với số phận con người
Advertisements (Quảng cáo)
- Đối tượng thương yêu của Hồ Chí Minh qua Nhật kí trong tù thật rộng rãi : Là một người tù hôm qua còn sống hôm nay đã chết (Một người bạn tù cờ bạc ; Lại một người nữa), là một em bé trong nhà lao Tân Dương (Cháu bé trong nhà lao Tân Dương), là vợ người bạn tù bên ngoài cửa sắt (Vợ người bạn tù đến nhà lao thăm chồng)...
- Nhạy cảm với những khổ đau, bất hạnh của mọi kiếp người, trong khi chính mình đang bị đày đoạ cơ cực :
+ Nỗi khổ của em bé phải sớm vào nhà lao ;
+ Nỗi đau của đôi vợ chồng bị ngăn cách bởi cánh cửa sắt nhà tù ;
+ Lòng cảm thông, nồi thương nhớ của người thiếu phụ xa chồng ;
+ Cái chết thảm thương của người tù trong nhà lao ;
+ Nỗi vất vả của người phu làm đường (Phu làm đường) ;
+ Cảm thông với người bạn tù chạy trốn (Anh ấy muốn trốn) ;
+ Niềm tin tưởng vào bản chất lương thiện của con người (Nửa đêm) ;
+ Tâm lí nhạy cảm với con người trong từng suy nghĩ, từng niềm vui và nỗi khổ (Niềm vui được đi xe lửa sau bao ngày cuốc bộ, chút sảng khoái sau bao lần suýt vấp ngã, sự giày vò của cơn đói và chút hạnh phúc được mở cửa tù đón ánh nắng [Đáp xe lửa đi Lai Tân, Hụt chân ngã, Nhân lúc đói bụng)...).
b) Khát vọng mãnh liệt, thường trực về tự do, về nhân phẩm của con người
Nhật kí trong tù có nói nhiều đến nỗi khổ nhưng lớn hơn, sâu hơn cả là nỗi khổ mất tự do, là sự xúc phạm đến nhân phẩm con người. Nên khai thác những bài Ngắm trăng, Tiếc ngày giờ, Lính gác khiêng lợn cùng đi (bài 1 và bài 2).
c) Lòng yêu thương con người, khát vọng mãnh liệt về tự do và nhân phẩm gắn liền với lòng căm ghét những thế lực hắc ám, xã hội bạc ác đối với con người.
Nhật kí trong tù cũng lên án chế độ nhà tù và rộng hơn là cái xã hội bất nhân đối với con người. Có thể lấy dẫn chứng từ những bài : Bốn tháng rồi, Chia nước, Chăn bông giấy của người bạn tù, Hạn chế...