Trang chủ Lớp 9 SBT Ngữ Văn lớp 9 (sách cũ) Bài Chị em Thúy Kiều trang 47, 48 SBT văn 9: Tìm...

Bài Chị em Thúy Kiều trang 47, 48 SBT văn 9: Tìm hiểu kết cấu của đoạn thơ và nhận xét kết cấu ấy...

Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 47, 48 SBT Ngữ Văn 9 tập 1. Qua đoạn trích Chị em Thuý Kiều, em có nhận xét gì về nghệ thuật tả người của Nguyễn Du ?. Soạn bài Chị em Thúy Kiều (trích Truyện Kiều) SBT Ngữ Văn 9 tập 1.

1. Câu 1, trang 83, SGK.

Hãy tìm hiểu kết cấu của đoạn thơ và nhận xét kết cấu ấy có liên quan như thế nào với trình tự miêu tả nhân vật của tác giả.

  Đoạn Chị em Thuý Kiều có kết cấu> :

   - Bốn câu đầu : giới thiệu khái quát hai chị em Thuý Kiều.

   - Bốn câu tiếp : gợi tả vẻ đẹp Thuý Vân.

   - Mười hai câu tiếp : gợi tả vẻ đẹp Thuý Kiều.

   - Bốn câu cuối: khái quát chung về cuộc sống của chị em Thuý Kiều.

   Kết cấu của đoạn trích cho thấy trình tự miêu tả nhân vật của tác giả :

   + Bốn câu đầu khái quát được vẻ đẹp chung (mai cốt cách, tuyết tinh thần, mười phân vẹn mười) và vẻ đẹp riêng (mỗi người một vẻ) của từng người. Sau đó tác giả mới đi sâu gợi tả vẻ đẹp của từng nhân vật.

   + Bốn câu tiếp khắc hoạ rõ hơn vẻ đẹp của Thuý Vân, từ khuôn mặt, đôi mày, mái tóc, làn da, nụ cười, giọng nói đều nhằm thể hiện vẻ đẹp đầy đặn, phúc hậu mà quý phái của người thiếu nữ.

   Bức chân dung Thuý Vân được gợi tả trước, có tác dụng làm nền để nổi bật lên vẻ đẹp của bức chân dung Thuý Kiều trong mười hai câu thơ tiếp theo.

   + Mười hai câu thơ tiếp khắc hoạ vẻ đẹp Thuý Kiều với cả sắc, tài, tình. Kiều là một tuyệt thế giai nhân "nghiêng nước nghiêng thành”. Kiều "sắc sảo” về trí tuệ và "mặn mà” về tâm hồn. vẻ đẹp ây thể hiện tập trung ở đôi mắt: "Làn thu thuỷ hét xuân sơn”. Tài năng của Kiều đạt tới mức lí tưởng, gồm cả cầm (đàn), kì (cờ), thi (thơ), hoạ (vẽ).

   + Bốn câu cuối khái quát cuộc sống phong lưu, nền nếp, đức hạnh, trẻ trung của hai chị em Thuý Kiều.

   Một kết cấu như trên vừa chặt chẽ, hợp lí, vừa góp phần làm nổi bật lên vẻ đẹp chung và nhất là vẻ đẹp riêng của hai chị em Thuý Kiều.

2. Qua đoạn trích Chị em Thuý Kiều, em có nhận xét gì về nghệ thuật tả người của Nguyễn Du ?

Tham khảo đoạn văn sau :

     "Khi miêu tả vẻ ngoài nhân vật, Nguyễn Du chú ý chọn cách thể hiện để làm nổi bật đặc điểm tính cách.

Advertisements (Quảng cáo)

     Có khi tác giả chỉ dùng những nét khái quát, mang tính ước lệ tượng trưng để thể hiện ngoại hình nhân vật. Bút pháp nghệ thuật này ta bắt gặp trong chân dung chị em Thuý Kiều và chân dung Kim Trọng. Nguyễn Du chỉ đưa vài nét vẽ thoáng qua mà vẻ đẹp của Vân, của Kiều hiện lên thật sinh động, từ gương mặt, nụ cười đến làn da, mái tóc.

     Trước bức chân dung chị em Thuý Kiều, có người bắt bẻ : khuôn mặt thế này ("khuôn trăng đầy đặn”), nét ngài thế kia ("nét ngài nở nang”) xem ra không hợp. Màu tóc ấy, làn da ấy là thế nào ? Khó có thể vẽ ra cụ thể...

     Xin lưu ý một điều : tả Kiều, Vân, Nguyễn Du không cốt tả người mà cốt tả vẻ đẹp. Vẻ đẹp của hai chị em Kiều là vẻ đẹp lí tưởng, mọi hoạ tiết cụ thể sẽ làm hỏng bức chân dung. Nguyễn Du đã dùng những khuôn mẫu có tính ước lệ để diễn tả vẻ đẹp vượt ra ngoài, vượt lên trên khuôn mẫu của tuyệt sắc giai nhân ấy. "Kì tài diệu bút” Nguyễn Du là thế. Tả người đẹp mà độc giả cảm thấy đẹp thật, đẹp tuyệt. Thế đã là mĩ mãn thành công.

     Không cốt tả hình dáng, đường nét con người chỉ cốt tả vẻ đẹp. Thế nhưng qua đó, con người lại hiện lên rất rõ, với tính cách rất riêng. Người ta thường nói với "Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”, Vân là người hiền lành, phúc hậu. Vân sẽ có cuộc sống bình lặng, suôn sẻ vì khi tả nàng, Nguyễn Du đã rất tinh tế để "tuyết nhường”, "mây thua” trước vẻ đẹp của làn da, mái tóc ; thật khác Thuý Kiều, con người "sắc sảo mặn mà”, với sắc đẹp hoa phải "ghen” vì "thua thắm”, liễu phải "hờn” vì "kém xanh”, sẽ có một cuộc đời đầy trắc trở, một số phận éo le”.

(Theo Lã Nhâm Thìn, Chuyên đề Văn 9,

NXB Giáo dục, Hà Nội, 1996)

3. Trên cơ sở so sánh đoạn Chị em Thuý Kiều (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du) với đoạn đọc thêm (trích Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân) trong SGK, em hãy chỉ ra những nét khác nhau trong cách tả người của hai tác giả.

Đọc kĩ phần Đọc thêm (SGK, trang 84), đối sánh với đoạn thơ tả chị em Thuý Kiều của Nguyễn Du để thấy sự khác biệt. Lưu ý những khía cạnh sau :

   - Nói về gia cảnh của gia đình họ Vương : Thanh Tâm Tài Nhân kể cụ thể, tỉ mỉ như thế nào, còn Nguyễn Du chỉ giới thiệu vắn tắt ra sao ?

   - Tả chị em Thuý Kiều : Thanh Tâm Tài Nhân có tả kĩ về vẻ đẹp của từng người hay chỉ kể, có gợi ra tính cách của mỗi người hay không ? Còn Nguyễn Du tả dung nhan, vẻ đẹp của Thuý Vân, Thuý Kiều như thế nào, có gợi ra tính cách của mỗi nhân vật không ?

   - trình tự tả : Sau khi giới thiệu về hai chị em, Nguyễn Du tả ai trước, ai sau ? Còn đoạn văn của Thanh Tâm Tài Nhân thì giới thiệu về hai chị theo trình tự nào ? Nhận xét về những điểm khác biệt nói trên, từ đó chỉ ra sự sáng tạo của Nguyễn Du và nét đặc sắc của đoạn thơ Chị em Thuý Kiều.

4. Đoạn trích Chị em Thuý Kiều thể hiện cảm hứng nhân đạo nào của Nguyễn Du trong Truyện Kiều ?

A - Thương cảm trước bi kịch của con người

B - Lên án tố cáo tội ác những thế lực xấu xa, tàn bạo

C - Trân trọng, đề cao vẻ đẹp con người

D - Khát vọng công lí, chính nghĩa

Đọc kĩ phần Ghi nhớ (SGK Ngữ văn 9, tập một, trang 83) để trả lời câu hỏi.

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn SBT Ngữ Văn lớp 9 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)