1. Bài tập 1, trang 42, SGK.
Nêu cảm nghĩ của anh (chị) về sự vận động của cảnh vật và tâm trạng nhà thơ trong bài Chiều tối.
Cảm quan biện chứng của người chiến sĩ cách mạng biểu hiện ở cách nhìn cuộc sống trong sự vận động tất yếu hướng tới cái tốt đẹp, tươi sáng. Ở bài Chiều tối, từ hai câu đầu đến hai câu sau có sự vận động của cảnh vật và tâm trạng nhà thơ.
- Sự vận động của cảnh vật thể hiện ở hình ảnh cánh chim bay về rừng, chòm mây trôi về phía trời xa, chiều dần sang tối với ánh lửa hồng, từ cảnh núi rừng chiều tối lạnh lẽo, âm u đến hình ảnh lò than đỏ rực ấm áp, bừng sáng.
- Tâm trạng nhà thơ vận động từ cảm giác mỏi mệt, buồn và cô đơn ở hai câu đầu đến niềm vui, niềm tin yêu hướng về sự sống và ánh sáng ở hai câu sau. Sự vận động đó cho thấy niềm lạc quan yêu đời, niềm tin tưởng của người chiến sĩ cách mạng vào tương lai tươi sáng nhất định sẽ tới.
2. Bài tập 2, trang 42, SGK.
Trong bài thơ, hình ảnh nào thể hiện tập trung vẻ đẹp tâm hồn Hồ Chí Minh?
Nhiều người khẳng định trong bài Chiều tối, hình ảnh đẹp nhất, thể hiện tập trung vẻ đẹp tâm hồn Hồ Chí Minh là hình ảnh con gái xay ngô bên bếp lửa hồng. Hình ảnh đó cho thấy Bác đã quên cản ngộ đau khổ của mình để cảm nhận cuộc sống của nhân dân, nó nói lên sự quan tâm, tình thương của Bác với những người lao động nghèo mà sự làm việc vất vả được biểu hiện qua âm điệu nặng nhọc của lời thơ. Công việc xay ngô kết thúc cũng là lúc ánh lửa bếp đỏ rực lên ; ánh lửa của sự sống con người đã xua tan vẻ ảm đạm của cảnh vật, cho thấy hoàn cảnh dù khắc nghiệt đến đâu, tâm hồn nhà thơ - chiến sĩ Hồ Chí Minh vẫn luôn hướng về sự sống và ánh sáng, lấy đó làm nguồn sức mạnh tinh thần to lớn của mình để bước tiếp trên đường xa. Hoàng Trung Thông viết : “Chữ hồng trong nghệ thuật thơ Đường người ta gọi là “con mắt của thơ” (thi nhãn) hoặc là "nhãn tự” (chữ có mắt), nó sáng bừng lên, nó cân lại, chỉ một chữ thôi, với hai mươi bảy chữ khác dầu nặng đến mấy đi chăng nữa. Vói chữ hồng đó, có ai còn cảm giác nặng nề, mệt mỏi, nhọc nhằn nữa đâu, mà chỉ thấy màu đỏ đã nhuốm lên cả bóng đêm, cả thân hình, cả lao động của cô gái đáng yêu kia”.
3. Bài tập 3*, trang 42, SGK.
Trong bài Đọc thơ Bác, Hoàng Trung Thông viết:
Vần thơ của Bác, vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình.
Điều đó thể hiện trong bài thơ Chiều tố như thế nào?
Chất thép là tinh thần chiến đấu, dũng khí kiên cường của người chiến sĩ. Chất tình là tình yêu thắm thiết với thiên nhiên, con người, cuộc sống. Bất cứ bài thơ nào của tập Nhật kí trong tù cũng có sự hài hoà của thép và tình. Bài Chiều tối cũng thế. Vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên trong hai câu thơ đầu thể hiện bản lĩnh thép của người chiến sĩ, vì nếu không có phong thái ung dung, tự chủ, nghị lực kiên cường, không có sự tự do hoàn toàn về mặt tinh thần thì không thể có những câu thơ cảm nhận thiên nhiên tinh tế và sâu sắc đến thế trong hoàn cảnh khắc nghiệt của tù đày. Thấm sâu trong lòi thơ còn là niềm cảm thông của Bác với cánh chim mỏi mệt bay về rừng, chòm mây cô đơn trôi về phía trời xa - cội nguồn của sự cảm thông ấy là tình yêu thương mênh mông của Bác dành cho mọi sự sống trên đời. Đặc biệt, ở hai câu sau, vói hình ảnh cô gái xay ngô bên bếp lửa hồng, trung tâm cảm hứng của bài thơ lại là con người - con người lao động và ngọn lửa sự sống. Nó cho thấy cái nhìn tràn đầy niềm tin yêu với con người và cuộc đời, tình yêu thương nhân dân của một con người “nâng niu tất cả, chỉ quên mình’’
(Tố Hữu, Theo chân Bác).
4. Nhiều người cho rằng bài thơ Chiều tối mang vẻ đẹp cổ điển mà hiện đại. Hãy làm rõ điều đó.
- Bài thơ Chiều tối mang vẻ đẹp cổ điển thể hiện ở : thể thơ tứ tuyệt Đường luật, tính hàm súc rất cao, ý ở ngoài lời (ý tại ngôn ngoại) ; bút pháp chấm phá, cốt ghi lấy cái hồn của tạo vật ; hình ảnh đậm nét tượng trưng, ước lệ ; cảm hứng thiên nhiên phong phú, sự hoà hợp giữa con người và cảnh vật, phong thái ung dung của nhân vật trữ tình (hai câu đầu).
- Tính hiện đại của bài thơ thể hiện ở : bút pháp tả thực rất giản dị, chân thật ; hình ảnh mộc mạc, dân dã của đời thường; mạch thơ vận động theo hướng tích cực, đi lên, từ tối đến sáng, từ tàn lụi đến sự sống, từ buồn đến vui, từ lạnh lẽo, cô đơn đến ấm áp tình người, cho thấy niềm lạc quan cách mạng (hai câu sau).
- Sự hài hoà giữa vẻ đẹp cổ điển và hiện đại thể hiện ở bức tranh chiều muộn nơi núi rừng đậm chất Đường thi lại thấm thìa nỗi buồn của người tù chiến sĩ nhớ nước, nhớ đồng bào, đồng chí; ngọn lửa làm bừng sáng hình ảnh người lao động - ngọn lửa của thi liệu phương Đông thành ngọn lửa của tình yêu thương con người và cuộc sống trong thơ hiện đại; tính chất trử tình của thi sĩ cổ điển đan hoà với chất thép của nhà thơ - chiến sĩ hiện đại.
5. Trong bài Chiều tối, mối tương quan giữa con người và thiên nhiên cố gì khác thơ xưa ?
Thơ xưa thường đề cao thiên nhiên, lấy thiên nhiên làm trung tâm, làm đối tượng chủ yếu của sự miêu tả (trong bài Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi”, Bác viết : “Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp - Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông”). Ở đó, con người thường ẩn mình đi, hình ảnh con người chỉ càng làm tôn thêm cái hùng vĩ, hoang sơ của đất trời thiên nhiên (bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan). Còn ở bài Chiều tối, trong sự hình dung về cự li, khoảng cách với cánh chim và chòm mây (ở viễn cảnh), hình ảnh cô gái xay ngô, hình ảnh con người (ở cận cảnh) nổi bật lên như là trung tâm của phong cảnh thiên nhiên. Hơn thế, hình ảnh cô gái xay ngô toát lên vẻ trẻ trung, khoẻ mạnh, sống động và chính cuộc sống lao động bình dị ấy càng trở nên đáng quý, đáng trân trọng biết bao giữa núi rừng chiều tối âm u, heo hút. Nó đưa lại cho người đi đường lúc chiều hôm chút hoi ấm của sự sống, chút niềm vui và hạnh phức trong lao động của con người. Con người ấy tuy vất vả mà tự do. Chiều tối là bài ca về con người và sự sống.
6. Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng nhân vật trữ tình trong bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh.
Khi nêu cảm nhận, cần nêu rõ một số ý sau :
- Bản lĩnh kiên cường, phong thái ung dung, tự tại của Hồ Chí Minh : qua bức tranh thiên nhiên chiều tối khoáng đạt, rộng mở, hiện lên hình ảnh của một người chiến sĩ cách mạng kiên cường mang tâm hồn thi sĩ. Hồ Chí Minh như quên cảnh ngộ mình đang bị áp giải mà thả hồn mình say sưa với cảnh vật xung quanh để cảm nhận được vẻ đẹp tĩnh lặng, thanh bình của miền sơn cước nơi xứ người.
- Tâm hồn yêu tự do, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống tha thiết: bức tranh chiều tối có hồn, thấm đẫm tình cảm của người tù chiến sĩ: cánh chim mỏi, chòm mây nhẹ trôi, cô em xóm núi má ửng hồng...
- Cái nhìn lạc quan, tin tưởng ở tương lai: thể hiện ở vẻ đẹp trữ tình, nên thơ của bức tranh chiều tối; ở sự vận động của tứ thơ từ bóng tối ra ánh sáng, từ buồn sang vui, từ lạnh lẽo đến ấm nồng, từ mệt mỏi sang mạnh mẽ. khoẻ khoắn.
- Bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Hồ Chí Minh : kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất thép và chất tình, yếu tố cổ điển và tinh thần hiện đại.
- Hình tượng nhân vật trữ tình với bản lĩnh kiên cường, phong thái ung dung, tự tại, tình yêu bao la và lòng lạc quan cách mạng đã nói lên cốt cách, vẻ đẹp của một nhà thơ chiến sĩ.
(Vũ Thị Hồng Thắm soạn)
Tham khảo bài viết dưới đây :
XAY HẾT, LÒ THAN ĐÃ RỰC HỒNG
Advertisements (Quảng cáo)
(Mộ - Chiều tối)
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không,
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.
Nam Trân dịch thơ :
Chim mỏi về rừng tìm chỗ ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không ;
Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết, lò than đã rực hồng.
Mở đầu bài thơ là một khung cảnh buồn, một tình thế buồn, mặc dù không có chữ buồn nào trong thơ.
Một buổi chiều muộn, gần tối rồi, mặt trời đã xuống núi chỉ còn hắt ánh sáng yếu ót sắp tắt lên bầu trời miền sơn dã, chim mệt mỏi bay về rừng tìm chốn ngủ và chòm mây lẻ loi lờ lững trôi giữa tầng không :
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không;
(Chim mỏi về rừng tìm cây ngủ,
Chòm mây lẻ trôi lửng lờ trên tầng không 😉
Không phải chim bay, mây bay trong trạng thái bình thường mà chim mỏi (quyện điểu), mây cô đơn (cô vân) chậm chậm (mạn mạn) trôi giữa không gian trời chiều.
Suốt ngày “lao động” tìm mồi kiếm sống, giờ đây cánh chim cũng mỏi, đã thấv cần phải tìm về khu rừng, nơi có cây, có tổ ấm của mình ngủ qua đêm để ngày hôm sau lại tiếp tục nhịp sống của đời chim. Đây là hình ảnh chim chiều nhưng cũng chính là tâm trạng của người tù bị giải sau một ngày mệt mỏi lê bước trên đường lưu đày mà vẫn chưa được dừng chân, vẫn chưa biết đâu là chốn nghỉ trong đêmắ Mà có được ngủ đêm thì cũng bị đoạ đày chẳng kém gì như bị giải ngày. Cái đêm ngủ ở Long Tuyền, hai chân vẫn bị cùm chéo như trói chân gà, lại còn bị đói, bị rét, bị muỗi, bị rệp tấn công. Cái đêm ở Thiên Bảo thì thật khốn khổ. Sau một ngày bị giải bộ 53 cây số áo mũ dầm mưa, rách hết giày, đêm đến thì ngồi trên hố xí đợi trời sáng. Như vậy, tuy người và chim có điểm tương đồng, gặp nhau trong cảnh trời chiều, nhưng lại hoàn toàn tương phản trong cảnh ngộ.
Hai câu thơ tả cảnh đã mở ra cả một không gian tâm trạng, người buồn mà cảnh cũng buồn. Làm sao không buồn, khi chiều đã vào tối mà người tù vẫn đang bị giải trên đường, nhìn cảnh vật thì chim mỏi về rừng, mây lẻ loi trôi về phía chân trời tìm nơi trú ngụ. Cánh chim và chòm mây như nói hộ lòng người bị giải. Nhưng cái lớn lao, cái ý ở ngoài lời là, mặc dù trong khung cảnh buồn, trong tình thế bị động như vậy, người tù bị giải vượt lên tất cả, làm chủ mình, quan sát thiên nhiên, hoà cùng tạo vật hướng tới sự tự do của tinh thần và dành tình thương yêu rộng lớn cao cả cho mọi sự sống chân chính ở trên đời này. Chính cái lớn lao của một tâm hồn, một tấm lòng vì sự sống, cho sự sống mà thơ đã chuyển từ buồn sang vui :
Son thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.
(Thiếu nữ xóm núi xay ngô,
Ngô xay vừa xong, lò than đã đỏ)
Chiều tà, ngày đã tàn, màn đêm đã buông, những tưởng u tối sẽ bao trùm, những khổ đau khác lại ập đến, tâm trạng con người càng nặng nề thì ánh sáng và niềm vui, sự sống mãnh liệt và ấm áp bất ngờ xuất hiện. Đây là câu thơ vui, một khung cảnh vui, một tâm trạng vui, mặc dù không có một chữ vui nào. Không có chữ vui mà vẫn vui, cũng như hai câu thơ đầu, không có chữ buồn mà vẫn buồn. Cái buồn, vui là của người toả vào cảnh vật, toả vào câu thơ.
Nếu hai câu thơ đầu là tả, thì hai câu thơ cuối chỉ kể, chỉ đơn giản ghi lại cái khách quan của cuộc sống đời thường ở một xóm núi nhỏ : cô gái xóm núi xay ngô ; ngô - xay xong lò đã rực hồng. Những từ ngữ bao túc (ngô), ma bao túc (xay ngô) của hai câu thơ là từ ngữ của đời thường, hơn nữa lại còn là tiếng địa phương Quảng Tây được đưa vào thơ rất tự nhiên, gắn với lao động thường nhật của cô gái xóm núi đang mải mê vói công việc xay ngô bên bếp lửa gia đình khác xa với những từ ngữ quyện điểu, cô vân, mạn mạn là những từ ngữ đậm nét cổ thi, Đường thi.
Cái vòng quay của cối xay ngô, quay, quay mãi (ma bao túc, bao túc ma hoàn) cứ nhịp nhàng theo sự vận động xoay tròn của vòng tay cô gái. Và kì diệu thay, thơ không hề tả gì mà ta cứ hình dung cô gái hiện ra với cả đường nét, hình khối khoẻ khoắn, uyển chuyển, sống động, đẹp và đáng yêu biết bao. Sự sống dường như tự biểu hiện, không cần tô vẽ, không Cần chỉ dẫn. Khi vòng quay ma bao túc dừng thì lô dĩ hồng, bếp lò rực cháy, ấm nóng, toả sáng vào đêm tối. Chữ hồng, chữ cuối, chữ kết bài thơ là điểm sáng, là hình ảnh của sự sống, của niềm vui lao động, của niềm tin yêu con người, của hiện tại mà cũng cả của tương lai. về chữ hồngvầ câu kết bài thơ, thiết tưởng không cần bàn gì thêm, chỉ xin trích dẫn lời bình tuyệt diệu của nhà thơ Hoàng Trung Thông : “Với một chữ hồng, Bác đã làm sáng rực lên toàn bộ bài thơ, đã làm mất đi sự mệt mỏi, uể oải, vội vã, nặng nề đã diễn tả trong ba câu đầu, đã làm sáng rực lên khuôn mặt của “cô em” sau khi xay ngô buổi tốiẾ Chữ hồng trong nghệ thuật thơ Đường người ta gọi là “con mắt của thơ” (thi nhãn) hoặc là “nhãn tự” (chữ mắt), nó sáng bừng lên, nó cân lại, chỉ một chữ thôi, với hai mươi bảy chữ khác dầu nặng đến mấy đi chăng nửa. Vói chữ hồng đó, có ai còn cảm giác nặng nề, mệt mỏi, nhọc nhằn nữa đâu, mà chỉ thấy màu đỏ đã nhuốm lên cả bóng đêm, cả thân hình, cả lao động của cô gái đáng yêu kia. Đó là màu đỏ của tình cảm Bác. Nghệ thuật Đường thi của Bác tuyệt vời là như vậy”.
Nhân nói đến nghệ thuật Đường thi tuyệt vời của thơ Bác, có lẽ, không thể bỏ qua một điểm khá độc đáo về nghệ thuật bài thơ là toàn bộ cảnh vật, tâm trạng của nhà thơ được vận động theo bước chuyển của thời gian. Thời gian giữ nhịp và nối liền mạch bài thơ. Từ buồn đến vui, từ tối đêm đến rực sáng, từ cô đơn, lạnh lẽo đến ấm nóng đều chuyển động theo thời gian. Thời gian thấm vào từng hình ảnh, thời gian trôi theo cánh chim, chòm mây, vòng quay của cối ngô và ánh lửa hồng. Nhà thơ không trực tiếp nói thời gian, nhưng thời gian lại hiển hiện qua cảnh vật, qua tâm trạng con người. Cánh chim bay về rừng tìm chỗ ngủ chính là dấu hiệu thời gian đã vào chiều muộn, sắp tối rồi. Ca dao xưa cũng đã từng diễn tả cái thời khắc này : Chim bay về núi tối rồi và trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: Chim hôm thoi thót về rừng. Còn khi cối xay ngô dừng là ỉúc lò lửa rực hồng. Lửa hồng lên tức là trời đã tối hẳn. Thực ra, cái lò lửa ấy không phải đúng vào lúc cô gái dừng xay ngô nó mới rực hồng, sáng lên. Nó vốn đã đỏ rồi, nhưng bây giờ trời tối nên nhìn thấy rực hồng, rực sáng như vậy. Câu thơ nguyên bản không có chữ tối như bản dịch (cũng như không có chữ buồn, chữ vui như đã nói ở trên) mà lại là tối, cái tài tình của nghệ thuật là ở đó. Dùng sáng để nói tối, cũng như dùng động để nói tĩnh, dùng thấp để nói cao, dùng cảnh để nói ngưòi cứ tự nhiên, y nhiên vậy. Và trên dòng trôi của thời gian một bức tranh thơ đa chiều tĩnh lặng mà sinh động của một không gian trời chiều tầng tầng, lóp lóp, xa gần gắn kết bầu trời và mặt đất, hoà họp giữa cảnh thiên nhiên và cảnh sinh hoạt mà con người lao động hiện ra ở vị trí trung tâm.
Với bài thơ Mộ (Chiều tối) ta cảm nhận, thấm và hiểu tâm trạng của Bác trong sự chuyển động của thời gian, trong nhịp sống của cảnh vật, trong dòng đời đang chảy của con người. Đây chính là sự gặp gỡ, quyện chặt, hoà lẫn giữa thời gian tự nhiên và thời gian tâm lí, giữa cảnh vật và con người để biểu hiện tâm trạng, cái nhìn và lòng tin yêu hi vọng hướng về phía trước, về tương lai, nâng niu, trân trọng sự sống đến quên mình của Bác trong một hoàn cảnh cực kì khắc nghiệt.
(Lê Xuân Đức, Đọc thơ Hồ Chí Minh, NXB Chính trị Quốc gia, 2008)