Trang chủ Lớp 10 SBT Ngữ văn 10 Chuyện chức phán sự đền Tản Viên – SBT Văn 10 tập...

Chuyện chức phán sự đền Tản Viên – SBT Văn 10 tập 2: Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 43...

Soạn bài Chuyện chức phán sự đền Tản Viên – Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 43 SBT Ngữ văn 10 tập 2. Phân tích tính cách Ngô Tử Văn, từ đó nêu lên tư tưởng của Chuyện chức phán sự đền Tản Viên.

Advertisements (Quảng cáo)

1. Phân tích tính cách Ngô Tử Văn, từ đó nêu lên tư tưởng của Chuyện chức phán sự đền Tản Viên.

Bài tập này có hai yêu cầu :

– Phân tích tính cách Ngô Tử Văn.

– Nêu tư tưởng của truyện.

a) Tính cách nổi bật ở nhân vật Ngô Tử Văn là cương trực, dũng cảm đấu tranh vì chính nghĩa. Qua mỗi tình tiết, sự kiện, tính cách đó càng được khắc hoạ rõ nét.

– Trước hết, tính cách Ngô Tử Văn thể hiện qua lời kể của tác giả : “Chàng vốn khảng khái, nóng nảy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được, vùng Bắc người ta vẫn khen là một người cương trực”.

– Ngay khi mới xuất hiện, tính cách Ngô Tử Văn đã bộc lộ khá rõ với hành động châm lửa đốt ngôi đền thiêng : “Tử Văn rất tức giận, một hôm tắm gội sạch sẽ, khấn trời, rồi châm lửa đốt đền. Mọi người đều lắc đầu lè lưỡi, lo sợ thay cho Tử Văn, nhưng chàng vẫn vung tay không cần gì cả”. Phản ứng của Tử Văn trước thói xấu, thói ác nhanh và mạnh như thuốc súng. Hành động “tắm gội sạch sẽ” trước khi đốt đền, “vung tay không cần gì cả” sau khi đốt đền chứng tỏ Tử Văn đã quyết đấu, quyết sống mái với kẻ gian tà, dù đối thủ của Tử Văn là kẻ ai cũng phải kinh sợ.

– Lúc ở chốn âm cung, do chỉ nghe bên nguyên, Diêm Vương – vị quan toà xử kiện, người cầm cán cân công lí – cũng đã có lúc tỏ ra hồ đồ. Chính khi đứng trước công đường, Tử Văn càng là người có khí phách. Chàng không chỉ “kêu to”, khẳng định : “Ngô Soạn này là một kẻ sĩ ngay thẳng ở trần gian”, mà còn dũng cảm vạch mặt tên bại tướng gian tà với lời lẽ “rất cứng cỏi, không chịu nhún nhường chút nào”. Chàng chiến đấu đến cùng vì lẽ phải. Cứ từng bước, Ngô Tử Văn đã đánh lui tất cả sự phản công, kháng cự của kẻ thù, cuối cùng đánh gục hoàn toàn viên tướng giặc.

b) Tư tưởng của Chuyện chức phán sự đền Tản Viên :

– Tác giả đã vạch trần bộ mặt gian tà của không ít kẻ đương quyền “quen dùng chước dối lừa, thích làm trò thảm ngược”. Ngòi bút Nguyễn Dữ không chỉ lên án một số quan tham lại nhũng đương thời mà còn tố cáo mạnh mẽ hiện thực xã hội với “rễ ác mọc lan, khó lòng lay động”, “vì tham của đút” mà bênh vực cho kẻ gian tà. Ngay một lời buột miệng rất tự nhiên của Tử Văn khi nói với Thổ công : “Sao mà nhiều thần quá vậy ?” cũng cho ta thấy một khía cạnh của hiện thực xã hội đương thời : xã hội có quá nhiều kẻ hữu danh vô thực, lợi dụng địa vị, quyền thế làm điều bất chính.

– Tác giả đề cao phẩm chất của kẻ sĩ quân tử. Ngô Tử Văn là hình tượng tiêu biểu cho kẻ sĩ cương trực, khảng khái, kiên quyết chống gian tà.

– Nguyễn Dữ đã thể hiện sâu sắc tinh thần tự hào dân tộc. Viên Bách hộ họ Thôi khi sống đã thất bại nhục nhã trên đất Việt, lúc chết thành hồn ma lẩn quất làm điều dối trá, càn bậy, nên lại tiếp tục nếm mùi thất bại. Phải chăng đó là số phận chung cho những tên xâm lược ?

– Câu chuyện kết thúc với thắng lợi thuộc về Ngô Tử Văn. Kết thúc có hậu này chứng tỏ tác giả đã tìm về cội nguồn truyền thống nhân đạo và yêu nước của dân tộc Việt Nam từng được thể hiện trong nhiều câu chuyện cổ tích : chính nghĩa thắng gian tà, tinh thần dân tộc thắng ngoại xâm.

2. Phân tích tác dụng nghệ thuật của sự kết hợp giữa yếu tố “kì” và yếu tố “thực” trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên.

Viết Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, Nguyễn Dữ đã sử dụng kết hợp thành công yếu tố “kì” và yếu tố “thực”. Câu chuyện đầy tính chất kì ảo bởi sự xuất hiện của thế giới âm cung với những hồn ma, bóng quỷ, với những cảnh vật khác thường, với chuyện người chết đi, sống lại, từ dương gian xuống địa phủ, từ cõi âm về lại cõi trần… Nhưng câu chuyện lại có vẻ như “người thực, việc thực” bởi cách dẫn người, dẫn việc cụ thể đến cả họ tên, quê quán, cả thời gian, địa điểm xảy ra sự việc : “Ngô Tử Văn tên là Soạn, người huyện Yên Dũng, đất Lạng Giang”, “Năm Giáp Ngọ, có người ở thành Đông Quan vốn quen biết vói Tử Văn […] “. Yếu tố kì ảo là biện pháp nghệ thuật làm tăng tính hấp dẫn của câu chuyện. Yếu tố hiện thực làm tăng tính xác thực, làm cho câu chuyện có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Cảm hứng của Nguyễn Dữ khi sáng tác Truyền kì mạn lục là lấy cái “kì” để nói cái “thực”.

3. Anh (chị) hãy làm sáng tỏ một trong những nét đặc sắc của Chuyện chức phán sự đền Tản Viên là rất giàu kịch tính.

Chuyện chức phán sự đền Tản Viên có cốt truyện rất giàu kịch tính, cốt truyện được tổ chức theo ba đoạn, giống như một vở kịch : sự xuất hiện mâu thuẫn, xung đột – mâu thuẫn, xung đột phát triển, đẩy tới cao trào (thắt nút) – mâu thuẫn, xung đột được giải quyết (mở nút).

 – Mở đầu câu chuyện là sự xuất hiện những mâu thuẫn, xung đột : Hồn ma tên tưởng xâm lược bại trận Bách hộ họ Thôi làm yêu làm quái trong dân gian, chiếm ngôi đền thiêng. Tử Văn rất tức giận, “châm lửa đốt đền. Mọi người đều lắc đầu lè lưỡi, lo sợ thay cho Tử Văn”.

 – Mâu thuẫn, xung đột tiếp tục phát triển, đẩy tới cao trào (thắt nút) :

 + Sau khi đốt đền, Ngô Tử Văn nổi cơn sốt rét, người khó chịu, đầu lảo đảo, bụng run run. Giữa lúc đó hồn ma tên tướng giặc xuất hiện, trách mắng, đe doạ, đòi Ngô Tử Văn phải dựng trả ngôi đền như cũ. Tử Văn mặc kệ, “vẫn cứ ngồi ngất ngưởng tự nhiên”.

 + Qua lời Thổ công, Tử Văn được biết hồn ma tên tướng giặc là kẻ “quen dùng chước dối lừa, thích làm trò thảm ngược”, là kẻ “giảo hoạt” nhưng “những đền miếu gần quanh, vì tham của đút, đều bênh vực cho nó”. Hồn ma tên tướng giặc quyết chống chọi với Tử Văn và đã kiện Tử Văn ở Minh ti. Trong khi đó Tử Văn bệnh càng nặng, lại bị hai tên quỷ sứ đến bắt đi, dẫn tới chỗ “Tội sâu ác nặng, không được dự vào hàng khoan giảm”.

 + Mâu thuẫn lên tới cao trào, đỉnh điểm khi Tử Văn và hồn ma tên tướng giặc đối chất trước Diêm Vương. Do bị bưng bít sự thật, ngay khi mới giáp mặt, Diêm Vương đã quát mắng Tử Văn là kẻ hàn sĩ hỗn láo và đe doạ : “tội ác tự mình làm ra, còn trốn đi đàng nào?”.. Diêm Vương còn bênh vực hồn ma tên tướng giặc là “người cư sĩ, trung thuần lẫm liệt, có công với tiên triều” nên được “đền công khó nhọc”. Tên tướng giặc thì tìm cách chối bỏ tội ác, đổ lỗi cho Ngô Tử Văn. Trong hoàn cảnh ấy, Tử Văn vẫn bình tĩnh kể lại đầu đuôi câu chuyện với lời lẽ cứng cỏi, thái độ kiên quyết không chút nhún nhường.

 – Mâu thuẫn, xung đột được giải quyết (mở nút) : Trước những chứng cứ rõ ràng, sự thực được phơi bày, hồn ma tên tướng giặc bị trừng trị “lấy lồng sắt chụp vào đầu, khẩu gỗ nhét vào miệng”, bỏ vào ngục Cửu U. Tử Văn được làm chức phán sự đền Tản Viên. Công lí đã được thực hiện : người tốt được đền bù, kẻ ác phải đền tội.

 Nhân vật Ngô Tử Văn và hồn ma tên tướng giặc bại trận được đặt trong sự đối lập, tương phản, kết cấu truyện với những mâu thuẫn, xung đột giàu kịch tính đã tạo nên nét đặc sắc của Chuyện chức phán sự đền Tản Viên.

 4. Kết thúc truyện, tác giả có lời bình :

Người ta thường nói: “Cứng quá thì gãy”. Kẻ sĩ chỉ lo không cứng cỏi được, còn gãy hay không là việc của trời. Sao lại đoán trước là sẽ gãy mà chịu đổi cứng ra mềm ?

Lời bình trên gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì về phẩm chất của người thanh niên trong cuộc sống hiện nay ?

Đây là một đề mở, yêu cầu anh (chị) phát biểu ý kiến riêng của mình về một vấn đề xã hội, đạo đức.

Để làm tốt bài tập này, cần lưu ý mấy ý chính sau :

– Phân tích cách hiểu của mình về lời bình của tác giả. Lời bình nhấn mạnh đến phẩm chất cần có ở kẻ sĩ là phải “cứng cỏi”. “Cứng cỏi” ở đây hàm nghĩa bản lĩnh giữ vững lẽ phải trong bất cứ tình thế nào, cho dù có thể thất bại nhưng cũng không vì thế mà thay đổi phẩm chất đó.

– Phần trọng tâm nói lên suy nghĩ của bản thân về phẩm chất đó. Đây là phần sáng tạo, tư duy độc lập của mỗi người. Tuy nhiên, cũng có thể tham khảo các gợi ý sau :

+ Cuộc sống trên mọi lĩnh vực chính trị, xã hội hay khoa học, trong cuộc sống chung cũng như riêng, không phải bao giờ cũng dễ dàng, thuận lợi. Mỗi con người luôn đứng trước những thử thách lớn nhỏ, có khi bất ngờ, ngoài dự tính của mình.

+ Một phẩm chất quan trọng của con người, nhất là thanh niên, là có được bản lĩnh vũng vàng để bảo vệ lẽ phải ; lẽ phải về chính trị, về khoa học hay về đạo đức…

+ Phẩm chất đó giúp cho mỗi người vượt qua được khó khăn, thất bại tạm thời để đi đến thành công trong cuộc đời ; đặc biệt là thành công trong việc bảo vệ chân lí và bảo vệ nhân phẩm của mình.

+ Cuộc sống hiện đại ngày nay đang đặt ra nhiều thử thách đối với thanh niên. Lời khuyên trên càng có ý nghĩa thời sự.

Sachbaitap.com