Trang chủ Lớp 9 Ngữ văn lớp 9 (sách cũ) Phân tích hình ảnh người lính trong bài thơ Bài thơ về...

Phân tích hình ảnh người lính trong bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính. Từ đó em có suy nghĩ gì về người lính trong kháng chiến chống Mĩ? Bài thơ về tiểu đội xe không...

Bài thơ về Tiểu đội xe không kính - Phạm Tiến Duật - Phân tích hình ảnh người lính trong bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính. Từ đó em có suy nghĩ gì về người lính trong kháng chiến chống Mĩ?. Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật đã khắc họa thành công hình ảnh những người lính trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Hình ảnh ấy tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ.

       Trong những năm tháng kháng chiến chống Mĩ cứu nước, hình ảnh những chiến sĩ lái xe vận tải đã “để thương để nhớ” cho tâm tưởng nhà thơ tài hoa Phạm Tiến Duật. Bởi vậy nên dẫu chẳng một ngày làm lính lái xe nhưng những trang thơ Phạm Tiến Duật luôn ầm ì tiếng động cơ chạy máy và giòn tan tiếng cười nói của những chàng lính lái xe “trẻ măng tơ”! Người đọc khó có thể quên những chàng trai ngang tàng, tinh nghịch nhưng đầy lí tưởng ấy trong bài thơ "Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.

        Bài thơ ra đời năm 1969, khi mà cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đang bước vào những năm tháng khốc liệt nhất. Con đường Trường Sơn đã được khai phá để từng dòng người, dòng xe ngày đêm chi viện cho miền Nam ruột thịt. Trên những dặm đường loang lổ hố bom, trên những đèo cao trập trùng, hiểm trở... dù ở đâu trên con đường huyền thoại ấy cũng hiện lên hình ảnh những anh lính lái xe vững vàng tay lái. Họ đến với chiến trường từ những giảng đường đại học, từ những mái trường phổ thông còn vương những cánh phượng rơi. Tâm hồn họ phơi phới tuổi xuân và những lí tưởng đẹp đẽ của tuổi trẻ. Trở thành những anh lính lái xe, họ đã làm vui, làm đẹp, làm vững chắc hơn cho con đường huyết mạch của cuộc kháng chiến.

Các anh tự giới thiệu về những người bạn đường thủy chung gắn bó của mình:

              “Không có kính không phải vì xe không có kính

              Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi”…

         Câu thơ làm hiện lên trước mắt người đọc một hình ảnh lạ lùng: Những chiếc xe không kính. Mặt khác, lời giải thích của tác giả về những chiếc xe đặc biệt ấy cũng rất đỗi chân thực đến gần như là lột trần ra một chiếc xe đã bị phá huỷ bởi "bom giật, bom rung” - những động từ mạnh làm nổi bật hình ảnh và ý thơ. Hai câu thơ thật tự nhiên, không có hình ảnh hoa mĩ, tráng lệ, không có hình ảnh tượng trưng, giọng thơ có chút gì đó ngang tàng tạo nên điểm khởi đầu đầy ấn tượng cho bài thơ. Càng lạ lùng hơn nữa là hình ảnh chủ nhân những chiếc xe kì lạ ấy:

                   “Ung dung buồng lái ta ngồi

                   Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”…

         Với các anh, sự lạ đối với mọi người lại trở thành sự thường trong đời sống. “Bom giật, bom rung” để lại thương tích loang lổ trên xe nhưng lại chẳng mảy may nhìn thấy dấu hiệu của tàn phá trên dáng hình người chiến sĩ. Họ "ung dung” ngồi, “nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”. Sự khốc liệt của chiến tranh không khiến con người bị thui chột về tâm hồn và ý chí. Là những con người như lời đề trên bức tường kỉ niệm chiến thắng phát xít Đức của Hồng quân Liên Xô: “Nơi đây mọi sắt thép đều tan chảy chỉ con người là vững vàng đi qua”. Câu thơ ngắn, nhanh, điệp từ "nhìn” lặp lại tạo nên tiết tấu hết sức sinh động.

       Rồi trên con đường thần thánh ấy, các anh còn “nhìn thấy” bao điều khác nữa:

          “Nhìn thấy gió xoa vào mắt đắng

           Thấy con đường chạy thẳng vào tim

           Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

           Như sa, như ùa vào buồng lái”…

         Bởi xe “không có kính” nên có quá nhiều bất tiện: “gió xoa vào mắt đắng” nhưng cũng bởi không có kính nên nhiều khi ngồi trong ca bin người lính được đón nhận những cảm giác thật lạ lùng: “Thấy con đường chạy thẳng vào tim /Thấy sao trời và đột ngột cánh chim / Như sa, như ùa vào buồng lái”. Hình ảnh thơ rất táo bạo và khỏe khoắn thể hiện tâm hồn trẻ trung, mạnh mẽ nhưng không kém phần mơ mộng của những chàng lính lái xe.

       Khi chiếc xe đã bị phá huỷ, nát tan đến như vậy thì biết bao khó khăn đã nảy sinh cũng chỉ vì "không có kính”

                  Không có kính, ừ thì có bụi

                 Bụi phun tóc trắng như người già

Và:

                 Không có kính, ừ thì ướt áo

                Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời.

Advertisements (Quảng cáo)

      Thế nhưng, "không có kính” thì tác giả lại "có bụi” rồi có "mưa tuôn, mưa xối”. Cấu trúc thơ lặp đi lặp lại - "ừ thì” - đã làm toát lên thái độ bất chấp, không hề run sợ, coi thường mọi khó khăn. Câu thơ như vang lên tiếng cười vui vẻ, các anh cười để lạc quan yêu đời, để phớt lờ mọi khó khăn, cười để động viên mình, và động viên đồng đội. Và niềm lạc quan ấy còn được thể hiện bằng hành động.

               Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc

              Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.

Và :

              Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa

             Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.

       Giọng thơ âm vang rộn rã, tràn đầy sức sống sôi nổi của tuổi mười tám, đôi mươi. Những người lính trẻ ấy thật kiên cường và trẻ trung, hóm hỉnh. Không chỉ vậy, họ còn là những người đồng chí gắn bó keo sơn, khăng khít:

            Những chiếc xe từ trong bom rơi

            Đã về đây họp thành tiểu đội

            Bạn bè gặp nhau suốt đường đi tới

            Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi

        Những con người ấy vốn dĩ không hề quen biết! Vậy mà giờ đây, trong gian khổ, họ thân thiết gắn bó, chào nhau như những người bạn đã quen. Và rồi, kỉ niệm như ùa về trong tâm trí nhà thơ. Có lẽ vì ông cũng là một người lính nên ông thấu hiểu, đồng cảm tình đồng đội, đồng chí:

            Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời

            Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy

 "Gia đình” - hai tiếng thân thương gợi hình ảnh những con người cùng huyết thống. Họ, những người lính Trường Sơn ấy, cũng mang trong mình dòng máu nóng - dòng máu sôi sục khát vọng giải phóng miền Nam, giải phóng đất nước.

         Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

         Chỉ cần trong xe có một trái tim

         Tuy chiếc xe có bị phá huỷ, nát tan đến mức nào, dù gian khổ khó khăn bao nhiêu, nhưng "chỉ cần trong xe có một trái tim” - Đúng vậy! Chính tình yêu Tổ quốc đã cầm lái, đã là động lực thúc đẩy, giúp những người lính có thêm sức mạnh trước mỗi khó khăn. Lời thơ nhẹ nhàng như một lời khẳng định chắc nịch, gọn ghẽ. Câu thơ kết của bài thơ có lẽ là câu thơ hay nhất, vừa kết lại sức mạnh của con người chính là ở tình yêu, tình yêu Tổ quốc, tình thương đồng bào và tình yêu hoá thành ý chí - kiên cường và vững bền. Nhưng đồng thời, nó cũng mở ra, gợi ra cánh cửa ánh sáng: Miền Nam, nơi mà đồng bào đang trông ngóng cách mạng trong từng khoảnh khắc.

      Bài thơ có giọng điệu phóng khoáng, ngang tàng như tâm hồn chàng trai tuổi đôi mươi. Phạm Tiến Duật đã không phải dụng công gọt giũa ngôn từ, nhiều câu thơ trong bài thơ như lời nói hàng ngày nhưng chính sự giản dị, chân thành của cảm xúc đã làm nên những câu thơ lôi cuốn người đọc. Ngoài ra còn phải kể đến nhiều hình ảnh thơ táo bạo, giàu sức gợi tả cùng các điệp từ, điệp ngữ.

       “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật đã khắc họa thành công hình ảnh những người lính trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Hình ảnh ấy tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ. Chiến trường ác liệt, hiểm nguy mà tâm hồn các anh, các chị vẫn ngời ngời sự lạc quan, trẻ trung, yêu đời. Nhưng trên hết vẫn là tấm lòng yêu mến, thiết tha với đồng đội, với đất nước, vẻ đẹp tâm hồn cao quý gieo vào lòng người đọc niềm tin yêu, sự trân trọng, cảm phục và lời nguyện cầu tiếp bước. Khi xưa các anh các chị “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” thì hôm nay thế hệ trẻ sẽ “chuẩn bị hành trang” đầy đủ để đưa đất nước tiến “vào thế kỉ mới” phát triển, sôi động và đầy thách thức.

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn Ngữ văn lớp 9 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)