Trang chủ Lớp 9 SBT Ngữ Văn lớp 9 (sách cũ) Soạn bài Viếng lăng Bác: Phân tích hình ảnh hàng tre bên...

Soạn bài Viếng lăng Bác: Phân tích hình ảnh hàng tre bên lăng Bác được miêu tả trong khổ đầu...

Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 36 SBT Ngữ Văn 9 tập 2. Viết một đoạn văn bình giảng khổ thơ 2 hoặc 3 của bài Viếng lăng Bác.. Soạn bài Viếng lăng Bác SBT Ngữ Văn 9 tập 2 - Soạn bài Viếng lăng Bác

1. Câu mở đầu bài thơ : Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác và thời gian sáng tác ghi ở cuối bài thơ (4 - 1976) cho em biết thêm được điều gì về hoàn cảnh sáng tác bài thơ và tâm trạng của tác giả ?

   Bài thơ được viết vào tháng 4 năm 1976, một năm sau ngày giải phóng miền Nam, đất nước vừa được thống nhất. Đó cũng là khi lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa được hoàn thành, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của nhân dân cả nước là được đến viếng Bác. Tác giả là một người con của miền Nam, suốt ba mươi năm hoạt động và chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ xa xôi. Cũng như đồng bào và chiến sĩ miền Nam, nhà thơ mong mỏi được ra thăm Bác và chỉ đến lúc này, khi đất nước đã thống nhất, ông mới có thể thực hiện được ước nguyện ấy. Câu mở đầu bài thơ : “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác” như một câu nói với Bác, xưng “con” thân thiết, yêu kính. Câu thơ ấy cho thấy hoàn cảnh và tâm trạng xúc động, thành kính của tác giả khi lần đầu được ra viếng lăng Bác.

2. Phân tích hình ảnh hàng tre bên lăng Bác được miêu tả trong khổ đầu của bài thơ. Hình ảnh ấy gợi ra những ý nghĩa gì ? Việc tác giả nhắc lại chi tiết cây tre trong câu thơ cuối bài có ý nghĩa gì ?

   Cảnh vật đầu tiên mà nhà thơ nhìn thấy ở bên lăng Bác là hàng tre bát ngát. Với hình ảnh hàng tre, lăng Bác trang nghiêm bỗng trở nên thật gần gũi, thân thuộc như mọi xóm làng Việt Nam. Và hàng tre cũng chính là một biểu trưng cho đất nước, dân tộc : “... hàng tre xanh xanh Việt Nam - Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”. Những câu thơ ở khổ thơ này không chỉ dừng lại ở việc tả khung cảnh quanh lăng Bác với hàng tre có thật mà còn gợi ra những ý nghĩa sâu xa. Đến với Bác, chúng ta gặp được hình ảnh của dân tộc và nơi Bác yên nghỉ đời đời cũng xanh mát bóng tre của làng quê Việt Nam.

   Chi tiết cây tre được nhắc lại ở câu thơ cuối bài, vừa nhấn mạnh ấn tượng sâu của tác giả về hình ảnh hàng tre bên lăng Bác đã được miêu tả ở khổ thơ đầu, lại có thêm ý nghĩa mới. Khi phải từ biệt để trở về miền Nam, tấm lòng của tác giả lưu luyến, muốn được ở mãi bên lăng Bác : Muốn làm bông hoa toả hương, muốn làm con chim cất lên tiếng hót và muốn được thành cây tre trung hiếu đứng bên lăng Bác. Hình ảnh cây tre trong khổ thơ cuối được nhấn mạnh thêm ở phẩm chất trung hiếu, cũng chính là một phẩm chất cần có của người cách mạng : trung với nước, hiếu với dân, như lời dạy của Bác Hồ.

3. Phân tích những hình ảnh ẩn dụ trong các khổ thơ 2 và 3. Việc sử dụng nhiều hình ảnh ẩn dụ đã mang lại sắc thái gì cho bài thơ ?

Advertisements (Quảng cáo)

   Hình ảnh ẩn dụ : “… mặt trời trong lăng rất đỏ” vừa nói lên sự vĩ đại của Bác Hồ, vừa thể hiện sự tôn kính của nhân dân, của tác giả với Bác. Hình ảnh dòng người vào lăng viếng Bác được ví như những tràng hoa dâng lên bảy mươi chín mùa xuân của BácSự so sánh này vừa đẹp, vừa chính xác lại vừa mới lạ, thể hiện tình cảm thương nhớ, kính yêu và sự gắn bó của nhân dân với Bác.

   (Theo hướng trên, em phân tích ý nghĩa và giá trị của các hình ảnh ẩn dụ : vầng trăng, trời xanh trong khổ thứ ba.)

   Các hình ảnh ẩn dụ trong hai khổ thơ này đều gợi lên những cái lớn lao, vĩnh hằng (mặt trời, vầng trăng, trời xanh) hoặc thành kính, trang trọng (tràng hoa). Các hình ảnh ẩn dụ này tạo sắc thái tình cảm thành kính, thiêng liêng đối với Bác Hồ.

4. Viết một đoạn văn bình giảng khổ thơ 2 hoặc 3 của bài Viếng lăng Bác.

   Khổ thơ thứ hai được chia thành hai cặp câu, ở mỗi cặp lại có một hình ảnh thực ứng với một hình ảnh ẩn dụ. Khổ thứ ba diễn tả sự xúc động của tác giả khi vào trong lăng. Chú ý hai trạng thái dường như trái ngược mà vẫn thống nhất : sự yên tĩnh, thanh thản, trang nghiêm trong lăng và nỗi niềm thương tiếc, xót đau của nhà thơ khi ở trong lăng. Lí trí thì nhận biết sự trường tồn của Bác với đất nước ( Vẫn biết trời xanh là mãi mãi), nhưng tình cảm thì không thể không đau xót vì sự mất mát lớn lao khi Bác đã ra đi (Mà sao nghe nhói ở trong tim).

 

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn SBT Ngữ Văn lớp 9 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)