Trang chủ Lớp 12 SGK Lịch sử 12 - Chân trời sáng tạo Bài 15: Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc...

Bài 15: Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc lịch sử 12 Chân trời sáng tạo: Quan sát Hình 15.2, trình bày hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc giai đoạn 1911...

Vận dụng kiến thức giải mục 1; ? mục 2: a, b, c; ? mục 3: a, b, c; ? mục 4: a, b, c Bài 15: Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc SGK lịch sử 12 Chân trời sáng tạo. Quan sát Hình 15.2, trình bày hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc giai đoạn 1911 - 1920. Nêu ý nghĩa của việc Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu nước?...

? mục 1

Quan sát Hình 15.2, trình bày hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc giai đoạn 1911 - 1920. Nêu ý nghĩa của việc Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu nước?

Method - Phương pháp giải/Hướng dẫn/Gợi ý

- Đọc kĩ phần 1. Hành trình tìm đường cứu nước ( SGK trang 97)

- Chỉ ra hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc giai đoạn 1911 - 1920. Ý nghĩa của việc Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu nước.

Answer - Lời giải/Đáp án

- Năm 1911, từ Sài Gòn (Việt Nam), Nguyễn Tất Thành (Văn Ba) làm phụ bếp trên con tàu La-tu-sơ Tơ-rê-vin, bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước.

- Trên hành trình đó, Nguyễn Tất Thành đi qua các châu lục, nhiều quốc gia; vừa lao động, vừa tìm hiểu, học hỏi, Người thấy rõ: "Ở đâu chủ nghĩa thực dân đế quốc cũng tàn bạo, ở đâu những người lao động cũng bị áp bức cùng cực”.

- Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành từ nước Anh trở lại Pháp, tham gia Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp.

- Năm 1919, thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Nguyễn Tất Thành lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, gửi bản Yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị Véc-xai đòi quyền lợi cho người dân An Nam.

- Giữa năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin (in trên báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp), tìm thấy con đường cứu nước giải phóng dân tộc - con đường cách mạng vô sản.

- Nguyễn Ái Quốc hướng con đường cứu nước theo Cách mạng tháng Mười Nga - giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, thực hiện độc lập dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội để "dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật”.

- Nguyễn Ái Quốc khẳng định: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

- Tại Đại hội lần thứ XVIII (tháng 12- 1920) của Đảng Xã hội Pháp ở Tua, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên và là một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

- Với việc tìm ra con đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã góp phần trực tiếp vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng đường lối trong phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.


? mục 2 a

Trình bày quá trình Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam?

Method - Phương pháp giải/Hướng dẫn/Gợi ý

- Đọc kĩ phần 2a. Chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam ( SGK trang 98)

- Chỉ ra quá trình Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam

Answer - Lời giải/Đáp án

- Sau khi tìm thấy con đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc tích cực chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập một Đảng cách mạng "để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”.

- Tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa ở Pháp (năm 1921), ra báo tiếng Pháp Người cùng khổ (Le Paria), viết bài trên báo Nhân đạo (Pháp), viết Bản án chế độ thực dân Pháp (năm 1925),... Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc khơi dậy chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, vạch trần bản chất và tội ác của chủ nghĩa đế quốc, thực dân, tập hợp lực lượng và tuyên truyền con đường cách mạng vô sản.

- Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc sang Liên Xô tham dự Hội nghị Quốc tế Nông dân, Đại hội Quốc tế Cộng sản (năm 1924), tìm hiểu kinh nghiệm xây dựng Đảng Cộng sản Liên Xô và Chính quyền Xô viết, viết bài cho Tạp chí Cộng sản, Thư tín quốc tế (1923 - 1924),... Qua đó, Nguyễn Ái Quốc đã vận dụng nhiều vấn đề lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, hình thành những luận điểm quan trọng về cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa.

- Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc và ảnh hưởng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã thúc đẩy phong trào công nhân, phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ, dẫn đến sự ra đời ba tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản đảng (tháng 6 - 1929), An Nam Cộng sản đảng (tháng 8 - 1929), Đông Dương Cộng sản liên đoàn (tháng 9-1929).


? mục 2 b

Nêu vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong việc triệu tập và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt nam đầu năm 1930?

Method - Phương pháp giải/Hướng dẫn/Gợi ý

- Đọc kĩ phần 2b. Triệu tập và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt nam( SGK trang 99)

- Chỉ ra vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong việc triệu tập và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt nam đầu năm 1930

Answer - Lời giải/Đáp án

- Các tổ chức cộng sản ra đời đã thúc đẩy phong trào cách mạng trên cả nước phát triển, nhưng các tổ chức này hoạt động riêng rẽ, tranh giành ảnh hưởng với nhau làm cho cách mạng Việt Nam có nguy cơ dẫn đến sự chia rẽ lớn. Vì vậy, cần phải hợp nhất các tổ chức cộng sản để thành lập một đảng cộng sản.

- Đầu năm 1930, Nguyễn Ái Quốc về Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản. Hội nghị thảo luận và thống nhất các tổ chức cộng sản để thành lập một đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam; thông qua các văn kiện do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo (gồm Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vẫn tắt của Đảng).


? mục 2 c

Nêu ý nghĩa của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt nam đầu năm 1930?

Method - Phương pháp giải/Hướng dẫn/Gợi ý

- Đọc kĩ phần 2c. Ý nghĩa của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt nam( SGK trang 100)

- Chỉ ra ý nghĩa của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt nam đầu năm 1930

Answer - Lời giải/Đáp án

- Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm tất yếu của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam đầu thế kỉ XX.

- Sự ra đời của Đảng là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử Việt Nam: chấm dứt thời kì khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo của cách mạng Việt Nam; mở ra thời kì cách mạng giải phóng dân tộc đặt dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Sự ra đời của Đảng cũng là sự chuẩn bị đầu tiên có tính quyết định cho những bước phát triển nhảy vọt của cách mạng và dân tộc Việt Nam.


? mục 3 a

Nêu vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với việc triệu tập và chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8 (tháng 5- 1941). Nêu ý nghĩa của việc thành lập Mặt trận Việt Minh (tháng 5 - 1941)?

Method - Phương pháp giải/Hướng dẫn/Gợi ý

- Đọc kĩ phần 3a. Triệu tập và chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8, thành lập Mặt trận Việt Minh ( SGK trang 100)

- Chỉ ra vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với việc triệu tập và chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8 (tháng 5- 1941). Ý nghĩa của việc thành lập Mặt trận Việt Minh (tháng 5 - 1941).

Answer - Lời giải/Đáp án

- Trước yêu cầu cấp bách ở trong nước đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, ngày 28 - 01 - 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

- Tháng 5 - 1941, Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8 tại Pác Bó (Cao Bằng). Hội nghị đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ nỗi nước ở Đông Dương. Hội nghị xác định hình thái của cuộc khởi nghĩa ở Việt Nam là đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa và nhấn mạnh: chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân.

- Theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc, Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) được thành lập (ngày 19- 5 - 1941), nhằm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các giai cấp, các dân tộc, tôn giáo, các giới "cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước: 1. Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập; 2. Làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do”.

Advertisements (Quảng cáo)

- Mặt trận Việt Minh đã chuẩn bị trực tiếp về lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, căn cứ địa,... Tổ chức Việt Minh nhanh chóng phát triển khắp nơi, trở thành khối thống nhất sức mạnh quật khởi của dân tộc, đóng vai trò nòng cốt, có ý nghĩa quyết định cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.


? mục 3 b

Nêu vai trò của Hồ Chí Minh trong việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân?

Method - Phương pháp giải/Hướng dẫn/Gợi ý

- Chỉ ra vai trò của Hồ Chí Minh trong việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

Answer - Lời giải/Đáp án

- Để tiến tới cuộc khởi nghĩa vũ trạng, trên cơ sở các đội du kích và Cứu quốc quân đã phát triển, Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, nhằm mục đích "lập ra đội chủ lực”.

- Ngày 22 - 12 - 1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập. Vừa ra đời, Đội đã đánh thắng hai trận Phay Khắt, Nà Ngần ở Cao Bằng (ngày 25 và 26- 12- 1944).


? mục 3 c

Nêu vai trò của Hồ Chí Minh trong việc trực tiếp lãnh đạo Cách mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa?

Method - Phương pháp giải/Hướng dẫn/Gợi ý

- Đọc kĩ phần 3c. Lãnh đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ( SGK trang 102)

- Chỉ ra vai trò của Hồ Chí Minh trong việc trực tiếp lãnh đạo Cách mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Answer - Lời giải/Đáp án

- Dự báo đúng tình hình và nắm bắt rõ thời cơ chín muồi, Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì Hội nghị toàn quốc của Đảng (ngày 14 và 15 - 8 - 1945) thông qua kế hoạch lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa.

- Tiếp đó, Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì Đại hội Quốc dân tại Tân Trào (ngày 16 và 17 -8 - 1945), tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, "hiệu triệu nhân dân toàn quốc” thi hành 10 chính sách lớn của Việt Minh; quyết định Quốc kì và Quốc ca của Việt Nam; thành lập Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngay sau đó, Người có Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa.

- Ngày 28 - 8 - 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cải tổ Uỷ ban Dân tộc giải phóng thành Chính phủ lâm thời và bắt tay vào soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 02 - 9 - 1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng công bố bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.


? mục 4 a

Nêu vai trò của Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945-1946?

Method - Phương pháp giải/Hướng dẫn/Gợi ý

- Đọc kĩ phần 4a. Giai đoạn 1945-1946 ( SGK trang 103)

- Chỉ ra vai trò của Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945-1946.

Answer - Lời giải/Đáp án

- Ngay sau Cách mạng tháng Tám, đất nước trong tình thế "nghìn cân treo sợi tóc”,Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ động lựa chọn những đối sách đúng đắn nhằm giải quyết kịp thời, có hiệu quả những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp của tình hình cách mạng Việt Nam.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra những công việc cấp bách, lãnh đạo Chính phủ thực hiện những nhiệm vụ cơ bản đầu tiên của nền dân chủ cộng hoà, giải quyết nạn đói, nạn dốt và chống thù trong giặc ngoài.

- Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt) được thành lập (tháng 5- 1946) để mở rộng khối đoàn kết toàn dân.

- Người chủ động thiết lập mối liên hệ và tranh thủ sự ủng hộ của Liên hợp quốc, các nước Đồng minh về nền độc lập của Việt Nam.

- Người khởi xướng và thực hiện sách lược "hòa để tiến” lợi dụng triệt để những mâu thuẫn trong nội bộ kẻ thù, mở rộng Chính phủ thành Chính phủ liên hiệp, kí với Pháp Hiệp định Sơ bộ (ngày 06 - 3 - 1946) và bản Tạm ước (ngày 14 - 9- 1946) nhằm tranh thủ thời gian hòa hoãn chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.


? mục 4 b

Nêu vai trò của Hồ Chí Minh trong kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp(1946-1954)?

Method - Phương pháp giải/Hướng dẫn/Gợi ý

- Đọc kĩ phần 4b. Giai đoạn 1946-1954( SGK trang 104)

- Chỉ ra vai trò của Hồ Chí Minh trong kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp(1946-1954)

Answer - Lời giải/Đáp án

- Đêm 19- 12 - 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

- Người cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng hoạch định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh.

-Tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng (tháng 02 - 1951). Đây là Đại hội kháng chiến thắng lợi.

- Trong quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ từng bước mở rộng hoạt động ngoại giao, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của các nước anh em, các nước láng giềng và bạn bè quốc tế.

- Người cùng Trung ương Đảng chỉ đạo nhiều chiến dịch quân sự trong kháng chiến chống thực dân Pháp: Việt Bắc thu - đông năm 1947, Biên giới thu - đông năm 1950, cuộc Tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954 và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.


? mục 4 c

Nêu vai trò của Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ từ năm 1954 đến năm 1969?

Method - Phương pháp giải/Hướng dẫn/Gợi ý

- Đọc kĩ phần 4c. Giai đoạn 1954-1969 ( SGK trang 105)

- Chỉ ra vai trò của Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ từ năm 1954 đến năm 1969.

Answer - Lời giải/Đáp án

- Trong bối cảnh đất nước bị chia cắt thành hai miền, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta. Đại đoàn kết là một lực lượng tất thắng”.

- Tại Thủ đô Hà Nội, Người chủ trì Đại hội đại biểu lần thứ III (tháng 9 -1960) đề ra đường lối "Đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước”.

- Người thay mặt Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đi thăm và tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước anh em, bạn bè, tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ quốc tế cho cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

- Người cùng Trung ương Đảng hoạch định đường lối chiến lược và sách lược cho cách mạng hai miền Nam - Bắc; cùng Chính phủ tổ chức điều hành cuộc kháng chiến vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, xây dựng hậu phương miền Bắc, tăng cường sức mạnh cho tiền tuyến miền Nam.

- Người nêu cao chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và ý chí quyết tâm cho toàn dân tộc: "Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”. Người viết thư, gửi điện thăm hỏi, cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân, đọc thơ chúc tết đồng bào ta ở trong và ngoài nước mỗi dịp xuân về,...