1. Nền văn học Việt Nam được hợp thành từ hai bộ phận lớn nào ? Sự phân biệt và mối quan hệ giữa hai bộ phận ấy như thế nào ?
Đọc lại mục I ở phần A - Nhìn chung về nền văn học Việt Nam (Bài 34) để trả lời câu này.
2. Văn học dân gian có những đặc điểm chính nào ? Hãy làm rõ từng đặc điểm qua những ví dụ cụ thể.
Những đặc điểm chính của văn học dân gian : tính tập thể, tính truyền miệng và tính dị bản. Em minh hoạ những đặc điểm này bằng những ví dụ cụ thể.
3. Hãy chỉ ra ảnh hưởng của văn học dân gian đến văn học viết qua trường hợp một số bài thơ trung đại hoặc hiện đại (chú ý các yếu tố : tứ thơ, hình ảnh, ngôn ngữ, thể thơ).
Có thể lấy những bài thơ sau đây để chứng minh ảnh hưởng của văn học dân gian đến văn học viết: Bánh trôi nước (Hồ Xuân Hương), Bạn đến chơi nhà (Nguyễn Khuyến), Đêm nay Bác không ngủ (Minh Huệ), Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải), Con cò (Chế Lan Viên).
4. Về mặt văn tự, bộ phận văn học viết trong văn học Việt Nam đã được ghi bằng những văn tự nào ? Với mỗi loại văn tự, hãy nêu tên một số tác phẩm đã học được ghi bằng văn tự đó. Nêu thời điểm xuất hiện và giai đoạn phát triển mạnh của sáng tác bằng từng loại văn tự.
Đọc lại điểm 2 mục I của phần A - Nhìn chung về nền văn học Việt Nam để trả lời câu này.
5. Tinh thần yêu nước là một truyền thống lớn trong văn học Việt Nam. Hãy nêu những biểu hiện nổi bật của tinh thần yêu nước trong những tác phẩm tiêu biểu của văn học trung đại đã học ở chương trình THCS.
Tập trung phân tích tinh thần yêu nước ở các văn bản : Sông núi nước Nam (tương truyền của Lí Thường Kiệt), Phò giá về kinh (Trần Quang Khải), Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi), Hồi thứ mười bốn của Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái), cần nêu được các khía cạnh sau :
- Ý thức khẳng định chủ quyền dân tộc (lãnh thổ, lịch sử, văn hoá...) ;
- Lòng tự hào dân tộc (truyền thống lịch sử, các anh hùng hào kiệt) ;
- Nêu cao tinh thần chiến đấu chống xâm lược, lòng căm thù giặc, chủ nghĩa anh hùng, tinh thần hi sinh vì nền độc lập ;
Advertisements (Quảng cáo)
- Lòng yêu nước cũng đi liền với tinh thần yêu chuộng hoà bình, mong muốn xây dựng đất nước bền vững, phồn vinh, thịnh trị.
6. SGK Ngữ văn 9, tập hai, trang 191 có nhận định : “Tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc lại sôi nổi, mạnh mẽ, thiết tha hơn bao giờ hết trong thơ văn chống Pháp xâm lược ở nửa cuối thế kỉ XIX, trong văn học yêu nước và cách mạng nửa đầu thế kỉ XX, đặc biệt là trong văn học của hai thời kì kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ”. Hãy chứng minh nhận định trên bằng việc phân tích nội dung yêu nước trong một số tác phẩm tiêu biểu đã được học, thuộc các giai đoạn văn học ấy.
Văn học yêu nước nửa cuối thế kỉ XIX không có tác phẩm nào được đưa vào chương trình, vì vậy nên tập trung phân tích nội dung yêu nước trong bộ phận văn học yêu nước và cách mạng nửa đầu thế kỉ XX và giai đoạn 1945 -1975. Chú ý đối sánh với nội dung yêu nước trong thời kì văn học trước để thấy được sự thống nhất và những điểm phát triển mới. Ví dụ, trong thơ văn của các chí sĩ cách mạng hồi đầu thế kỉ XX, ý chí sôi sục cứu nước đi liền với mong muốn canh tân đất nước, đánh đổ thế lực phong kiến đã trở thành công cụ của chủ nghĩa thực dân, đưa đất nước hoà nhập và tiến kịp với trào lưu chung của thế giới. Còn trong văn học cách mạng vô sản thì mục tiêu cứu nước đi liền với lí tưởng xã hội chủ nghĩa. Nội dung yêu nước trong văn học giai đoạn 1945 -1975 lại càng phong phú, sâu sắc với mọi biểu hiện đa dạng và gắn chặt với tư tưởng nhân dân, chủ nghĩa anh hùng, tinh thần lạc quan.
7. Hãy phân tích tư tưởng nhân đạo được thể hiện qua hình tượng nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ.
Các ý chính cần phân tích :
- Sự cảm thông, xót xa với số phận đau khổ, oan trái của người phụ nữ trong xã hội phong kiến và khát vọng về hạnh phúc gia đình ở họ.
- Khẳng định, ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp ở người phụ nữ : lòng thuỷ chung, coi trọng đạo lí và tình nghĩa, hết lòng vì cha mẹ, chồng con.
- Thể hiện mong ước chiêu tuyết cho người phụ nữ để họ được an ủi và tôn vinh ở một thế giới khác.
8. Tư tưởng nhân đạo trong tiểu thuyết Tắt đèn (Ngô Tất Tố), truyện ngắn Lão Hạc (Nam Cao) có những gì sâu sắc và nổi bật ?
Văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930 -1945 đã kế tục và phát triển tinh thần nhân đạo trong truyền thống văn học dân tộc, ở một hoàn cảnh mới.
Điểm nổi bật của tư tưởng nhân đạo trong Tắt đèn không chỉ là lên án sự bất công và tàn bạo của bộ máy cai trị thực dân, phong kiến đối với người nông dân mà còn chính là ở sự khẳng định, đề cao với tất cả lòng yêu mến, trân trọng những phẩm chất tốt đẹp, sức sống và sự phản kháng mạnh mẽ của một người phụ nữ nông dân. Còn ở truyện ngắn Lão Hạc lại là ý thức sâu sắc về nhân cách, là nỗi đau xót trước tình cảnh bị dồn đến đường cùng của người nông dân và cái chết thê thảm của họ như một sự lựa chọn duy nhất để bảo toàn nhân cách.