a) Bối cảnh
Toàn cầu hóa là một xu thế lớn, một mặt cho phép nước ta tranh thủ được các nguồn lực bên ngoài (đặc biệt là về vốn, công nghệ và thị trường), mặt khác đặt nền kinh tế nước ta vào thế bị cạnh tranh quyết liệt bởi các nền kinh tế phát triển hơn trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam và Hoa Kì bình thường hóa quan hệ từ đầu năm 1995 và nước ta là thành viên của ASEAN từ tháng 7-1995. ASEAN đã trở thành một liên kết kinh tế khu vực gồm 10 nước và là một nhân tố quan trọng thúc đẩy sự hợp tác ngày càng toàn diện giữa các nước trong khối với các nước ngoài khu vực. Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào sự củng cố khối ASEAN. Nước ta cũng đang trong lộ trình thực hiện các cam kết của AFTA (Khu vực mậu dịch tự do ASEAN), tham gia Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), đẩy mạnh quan hệ song phương và đa phương. Sau 11 năm chuẩn bị và đàm phán, từ tháng 1-2007 Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
b) Công cuộc hội nhập quốc tế và khu vực đã đạt được những thành tựu to lớn
Advertisements (Quảng cáo)
Hình 1.2. GDP theo giá so sánh, phân theo thành phần kinh tế
-Nước ta đã thu hút mạnh các nguồn vốn đầu tư nước ngoài: vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI). Đầu tư gián tiếp của nước ngoài (FPI) cũng bắt đầu tăng lên cùng với việc mở rộng hoạt động của thị trường chứng khoán và cải thiện môi trường đầu tư. Các nguồn vốn này đã và đang có tác động tiêu cực đến việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, hiện đại hóa đất nước.
-Hợp tác kinh tế-khoa học kỹ thuật, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, an ninh khu vực…được đẩy mạnh.
-Ngoại thương được phát triển ở tầm cao mới. Tổng giá trị xuất nhập khẩu đã tăng từ 3,0 tỉ USD (năm 1986) lên 69,2 tỉ USD (năm 2005), mức tăng trung bình cho cả giai đoạn 1986-2005 là 17,9 %/năm. Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu khá lớn về một số mặt hàng (dệt may, thiết bị điện tử, tàu biển, gạo, cà phê, điều, hồ tiêu, thủy sản các loại,….).