Trong những năm 1918 - 1923, một cao trào cách mạng đã bùng nổ ở hầu khắp các nước châu Âu, đặc biệt lên cao ở Đức.
Mùa thu năm 1918, nước Đức bại trận lâm vào tình trạng khủng hoảng về mọi mặt. Ngày 9 - 11 - 1918, tổng bãi công nổ ra ở Béc-lin sau đó chuyển thành khởi nghĩa vũ trang của công nhân và các tầng lớp nhân dân thủ đô. Chế độ quân chủ bị lật đổ. Theo gương cách mạng Nga, các xô viết đại biểu công nhân và binh lính được thành lập ở nhiều nơi. Nhưng cuối cùng, mọi thành quả cách mạng lại rơi vào tay giai cấp tư sản.
Cách mạng tháng 11 - 1918 dẫn đến việc thiết lập chế độ cộng hòa tư sản ở Đức. Tháng 12 - 1918, Đảng Cộng sản Đức thành lập, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng. Trong những năm 1919 - 1923. phong trào cách mạng vẫn tiếp diễn ở Đức.
Advertisements (Quảng cáo)
Phong trào cách mạng cũng dâng cao mạnh mẽ ở Hung-ga-ri và các nước châu Âu khác. Qua cao trào cách mạng 1918 - 1923, nhiều đảng cộng sản đã được, thành lập : Đảng Cộng sản Hung-ga-ri (1918), Đảng Cộng sản Pháp (1920), Đảng Cộng sản Anh (1920). Đảng Cộng sản I-ta-li-a (1921)...
Sự phát triển của phong trào cách mạng ở châu Âu nói riêng, cũng như trên thế giới nói chung, đòi hỏi phải có một tổ chức quốc tế để lãnh đạo cách mạng theo đường lối đúng đắn.
Với những hoạt động tích cực của Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích Nga, ngày 2-3-1919, Đại hội thành lập Quốc tế cộng sản (còn gọi là Quốc tế thứ ba) đã khai mạc tại Mát-xcơ-va. Quốc tế cộng sản trở thành một tổ chức cách mạng của giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.
Trong thời gian tồn tại từ năm 1919 đến năm 1943. Quốc tế cộng sản đã tiến hành bảy lần đại hội đề ra đường lối cách mạng đúng đắn cho từng thời kì phát triển của cách mạng thế giới. Tại Đại hội lần thứ II (1920), Quốc tế cộng sản đã thông qua Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa do Lê-nin dự thảo. Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy ở Luận cương con đường cứu nước giải phóng dân tộc cho nhân dân Việt Nam.
Năm 1943, do sự thay đổi của tình hình thế giới, Quốc tế cộng sản tuyên bố tự giải tán. Quốc tế cộng sản đã có công lao to lớn trong việc thống nhất và phát triển phong trào cách mạng thế giới.