? mục 1
Nêu những hoạt động đối ngoại chủ yếu của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp(1945-1954)?
- Đọc kĩ phần 1. Hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp(1945-1954)( SGK trang 83)
- Chỉ ra những hoạt động đối ngoại chủ yếu của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)
- Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Trật tự thế giới hai cực l-an-ta được hình thành. Từ tháng 9 - 1945 đến tháng 7 - 1954, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp. Hoạt động đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn này có nhiệm vụ trọng tâm là phục vụ cho kháng chiến.
- Từ tháng 9 - 1945 đến tháng 12 - 1946, hoạt động đối ngoại khẳng định tính hợp pháp của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; chủ động triển khai hòa hoãn với Trung Hoa Dân quốc; thực hiện chủ trương "Hòa để tiến”, kí Hiệp định Sơ bộ ngày 06 - 3 -1946, bản Tạm ước ngày 14 -9 - 1946 với Pháp để tranh thủ thời gian hòa hoãn chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến; thường xuyên giữ quan hệ với Chính phủ Mỹ.
- Sau ngày toàn quốc kháng chiến, hoạt động ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thể hiện thiện chí hòa bình, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới, tham gia đại hội sáng lập Hội đồng Hòa bình thế giới (năm 1949).
- Từ năm 1950 đến năm 1954, thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh liên minh đoàn kết chiến đấu giữa ba nước Đông Dương qua vai trò của Liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào; tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Ngày 08-5- 1954, phái đoàn ngoại giao Việt Nam do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Quốc tế về Đông Dương và kí Hiệp định Giơ-ne-vơ (ngày 21 -7 - 1954), buộc Pháp rút quân, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
? mục 2
Nêu những hoạt động đối ngoại chủ yếu của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong kháng chiến chống Mỹ(1954-1975)?
- Đọc kĩ phần 2. Hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)( SGK trang 84)
- Chỉ ra những hoạt động đối ngoại chủ yếu của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)
- Từ năm 1954 đến năm 1975, nhân dân Việt Nam phải tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hoạt động đối ngoại của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời kì này đã được triển khai chủ động, tích cực và có những đóng góp to lớn vào công cuộc kháng chiến của cả dân tộc.
- Giai đoạn 1954 - 1964, trước những chuyển biến của tình hình thế giới và trong nước không thuận lợi, hoạt động đối ngoại của Việt Nam đã dựa vào cơ sở pháp lý của Hiệp định Giơ-ne-vơ đấu tranh chống lại các chính sách và hành động phá hoại hiệp định của Mỹ - Diệm. Đồng thời, tăng cường đoàn kết ba dân tộc Đông Dương; mở rộng quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa và các nước vừa giành được độc lập; thúc đẩy hình thành mặt trận thế giới đoàn kết với Việt Nam.
- Giai đoạn 1965 - 1975, hoạt động đối ngoại Việt Nam đã triển khai các nhiệm vụ: tuyên truyền tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến; tố cáo cuộc chiến tranh xâm lược và tội ác của Mỹ và Chính quyền Sài Gòn tay sai của Mỹ; tiếp tục củng cố mặt trận đoàn kết ba nước Đông Dương; tăng cường đoàn kết và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy hình thành phong trào nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới chống chiến tranh, ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.
- Tháng 6- 1969, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành lập, được nhiều nước công nhận. Trong những năm 1969 - 1973, sự phối hợp hoạt động giữa ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã góp phần buộc Mỹ phải kí Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (ngày 27 - 01 - 1973).
- Năm 1973, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thiết lập được quan hệ ngoại giao với 20 quốc gia trên thế giới (Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Anh, Pháp, I-ta-li-a, Hà Lan, Ô-xtrây-li-a, Ác-hen-ti-na,...).
- Từ năm 1973 đến năm 1975, hoạt động ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn.
? mục 3
Nêu những hoạt động đối ngoại chủ yếu của Việt Nam từ năm 1975 đến năm 1985?
Advertisements (Quảng cáo)
- Đọc kĩ phần 3. Hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn (1975-1985)( SGK trang 85)
- Chỉ ra những hoạt động đối ngoại chủ yếu của Việt Nam từ năm 1975 đến năm 1985.
- Thập niên 70 và 80 của thế kỉ XX, tình hình thế giới diễn ra nhiều biến động có tính bước ngoặt về chính trị, kinh tế, quan hệ quốc tế, các nước lớn đều có những điều chỉnh quan trọng trong chính sách đối ngoại. Nhiệm vụ của hoạt động đối ngoại Việt Nam giai đoạn 1975 - 1985 là phải ra sức tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi để phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Việt Nam chủ động tăng cường quan hệ với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Qua đó đã tranh thủ được sự ủng hộ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 29 - 6 - 1978, Việt Nam gia nhập Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV), tham gia các hoạt động của SEV. Ngày 03 - 11 - 1978, Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Liên Xô được kí kết.
- Đối với Trung Quốc, Việt Nam chủ động tiến hành đàm phán để giải quyết những bất đồng, xung đột về biên giới trên đất liền và trên biển, kiên quyết bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia, khôi phục quan hệ hữu nghị, láng giềng giữa hai nước.
- Quan hệ hữu nghị và hợp tác trên mọi lĩnh vực giữa Việt Nam và Lào phát triển mạnh mẽ. Năm 1977, hai nước kí Hiệp ước hữu nghị và hợp tác.
- Năm 1976, Việt Nam đưa ra Chính sách bốn điểm làm cơ sở thiết lập và phát triển quan hệ đối thoại với các nước Đông Nam Á. Cũng trong năm này, Việt Nam đã thiết lập được quan hệ với tất cả 5 nước thành viên ASEAN.
- Giai đoạn 1975- 1985, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 30 nước thuộc nhóm các nước trong phong trào Không liên kết; phát triển quan hệ với Ấn Độ và một số nước A-rập; tích cực và chủ động tham gia thực hiện các mục tiêu của Hội nghị cấp cao không liên kết lần thứ V, VI và VII.
- Trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi, Việt Nam đã tích cực mở rộng quan hệ với các nước tư bản chủ nghĩa phát triển và các tổ chức quốc tế. Những hoạt động đối ngoại tiêu biểu trong giai đoạn này là: kiên quyết đấu tranh chống lại chính sách bao vây, cấm vận, mềm dẻo trong triển khai các chính sách ngoại giao nhân đạo với Mỹ; đẩy mạnh quan hệ với các nước tư bản chủ nghĩa, thiết lập các cơ quan đại diện ngoại giao với Nhật Bản, Ca-na-đa, Cộng hòa Liên bang Đức, Ô-xtrây-li-a; mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học với các nước Tây Âu và Bắc Âu; tham gia 33 tổ chức quốc tế và 19 điều ước quốc tế. Năm 1977, Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc.
? mục 4
Trình bày các hoạt động đối ngoại chủ yếu của Việt Nam từ năm 1986 đến nay?
- Đọc kĩ phần 4. Hoạt động đối ngoại của Việt Nam từ năm 1986 đến nay( SGK trang 88)
- Chỉ ra các hoạt động đối ngoại chủ yếu của Việt Nam từ năm 1986 đến nay.
- Từ năm 1986, hoạt động đối ngoại của Việt Nam đã tích cực đóng góp vào : công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
- Với khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cùng các nước tích cực tham gia tìm giải pháp chính trị cho vấn đề Cam-pu-chia. Quan hệ song phương và đa phương giữa ba nước Đông Dương ngày càng củng cố và mở rộng. Việt Nam kí nhiều hiệp ước hợp tác với các thành viên ASEAN và chính thức gia nhập ASEAN vào tháng 7 - 1995.
- Với Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc đã bình thường hóa quan hệ (tháng 11 - 1991); hai nước kí kết Hiệp ước về biên giới trên đất liền (tháng 12.- 1991), kí Hiệp định về phân định vịnh Bắc Bộ (tháng 12 - 2000). Năm 2008, quan hệ song phương giữa hai nước đã nâng lên tầm đối tác chiến lược toàn diện.
- Với Hoa Kỳ, nỗ lực ngoại giao hòa bình của Việt Nam đã đem lại thành công, phá bỏ cấm vận (1994), thiết lập quan hệ ngoại giao (1995), kí Hiệp định thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ (2000), cải thiện và nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện (2023).
- Việt Nam đã tăng cường hợp tác nhiều mặt với Liên bang Nga, đổi mới quan hệ với các nước Đông Âu và bạn bè truyền thống; cải thiện và tăng cường quan hệ với các nước tư bản chủ nghĩa có nền công nghiệp phát triển.
- Đến năm 2022, Việt Nam đã là thành viên của 63 tổ chức và diễn đàn khu vực, quốc tế; tham gia nhiều công ước, điều ước quốc tế; chủ động phát huy vai trò, sáng kiến đóng góp vào xây dựng, định hình các thể chế đa phương; hợp tác với cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề toàn cầu.
- Cộng đồng quốc tế đã tín nhiệm bầu Việt Nam làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kì 2008 - 2009 và 2020 - 2021, thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kì 2014 - 2016 và 2023 -2025.