Trang chủ Lớp 9 SBT Ngữ Văn lớp 9 (sách cũ) Cách làm bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo...

Cách làm bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí trang 31 SBT Văn 9...

Giải câu 1, 2 trang 31 SBT Ngữ Văn 9 tập 2. Theo em, đoạn văn trên đây bàn về một tư tưởng, đạo lí hay một sự việc, hiện tượng đời sống ? Đoạn văn bàn về vấn đề gì ? Trong đoạn văn này, tác giả đã vận dụng các phép lập luận gì ?. Soạn bài Cách làm bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí SBT Ngữ Văn 9 tập 2 - Soạn bài Cách làm bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí

1. Trong các đề bài sau đây, có những loại đề nào thuộc dạng đề nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí ? Đề nào thuộc dạng đề nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống ?

     Đề 1. Những lời khuyên của em đối với người bạn mới hút thuốc lá.

     Đề 2. Bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy.

     Đề 3. Suy nghĩ của em khi gặp một chú thương binh bị hỏng hai mắt.

     Đề 4. Đức tính trung thực.

     Đề 5. Tinh thần tự học.

     Đề 6. Suy nghĩ của em khi gặp người bạn cùng tuổi phải bỏ học đi bán báo, đánh giày kiếm sống.

     Đề 7. Lòng biết ơn thầy (cô) giáo.

     Đề 8. Đức tính khiêm nhường.

     Đề 9. Những con người trong Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.

   Bài tập nêu lên hai dạng đề lớn là nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Trong nghị luận xã hội có hai dạng nhỏ : nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống và nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí. Em cần xem lại định nghĩa và đặc điểm của các dạng đề nghị luận này để xác định cho đúng.

Advertisements (Quảng cáo)

2. Đọc đoạn văn sau đây và trả lời câu hỏi nêu ở dưới.

    "Bây giờ, người ta nói nhiều đến trình độ văn minh, nói nhiều đến dân chủ, đến công bằng, chứ ít nghe thấy mấy chữ hi sinh. Thời chiến, mấy chữ đức hi sinh quả là nổi lên hàng đầu. Năm 2005, cả nước kỉ niệm 30 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thông nhất đất nước. Năm này cũng là 40 năm tròn kỉ niệm phong trào Ba sẵn sàng. Phong trào ấy thoạt đầu do các chị phụ nữ trẻ, những người vợ trẻ ở huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây khởi xướng với tên gọi phong trào Ba đảm nhiệm. Chữ ấy hay, ngầm chứa nhiều nhiệt huyết nhưng vẫn ở thế thụ động. Đảm nhiệm là làm thay người khác. Sau đó, có sự gợi ý của Bác Hồ kính yêu, phong trào được đổi tên thành Ba đảm đang, mang tính chủ động tích cực nhiều. Đây chưa phải là phong trào của tuổi trẻ nói chung mà là phong trào của phụ nữ, phần đông là phụ nữ trẻ. Các nữ quân nhân, các nữ thanh niên xung phong cũng ra đi chiến đấu từ phong trào này. Bộ phận ngỡ là thụ động, ngỡ là yếu đuối nhất của cộng đồng là phụ nữ đã bật dậy thành phái mạnh, phái chủ động. Hàng triệu phụ nữ đã trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Người ta đã nói nhiều đến sự hi sinh như sự hi sinh của 10 cô gái Đồng Lộc. Đấy mới chỉ là các tấm bia tượng trưng. Phải nói tới hàng vạn nữ chiến sĩ, nữ thanh niên xung phong và dân công hoả tuyến mãi mãi không trở về. Đấy mới chỉ là sự hi sinh thân mình. Còn phải nói tới sự hi sinh không tên không tuổi : hi sinh cả nước da hồng, cả thì sinh nở. Và nhiều người hi sinh cả chức phận làm vợ, làm mẹ. Hàng triệu người ở lứa tuổi 50, 60 bây giờ đã để lại toàn bộ tuổi trẻ của mình ở mặt trận.”

(Theo Phạm Tiến Duật, báo Nhân dân điện tử)

   Câu hỏi:

   a) Theo em, đoạn văn trên đây bàn về một tư tưởng, đạo lí hay một sự việc, hiện tượng đời sống ? Đoạn văn bàn về vấn đề gì ? Trong đoạn văn này, tác giả đã vận dụng các phép lập luận gì ?

   b) Những câu văn nào thể hiện được ý kiến riêng độc đáo của người viết ?

 

   Từ Việc tìm hiểu các đề văn nêu trong bài tập 1 ở trên, vận dụng vào bài tập 2 để xác định đoạn văn cụ thể thuộc dạng nghị luận xã hội nào.

   a) Vấn đề chính người viết nêu lên, bàn bạc trong đoạn văn là một hiện tượng xã hội thể hiện chủ nghĩa anh hùng. Hiện tượng xã hội ở đây là người phụ nữ vốn thuộc phái yếu trong cộng đồng đã bật dậy thành phái mạnh và đức hi sinh là nền tảng chủ nghĩa anh hùng của họ. Để làm nổi bật hiện tượng đó, tác giả đã sử dụng các phép lập luận : đối lập (hiện tại và thời chiến), giải thích (phong trào Ba đảm đang), phân tích theo lối tăng cấp (về các cung bậc hi sinh, chết là hi sinh cao nhất. Nhưng sống để chịu đựng mâ’t mát suốt đời cũng là một hi sinh hết sức to lớn. Đất nước hoà bình rồi họ vẫn tiếp tục hi sinh).

   b) Bàn về đức hi sinh, tác giả đã có những ý kiến rất độc đáo và sâu sắc : cần phải hiểu sự hi sinh một cách toàn diện và sâu sắc hơn. Ý kiến ấy thể hiện trong những câu cuối của đoạn văn trên : “Người ta đã nói nhiều đến sự hi sinh như sự hi sinh của 10 cô gái Đồng Lộc. Đấy mới chỉ là các tấm bia tượng trưng. Phải nói tới hàng vạn nữ chiến sĩ, nữ thanh niên xung phong và dân công hoả tuyến mãi mãi không trở về. Đấy mới chỉ là sự hi sinh thân mình. Còn phải nói tới sự hi sinh không tên không tuổi : hi sinh cả nước da hồng, cả thì sinh nở. Và nhiều người hi sinh cả chức phận làm vợ, làm mẹ. Hàng triệu người ở lứa tuổi 50, 60 bây giờ đã để lại toàn bộ tuổi trẻ của mình ở mặt trận.”

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn SBT Ngữ Văn lớp 9 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây: