Trang chủ Lớp 7 Ngữ văn lớp 7 (sách cũ) Con người Nguyễn Trãi qua thơ văn của ông: Sáu thế kỉ...

Con người Nguyễn Trãi qua thơ văn của ông: Sáu thế kỉ - khoảng thời gian dài đủ để xoá nhoà tất cả dấu vết của một con người. Tưởng chừng với ngần ấy thời gian con...

Văn nhật dụng - lớp 7 - Con người Nguyễn Trãi qua thơ văn của ông.. Sáu thế kỉ - khoảng thời gian dài đủ để xoá nhoà tất cả dấu vết của một con người. Tưởng chừng với ngần ấy thời gian con người chỉ còn là hư không. Nhưng với Nguyễn Trãi, sáu thế kỉ qua, ông vẫn hiện diện trên cõi đời.

     Nguyễn Trãi (1380-1442) là một anh hùng văn hóa, một danh nhân của dân tộc, là con người của thời đại cách chúng ta sáu thế kỉ. Sáu thế kỉ - khoảng thời gian dài đủ để xoá nhoà tất cả dấu vết của một con người. Tưởng chừng với ngần ấy thời gian con người chỉ còn là hư không. Nhưng với Nguyễn Trãi, sáu thế kỉ qua, ông vẫn hiện diện trên cõi đời. Dù thể phách của ông đã nhập vào cát bụi của cõi hư vô thì anh linh của ông vẫn “sống” ở nhân gian, thậm chí còn “sống” được giữa lòng người.

Yếu tố nào đã khiến cho một con người trở thành bất tử? Phải chăng chính bản thân họ? Thời gian rất công bằng, nó sẽ gạt ra khỏi kí ức của mình mọi thứ tầm thường, vô nghĩa, và chỉ còn lưu lại những gì cao quý, đẹp đẽ. Nguyễn Trãi được Thời gian lưu giữ lại bởi nó trọng tâm hồn và nhân cách của ông.

Tâm hồn Nguyễn Trãi đẹp như thế nào, nhân cách Nguyễn Trãi vĩ đại như thế nào, vì không được sống cùng thời với ông, không được mắt thấy tai nghe những biểu hiện của tâm hồn và nhân cách ấy, ta cũng thật khó mà hình dung. Mà sự ghi chép, truyền tụng của người đời, cũng có thể có ít nhiều thiên lệch. May thay, đã có thơ văn của ông. Bởi thơ văn chính là cuộc đời, chính là con người, mà trước hết là người tạo ra nó nên há chẳng phải là những bằng cứ xác thực nhất về chân dung một con người đó sao? Một tâm hồn nhạt nhẽo hay rỗng tuếch, một nhân cách tầm thường, làm sao có thể tạo nên những ý đẹp, lời hay, những áng thơ văn vừa diễm lệ, vừa cao quý. Chỉ có những tâm hồn thanh cao, những nhân cách đáng trọng mới có thể tạo ra chúng. Thơ văn của Nguyễn Trãi đẹp lắm nên tâm hồn và nhân cách ông cũng đẹp lắm!

Con người Nguyễn Trãi qua thơ văn ông trước hết là một người yêu nước thiết tha, sâu sắc và mạnh mẽ.

Nguyễn Trãi là con người của thời đại phong kiến, thời đại Nho giáo, nên nội dung yêu nước của Nguyễn Trãi cũng vẫn mang màu sắc thời đại - một thời đại mà tư tưởng yêu nước gắn liền với tư tưởng trung hiếu trong quan niệm tình nhà nghĩa nước. Nhưng tình nhà nghĩa nước của Nguyễn Trãi lại rộng lớn và sâu sắc hơn rất nhiều so với thời đại ông, trở thành lí tưởng của chính ông và mọi thời đại:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

(Bình Ngô đại cáo)

Nhân nghĩa duy trì quốc thế an

(Hạ quy Lam Sơn I)

Nội dung tiến bộ nhất của tư tưởng yêu nước của Nguyễn Trãi là tư tưởng thân dân: vì dân và chiến đấu cho dân. Tư tưởng ấy trải dài trong suốt cuộc đời nhà thơ.

Lúc nhỏ đi học, đi thi không phải cho ông mà vì nước, vì dân:

Một thân lẩn quất đường khoa mục

Hai chữ mơ màng việc quốc gia

(Quốc âm thi tập - Bài 8)

Khi làm quan, ông thực hiện phương châm sống:

Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược

Có nhân, có trí, có anh hùng

(Bảo kính cảnh giới - Bài 3)

Nguyễn Trãi làm quan ở triều đình không phải vì danh lợi mà vì một điều luôn ôm ấp trong lòng:

Lòng một tấc son còn nhớ chúa

Tóc hai phần bạc bởi thương dân

(Trần tình - Bài 7)

Nguyễn Trãi tưởng như làm quan để cống hiến cho nước, cho dân, nhưng càng ở với triều Lê, ông càng thấy cuộc đời lắm chua xót:

Đã biết cửa quyền nhiều hiểm hóc

Cho hay đường lạc cực quanh co.

(Ngôn chí - Bài 19)

Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết

Bởi một lòng người cực hiểm thay

(Mạn thuật - Bài 4)

Mất niềm tin ờ triều Lê, Nguyễn Trãi cáo quan về ở ẩn, lấy thiên nhiên làm bầu bạn để giữ cho tâm hồn được thanh sạch, cao đạo:

Chân mềm ngại bước dặm mây xanh

Quê cũ tìm về chốn củ thanh

(Bảo kính cảnh giới - Bài 31)

Tại Côn Sơn, ông lấy thiên nhiên làm nhà, để tâm hồn mình rộng mở mà đón nhận thiên nhiên:

Núi láng giềng, chim bầu bạn

Advertisements (Quảng cáo)

Mây khách khứa, nguyệt anh tam

(Thuật hứng - Bài 19)

Sống giữa thiên nhiên thoáng đãng và nên thơ, tưởng như Nguyễn Trãi có thể quên đi tất cả, nhưng nỗi niềm dân nước vẫn canh cánh, trào dâng trong ông:

Bởi một tấc lòng ưu ái cũ

Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông

(Thuật hứng - Bài 5)

Do đó, ông lại hăng hái đăng trình ra làm quan để thực hiện lý tưởng dân nước:

Những ưu thánh chúa âu đời trị

Há để thân nhàn tiếc tuổi tàn.

(Tự thán - Bài 2)

Trong suốt cuộc đời nhà thơ, tấm lòng yêu nước luôn toả rạng, làm nên nhân cách cao đẹp và vĩ đại.

Nhân cách cao đẹp và vĩ đại của Nguyễn Trãi còn được thể hiện ngay ở lối sống giản dị, gần gũi với nhân dân:

Lụp xụp lều tranh bé cửa hiên

Nhà quan tưởng chốn ẩn người hiền

(Tức sự)

Ở việc đối xử khoan dung nhân thứ:

Lòng làm lành đổi lòng làm dữ

Tính ở nhu hơn tính ở cương

(Bảo kính cảnh giới - Bài 20)

Nguyễn Trãi vốn ham học, ham làm, nên ông thường khuyên mọi người:

Nên thợ nên thầy vì có học

No ăn, no mặc bởi hay làm

(Quốc âm thi tập - Bài 173)

Tay ai làm thì nuôi miệng

Làm biếng ngồi ăn lở núi non

(Bảo kính cảnh giới - Bài 22)

Điểm đáng trọng nhất ở nhân cách Nguyễn Trãi là thái độ sống rất mực cương trực và khẳng khái của ông. Đối với Nguyễn Trãi, quyền uy không thể khuất phục. Suốt cuộc đời ông chỉ biết sống ngẩng cao đầu chứ không hề biết sống cúi đầu:

Ung dung cứ nói điều ta thích

Uốn gối theo đời không thể vâng

(Mạn hứng - Bài 2)

Ông nguyện làm người quân tử chống lại thói xu nịnh, xúc xiểm lúc bấy giờ:

Vườn quỳnh dù có chim hót

Cõi trần có trúc đứng ngăn

(Quốc âm thi tập - Bài 110)

Chưa cần khảo cứu các tài liệu về Nguyễn Trãi, chỉ cần dọc thơ văn của ông. Thế cũng đủ để ta cảm nhận được chân dung của một con người.Và chân dung Nguyễn Trãi đã khắc tạc vào cuộc đời qua chính những sáng tác bất hủ của ong.

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn Ngữ văn lớp 7 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)