Trang chủ Lớp 10 SBT Ngữ văn 10 Luyện tập viết đoạn văn thuyết minh Văn 10 tập 2: Giải...

Luyện tập viết đoạn văn thuyết minh Văn 10 tập 2: Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 47 – Sưu tầm và giới thiệu trên báo tường...

Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 47 SBT Ngữ văn 10 tập 2. Sưu tầm và giới thiệu trên báo tường, trong sinh hoạt câu lạc bộ văn học những đoạn văn thuyết minh chuẩn xác và hấp dẫn.. Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn thuyết minh SBT Ngữ văn 10 tập 2

Advertisements (Quảng cáo)

1. Bài tập 2, trang 63, SGK.

Từ những kết quả và tiến bộ đã đạt được, hãy viết một bài văn thuyết minh để giới thiệu một con người, một miền quê, một danh lam thắng cảnh hoặc một phong trào hoạt động mà anh (chị) đã có dịp tìm hiểu kĩ.

Chú ý viết sao cho bài văn đạt được các yêu cầu dưới đây :

– Cung cấp được những tri thức chuẩn xác.

– Vận dụng được những phương pháp thuyết minh phù hợp với yêu cầu nói rõ nội dung.

– Sắp xếp ý và diễn đạt rành mạch, rõ ràng.

– Bài văn sinh động và có sức hấp dẫn người đọc.

Có thể tham khảo đoạn trích sau :

Trái cây Đà Lạt thì đặc biệt có dâu tây, quả to, mọng, ngày trước giá một ki-lô dâu bằng một nửa tạ gạo. Trái xơ-ri tròn trĩnh chín đỏ, vừa bằng cặp môi của em bé lên ba. Mới nhập vào miền Nam những năm gần đây, nhưng rất được ưa chuộng là trái bơ, to bằng quả su su, nhưng phía núm hơi kéo dài ra, lại hơi cong lên một chút ; vỏ mỏng, láng bóng, màu xanh lục hoặc tím sẫm, lốm đốm những chấm trắng ; hột bơ bên trong to bằng quả cau, những trái bơ già khi lắc nghe hột kêu lọc cọc bên trong là những trái ngon. Cùi bơ mềm, nhạt, nhưng có vị bùi và béo ngậy. Khi ăn, nên xúc cùi ra chén hoặc cốc, trộn đường vào rồi đánh cho nhuyễn, có thể trộn thêm cả sữa ; nếu đem ướp lạnh sẽ được một loại kem ngon đặc biệt. Bơ trồng rất thích hợp ở Đà Lạt, ra trái vào những tháng hè. Ngoài những trái cây ưa lạnh kể trên, Đà Lạt vẫn còn nhiều thứ trái khác vốn vẫn trồng phổ biến ở miền Nam ta. Chợ Đà Lạt có đủ loại xoài, măng cụt, chôm chôm, dứa… và rất nhiều chuối, nhất là chuối ngự.

( Theo Tạ Thị Bảo Kim, Việt Nam – thắng cảnh,

NXB Phổ thông, Hà Nội, 1978)

2. Sưu tầm và giới thiệu trên báo tường, trong sinh hoạt câu lạc bộ văn học những đoạn văn thuyết minh chuẩn xác và hấp dẫn.

Dưới đây là một trong những đoạn văn được viết để giới thiệu về một số “thú vị vui tươi của ngày Tết Việt” mà anh (chị) có thể tham khảo :

Tết ! Còn dịp nào trong đời ta nhiều thú vị vui tươi hơn nữa. […] Lúc đó mỗi nhà đều uống rượu thưởng năm mới. Rồi chiếc bánh chưng đầu năm mang lên, xanh mịn trên đĩa trắng. Bánh chưng gói khéo thì vuông và chắc rắn : gạo mềm và nhiễn, nhân đậu và mỡ quánh vào nhau. Chỗ nạc thì tơi ra như bông gạo. Có nhà gói lắm nạc, nhưng nhiều mỡ vẫn ngon hơn : mỡ phần, chỗ dọi, lúc chín thì trong, và không có thớ. Bánh chưng kể mặn là phải vị. Nhưng có dăm bảy chiếc gói ngọt cũng hay. Chỉ khó làm sao cho đừng sượng, và đường với đậu phải biến với nhau mà thôi.

Tưởng lúc xén đũa đưa miếng bánh chưng lên, thoảng mùi lá dong thơm và mùi nếp cái, ăn với dưa hành trong như ngọc thạch, hoặc với củ cải đậm và giòn như pháo xuân ! Đó là tât cả hương vị của cái tết Việt Nam ngày nay và ngày xưa.

[…] Thế rồi đi du xuân ngày mồng một, nhìn cây nêu phấp phới trước các nhà, tiếng khánh sành reo trong gió. Một cuộc hoà nhạc của sắc màu : quần áo mới của bầy trẻ, xác pháo đổ trên gạch rêu, màu hồng nhạt hay đỏ tươi của câu đối giấy dán trên cổng, và màu củ cẩm (hay cánh sen) trên những tranh tết – nhất là cái màu tím mát ấy, màu của đất nước […], của thời xưa chân thật […].

Trong lúc đó, trời xuân đầy mây thấp và gần gụi, thời tiết êm ả như đợi chờ, gió xuân nhẹ như hơi thở, và cây cối đều nở mầm non, lộc mới – tất cả cái gì như đầm ấm, như dịu dàng. Còn hưởng cái thú nào man mác và thanh cao hơn nữa ?

(Theo Thạch Lam, Nghệ thuật ăn Tết, trong: Nhiều tác giả,

Phong vị tết Việt, NXB Phụ nữ, 2010, tr.58-61)

3. Có thể coi hai đoạn văn dẫn dưới đây đều là những đoạn văn thuyết minh được không ? Vì sao ?

a) Xin nêu một ví dụ : cái bánh lá Huế. Cái bánh lá Huế là xuất phát từ cái péng lá Mường, về chất liệu, tên gọi, cách cấu tạo là một. Nhưng từ cái péng lá Mường đến cái bánh lá Huế có một độ khúc xạ riêng. Kĩ thuật chế biến thay đổi, chiếc bánh mỏng tanh phải đặt trên đĩa sứ hoa văn để người ta thấy hoa văn ở dưới. Mọi thứ đều khiêm tốn, nhỏ nhẹ, thuỳ mị, chứng tỏ cái tinh vi, tế nhị của một thành phố đã từng là kinh đô của nước Việt Nam khi Tổ quốc này rộng lớn nhất về đất đai, có ý thức nhất về văn hoá. Cái nhỏ nhẹ, thuỳ mị này bạn sẽ gặp ở mọi thức ăn: tôm chua, bánh măng, mứt, các thứ mắm, lối thái thịt, các thứ chè, đến cả thức ăn dân dã nhất là cơm hến. Người Huế không ăn lấy no mà coi ăn là để thưởng thức, uống rượu say mềm không phải là uống rượu kiểu Huế: người ta chỉ đạt đến một chút lâng lâng. Mặc kiểu Huế không phải là loè loẹt: cái đẹp ở đây là sự mộc mạc nhưng kết hợp hài hoà. Nhạc Huế không phải nhạc giật gân kêu gọi bắp thịt: nó nhỏ nhẹ nhắc gợi những hình ảnh tha thiết của tâm tư. Ngay trong giọng Huế ta cũng bắt gặp một độ cao vừa phải, không vang xa như tiếng Bắc, tiếng Nam, không quá thấp như tiếng Nghệ – Tĩnh. Có một bài học về sự thanh lịch mà chốn cố đô ấy có quyền giới thiệu với cả nước và nước ngoài : một sự thanh lịch trong tầm tay của ta, không phải tốn tiền của, phí công sức.

(Theo Phan Ngọc, Văn hoá Việt Nam và cách tiếp cận mới,

NXB Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 1994)

b) Nếu đền Ngọc Sơn nằm lọt trong một phường thôn nào đó thì làm gì có cầu Thê Húc, làm gì có đình Trấn Ba và như vậy giá trị cảnh quan chẳng đã hao hụt đi không ít hay sao ? Đền Ngọc Sơn được cả nước biết tiếng chính vì đã nằm gọn trong lòng Hồ Gươm. Non nước sóng đôi làm tăng phần mĩ lệ cho đền cổ ; mà không có Hồ Gươm thì Nguyễn Văn Siêu, thi sĩ đầu thế kỉ XIX, cũng sẽ không sao có được bức tranh thơ đẹp đến thế này:

                                   Một chén trong lòng đất nổi

                                  Nước dài chở lật trời qua

                                 Thuyền câu ngày xuân tiễn khách

                                 Quay chèo về ngủ bên hoa.

(Bản dịch)

Vạt hồ mênh mang mà ví như chén nước. Đảo Ngọc và đền Ngọc nổi bồng bềnh như một váng tăm. Mặt nước chạy dài dường như lật ngửa bầu trời mà chở đi về chốn xa vời. Và thế là mùa xuân hiển hiện lên trong hình dáng một con thuyền chài tiễn khách đang quay mái chèo về nép cạnh bờ hoa. Một cách nhìn độc đáo và một tứ thơ táo bạo lạ thường!

(Theo Nguyễn Vinh Phúc, Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn,

NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2003)

Đoạn văn (b) đem đến cho ta một cảm xúc rất đẹp về vẻ thơ mộng của đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm, một danh thắng nổi tiếng của thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, đoạn viết không nhằm cung cấp những tri thức khách quan về cảnh đẹp ấy của chốn Hà thành, mà nói về một cách thưởng thức riêng, độc đáo của một thi sĩ tài danh. Những dòng viết có sức hấp dẫn của một đoạn văn biểu cảm, chứ không phải của một đoạn thuyết minh.

4. Có một câu mở đoạn được viết như sau :

Nhắc đến Nguyễn Trãi trước hết là nhắc đến người đã làm nên một trong những cuốn sách địa lí cổ nhất và có giá trị lớn nhất về đất nước ta.

Có thể dùng câu mở đoạn ấy trong một bài văn thuyết minh về danh nhân Nguyễn Trãi được không ? Vì sao ?

Không thể dùng câu văn được nêu trong bài tập để mở đoạn cho bài văn thuyết minh về danh nhân Nguyễn Trãi. Vì:

– Câu đó không thể mở đầu cho đoạn văn thứ nhất của thân bài, hoặc cho đoạn văn đầu tiên trong phần giới thiệu các tác phẩm của Ức Trai. Bởi xét về phương diện nào, dù là giá trị tác phẩm, thời gian sáng tác, hay khả năng gây ấn tượng… thì một bài giới thiệu về danh nhân Nguyễn Trãi, hoặc phần viết về sự nghiệp trước tác của ông, cũng đều chưa thể bắt đầu bằng Dư địa chí.

Câu văn đó cũng không thể mở đầu cho các đoạn văn còn lại của thân bài. Bởi như thế, từ “trước hết” trong câu sẽ trở nên lạc lõng, không chính xác.

Sachbaitap.com