Mình về thành thị xa xôi
Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng
Phố đông còn nhớ bản làng
Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữu rừng.
(Tố Hữu)
Trăng là đề tài muôn thuở của thi ca. Với ánh sáng huyền diệu, với chu kì tròn, khuyết lạ lùng, trăng đã gợi cho các thi nhân cổ kim nhiều ý tưởng sâu xa. Nguyễn Duy là nhà thơ lớn lên từ đồng quê, trăng như một ám ảnh. Rồi xê dịch với thời gian, với không gian, trăng vẫn đeo đuổi nhà thơ và thế là thành thơ, thành triết lí.
Nguyễn Duy đã chọn thể thơ năm chữ với nhịp điệu linh hoạt để thể hiện sự vận động của không gian, của thời gian
Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ.
Hồi ức được kể lại bằng hình ảnh. Hình ảnh chuyển rất nhanh. Cái hay là bằng hình ảnh của không gian (đồng - sông - bể - rừng) đã diễn tả sự vận động của thời gian - sự trưởng thành của nhà thơ (một nhà thơ lớn lên từ đồng quê). Khi hình ảnh vầng trăng xuất hiện thì nhịp thơ chậm lại, hợp với sự suy ngẫm:
Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa.
Nhà thơ nói “hồi chiến tranh ở rừng, vầng trăng thành tri kỉ” là đã quá sâu sắc vậy mà nhà thơ còn khắc đậm thêm tình cảm giữa nhà thơ với trăng. Người chiế sĩ sống giữa rừng “trần trụi với thiên nhiên”, nói "trần trụi” là nhà thơ muốn nói đến sự gần gũi với thiên nhiên, với trăng, không có gì ngăn cách (như nhà lầu, cửa gương chẳng hạn). Tâm hồn người chiến sĩ thì hồn nhiên vô tư đến độ “như cây cỏ”. Cho nên vầng trăng chẳng những là "tri kỉ”, mà còn “tình nghĩa”:
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa.
Nhịp điệu tự sự ban đầu lại tái hiện với sự vận động của không gian, vói sự xê dịch của tình cảm. Cái “ngỡ không bao giờ quên” đã quên:
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện, cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường.
Hình ảnh nhân hóa rất hay “ vầng trăng đi qua ngõ”. Trăng đâu có cao xa vời vợi, trăng vẫn gần gũi thân thương, vậy mà “như người dưng qua đường”. Thế mới biết hoàn cảnh tác động đến con người ghê gớm thật! Tố Hữu đã dự báo mấy chục năm về trước rồi. Bây giờ Nguyễn Duy nhắc nhở thêm, càng thấm thía.
Advertisements (Quảng cáo)
Bài thơ được phát triển đến một tứ thơ có chút kịch tính:
Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn - đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn.
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng, là bể
như là sông, là rừng.
Vầng trăng hiện ra “đột ngột” giữa lúc “đèn điện tắt” “phòng buyn- đinh tối om” gây xúc động cho con người đã “quen ánh điện, cửa gương”. Vầng trăng tri kỉ vầng trăng “tình nghĩa” vẫn “tròn”. “ Vầng trăng tròn” xuất hiện giữa lúc thành phố “tối om” làm xáo trộn tâm hồn nhà thơ. Nhìn trăng, nhà thơ nhớ lại những kỉ niệm của tuổi thơ, nhớ lại những kỉ niệm của chiến tranh, của cuộc sống chiến sĩ:
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng, là bể
như là sông, là rừng.
Trong câu thơ “ngửa mặt lên nhìn mặt”, tác giả dùng hai từ “mặt” rất hay. Nếu từ "mặt” thứ hai mà nói rõ là “mặt trăng” thì câu thơ sẽ tầm thường. “Ngửa mặt lên nhìn mặt” là nhìn mặt của tri kỉ, mặt của tình nghĩa mà bấy lâu mình dửng dưng. Sự thủy chung của vầng trăng đã làm động lòng “người vô tình”. Thì ra “mình với trăng tuy hai mà một”.
Cánh cửa sổ phòng buyn-đinh mở ra với vầng trăng là mở ra với thế giới bao la, tâm hồn của nhà thơ cũng mở ra đến chiều sâu thẳm:
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.
Hình ảnh “vầng trăng tròn” còn được nhà thơ nhìn lại: “tròn vành vạnh ", thật là đẹp, một vẻ đẹp viên mãn (đẹp của ánh sáng, của tình nghĩa thủy chung, nhân hậu). Nhìn thấy “trăng tròn vành vạnh”, người vô tình càng thấy cáikhuyết điểm của mình. Người vô tình gặp lại người tri ki sáng trong, tình nghĩa, nhân hậu mà vô ngôn thì thật đáng sợ:
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.
Cái “giật mình” chân thành có sức cảm hóa lòng người. Bằng hình ảnh ánh trăng hiện ra đột ngột giữa khung cảnh thành phố, bài thơ như một lời tự nhắc nhở của tác giả về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu... Bài thơ gây được xúc động bởi cách diễn tả như một lời tâm sự chân thành, lời tự nhắc nhở có giọng trầm tĩnh mà lắng sâu. Khổ cuối của bài thơ đưa tới chiều sâu lí tưởng triết lý: Vầng trăng cứ tròn đầy và lặng lẽ, “kể chi người vô tình”, là biểu tượng của sự bao dung độ lượng, của nghĩa tình thủy chung trọn vẹn trong sáng mà không hề đòi hỏi đền đáp. Đó cũng chính là phẩm chất cao cả của nhân dân, mà Nguyễn Duy cũng như nhiều nhà thơ cùng thời đã phát hiện và cảm nhận một cách sâu sắc trong thời kì chiến tranh chống Mĩ.