1. a) Vì sao Nguyễn Du đồng cảm với Tiểu Thanh ? Hãy chọn một trong ba khả năng sau đây:
A - Vì Tiểu Thanh nghèo khổ.
B - Vì Tiểu Thanh bị áp bức, bóc lột.
C - Vì Tiểu Thanh có tài năng nhưng bất hạnh.
b) Qua việc Nguyễn Du đồng cảm với Tiểu Thanh, hãy nêu nhận xét về đặc điểm của chủ nghĩa nhân đạo Nguyễn Du.
a) C là phương án đúng.
Tiểu Thanh không thuộc lớp người cùng khổ, đói cơm rách áo. Nhà thơ chú ý đến nỗi đau khổ về phương diện tinh thần của Tiểu Thanh - người có đầy đủ điều kiện để được sống hạnh phúc (có sắc đẹp, có tài văn chương) mà lại phải chịu một số phận hẩm hiu (phải làm vợ lẽ và chết yểu).
b) Chúng ta thường gắn chủ nghĩa nhân đạo với tình thương yêu, cảm thông dành cho người dân bị áp bức, bóc lột, cùng khổ. Nhưng bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí lại mở ra một phương diện khác của chủ nghĩa nhân đạo và chính đây là một nét mới có ý nghĩa của bài thơ.
Khác hẳn các giai đoạn văn học trước đó chỉ thấy vị trí chủ đạo của người đàn ông (thiền sư, người anh hùng vệ quốc hay nhà nho bảo vệ chính đạo...), trong văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX, hình tượng người phụ nữ chiếm một vị trí nổi bật. Các nhà văn giai đoạn này lúc đầu chú ý đến nỗi đau khổ, sự mất mát của người chinh phụ, người cung nữ trong cuộc sống tình cảm riêng tư. Đến Nguyễn Du, nhà thơ đã chuyển sự quan tâm đặc biệt đến một lớp người phụ nữ có thân phận khá tương đồng với thân phận của các nhà Nho trong thời kì xã hội loạn lạc, suy thoái: đó là những người phụ nữ có sắc đẹp và tài năng (đàn, thơ...). Đó là Dương Quý Phi, Tiểu Thanh, người con gái gảy đàn ở Thăng Long (trong thơ chữ Hán) ; là Đạm Tiên, Thuý Kiều (trong Truyện Kiều). Họ là những phụ nữ có học vấn, thông thạo thi ca nhạc hoạ nhưng lại là những người có số phận hẩm hiu, tài hoa nhưng bạc mệnh nhưng lại bị xã hội thời đó coi thường, gạt ra ngoài lề xã hội. Nguyễn Du bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với họ, đồng thời cũng mượn thân thế của họ để ngụ ý thân thế của lớp nhà Nho như mình.
2. Theo anh (chị), vì sao Nguyễn Du lại viết: "Cái án phong lưu khách tự mang” (Phong vận kì oan ngã tự cư) ? Câu thơ này có liên hệ như thế nào với hai câu kết : "Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa - Người đời ai khóc Tố Như chăng ?” (Bất tri tam bách dư niên hậu - Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ?).
Người xưa nói "đồng bệnh tương liên” hay "đồng cảnh tương liên”. Nguyễn Du nghĩ về Tiểu Thanh và thấy có sự tương đồng giữa thân phận nàng và thân phận ông : tài năng mà bất hạnh. Lời thơ chất chứa nỗi thương người và thương thân. Vì thế, Nguyễn Du tự hỏi không biết ba trăm năm nữa ai sẽ khóc thương ông như bây giờ ông đang khóc thương cho Tiểu Thanh. Đây là mối đồng cảm sâu sắc giữa những người có tài năng văn chương. Có thể nói, Nguyễn Du đã đặt vấn đề về thân phận của những người nghệ sĩ, trí thức trong xã hội phong kiến.
Advertisements (Quảng cáo)
3. Hãy nêu nhận xét về kết cấu của bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí.
Kết cấu của tác phẩm chịu sự quy định của nội dung tư tưởng cần diễn đạt. Bài thơ vừa đề cập đến số phận của nàng Tiểu Thanh vừa thể hiện tâm sự của tác giả nên có hai phần rõ rệt. Nhìn đại thể, 4 câu đầu viết về Tiểu Thanh, 4 câu sau dành cho suy nghĩ về thân phận của chính Nguyễn Du. Cụ thể :
- Hai câu 1-2 (đề) tả cảnh hoang phế của Tây Hồ, nơi đã diễn ra cuộc đời buồn tủi của nàng Tiểu Thanh (có thể trong tưởng tượng) và sự việc nhà thơ đọc tập truyện kí về Tiểu Thanh. Cảnh và sự gợi tình (xúc cảm) nảy sinh. Đây là một đặc điểm của thi pháp trung đại (tức cảnh sinh tình, xúc cảnh sinh tình). Cảm xúc thường được một cảnh nào đó dẫn phát.
- Hai câu 3-4 (thực) nêu các cảm xúc, ý nghĩ từ cảnh vật. Hai cảm nhận : nàng Tiểu Thanh là người đẹp và là người có tài văn chương, đây có vẻ như là nguyên nhân gây ra bất hạnh cho nàng, có dáng dấp của các suy tưởng khái quát: tài sắc là nguyên nhân gây nên sự bất hạnh cho con người.
- Hai câu 5 - 6 (luận) cất tiếng oán trách sự bất công của tạo hoá, nhận thấy sự tương đồng giữa thân phận mình với thân phận Tiểu Thanh. Hai câu luận đã bắt đầu khái quát, nêu triết lí: Từ câu chuyện về Tiểu Thanh, tác giả đề cập đến vấn đề chung của những người tài sắc, liên tưởng đến bản thân.
- Hai câu 7 - 8 (kết) là sự dự cảm về số phận của bản thân (giống như Thuý Kiều nhìn thân phận Đạm Tiên mà nghĩ về chính mình : "Thấy người nằm đó biết sau thế nào ?”). Không chỉ đồng cảm mà còn gửi gắm tâm sự qua nhân vật phụ nữ tài sắc - bất hạnh là một cảm hứng lớn trong sáng tác của Nguyễn Du mà bài thơ này là một trường hợp.
Có một cách phân tích khác dựa vào tương quan giữa yếu tố cảnh và tình. Theo thi pháp thơ cổ, trung đại, tâm của thi nhân tiếp xúc với cảnh (cảnh hiểu theo nghĩa rộng là cuộc sống nói chung) sẽ nảy sinh cảm xúc. Người xưa khái quát bằng công thức "xúc cảnh sinh tình”. Bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí chỉ có hai câu đầu tiên nói tới cảnh và việc đọc thơ, đọc sách về Tiểu Thanh. Sáu câu thơ còn lại là những cảm xúc, những nỗi niềm băn khoăn, day dứt, uất hận khôn nguôi. Bài thơ này tiêu biểu cho phong cách thơ Nguyễn Du, một nhà thơ được mệnh danh là nhà thơ chủ tình.
Nếu so sánh với bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi, dễ thấy sự khác biệt. Cảnh ngày hè có sáu câu thơ đều dành cho việc tả cảnh, cảm xúc chỉ bộc lộ ở hai câu cuối cùng. Một bài thơ diễn tả cảm xúc khá cân bằng, chừng mực, có nét ung dung tự tại.
4. Bài tập, trang 134, SGK.
Bài tập yêu cầu so sánh đoạn thơ của Truyện Kiều với bài thơ nhằm mở rộng sự hiểu biết về một đề tài mà Nguyễn Du quan tâm - đề tài về sự bất hạnh của người hồng nhan, người tài sắc. Đọc đoạn thơ trong Truyện Kiều (từ câu 107 đến câu 110) để biết đoạn thơ này Kiều nói về ai, trong hoàn cảnh nào ; từ đó sẽ thấy nỗi ám ảnh của Nguyễn Du trong Đọc Tiểu Thanh kí giống như ám ảnh của Kiều (Kiều nói về nàng Đạm Tiên, một phụ nữ có tài sắc nhưng chết trong bất hạnh và liên tưởng đến khả năng số phận của Đạm Tiên sẽ lặp lại đối với mình).
Sachbaitap.com