Trang chủ Lớp 9 Ngữ văn lớp 9 (sách cũ) Phân tích khổ thơ trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của...

Phân tích khổ thơ trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải:Ta làm con chim hót Dù là khi tóc bạc: Đây là những câu thơ giản dị và dạt dào xúc động - những câu thơ hay nhất...

Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải - Phân tích khổ thơ trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải:Ta làm con chim hót… Dù là khi tóc bạc.. Đây là những câu thơ giản dị và dạt dào xúc động - những câu thơ hay nhất của bài, vừa chứa chan cảm xúc vừa đậm đà ý vị triết lí.

Trước mùa xuân lớn của đất nước, nhà thơ tâm niệm về mùa xuân riêng mỗi cuộc đời và dạt dào một khát vọng hiến dâng.

                                                      Ta làm con chim hót  

                                                      Ta làm một cành hoa

                                                      Ta nhập vào hòa ca

                                                      Một nốt trầm xao xuyến

                                                      Một mùa xuân nho nhỏ

                                                      Lặng lẽ dâng cho đời

                                                      Dù là tuổi hai mươi

                                                      Dù là khi tóc bạc.

Nhà thơ nguyện ước làm con chim hót trong giọng hót của muôn chim dâng cho đời tiếng ca vui, làm bông hoa trong hương sắc của muôn hoa, làm nốt trầm xao xuyến trong bản hòa tấu muôn điệu, muôn lời ca, làm một mùa xuân nho nhỏ đế hòa góp vào mùa xuân chung lớn lao của đất nước. Đó là khát vọng sống hòa nhập vào cuộc sống của đất nước, cống hiến phần tốt đẹp dù nhỏ bé của mình cho cuộc đời chung - một quan niệm sống đẹp và đầy trách nhiệm. Điều tâm niệm ấy lại được thể hiện một cách chân thành trong những hình ảnh đẹp của tự nhiên và đến một cách tự nhiên trong mạch cảm xúc của bài thơ. Trước mùa xuân, nhà thơ muốn biến cuộc đời mình thành hương sắc, tiếng ca để hòa góp cùng mùa xuân. Những hình ảnh của mùa xuân (chim, hoa) lặp lại nhưng đã chuyển nghĩa để nói về mùa xuân của lí tưởng, khát vọng, gợi ấn tượng đậm nét và còn mang ý nghĩa: niềm mong muốn được sống có ích, cống hiến cho đời cũng là lẽ tự nhiên như con chim mang đến tiếng hót, bông hoa cho sắc hương, như Tố Hữu từng viết:

                                                   Nếu là con chim, chiếc lá

Advertisements (Quảng cáo)

                                                   Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh

                                                   Lẽ nào vay mà không có trả

                                                   Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình.

Nhà thơ ý thức được vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong xã hội. Sự đóng góp của mỗi người chỉ là một nét nhỏ, một chi tiết nhỏ giữa cuộc đời lớn lao. Nhưng đó là những gì cao đẹp, tinh túy nhất của chính mình cho cuộc đời. Đất nước là một bản hòa ca và nhà thơ nguyện là một nốt trầm xao xuyến” trong hòa ca. Ý tưởng của nhà thơ kết đọng nhất trong hình ảnh

      “Một mùa xuân nho nhỏ

  Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc”.

“Mùa xuân nho nhỏ” là một sáng tạo bất ngờ, độc đáo mà rất hợp lí, tự nhiên của nhà thơ. Nhiều người đã gắn mùa xuân với những định ngữ khác nhau như: mùa xuân chín (Hàn Mặc Tử), mùa xuân xanh (Nguyễn Bính), xuân hồng (Xuân Diệu)... Còn Thanh Hải lại nói "mùa xuân nho nhỏ”. “Mùa xuân” vốn là khái niệm thời gian, lại “nho nhỏ”. Nó gợi một mùa xuân cụ thề trong hình ảnh bông hoa, tiếng chim, nhưng chủ yếu là một ẩn dụ nói về một khát vọng, một lẽ sống cao đẹp, một ý thức khiêm nhường. Làm một mùa xuân là sống đẹp, giữ mãi sức xuân để cống hiến, cống hiến khi ở tuổi thanh xuân - tuổi hai mươi và cả khi không còn ở tuổi thanh xuân nữa, khi tóc bạc, bất chấp thời gian, tuổi tác. Mỗi người chỉ là “mùa xuân nho nhỏ” thôi, mùa xuân lớn thuộc về đất trời, đất nước. Đây không chỉ là khát vọng của mỗi con người mà còn là khát vọng của mọi lớp người, mọi lứa tuổi, tất cả đều phấn đấu không mệt mỏi cho đất nước. Điệp ngữ “Dù là”.khẳng định mạnh mẽ khát vọng ấy. Và cống hiến với tất cả sự khiêm tốn, thiết tha, trân trọng “Lặng lẽ dâng”. Chủ thể trữ tình từ chỗ “hứng” từng giọt long lanh (đón nhận), đến chỗ “nhập” vào hòa ca “một nốt trầm xao xuyến” (hoà nhập) đến “dâng cho đời” (cống hiến). Đó là sự phát triển tự nhiên, hợp lí của cảm xúc. Từ chỗ xưng “tôi” khi bộc lộ cảm hứng trữ tình trước mùa xuân giờ chuyển sang xưng “ta” và ẩn đi trong hình ảnh thơ ("Một mùa xuân nho nhỏ...”) cũng là phù hợp để nói lên ước nguyện cao đẹp chung cúa nhiều người, mọi người những con người chân chính và nó mang sắc thái trang trọng, thiêng liêng của một lời nguyện ước. Các điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc câu tạo nên nhịp thơ liền mạch, sôi nổi, trẻ trung diễn tả những tình cảm, khát vọng dâng trào, mãnh liệt.

Những câu thơ này không chỉ là lời tự dặn mình mà còn như một sự tổng kết, đánh giá của tác giả về cuộc đời mình - một cuộc đời đã hiến dâng trọn vẹn cho đất nước. Trong những năm chiến tranh ác liệt, Thanh Hải bám trụ ở quê hương, cầm súng, cầm bút, trọn đời cống hiến cho cách mạng và thơ ca. Đến khi kề bên cái chết, ông vẫn khát khao cống hiến và chỉ nói đến cống hiến. Vượt lên đau đớn của bệnh tật, Thanh Hải vẫn sáng lên một bản lĩnh, một tình yêu cuộc sống mãnh liệt, một khát vọng đẹp đẽ được cống hiến cả cuộc đời mình, được hóa thân vào mùa xuân đất nước. Đây là những câu thơ giản dị và dạt dào xúc động - những câu thơ hay nhất của bài, vừa chứa chan cảm xúc vừa đậm đà ý vị triết lí.

 

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn Ngữ văn lớp 9 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây: