Trang chủ Lớp 9 Ngữ văn lớp 9 (sách cũ) Cách làm bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ,...

Cách làm bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ, I. KIẾN THỨC CƠ BẢN. 1. Đề bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ...

Văn nghị luận lớp 9 - Cách làm bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ. I. KIẾN THỨC CƠ BẢN. 1 nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

a) Đọc các đề bài sau và nhận xét về cấu tạo của chúng.

Đề 1. Phân tích các tầng nghĩa trong đoạn thơ sau:

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối

Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?

Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn

Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?

Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,

Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?

Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng

Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,

Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?

- Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?

(Thế Lữ, Nhớ rừng)

Đề2. Cảm nhận và suy nghĩ của em về đoạn kết trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu:

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.

Đề 3. Cảm nhận của em về tâm trạng của Tản Đà qua bài thơ Muốn làm thằng cuội.

Đề 4. Hình tượng người chiến sĩ lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật.

Đề 5. Bài thơ ánh trăng của Nguyễn Duy gợi cho em những suy nghĩ gì?

Đề 6. Phân tích khổ thơ đầu trong bài Sang thu của Hữu Thỉnh.

Đề 7. Những đặc sắc trong bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương.

Đề 8. Cảm nhận và suy nghĩ của em về tình cảm cha con trong bài Nói với con của Y Phương.

Gợi ý:

- Phần quan trọng mà đề bài nào cũng có, đó là đưa ra vấn đề nghị luận. Vấn đề nghị luận có thể là đoạn thơ, bài thơ hoặc vấn đề gắn với đoạn thơ, bài thơ có thể chép ra đoạn thơ cũng có thể chỉ nhắc tới, yêu cầu các em phải tự nhớ lại.

- Thông thường thì đề bài đưa ra định hướng từ những yêu cầu, mệnh lệnh cụ thể (phân tích, cảm nhận, suy nghĩ, cảm nhận và suy nghĩ…) nhưng cũng có khi đề bài không đưa ra yêu cầu, mệnh lệnh cụ thể (Đề 4, 7).

b) Giữa các yêu cầu phân tíchcảm nhận và suy nghĩ (hoặc có khi đề bài không có lệnh) có gì khác nhau?

Gợi ý: Khi đề bài yêu cầu phân tích là muốn định hướng cụ thể về thao tác, khi đó phải phân tách, xem xét đối tượng dưới nhiều góc độ, đối chiếu, so sánh… để từ đó đi đến nhận định về đối tượng. Khi đề bài yêu cầu nêu cảm nhận và suy nghĩ là muốn nhấn mạnh đến việc đưa ra cảm thụ, ấn tượng riêng (cảm nhận) và nhận định, đánh giá (suy nghĩ) về đối tượng; đối với loại yêu cầu này, để thuyết phục, chứng minh được ý kiến của mình, người làm cũng phải tiến hành giảng giải bằng các thao tác như phân tích, giải thích… Với đề bài không có lệnh cụ thể, người làm tự lựa chọn những thao tác cần thiết để làm rõ, chứng minh cho ý kiến của mình về đối tượng được nêu ra trong đề bài.

2. Cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

a) Cần nắm vững các bước làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

Chẳng hạn, với đề bài “Phân tích tình yêu quê hương trong bài thơ Quê hương của Tế Hanh”, ta có trình tự các bước như sau:

Bước 1. Tìm hiểu đề và tìm ý

Tìm hiểu đề:

+ đưa ra vấn đề nghị luận nào? (tình yêu quê hương trong bài thơ Quê hương của Tế Hanh).

+ có đưa ra yêu cầu (mệnh lệnh) cụ thể không, nếu có thì yêu cầu ấy là gì? (Phân tích)

Tìm ý:

+ Đọc kĩ lại bài thơ (nếu là đoạn thơ thì cũng phải đọc kĩ cả bài, đặt đoạn thơ đó vào bài thơ để tìm hiểu).

+ Tìm hiểu khái quát về tác giả, hoàn cảnh sáng tác bài thơ (nếu có): Tế Hanh sinh ra tại một làng chài ven biển tỉnh Quảng Ngãi. Ông xuất hiện ở chặng cuối của phong trào Thơ mới với những bài thơ mang nặng nỗi buồn và tình yêu quê hương thắm thiết.

+ Sắc thái cảm xúc xuyên suốt bài thơ là gì (?): tha thiết, ngọt ngào.

+ Tìm hiểu những nét đặc sắc nổi bật nhất về nội dung và nghệ thuật của bài thơ: Bức tranh tươi sáng, sinh động về một làng quê miền biển, trong đó nổi bật lên hình ảnh khoẻ khoắn, đầy sức sống của người dân chài và sinh hoạt lao động làng chài được thể hiện bằng những vần thơ bình dị, giàu sức gợi cảm.

Sau khi đã nắm được những nét chung nhất về bài thơ, em hãy xác định những luận điểm chính gắn với vấn đề nghị luận mà đề bài đưa ra:

· Trong cách xa, nhà thơ nhớ về quê hương như thế nào? Hình ảnh làng quê hiện lên trong nỗi nhớ của nhà thơ có những đặc điểm và vẻ đẹp gì?
· Bài thơ có những hình ảnh, câu thơ nào gây ấn tượng sâu sắc đối với em? Ngôn từ, giọng điệu của bài thơ có gì đặc sắc?

Bước 2. Lập dàn bài

Trình bày các luận điểm theo bố cục 3 phần:

Mở bài: Giới thiệu bài thơ, nêu khái quát nhận định của mình về vấn đề nghị luận: Giới thiệu sơ lược về bài thơ Quê hương của Tế Hanh, nêu nhận định của em về tình yêu quê hương trong bài thơ.

Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận: Phân tích những biểu hiện cụ thể của tình yêu quê hương trong bài thơ.

- Nêu nhận xét chung về bài thơ: Bài thơ Quê hương thể hiện một tình yêu quê hương tha thiết, trong sáng, đậm chất lí tưởng, lãng mạn.

- Tình yêu quê hương biểu hiện cụ thể ở vẻ đẹp của cảnh ra khơi và cảnh trở về:

+ Cảnh dân chài bơi thuyền ra khơi: khoẻ khoắn, đầy sức sống

+ Cảnh đón thuyền cá về bến về: tấp nập, bình yên, no đủ

- Tình yêu quê hương thể hiện ở nỗi nhớ: những hình ảnh của quê hương in đậm trong kí ức của nhà thơ.

Kết bài: Chốt lại vấn đề nghị luận, mở rộng liên tưởng: Khẳng định vẻ đẹp, tình yêu quê hương được gửi gắm trong bài thơ. Nêu lên ấn tượng mà vẻ đẹp của bài thơ đã để lại trong tâm trí em.

Bước 3. Viết bài

Từ dàn bài, hãy viết thành bài văn hoàn chỉnh. Chú ý: đảm bảo sự chặt chẽ, liên kết của bố cục (liên kết nội dung và hình thức giữa các đoạn Mở bài, Thân bài, Kết bài). Mỗi luận điểm, nên viết thành một đoạn văn; chú ý liên kết giữa các câu trong đoạn. Thao tác chủ yếu là phân tích, nhưng cần chú ý kết hợp với cảm thụ để khai thác được đặc sắc của trạng thái cảm xúc, vẻ đẹp của hình ảnh thơ. Chú ý diễn đạt tự nhiên, trôi chảy, lời văn gợi cảm.

Bước 4. Đọc lại bài viết và sửa chữa

Đọc lại toàn bộ bài viết, kiểm tra lại cách diễn đạt, soát lỗi về dùng từ, chính tả…

b) Cách tổ chức, triển khai luận điểm

- Đọc và chỉ ra bố cục của văn bản dưới đây:

QUÊ HƯƠNG TRONG TÌNH THƯƠNG, NỖI NHỚ

Quê hương trong xa cách là cả một dòng cảm xúc dạt dào, lấp lánh suốt đời thơ Tế Hanh. Cái làng chài nghèo ở một vùng cù lao trên sông Trà Bồng nước bao vây cách biển nửa ngày sông đã nuôi dưỡng tâm hồn Tế Hanh, đã trở thành nỗi nhớ da diết để ông viết nên những vần thơ thiết tha, lai láng. Trong dòng cảm xúc ấy, Quê hương là thành công khởi đầu rực rỡ.

Nhà thơ đã viết về Quê hương bằng tất cả tình yêu tha thiết, trong sáng, đầy thơ mộng của mình. Nổi bật lên trong bài thơ là cảnh ra khơi đánh cá của trai làng một sớm mai đẹp như mơ :

Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng

                                    Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.

Tâm hồn nhà thơ náo nức những hình ảnh đầy sức mạnh :

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

                                    Phăng máu chèo, mạnh mẽ vượt trường giang

                                    Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

                                    Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…

Giữa trời nước bao la nổi bật hình ảnh con thuyền hiêng ngang, hăng hái, đầy sinh lực dưới bàn tay điều khiển thành thạo của dân trai tráng đang nhẹ lướt trên sóng qua hình ảnh so sánh như con tuấn mã. Bằng các từ ngữ sinh động, nhà thơ đã khắc hoạ tư thế kiêu hãnh chinh phục sông dài, biển rộng của người làng chài. Lời thơ như băng băng về phía trước, như rướn lên cao bao la cùng với con thuyền, với cánh buồm ! Tế Hanh đã cảm nhận cuộc sống lao động của làng quê bằng cả tâm hồn thiết tha gắn bó nên mới liên tưởng : Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng. Bao nhiêu trìu mến thiêng liêng, bao nhiêu hi vọng mưu sinh của người lao động được gửi gắm ở đấy.

Cảnh đón thuyền đánh cá trở về ồn ào, tấp nập cũng được miêu tả với một tình yêu tha thiết :

Advertisements (Quảng cáo)

Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ

Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.

“Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe”,

Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.

ở đoạn trước, khi tả cảnh ra đi mạnh mẽ vượt trường giang của đoàn thuyền hơi thơ băng băng, phơi phới. Đến đoạn này, âm điệu thơ thư thái và dần lắng lại theo niềm vui no ấm, bình yên của dân làng. Chính từ đây, xuất hiện những câu thơ hay nhất, tinh tế nhất của Quê hương :

Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng,                      

                                    Cả thân hình nồng thở vị xa xăm;

                                    Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm

                                    Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.

Chỉ ai là người con của một vạn chài mới viết được những câu thơ như thế. Tế Hanh như khắc tạc bức tượng đài người dân chài giữa đất trời lộng gió với hình khối, màu sắc và cả hương vị không thể lẫn : bức tượng đài nồng thở vị xa xăm – vị muối mặn mòi của biển khơi, của những chân trời tít tắp mà họ thường chinh phục. Chất muốn mặn mòi ấy thấm vào thân hình người dân chài quê hương, thấm dần trong thớ vỏ chiếc thuyền hay đã thấm sâu vào làn da thớ thịt, vào tâm hồn Tế Hanh để thành niềm cảm xúc bâng khuâng, kỳ diệu ?

Một tâm hồn như thế khi nhớ nhung tất chẳng thể nhàn nhạt, bình thường. Nỗi nhớ quê hương trong đoạn kết đã đọng thành những kỷ niệm ám ảnh, vẫy gọi. Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá – Câu thơ cuối cùng cho ta rõ thêm tâm hồn thiết tha, thành thực của Tế Hanh.

Quê hương của Tế Hanh đã cất lên một tiếng ca trong trẻo, nồng nàn, thơ mộng về cái làng vạn chài từng ôm ấp, ru vỗ tuổi thơ mình. Bài thơ đã góp phần bồi đắp cho mỗi người đọc chúng ta tình yêu quê hương thắm thiết.

(Bài làm của học sinh)

Gợi ý:

Mở bài  (từ đầu cho đến “là thành công khởi đầu rực rỡ.”): Giới thiệu khái quát về tác giả Tế Hanh và bài thơ Quê Hương.

Thân bài (từ “Nhà thơ đã viết về…” cho đến “…thành thực của Tế Hanh.”): Trình bày những cảm nhận, phân tích về tình yêu quê hương tha thiết, trong sáng, thơ mộng của nhà thơ qua bức tranh dân chài ra khơi và cảnh trở về bến cùng những hình ảnh đặc sắc thể hiện nỗi nhớ, tình thương của tác giả.

Kết bài (đoạn còn lại): Khẳng định vẻ đẹp của bài thơ Quê hương và tác dụng bồi đắp tình yêu quê hương cho mỗi người đọc của bài thơ.

- Nhận xét về cách trình bày luận điểm, tổ chức liên kết giữa các phần trong văn bản trên.

Gợi ý:

+ Các luận điểm chính của phần Thân bài:

· Nhận định khái quát: Nhà thơ đã viết về Quê hương bằng tất cả tình yêu tha thiết, trong sáng, đầy thơ mộng của mình.
· Cảnh ra khơi đánh cá của trai làng một sớm mai đẹp như mơ.
· Cảnh đón thuyền đánh cá trở về ồn ào, tấp nập, no ấm, yên bình.
· Hình ảnh người dân chài được khắc hoạ nổi bật giữa đất trời lộng gió với hình khối, màu sắc và cả hương vị không thể lẫn.
· Những kỉ niệm ám ảnh, vẫy gọi.

+ Giữa Mở bài, Thân bài và Kết bài có mối liên kết chặt chẽ cả về nội dung lẫn hình thức.

- Nhận xét về sức thuyết phục, hấp dẫn của văn bản Quê hương trong tình thương nỗi nhớ.

Gợi ý:

+ Bố cục mạch lạc, sáng rõ.

+ Luận điểm được triển khai rõ ràng, từng luận điểm được chứng minh bằng những biểu hiện cụ thể trong bài thơ.

+ Bài văn ngắn gọn, lời lẽ súc tích, thể hiện được rung động, đồng cảm của người viết trước vẻ đẹp và cảm xúc của bài thơ.

II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG

1. Lập dàn bài cho bài văn với đề bài: Phân tích khổ thơ đầu bài Sang thu của Hữu Thỉnh.

Gợi ý: Thực hiện theo trình tự các bước:

- Tìm hiểu đề và tìm ý:

+ Tìm hiểu đề: Vấn đề nghị luận là gì? (khổ thơ đầu bài Sang thu của Hữu Thỉnh). Yêu cầu (mệnh lệnh) làm gì? (phân tích).

+ Tìm ý: Nội dung cảm xúc của bài thơ Sang Thu của Hữu Thỉnh là gì? Nội dung cảm xúc của khổ thơ đầu bài thơ này là gì? Cảm xúc của nhà thơ được gợi lên từ hương vị, đặc điểm gì của thiên nhiên? Khổ thơ có gì đặc sắc về hình ảnh thơ, ngôn từ?

- Lập dàn bài theo bố cục 3 phần: Chú ý xây dựng các luận điểm chính và chứng minh bằng những biểu hiện cụ thể trong khổ thơ.

ở phần Thân bài, có thể triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:

+ Cảm xúc bâng khuâng, vấn vương trước đất trời trong trẻo đang biến chuyển nhẹ nhàng.

+ Cảm nhận tinh tế về hương vị: hương ổi phả vào trong gió se.

+ Hình ảnh sương đầu thu, nhẹ nhàng giăng mắc.

+ Hình ảnh thơ độc đáo được tạo nên bởi những từ ngữ giàu sức gợi cảm: bỗng, phả vào, gió se, chùng chình, hình như.

2. Chủ đề của văn bản sau đây là gì? Hãy nhận xét về bố cục và chỉ ra những luận điểm chính của nó.

ở mỗi người Việt Nam chúng ta, niềm kính yêu, lòng biết ơn Bác Hồ luôn luôn là tình cảm thiêng liêng, sâu sắc. Viếng lăng Bác của Viễn Phương là bài thơ nói lên một cách thiết tha, cảm động tình cảm ấy. Từ mảnh đất miền Nam mấy chục năm trời chiến đấu gian khổ, anh làm một cuộc hành hương về đất Bắc. Bồi hồi xúc động, anh tìm đến viếng Bác ở Ba Đình – Hà Nội.

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam…

Đoạn thơ mở đầu thiêng liêng, thành kính nhưng vẫn gợi một không khí ấm áp, gần gũi, không chỉ ở cách xưng hô mà còn nhờ tác giả đã chọn một hình ảnh rất thân thuộc: cây tre. Nói đến cây tre là ta nghĩ tới đất nước, tới con người Việt Nam với bao đức tính cao quý nhất, trong sáng nhất. Song hình ảnh cây tre mới như một khúc dạo đầu để mở ra một loạt những suy tưởng khác, sâu lắng hơn, mênh mông hơn.

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi…

Vầng trăng… trời xanh… các hình ảnh kì vĩ nối tiếp nhau xuất hiện khiến ta phải suy ngẫm. Ngẫm về cái bất diệt, cái vô cùng của vũ trụ đến cái bất diệt, cái vô cùng cao cả ở một con người.

Bài thơ được viết theo mạch cảm xúc thời gian. Còn đứng trên đất Bắc, tác giả đã phải bịn rịn nghĩ tới lúc chia tay, phải xa nơi Bác nghỉ. Và đây cũng là dòng cảm xúc được đẩy tới mức cao nhất, tuôn trào mạnh mẽ nhất:

Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Câu thơ như lời nói thường, không cần dùng đến kỹ thuật. Giọng thơ không ồn ào. Thế mà đọc lên thấy xúc động. Trước hết bởi cách nói, cách bộc lộ có một cái gì rất Nam Bộ. Chân thành, bộc trực mà không thô. Tác giả thay mặt cho đồng bào miền Nam – những người con ở xa – bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn. Người đọc đồng cảm với anh, bởi nỗi thương nhớ, xót xa, ân hận khi đến trước Bác, nào phải của riêng ai!

Cả cái ước nguyện chân thành ở cuối bài thơ cũng không của riêng người nào:

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

Hình ảnh cây tre lại đến, thật tự nhiên, nhuần nhị để khép bài thơ lại, song không còn là hàng tre – khách thể ở trên mà đã tan hoà vào chủ thể. Nhà thơ nói cho mình, cũng là nói hộ ý nguyện của mỗi chúng ta: muốn được hoá thân làm cây tre trung hiếu, mãi mãi đứng bên Bác.

Viếng lăng Bác giàu chất suy tưởng, chất trữ tình đằm thắm với cách sử dụng nhiều luyến láy trong ngôn ngữ, phong phú âm điệu, khiến bài thơ mau chóng được đông đảo bạn đọc tiếp nhận. Cũng chính vì vậy nó đã sớm được phổ nhạc để trở thành một bài hát giàu sức truyền cảm, quen thuộc với mỗi người chúng ta.

(Theo Đức Thảo, báo Văn nghệ, số 1186,

ngày 26 – 7 – 1985)

Gợi ý: Xác định được chủ đề của văn bản nghĩa là em đã nắm được vấn đề nghị luận. Văn bản này có chủ đề là: Niềm xúc động thiêng liêng, tấm lòng tha thiết, thành kính của tác giả từ miền Nam ra viếng Bác Hồ trong bài thơ Viếng lăng Bác.

Chủ đề nghị luận được triển khai thành các luận điểm:

- Đoạn thơ mở đầu thiêng liêng, thành kính nhưng vẫn gợi một không khí ấm áp, gần gũi, không chỉ ở cách xưng hô mà còn nhờ tác giả đã chọn một hình ảnh rất thân thuộc: cây tre.

- Từ cái bất diệt, cái vô cùng của vũ trụ đến cái bất diệt, cái vô cùng cao cả ở một con người.

- Bài thơ được viết theo mạch cảm xúc thời gian.

- Cách nói, cách bộc lộ có một cái gì rất Nam Bộ chân thành, bộc trực mà không thô.

- Nhà thơ nói cho mình, cũng là nói hộ ý nguyện của mỗi chúng ta.

- Giàu chất suy tưởng, chất trữ tình đằm thắm với cách sử dụng nhiều luyến láy trong ngôn ngữ, phong phú âm điệu.

Các luận điểm được chứng minh bằng những cảm nhận sâu sắc từ những hình ảnh cụ thể trong bài thơ

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn Ngữ văn lớp 9 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)