Đồng Nhân có Đồng Nhàn Châu (Châu: bãi) và Đồng Nhân xóm Chùa, hai làng vốn cùng một cội nguồn, nằm sát hữu ngạn sông Hồng, nay thuộc quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Đồng Nhân có đền thờ hai vị nữ anh hùng dân tộc là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Lễ hội Đồng Nhân có đã lâu dời, diễn ra trong 3 ngày từ mùng 4 đến mùng 6 tháng Hai âm lịch hằng năm.
Ngày mùng 4 làm lễ tiên cáo.
Ngày mùng 5 làm lễ chính tịch có lễ rước nước và tế lễ.
Sáng sớm mùng 5, dẫn đầu đám rước đông hàng nghìn người, các bô lão và chủ tế đưa thuyền ra giữa sông Hồng lấy nước đổ vào 2 cái chóe bằng sứ đem về đền để tắm tượng và dâng cúng. Hai bà lão đức hạnh nhất làng được cắt cử ra tắm tượng và thay áo mới cho tượng; số nước còn lại dùng dâng cúng suốt năm.
Advertisements (Quảng cáo)
Tắm tượng xong thì tế lễ: dâng hương. Nến thắp sáng lung linh hàng trăm ngọn. Tiếng chiêng trống nổi lên trầm hùng. Lễ múa đèn diễn ra tưng bừng như lễ đăng quang của Hai Bà tại Mê Linh nghìn năm về trước. Đội múa đèn có 10 thiếu nữ mặc áo dài đen thắt lưng đỏ ở ngoài áo, múi buộc chéo cạnh sườn. Đèn là một cái đài chung quanh có dán những cánh hoa giấy rực rỡ. Giữa đèn là một ngọn nến đang cháy. Thiếu nữ múa đèn hai tay cầm hai đèn, lượn qua lượn lại, đi vòng đi chéo xung quanh bàn thờ, nhịp nhàng theo chiêng trống. Có lúc họ chụm lại rồi chia thành hàng đôi đối diện nhau trước bàn thờ. Ánh lửa nến lung linh làm cho đôi má thiếu nữ hồng lên thật đẹp.
Dẫn đầu đội múa đèn là một chàng trai đóng giả gái đựợc hóa trang rất khéo, thường gọi là “con đĩ đánh bồng”, vai đeo một cái trống cơm, vừa đi vừa vỗ vào mặt trống giữ nhịp, dáng điệu mềm mại ẻo lả, cảnh múa đèn thêm rộn ràng, linh hoạt.
Lễ múa đèn làm cho lễ hội Đồng Nhân mang màu sắc lịch sử hào hùng, cổ kính và thiêng liêng.
Ngày mùng 6 tháng 3 hàng nghìn người dân làng Đồng Nhân cùng với dân các làng kết nghĩa như Phụng Công, An Duyên làm lễ kết thúc hội và đóng cửa đền. Chén rượu mừng xuân mừng các bô lão trăm tuổi, xóm làng yên vui, hạnh phúc, thái bình. Cuộc đánh cờ người diễn ra đến chiều tối.