Trang chủ Lớp 9 Ngữ văn lớp 9 (sách cũ) Soạn bài Cảnh ngày xuân (Trích Truyện Kiều) Nguyễn Du – Văn...

Soạn bài Cảnh ngày xuân (Trích Truyện Kiều) Nguyễn Du - Văn 9...

Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều - Nguyễn Du) - Soạn bài Cảnh ngày xuân (Trích Truyện Kiều) Nguyễn Du. I. KIẾN THỨC CƠ BẢN 1. Bốn câu thơ đầu gợi lên khung cảnh mùa xuân tươi đẹp, trong sáng:

 Gợi tả không gian và thời gian:

Ngày xuân con én đưa thoi,

Thiều quan chín chục đã ngoài sáu mươi.

- Hình ảnh thiên nhiên:

Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Nền cảnh của bức tranh thiên nhiên được hoạ nên bởi màu xanh non, tươi mát của thảm cỏ trải ra bao la. Trên nền xanh tươi, trong trẻo ấy điểm xuyết sắc trắng tinh khôi của vài bông hoa lê. Chữ điểm có tác dụng gợi vẻ sinh động, hài hoà. Tác giả sử dụng bút pháp hội hoạ phương Đông: chấm phá, lấy tĩnh tả động.

2. Khung cảnh lễ hội trong tiết Thanh Minh được gợi tả trong tám câu thơ tiếp:

- Phong tục tảo mộ (viếng mộ, sửa sang phần mộ của người thân) và du xuân (hội đạp thanh);

- Không khí rộn ràng của lễ hội mùa xuân được gợi lên bởi hàng loạt các từ ghép tính từ, danh từ, động từ:

+ Từ ghép danh từ: yến anh, chị em, tài tử, giai nhân;

+ Từ ghép động từ: sắm sửa, dập dìu;

+ Từ ghép tính từ: gần xa, nô nức.

3. Ở sáu câu thơ cuối là cảnh chị em Kiều du xuân trở về. Bên cạnh vẻ thanh thoát, dịu nhẹ của mùa xuân như ở những câu thơ trước, khung cảnh mùa xuân đến đây đã mang một sắc thái khác với bức tranh lễ hội rộn ràng, nhộn nhịp:

Advertisements (Quảng cáo)

Tà tà bóng ngả về tây,

Chị em thơ thẩn dan tay ra về.

Bước lần theo ngọn tiểu khê,

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.

Nao nao dòng nước uốn quanh,

Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

- Khung cảnh toát lên vẻ vương vấn khi cuộc du xuân đã hết;

- Các từ tà tà, thơ thẩn, thanh thanh, nao nao, nho nhỏ vừa gợi tả sắc thái cảnh vật vừa gợi ra tâm trạng con người. Dường như có cái gì đó đang mơ hồ xâm lấn, cảnh vật đã nhuốm sắc thái vương vấn, man mác của tâm trạng con người.

- Đến những câu thơ cuối đoạn trích này, sự chuyển biến dù nhẹ nhàng của cảnh vật và tâm trạng con người cũng đủ tạo ra dự cảm về những sự việc sắp xảy ra.

4. Đoạn trích Cảnh ngày xuân có bố cục cân đối, hợp lí. Mặc dù không thật rõ ràng nhưng cũng có thể nói đến kết cấu ba phần: mở đầu, diễn biến và kết thúc. Nguyễn Du đã cho thấy một nghệ thuật miêu tả thiên nhiên điêu luyện, sắc sảo. Trong đoạn trích, mặc dù chủ yếu là miêu tả cảnh ngày xuân nhưng vẫn thấy sự kết hợp với biểu cảm và tự sự (diễn biến cuộc tảo mộ, du xuân của chị em Thúy Kiều, dự báo sự việc sắp xảy ra).

II. RÈN LUYỆN KỸ NĂNG

1. Đây là đoạn tả cảnh ngày xuân trong tiết Thanh minh và cảnh du xuân của chị em Thuý Kiều.

2. Trong đoạn thơ, có nhiều điển tích, điển cố, từ ít thông dụng. Cần đọc kĩ các chú thích trước khi tìm hiểu giá trị nghệ thuật và nội dung.

3. Đọc đoạn thơ bằng giọng miêu tả xen kể chuyện.

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn Ngữ văn lớp 9 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)