1. Hình ảnh mùa xuân của thiên nhiên trong khổ đầu bài thơ Mùa xuân nho nhỏ có những nét gì đặc sắc ? Cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân thiên nhiên được thể hiện như thế nào ?
Bức tranh mùa xuân thiên nhiên trong sáu câu thơ đầu được vẽ bằng ít nét chấm phá nhưng rất đặc sắc. Hãy chú ý đến các từ ngữ, hình ảnh về không gian, màu sắc, ánh sáng, âm thanh trong bức tranh thiên nhiên mùa xuân, không gian cao rộng của bầu trời, rộng dài của dòng sông, màu tím biếc của bông hoa trên dòng sông xanh. Đặc biệt, hình ảnh mùa xuân trở nên rộn rã, tươi vui với âm thanh tiếng chim chiền chiện hót vang trời.
Cảm xúc của tác giả trước mùa xuân đất trời được thể hiện trong cái nhìn trìu mến với cảnh vật, trong những lời bộc lộ trực tiếp như trò chuyện với thiên nhiên : “Ơi... hót chi mà...”. Đặc biệt, cảm xúc của nhà thơ được bộc lộ trong một động tác trữ tình thể hiện sự đón nhận vừa trân trọng vừa thiết tha, trìu mến với mùa xuân : đưa tay hứng lấy từng giọt long lanh của tiếng chim chiền chiện.
2. Trong bài thơ có những hình ảnh mùa xuân nào ? Phân tích quan hệ giữa các hình ảnh mùa xuân ấy.
Có ba hình ảnh mùa xuân trong bài thơ : mùa xuân của thiên nhiên, mùa xuân của đất nước, mùa xuân nhỏ của mỗi người. Từ cảm hứng về mùa xuân thiên nhiên dẫn đến cảm nghĩ về mùa xuân đất nước. Từ mùa xuân lớn của thiên nhiên, đất nước mà liên tưởng tới mùa xuân của mỗi cuộc đời - một mùa xuân nho nhỏ góp vào mùa xuân lớn. Như vậy, hình ảnh mùa xuân trước đã chuẩn bị và gợi ra những hình ảnh mùa xuân tiếp theo. Trong hình ảnh mùa xuân đất nước cũng có hình ảnh mùa xuân thiên nhiên. Hình ảnh mùa xuân nho nhỏ của mỗi người cũng được thể hiện bằng những chi tiết đã được hiện ra trong hình ảnh mùa xuân thiên nhiên, nhưng có sự biến đổi: “Ta làm con chim hót - Ta làm một cành hoa”.
3. Hãy nêu cảm nghĩ của em về điều tâm nguyện của nhà thơ được thể hiện trong hình ảnh Mùa xuân nho nhỏ.
Tham khảo đoạn văn sau :
"Mùa xuân của thiên nhiên, đất nước thường gợi lên ở mỗi người những niềm khao khát và hi vọng. Với Thanh Hải, đây cũng là thời điểm nhà thơ nhìn lại cuộc đời mình và bộc bạch điều tâm niệm tha thiết của một nhà thơ gắn bó trọn đời với đất nước và cách mạng.
Advertisements (Quảng cáo)
Khát vọng của nhà thơ là được “làm con chim hót”, được “làm một cành hoa” hoà nhập mùa xuân nhỏ của đời mình vào mùa xuân lớn của đất nước, góp một “nốt trầm xao xuyến” vào bản hoà ca bất tận của cuộc đời. Hiến dâng Mùa xuân nho nhỏ - nghĩa là phần tốt đẹp, dù nhỏ bé của mỗi người - cho cuộc đời chung, cho đất nước. Điều tâm niệm ấy thật cao đẹp và chân thành, là sự phát triển tự nhiên trong mạch cảm xúc của bài thơ. Khát vọng ấy được thể hiện bằng những hình ảnh giản dị, tự nhiên mà có sức gợi cảm và rất phù hợp với hình tượng mùa xuân trong toàn bài thơ. Khát vọng ấy thật tha thiết và cũng rất khiêm nhường : được làm con chim dâng tiếng hót, cành hoa nhỏ dâng sắc hương cho mùa xuân đất nước, góp một nốt trầm - không phải là một nốt cao vượt trội - trong bản hoà ca của cuộc đời, nốt trầm mà xao xuyến. Mùa xuân nho nhỏ của mỗi cuộc đời dâng cho đất nước cũng không hề ồn ào mà là sự hiến dâng lặng lẽ, tự nguyện.
Điều tâm niệm của tác giả cũng là khát vọng chung của nhiều người, ở mọi lứa tuổi. Bởi vậy, tiếng lòng của nhà thơ đã gặp gỡ với tâm trạng của đông đảo mọi người và nhà thơ đã nói bằng tiếng nói chung với đại từ “ta”.
4. Trong phần đầu bài thơ, tác giả dùng đại từ “tôi”, sang phần sau lại dùng đại từ “ta”. Em hiểu như thế nào về sự chuyển đổi đại từ nhân xưng ấy của chủ thể trữ tình ?
Giữa hai phần của bài thơ có sự chuyển đổi đại từ nhân xưng của chủ thể trữ tình từ “tôi” sang “ta”. Điều này hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên mà đã được tác giả sử dụng như một dụng ý nghệ thuật thích hợp với sự chuyển biến của cảm xúc và tư tưởng trong bài thơ. Từ sự phân biệt nghĩa và sắc thái của hai đại từ tôi, ta, vận dụng vào trường hợp của bài thơ này đã lí giải việc chuyển đổi đại từ ở hai phần. Từ tôi trong câu “Tôi đưa tay tôi hứng” ở khổ thơ đầu vừa biểu hiện một cái “tôi” cụ thể rất riêng của nhà thơ vừa thể hiện được sự nâng niu, trân trọng với vẻ đẹp và sự sống của mùa xuân. Nếu thay bằng từ ta thì hoàn toàn không thích hợp với nội dung cảm xúc ấy mà chỉ vẽ ra một tư thế có vẻ phô trương. Còn trong phần sau, khi bày tỏ điều tâm niệm tha thiết như một khát vọng được dâng hiến những giá trị tinh tuý của đời mình cho cuộc đời chung thì đại từ ta lại tạo được sắc thái trang trọng, thiêng liêng của một lời nguyện ước. Hơn nữa, điều tâm nguyện ấy không chỉ của riêng nhà thơ, cái “tôi” của tác giả đã nói thay cho nhiều cái “tôi” khác, nó nhất thiết phải hoá thân thành cái “ta”. Nhưng “ta” mà không hề chung chung vô hình, mà vẫn nhận ra được một giọng nhổ nhẹ, khiêm nhường, đằm thắm của cái “tôi” Thanh Hải.
5. Em biết những bài thơ nào về mùa xuân trong thơ ca Việt Nam ? Hãy ghi lại một số câu thơ hay trong những bài thơ ấy. Nhận xét về sự sáng tạo của Thanh Hải trong hình ảnh Mùa xuân nho nhỏ.
Ví dụ những bài thơ về mùa xuân : Mộ xuân tức sự (Nguyễn Trãi), Mưa xuân, Mùa xuân xanh (Nguyễn Bính), Mùa xuân chín (Hàn Mặc Tử). Em tìm đọc những bài thơ nêu trên và tìm thêm những bài thơ khác về mùa xuân trong các tuyển tập thơ Việt Nam. Chép lại một số câu đặc sắc.
Mùa xuân nho nhỏ là một sáng tạo độc đáo của Thanh Hải, góp vào các hình ảnh mùa xuân trong thơ ca. Các nhà thơ từ xưa tới nay đã viết nhiều về mùa xuân với nhiều cảm hứng và những phát hiện riêng khác nhau nhưng tựu trung thường khai thác hai phương diện : mùa xuân của thiên nhiên và mùa xuân của con người. Thanh Hải cũng không đi ra ngoài hai phương diện ấy của thi đề mùa xuân. Cái đặc sắc ở đây chính là hình ảnh Mùa xuân nho nhỏ. Đó là biểu tượng cho những gì tinh tuý, đẹp đẽ nhất của sự sống và cuộc đời mỗi con người. Mùa xuân nho nhỏ ấy góp vào để làm nên mùa xuân lớn của cuộc đời, của đất nước. Hình ảnh này thể hiện quan niệm về sự thống nhất giữa cái riêng và cái chung, giữa cá nhân và cộng đồng.