1. Nêu định nghĩa ngắn gọn về ca dao. Theo anh (chị), đặc điểm nổi bật về nội dung và nghệ thuật của ca dao là gì?
a) Ca dao là những lời thơ trữ tình dân gian, thường kết hợp với âm nhạc khi diễn xướng, được sáng tác nhằm diễn tả thế giới nội tâm của con người.
b) Đặc điểm nổi bật về nội dung và nghệ thuật của ca dao :
- Nội dung : Ca dao thuộc loại hình trữ tình của văn học dân gian (phân biệt với các truyện dân gian thuộc loại hình tự sự), diễn tả đời sống tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của nhân dân trong các quan hệ lứa đôi, gia đình, quê hương, đất nước... Trong xã hội cũ, ca dao là những tiếng hát than thân, những lời ca yêu thương tình nghĩa, những tiếng cười trào lộng, châm bỉếm...
- Nghệ thuật : Lời ca dao thường ngắn, phần lớn đặt theo thể lục bát hoặc lục bát biến thể, ngôn ngữ gần gũi với lời nói hằng ngày, giàu hình ảnh so sánh, ẩn dụ, và đặc biệt là lối diễn đạt bằng một số công thức mang đậm sắc thái dân gian.
2.
>>Thân em giả tỉ như chiếc thuyền tình,
Mười hai bến nước linh đinh,
Biết đâu trong đục mà mình gửi thân.
a) Bài ca dao than thân này là lời của ai ? Người đó than điều gì ? Vì sao lại than như vậy ?
b) Phát hiện những nét nghệ thuật đặc trưng của ca dao trong bài này và phân tích hiệu quả nghệ thuật của chúng.
a) Bài ca dao than thân này là lời của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Người phụ nữ đó than cho thân phận trôi nổi, lênh đênh của mình không biết gửi thân nơi nào. Họ đã ý thức rõ số phận của mình cũng lênh đênh như chiếc thuyền tình kia, bởi trong xã hội cũ, họ luôn bị phụ thuộc, không làm chủ được số phận của mình.
b) - Những nét nghệ thuật đặc trưng của ca dao trong bài này :
+ Mô thức mở đầu : Thân em (giả tỉ) như...
+ Biểu tượng truyền thống : thuyền (tình), bến (nước).
+ Cách nói quen thuộc : mười hai bến nước, trong đục, gửi thân.
- Nhờ những nét nghệ thuật đặc trưng trên đây mà nội dung than thân càng thêm thấm thía, khắc sâu ; lời than càng ai oán, xót xa...
3. Tìm 5 bài ca dao có biểu tượng thuyền và nêu sắc thái ý nghĩa của chúng.
Có thể tham khảo đoạn trích sau :
Mượn cớ chiếc thuyền mắc cạn, chàng trai tinh nghịch bày tỏ :
Thuyền anh đã cạn lên đây
Mượn đôi dải yếm làm dây kéo thuyền.
Thông thường, con thuyền là sự chuyển động, tự do, được ví với người con trai:
Thuyền đà đến bến anh ơi
Sao anh chẳng bắc cầu noi lên bờ.
Nhưng, cá biệt có trường hợp, người con gái lại được hình dung như một chiếc thuyền lênh đênh, trôi nổi:
Thuyền em lựa bến cắm sào
Em chờ phụ mẫu định nơi nào sẽ hay.
Trong quan hệ thuyền - bến, thuyền là người con trai, bến là người con gái (như "Thuyền ơi có nhớ bến chăng”), nhưng trong quan hệ thuyền - khách, sự thay đổi, chuyển dời lại là khách đi thuyền và sự cố định, thuỷ chung lại là thuyền. Bởi vậy, khách thường được ví với người con trai và thuyền được ví với người con gái:
Thuyền tình đến bến anh ơi
>Sao anh chẳng bước xuống chơi thuyền tình
Thuyền tình đã ghé tới nơi
Khách tình sao chả xuống chơi thuyền tình.
Thuyền nhân ngãi (nghĩa) lại càng trừu tượng nhưng đó chính là loại thuyền cần tìm đến:
Thuyền chài, thuyền lái, thuyền câu
Biết thuyền nhân ngãi nơi đâu mà tìm.
(Theo Phan Đăng Nhật, Phương pháp hệ thống
và việc nghiên cứu giảng dạy ca dao)
Câu ca dao cuối trong đoạn trích trên cho chúng ta biết quan niệm về tình yêu của người lao động xưa : Trong tình yêu phải có cả tình thương, có cả nghĩa nữa, nhất là nghĩa, ở đây là sự thuỷ chung, gắn bó. Khi đã yêu thì phải có trách nhiệm và tình cảm đối với người yêu.
4. Ngoài chiếc cầu - dải yếm đã học, hãy tìm thêm hình ảnh những chiếc cầu khác trong ca dao về tình yêu.
Ngoài chiếc cầu - dải yếm, ca dao còn có những chiếc cầu khác, mang những sắc thái ý nghĩa khác nhau :
(1) Cô kia cắt cỏ bên sông
Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang.
(2)Cách nhau có một con đầm
Muốn sang anh bẻ cành trầm cho sang.
Cành trầm lá dọc lá ngang
Đố người bên ấy bước sang cành trầm.
(3) Gần đây mà chẳng sang chơi
Để em ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu.
Sợ rằng chàng chả đi cầu
Cho tốn công thợ, cho sầu lòng em.
(4)Chàng về ngắt ngọn mồng tơi
Bắc cầu sông Cái thiếp thời nên chăng ?
(5) Chỉ xanh chỉ đỏ chỉ vàng
Một trăm thứ chỉ bắc ngang đầu cầu.
Nào em đã có chồng đâu
Mà chàng đón trước rào sau làm gì.
5. Viết lời bình bài ca dao dưới đây trong khoảng 10-15 dòng theo cảm nhận riêng của anh (chị).
Advertisements (Quảng cáo)
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
Anh (chị) có thể tham khảo cách viết lời bình sau đây để viết lời bình bài ca dao theo cảm nhận riêng của mình.
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
Đây là câu hát bộc lộ nỗi băn khoăn lo lắng của người con gái mới lớn lên, bước vào tuổi lấy chồng, hay nói như Nguyễn Du trong Truyện Kiều là "Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê”. Hình ảnh "tấm lụa đào” lộng lẫy tượng trưng cho nhan sắc và tuổi xuân phơi phới của người con gái. Thấy mình “như tấm lụa đào”, chứng tỏ cô gái ở đây ý thức rất rõ về sắc đẹp và giá trị của mình. Nhưng đãy không phải là lụa đào được cất trong rương hay vắt trong buồng mà tấm lụa đào đang treo "phất phơ giữa chợ”. Nghĩa là cô gái đã cảm thấy mình như một thứ hàng cần bán. Cụm từ "biết vào tay ai” cho thấy cô gái không sợ ế, sợ rẻ, chỉ băn khoăn về người chủ tương lai chưa biết của đời mình. Đó cũng là câu hỏi và nỗi băn khoăn lo lắng chung của mọi người con gái thực sự có ý thức và nhu cầu làm chủ bản thân khi bước vào tuổi lấy chồng.
(Hoàng Tiến Tựu, Bình giảng ca dao,
NXB Giáo dục, Hà Nội, 1992)
6. Trong các câu lục bát dưới đây, câu nào là ca dao, câu nào là tục ngữ ? Vì sao có thể khẳng định như vậy ?
(1) Nhiễu điều phủ lấy giá gương
> Người trong một nước phải thương nhau cùng.
(2) Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
(3) Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
(4) Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
(5) Thật vàng chẳng phải thau đâu
Chớ đem thử lửa mà đau lòng vàng.
(6) Vàng thì thử lửa thử than
Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời.
Câu 1, 4, 5 là ca dao ; câu 2, 3, 6 là tục ngữ. Có thể khẳng định như vậy vì ca dao thiên về cảm xúc (nói lên nỗi lòng của con người), còn tục ngữ thiên về lí trí, trí tuệ (đúc kết kinh nghiệm trong cuộc sống).
7. Trong bài thơ sau, tác giả đã mượn ý tứ của những câu ca dao nào, ở những câu thơ nào ? Cách sử dụng khéo léo và sáng tạo ra sao ? Anh (chị) thích nhất cách sử dụng câu ca dao nào ? Vì sao ?
BÓNG CHIỀU
Ai vừa trao nụ tầm xuân
Cho lòng ai lại âm thầm xót xa
Nỗi niềm trong một cánh hoa
Chiều nghiêng nghiêng cả cánh cò chân mây.
Lời yêu thương để gió bay
Hẹn thề xưa để tháng ngày phong rêu
Quả cau xanh chút vôi điều
Trầu xanh một lá người yêu một thời
Sâu làm chi bấy giếng thơi
Để trầu cau héo trong cơi nhà người
Duyên mình không thắm thì thôi
Xin ai đừng xuống dạo chơi vườn cà
Đừng lên cây bưởi hái hoa
Đừng đi qua ngõ... người ta đặt điều
Đừng làm gọn sóng ao bèo
Và đừng xô ngã bóng chiều vào em...
(Thảo Vi, báo Văn nghệ)
a) Trong bài thơ Bóng chiều, tác giả đã mượn ý từ ca dao ở những câu thơ sau :
- Câu 3 :
Giữa đường thấy cánh hoa rơi
Hai tay nâng lấy, cũ người mới ta.
- Câu 5 :
Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay.
- Câu 7 :
Quả cau nho nhỏ
Cái vỏ vân vân [...].
- Câu 9 - 10 :
Đàn ông nông nổi giếng thơi
Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu.
- Câu 14 :
Mình nói với ta mình hãy còn son
Ta đi qua ngõ thấy con mình bò [...].
- Câu 15 :
Bèo than thân bèo khi trôi khi nổi [...].
Ngoài 7 câu trên đây, tác giả còn mượn ý từ ca dao ở các câu : câu 1, câu 12, câu 13. Anh (chị) tìm tiếp các câu ca dao đó.
b) Cách vận dụng ca dao thật tự nhiên, nhuần nhị, khéo léo khiến bài thơ mang sắc thái dân gian rất đậm đà (nêu cách sử dụng câu ca dao mà anh (chị) thích nhất).