Trang chủ Lớp 9 SBT Ngữ Văn lớp 9 (sách cũ) Mây và sóng SBT Văn lớp 9: Những thành công trong việc...

Mây và sóng SBT Văn lớp 9: Những thành công trong việc xây dựng những hình ảnh thiên nhiên...

Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 52 SBT Ngữ Văn 9 tập 2. Vì sao trong hai cuộc vui chơi do em bé tưởng tượng ra, cuộc vui chơi lần thứ hai lại thú vị hơn ?. Soạn bài Mây và sóng SBT Ngữ Văn 9 tập 2 - Soạn bài Mây và sóng

1.  Câu 1, trang 88, SGK.

   Lời nói của em bé gồm hai phần có nhiều nét giống nhau.

   a) Hãy chỉ ra những điểm giống nhau và khác nhau giữa hai phần và phân tích tác dụng của những chỗ giống nhau và khác nhau ấy trong việc thể hiện chủ để của bài thơ.

   b) Giả thiết không có phần thứ hai thì ý thơ có được trọn vẹn và đầy đủ không ?

   - Có thể xác định được một cách khá dễ đàng là bài thơ gồm có hai phần. Vấn đề là nêu lên ý nghĩa của bố cục đó qua việc chỉ ra và phân tích sự giống nhau và khác nhau giữa hai phần.

   - Hai phần có rất nhiều điểm giống nhau về nội dung cũng như hình thức diễn đạt :

   + Đều có lời rủ rê của mây hoặc sóng đối với em bé.

   + Đều nói lên cách ứng xử hợp lí, thông minh của em bé (chần chừ rồi từ chối vì em đã sáng tạo được trò chơi “thú vị hơn” với mẹ).

   + Đều dùng hình thức đối thoại lồng trong lời kể của em bé.

   + Các câu ở vị trí tương ứng đều có hình thức và cấu trúc cơ bản giống nhau. Nếu ở thơ Đường luật ta đã thấy hiện tượng đối nhau giữa hai vế trong một câu, giữa hai câu trong một cặp câu thì ở đây, cũng có thể nói có hiện tượng đối nhau giữa hai phần trong một bài, một hiện tượng của điệp cấu trúc.

   Bài thơ gồm hai phần như vậy là hợp lí vì tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai nội dung cũng như mạch cảm xúc. Nhan đề là Mây và sóng nên bài thơ cũng cần có hai phần tương ứng, một phần cho người “trên mây” rủ rê và cho em bé biến thành mâỵ, một phần cho người “trong sóng” rủ rê và cho em bé biến thành sóng. Rủ rê hai lần tất có sức cám dỗ hơn một lần. Vượt qua được nhiều lần cám dỗ, tất tình cảm, bản lĩnh của em bé được bộc lộ rõ ràng hơn.

   - Hai phần cơ bản giống nhau song không phải lặp lại một cách đơn giản mà có phát triển. Các em có thể so sánh từng ý, từng câu tương ứng ở hai phần để thấy sự khác biệt theo hướng tăng tiến ấy.

    Chẳng hạn lời từ chối của em bé ở phần một : “Mẹ mình đang đợi ở nhà” (nguyên văn : My mothes is waiting for me at home) khác với phần hai : “Buổi chiều mẹ luôn muốn mình ở nhà” (nguyên văn : My mother, always wants me at home in the evening). Không phải bây giờ rủ rê, tôi từ chối mà rủ rê bất cứ lúc nào, tôi cũng từ chối !...

    Nếu đối chiếu một cách kĩ lưỡng, còn có thể thấy, nếu ở phần trên có 9 dòng thì phần dưới có đến 10 dòng, dòng cuối cùng không có vế tương ứng ở phần thứ nhất. Cứ cho câu “Và không ai trên thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào” là dòng (câu) thứ 9 kéo dài thì câu này (trong nguyên văn) có đến 27 chữ trong khi câu thứ 9 ở phần thứ nhất (trong nguyên văn) chỉ có 16 chữ.

    Ở các văn bản có các phần đối xứng, các yếu tố mang tính chất phi đôi xứng như vậy thường có một ý nghĩa đặc biệt. Các em hãy tự lí giải vai trò, ý nghĩa của dòng thơ cuối cùng, dòng thơ mang tính chất phi đối xứng này.

2.  Câu 2, trang 88, SGK.

   Xác định vị trí của dòng thơ "Con hỏi : ..” ở mỗi phần.

   Hai dòng thơ : “Con hỏi : Nhưng làm thế nào mình lên đó được ?” và “Con hỏi : Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được ?” cho thấy em bé, với tính ham vui chơi của trẻ thơ, đã bị lời rủ rê cuốn hút. Hai dòng thơ vừa thể hiện sinh động tính cách hồn nhiên, chân thực của trẻ thơ, vừa tạo ra được một tình huống gay cấn, ở đó, em bé được đặt giữa hai lực níu kéo. Em yêu mẹ hơn tất cả song cũng rất thích vui chơi và cuối cùng đã tìm ra được một cách giải quyết viên mãn. Sự xuất hiện của hai dòng thơ này cho thấy Ta-go rất am hiểu tâm lí trẻ thơ và xứng đáng là nhà thơ của thiếu nhi bên cạnh những danh hiệu cao quý khác.

3.  Vì sao có thể nói những cuộc vui chơi do em bé tưởng tượng sáng tạo là thú vị hơn những cuộc vui chơi do những người “sống trên mây” và “sống trong sóng” sắp đặt ?

Advertisements (Quảng cáo)

    Vì sao trong hai cuộc vui chơi do em bé tưởng tượng ra, cuộc vui chơi lần thứ hai lại thú vị hơn ?

   Các cuộc vui chơi do em bé tưởng tượng ra thú vị hơn vì ở đây không chỉ có em và cảnh vật thiên nhiên mà còn có cả mái nhà ấm cúng và đặc biệt là có cả mẹ ; trong hai cuộc chơi tưởng tượng, cuộc vui chơi lần thứ hai lại thú vị hơn vì sự gắn bó giữa mẹ và em (và cũng là giữa sóng và bờ biển) còn mật thiết hơn cả giữa mây và trăng, mật thiết tới mức khi sóng “cười vang vỡ tan vào lòng mẹ” thì không còn ai biết chốn nào là nơi ở của mẹ và em nữa. “…không ai trên thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào” cũng có nghĩa là “mẹ con ta” ở khắp mọi nơi, không ai có thể chia cách, cũng có nghĩa là tình mẫu tử bao la, bất diệt. Giả dụ tác giả chuyển hình ảnh “sóng” và “bờ biển” lên đoạn trên và chuyển hình ảnh “mây” và “trăng” xuống dưới thì dư âm của bài thơ sẽ kém phần lan toả.

4.  Hãy nêu những thành công của tác giả trong việc xây dựng những hình ảnh thiên nhiên.

   Có thể nêu sự thành công trong việc xây dựng hình ảnh thiên nhiên ở những mặt sau :

   - Sinh động (đầy sức sống ; âm thanh, màu sắc đa dạng, phong phú).

   - Chân thực (sóng “cười vang”, sóng “ca hát”, sóng “ngao du nơi này nơi nọ mà không biết tìm đến nơi nao” : đặc điểm của sự vật luôn được tôn trọng).

   - Vừa thể hiện rõ tình cảm yêu thiên nhiên, vừa qua phép so sánh để làm nổi bật được tầm vóc vũ trụ của tình mẫu tử.

   - Lối nói ẩn dụ, cách chuyển trường từ vựng “thiên nhiên” sang trường từ vựng “con người”... ; ý nghĩa, tác dụng của việc chuyển trường từ vựng ấy.

5.  Câu 6*, trang 88, SGK.

    Ngoài ý nghĩa ca ngợi tình mẹ con, bài thơ còn có thể gợi cho ta suy ngẫm thêm điều gì nữa ?

   - Đây là đề mở và tương đối khó, song nếu chịu khó suy nghĩ, phát huy liên tưởng, thì em nào cũng có thể nêu lên được một vài cảm nghĩ lí thú.

   -  Chủ đề cơ bản ở bài thơ là tình mẹ con nên SGK tập trung cho HS tìm hiểu vấn đề đó, song ý nghĩa của bài thơ không chỉ có vậy.

   Có thể nói tất cả hình ảnh trong bài thơ (từ hình ảnh thiên nhiên : mây, sóng, trăng, bến bờ đến hình ảnh mẹ, con) đều mang tính biểu tượng cao, có thể gợi cho người đọc nhiều liên tưởng phong phú, chẳng hạn :

   + Không phải riêng trẻ thơ có thể bị cám dỗ mà người lớn cũng vậy. Muốn chống lại được cám dỗ, phải có nội lực, phải có điểm tựa, phải tự sáng tạo được “điều thú vị hơn” cả ma lực cám dỗ.

   + Hạnh phúc không phải là cái gì quá cao xa mà là rất bình thường, gần gũi.

   + Thoạt nhìn dường như có sự mâu thuẫn giữa tình yêu thiên nhiên với tình yêu mẹ song cuối cùng, cuối mỗi phần của bài thơ và đặc biệt là ở câu thơ dôi ra của phần hai, con người (mẹ và con) không chỉ đã hoá thân thành những hiện tượng thiên nhiên (mây, trăng, sóng, bến bờ) mà còn như hoà tan vào thế giới tự nhiên. Phải chăng tác giả còn muốn gợi cho chúng ta suy nghĩ sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa thiên nhiên và thế giới con người ?...

 

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn SBT Ngữ Văn lớp 9 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây: