1. Tìm một số dẫn chứng tiêu biểu trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia thể hiện nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng.
Anh (chị) có thể tìm các dẫn chứng tiêu biểu thể hiện nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng ở chương này theo các gợi ý sau :
- Từ một tình huống trào phúng cơ bản (hạnh phúc của một gia đình có tang), nhà văn triển khai mâu thuẫn theo nhiều tình huống khác nhau, tạo nên một màn đại hài kịch phong phú và rất biến hoá. Chẳng hạn, cụ cố tổ chết khiến cho mọi người trong đại gia đình bất hiếu này đều hạnh phúc, nhưng mỗi người lại có niềm hạnh phúc riêng, tuỳ theo hoàn cảnh và tính cách của từng người, rất phong phú và đa dạng, từ con cháu trong nhà tới bè bạn của cụ, thậm chí đến cả cảnh sát. Tài năng của Vũ Trọng Phụng chính là ở chỗ đã xây dựng được một loạt chân dung biếm hoạ không ai giống ai.
- Đặc biệt, đoạn tả đám tang đi từ nhà cụ cố Hồng ra đến huyệt rất hài hước. Đám ma mà như đám rước vậy. Đủ cả kèn Ta, kèn Tây, kèn Tàu. Hàng trăm câu đối, vòng hoa, bức trướng. Đây là cơ hội để mọi người khoe khoang. Chú ý câu chuyện của những người đi đưa tang.
- Một trong những thủ pháp quen thuộc được Vũ Trọng Phụng sử dụng là phát hiện những chi tiết đối lập nhau gay gắt nhưng cùng tồn tại trong một sự vật, một con người để từ đó làm bật lên tiếng cười. Ngoài ra, các thủ pháp cường điệu,nói ngược, nói mỉa, những so sánh, những lời bình luận hài hước... đều được sử dụng một cách đan xen linh hoạt.
2. Anh (chị) nhận xét như thế nào về ý nghĩa của chi tiết “Đám cứ đi...” và những hành động của ông Phán mọc sừng đối với Xuân Tóc Đỏ ở cuối đoạn trích ?
Chi tiết "Đám cứ đi...” được nhắc đến hai lần, mỗi lần là một dòng riêng như một điệp khúc, có giá trị châm biếm, trào lộng.
Những hành động của ông Phán mọc sừng đối với Xuân Tóc Đỏ ở cuối đoạn trích là những chi tiết trào phúng đặc biệt chua chát góp phần không nhỏ tô đậm sự lố lăng, vô đạo đức của xã hội “thượng lưu” thời đó : “Ông Phán cứ oặt người đi, khoe khóc mãi không thôi”. Nhưng đúng lúc ấy, ông vẫn không quên bí mật dúi vào tay Xuân "một cái giấy bạc năm đồng gấp tư”. (Đây là số tiền ông Phán thanh toán nốt cho Xuân vì trước đó đã thuê hắn tố cáo ông (cháu rể cụ cố tổ, chồng cô Hoàng Hôn) là một người chồng mọc sừng” - nguyên nhân trực tiếp gây nên cái chết của bà cô tổ.
3. Có ý kiến cho rằng, trong đoạn trích, từ cách dùng từ, cách so sánh đến cách đặt câu, dựng đoạn... đều thể hiện đậm nét chất trào phúng, châm biếm. Anh (chị) có đồng ý với nhận xét đó không ? Vì sao ?
Advertisements (Quảng cáo)
Trong đoạn trích cách dùng từ, cách so sánh đến cách đặt câu, dựng đoạn... đều thể hiện đạm nét chất trào phúng, châm biếm :
- Cách đặt nhan đề chương truyện: Hạnh phúc của một tang gia.
- Cách đặt tên nhân vật: Mặc dù, các nhân vật xuất hiện từ những chương trước ; nhưng tên các nhân vật cũng góp phần tạo nên chất trào phúng: Xuân Tóc Đỏ, ông Phán mọc sừng, Typn, ông lang băm Tây, ông lang băm Đông, cụ lang Tì, cụ lang Phế, sư Tăng Phú, sư chùa Bà Banh, cảnh sát Min Đơ, Min Toa...
- Cách đặt tên đồ vật: báo Gõ mõ, bộ y phục Ngây thơ...
- Cách so sánh: "hai cụ đã từ chối chạy chữa cũng như những vị danh y biết tự trọng, "buồn rầu như những nhà buôn sắp vỡ nợ”...
- Cách dùng hình ảnh : “Tuyết mời các quan khách rất nhanh nhẹn, trên mặt lại hơi có một vẻ buồn lãng mạn rất đúng mốt một nhà có đám”, những ông bạn thân của cụ cố Hồng: Hóng “trên mép và cằm đều đủ râu ria, hoặc dài hoặc ngắn, hoặc đen hoặc hung hung, hoặc lún phún hay rầm rậm, loăn quăn”...
- Cách tạo giọng điệu hài hước : “Thật là một đám ma to tát có thể làm cho người nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu...!” Những việc trắc trở như thế đã làm cho ông già hơn tám mươi tuổỉ phải chết một cách bình tĩnh”...
Tóm lại, Vũ Trong Phụng đã vận dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật phong phú để tạo nên chất trào lộng, châm biếm đậm đặc của đoạn trích. Điều này cũng được thể hiện trong toàn bộ tiểu thuyết số đó.