1. Bài tập 1, trang 171, SGK.
Bài làm có thể được viết theo dàn ý sau đây:
a) Mở bài: Giới thiệu chung về tác giả văn học được thuyết minh.
b) Thân bài:
- Trình bày sơ qua thân thế của tác giả theo từng giai đoạn cuộc đời ; chú ý nhấn mạnh những nét có thể giúp độc giả từ chỗ hiểu con người nhà văn mà hiểu thêm văn chương của nhà văn đó.
- Giới thiệu sự nghiệp văn học của tác giả, bao gồm :
+ Những tác phẩm chính (có thể giới thiệu theo giai đoạn hoặc đề tài).
+ Giá trị tư tưởng của các tác phẩm.
+ Đặc sắc nghệ thuật của các tác phẩm.
+ Những đóng góp của tác giả cho văn học và cho cuộc sống.
c) Kết bài:
- Tổng kết các ý chính đã viết ở các phần trên.
- Những cảm nghĩ, ấn tượng mà tác giả để lại trong tâm trí người viết.
2. Xác định dàn ý của bài văn thuyết minh dưới đây:
THẢ DIỀU
Thả diều là trò chơi truyền thống của cả người lớn và trẻ em, phổ biến ở khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ, lan tới vùng Thanh - Nghệ, rồi tới cả xứ Huế miền Trung.
Vào cữ cuối xuân sang hè, rồi suốt cả mùa hè, có nơi tới chớm thu, vào những buổi chiều quang mây, ngắm nhìn mấy cánh diều trắng bay cao giữa bầu trời xanh thẳm cùng với tiếng sáo vi vu lúc xa lúc gần, lúc trầm lúc bổng - phụ thuộc vào độ lên cao của diều và luồng gió tự nhiên - ai cũng sẽ thấy lòng êm dịu và muốn tận hưởng cảnh hạnh phúc thôn dã thanh bình ấy.
Song chơi diều không phải chỉ là thú vui tao nhã, tạo được không khí yên bình cho cuộc đời bình yên. Người làng Nguyên Xá (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) chơi diều sáo hàng năm từ tháng ba tới tháng sáu, bảy âm lịch. Diều Nguyên Xá to, nặng. Thường phải ba người khiêng để đâm (lao) diều. Diều chiêng kêu "bi, bi” như tiếng chiêng ngân, âm vang rất xa. Diều càng lên cao, sáo càng hút gió, tiếng sáo nghe càng rền. Và tiếng sáo kêu như vậy là "thanh giời”, "tốt gió trên”, tức là trời trong. Trời trong trẻo không có mây, vậy sẽ hiếm mưa. Chơi diều thành trò chơi phong tục, ẩn giấu lòng cầu mong trời khô tạnh. Bà Pô-rê Ma-xpê-rô trong công trình đồ sộ Nghiên cứu về lễ nghi nông nghiệp của người Căm-pu-chia, với nhiều dẫn chứng sâu sắc, có sức thuyết phục, đã dẫn sáu đặc trưng của "Văn hoá hội nước” hay "Văn hoá Nam Á”, trong đó có Tục thả diều.
(Viện Văn hoá dân gian, Lễ hội cổ truyền, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992.
Nhan đề do NBS đặt)
Bài Thả diều đã được viết theo dàn ý sau đây :
a) Mở bài: Giới thiệu chung về trò chơi thả diều.
b) Thân bài: Thuyết minh cụ thể hơn về thú chơi diều :
- Vẻ gợi cảm của cánh diều.
- Âm thanh trầm bổng, vi vu của tiếng sáo diều.
- Ý nghĩa của trò chơi thả diều.
c) Kết bài: Nét đặc sắc của trò chơi thả diều trong văn hoá vùng Nam Á.
3. Hãy giải thích vì sao một bài văn thuyết minh được viết để giới thiệu nhà thơ lớn Nguyễn Trãi lại không thể làm theo dàn ý sau đây:
a) Mở bài: Giới thiệu chung về Nguyễn Trãi.
b) Thân bài:
- Giới thiệu cuộc đời Nguyễn Trãi:
+ Giai đoạn trước khi giặc Minh tràn sang xâm lược.
+ Giai đoạn tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
+ Giai đoạn ẩn dật ở Côn Sơn và vụ án Lệ Chi Viên oan khốc.
- Giới thiệu các tác phẩm chính của thi hào Nguyễn Trãi:
Advertisements (Quảng cáo)
+ Dư địa chí.
+ Lam Sơn thực lục.
+ Những tác phẩm có liên quan đến cuộc kháng chiến chống quân Minh : Quân trung từ mệnh tập và Bình Ngô đại cáo.
+ Quốc âm thi tập.
c) Kết bài: Nguyễn Trãi với thời đại hiện nay.
Dàn ý được nêu trong bài tập còn có nhiều thiếu sót. Bởi lẽ :
a) Phần thân bài chưa đạt yêu cầu, bởi:
- Thiếu nhiều ý cần thiết (dàn ý nêu trong bài tập đã không nói đến những năm Nguyễn Trãi đau đáu, nung nấu tìm lẽ cứu dân cứu nước trước khi tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ; không nói đến những ngày ông nỗ lực vận dụng lí tưởng nhân nghĩa vào việc xây dựng một triều đại mới; và cũng quên nói về tập thơ chữ Hán Ức Trai thi tập - tác phẩm góp phần quan trọng làm nên một thi hào Nguyễn Trãi).
- Có nhiều ý không phù hợp với đề bài, gây ra tình trạng lạc đề hoặc xa đề (những tác phẩm như Lam Sơn thực lục, Dư địa chí, Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo không phải là những thi phẩm ; do đó, không nằm trong sự nghiệp thi ca của một thi hào).
- Sắp xếp các ý chưa rành mạch, hợp lí (phần giới thiệu sự nghiệp của Nguyễn Trãi khi thì theo từng tác phẩm : Dư địa chí, Lam Sơn thực lục; khi lại theo giai đoạn : những tác phẩm có liên quan đến cuộc kháng chiến chống quân Minh. Mặt khác, việc sắp xếp các tác phẩm cũng lộn xộn, không theo một căn cứ đáng tin cậy nào, không ra giới thiệu tác phẩm theo thể loại, theo hình thức văn tự, cũng không ra giới thiệu tác phẩm theo thời gian sáng tác).
b) Phần kết bài chưa tổng hợp được những nội dung đã đề cập ở phần thân bài, trước khi tìm cách lưu lại những suy nghĩ và cảm xúc trong lòng độc giả.
4. Qua kinh nghiệm rút ra khi làm bài tập 3, hãy xây dựng một dàn ý cho bài thuyết minh về nét đặc sắc của một nhà văn, một nhà khoa học hay một nghệ sĩ (diễn viên, ngôi sao ca nhạc...) mà anh (chị) biết.
Tham khảo nội dung các bài viết ngắn sau rồi xây dựng thành mẫu dàn ý hợp lí :
a) Nếu như thiên nhiên biết mang ơn con người đã đi sâu trong lòng đời sống của thiên nhiên, đã ca ngợi nó, thì người trước tiên xứng đáng được hưởng ơn đó là Mi-kha-in Pri-svin.
Pri-svin (1873 - 1954) gốc người En-xơ - một thành phố Nga cổ. Cũng trong vùng ấy đã xuất hiện I.Bu-nin (1870 - 1953), người hệt như Pri-svin, biết làm cho thiên nhiên phong phú thêm bằng màu sắc của những suy tưởng và tâm trạng con người.
Giải thích điều đó như thế nào đây ? Hẳn là do thiên nhiên quanh tỉnh En-xơ rất Nga, rất giản dị và không giàu có. Trên cơ sở giản dị, phẩm chất đất đai nổi lên rõ hơn, cái nhìn cũng sắc hơn và ý nghĩ cũng tập trung hơn.
Prisvin cho mình là nhà thơ "bị đóng đinh trên cây thập tự của văn xuôi”. Nhưng văn xuôi của ông còn đầy chất thơ hơn rất nhiều, so với một số lớn những bài thơ và những bản thơ trường thiên.
Nói theo cách của Pri-svin thì tác phẩm của ông là "niềm vui vô tận của những khám phá thường xuyên”.
Pri-svin không là người viết cổ tích. Ông là người của đất, của "bà mẹ đất đai ẩm ướt”, nhân chứng của tất cả những gì đang diễn ra quanh ông.
Cái duyên Pri-svin nảy sinh từ chỗ ông biết tìm ra trong mỗi vật nhỏ bé một điều thú vị, dưới cái bề ngoài đáng ngán của những hiện tượng quanh mình. Từ đó, mỗi vật đều bóng lên ánh thơ như cỏ gặp sương. Mỗi lá liễu hoàn diệp hèn mọn có cuộc đời riêng của nó.
Ngôn ngữ của Pri-svin là ngôn ngữ nhân dân, hình thành trong sự chung đụng chặt chẽ của người Nga với thiên nhiên, trong lao động, trong cái đơn giản và sáng suốt của tính cách nhân dân. Ví dụ, câu "Đêm qua đi dưới vầng trăng to lớn, trong sạch” hoàn toàn truyền đạt một cách rõ ràng khoảng thời gian im lìm và hùng vĩ của đêm khuya đang trôi đi trên đất nước ngủ yên. Và "băng đầu mím đã kết”, và "sương đã ướt đầm cây cỏ” - tất cả những thứ đó đều sinh động, đều nhân dân. Bởi vì Pri-svin là người của nhân dân chứ không phải là người đứng bên ngoài mà nhìn nhân dân.
Những nhà thực vật học có danh từ "tạp thảo”. Danh từ này thường chỉ những cánh đồng cỏ ra hoa. Ta hoàn toàn có quyền gọi văn xuôi của Pri-svin là "tạp thảo” của ngôn ngữ Nga. Những từ của Pri-svin nở hoa, sáng lấp lánh, lúc xào xạc như cỏ, lúc thì thào như nguồn suối, lúc hót lên như chim, lúc kêu khe khẽ như băng giá đầu mùa.
Pri-svin từng nói : "Nếu chỉ có những đầm lầy hoang dại là nhân chứng cho sự thắng lợi của anh thì chúng sẽ toả ra một sắc đẹp kì lạ, và mùa xuân sẽ còn với anh mãi mãi”.
Đúng như thế, mùa xuân của văn xuôi Pri-svin sẽ còn mãi mãi trong cuộc sống và trong nền văn học của chúng ta.
(Dựa theo : C.Pau-xtốp-xki, Bông hồng vàng, NXB Văn học, 1982, tr. 239 - 249)
b) Nguyễn Hiến Lê (1912 -1984) là một nhà văn, học giả, dịch giả, nhà giáo dục và hoạt động văn hoá độc lập, với 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du kí, gương danh nhân, chính trị, kinh tế... Ông cũng là một nhân sĩ đáng trọng bởi dù ở hoàn cảnh nào vẫn luôn giữ được sự trung thực, tự trọng trong thái độ và quan điếm sống.
Nguyễn Hiến Lê đã từng hai lần từ chối giải Tuyên dương sự nghiệp văn học, nghệ thuật của chính quyền Sài Gòn thời đó, cho dù giá trị của giải tương đương với 25 lượng vàng. Trả lời thắc mắc của một số bạn hữu, Nguyễn Hiến Lê nói : "Nguyên tắc của tôi là không nhận một vinh dự gì do một chính quyền tôi không trọng ban cho”. Có lần, một Bộ trưởng trong chính phủ Sài Gòn cho nhân viên đến mời ông tới "tư dinh” nói chuyện, ông đã thẳng thừng cật vấn : "Tôi không thuộc quyền ông ấy. Nếu ông ấy mến tôi là nhà văn thì sao lại mời tôi tới thăm ông ấy ?”. Lại có lần, Nguyễn Hiến Lê đã không trả lời thư riêng của một vị Bộ trưởng chỉ vì lá thư gửi ông lại do một viên thư kí kí thay.
Nguyễn Hiến Lê từng tâm sự rằng, tuổi càng lớn, ông càng trân trọng sự bình dị, vốn đã trở thành một nét cá tính của mình. Từng có biên tập viên, sau khi đọc một đoạn kí sự của ông, đã cất công đảo câu văn này lên, hạ câu văn kia xuống, cắt tỉa, thêm bớt cho "có nhạc hơn”. Ông khen người nọ "sửa khéo”, nhưng khi đưa in, ông vẫn giữ nguyên đoạn ông viết trước, vì phải viết như thế mới tự nhiên, mới đúng ý, đúng cảm xúc của ông.
Nhắc tới các sách dịch của Nguyễn Hiến Lê, độc giả thường nhớ nhất hai cuốn Quẳng gánh lo đi và vui sống và Đắc nhân tâm. Tác giả hai cuốn ấy có những quan điểm về xử thế mà Nguyễn Hiến Lê rất tâm đắc, song vẫn có chỗ ông thẳng thắn bày tỏ quan điểm không đồng thuận. Như trong bài viết "Nhân sinh quan của tôi”, Nguyễn Hiến Lê đã nêu ý kiến : "Nên trọng dư luận nhưng không nên nhắm mắt theo dư luận. Biết đắc nhân tâm nhưng cũng có lúc phải tỏ nỗi bất bình của mình mà không sợ thất nhân tâm”.
Là người có lối nghĩ Tây học, tân tiến, song Nguyễn Hiến Lê vẫn không dung nạp được cách sống xem nhẹ sự liên kết giữa các thành viên trong gia đình như ở một số nước Âu, Mĩ. Năm 1965, một người con trai của Nguyễn Hiến Lê (khi ấy đang sống và làm việc tại Pháp) đã bất ngờ xin phép bố mẹ cho được kết hôn với một phụ nữ Pháp. Biết tính con đã muốn gì thì quyết làm bằng được, nên ông không cấm, song cũng nhất định không can dự. Mấy năm sau, người con trai này kêu cầu mẹ mình ở lại Pa-ri trông nom con cái giùm vì hai vợ chồng đang làm thủ tục ... li dị. Nhận được tin, Nguyễn Hiến Lê mắng con đã quá tôn thờ cái tôi cá nhân, "không biết tới gia đình, không còn tình của con người nữa”. Vậy nhưng khi con đã li hôn, ông lại ấn hận vì mình quá nóng nảy. Ông tâm sự : "Nó tưởng nó tự làm chủ tương lai, tự tạo hạnh phúc của nó được, mà rồi nó thất bại. Kinh nghiệm của cha mẹ đã không giúp được cho con thì tôi còn rầy con tôi làm chi nữa”.
Sau ngày giải phóng miền Nam, mặc dù vợ con đang sống ở Pháp và Nguyễn Hiến Lê hoàn toàn đủ điều kiện để sang đó định cư theo con đường hợp pháp, song ông vẫn quyết định ở lại trong nước. Một số văn nghệ sĩ ngoài Bắc và nhà văn tham gia kháng chiến ở bưng biền đã tìm đến thăm ông, hỏi han sức khoẻ và tình hình công việc. Nguyễn Hiến Lê tiếp chuyện họ một cách lịch sự, cầu thị, song không vồ vập. Đặc biệt, ông "không đáp lễ” (tức là không đến thăm để trả lễ) ai. Ông không muốn để ai hiểu lầm, đánh giá thấp nhân cách của mình.
Khi thấy sức khoẻ của Nguyễn Hiến Lê mỗi ngày mỗi suy, một nhân viên thuộc Ban Tuyên huấn Thành uỷ Sài Gòn đã đề nghị ông vào điều trị ở Bệnh viện Thống Nhất, với chế độ dành cho cán bộ cấp cao của thành phố, Nguyễn Hiến Lê đã nhất mực từ chối. Ông giải thích :”Tôi có công gì với Cách mạng đâu mà vô đó ?... Vô đó tôi sẽ mắc cỡ, chịu sao nổi ?”.
Có thể thấy, học giả Nguyễn Hiến Lê không chỉ là một tấm gương sáng về khối kiến thức lớn lao và tinh thần miệt mài lao động. Nguyễn Hiến Lê, đó còn là một nhân cách đáng trọng, một mẫu mực về cốt cách, tinh thần kẻ sĩ.
(Tổng hợp từ Bee.net.vn, 20 - 5-2010 và cand.com, 16-3 -2011)
Sachbaitap.com