Trang chủ Lớp 11 SBT Văn 11 Soạn bài Người trong bao – SBT Văn lớp 11 tập 2:...

Soạn bài Người trong bao – SBT Văn lớp 11 tập 2: Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 65...

Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 65 SBT Ngữ văn lớp 11 tập 2. Nhập vai Bê-li-cốp để kể lại truyện ngắn Người trong bao bằng ngôi thứ nhất.. Soạn bài Người trong bao SBT Ngữ văn lớp 11 tập 2 – Soạn bài Người trong bao

Advertisements (Quảng cáo)

1. Bài tập 1, trang 70, SGK.

Nhập vai Bê-li-cốp để kể lại truyện ngắn Người trong bao bằng ngôi thứ nhất.

Bài tập này yêu cầu anh (chị) kể lại truyện ngắn Người trong bao theo một hình thức kể khác : nhân vật tự kể về mình.

Theo hình thức nhân vật tự kể về mình thì sẽ có mô hình : tôi kể câu chuyện về bản thân tôi cho anh, cho mọi người. Sự thay đổi cách kể này thường gặp trong các tác phẩm văn học và tạo ra những hiệu quả nghệ thuật nhất định. Nhân vật được kể, tức là đối tượng của việc kể, trở thành nhân vật kể chuyện và tự kể, tức là biến mình thành đối tượng của việc kể. Như vậy, cái cần kể, cái phải kể ở đây không thay đổi, nghĩa là vẫn con người ấy, vẫn tính cách ấy song ngôi kể, tức chủ thể phát ngôn thì thay đổi: Nhân vật tự kể về mình cũng có nghĩa là nhân vật tự phô bày mình ra, tự trình bày lại mọi hành vi, hoạt động theo suy nghĩ của bản thân đúng với bản chất của tính cách nhân vật.

– Nhân vật xuất hiện và tự giới thiệu về mình : về danh tính, nghề nghiệp, tuổi tác….

– Nhân vật tự trình bày cách sống, lối sống của anh ta, cách sống trong bao, cách tạo ra cái vỏ bao để chui vào đấy mà tận hưởng cuộc sống theo lối riêng của mình.

– Nhân vật trình bày quan niệm của mình về quan hệ công tác : đối với cấp trên (ở đây là ông hiệu trưởng, ông thanh tra) thái độ phải cung cúc, tận tuỵ, tuân thủ răm rắp, không được tự ý làm trái hay thay đổi ý kiến của cấp trên ; đối với đồng nghiệp (ở đây là giáo viên các bộ môn khác) : thái độ răn đe, doạ dẫm, ngờ vực, gieo hoài nghi cho mọi người, tự ý xông vào nhà người khác rồi ngồi lì ở đó với cặp mắt soi mói…

– Chân dung tự hoạ của nhân vật : mặc chiếc áo bành tô để dễ giấu mặt, đeo đôi kính đen, tai nhét bông… Nơi ở là một căn buồng chật như cái hộp, đi ngủ thì trùm chăn kín mít mà luôn phấp phỏng sợ trộm chui vào nhà… Hắn không thích giao tiếp rộng rãi, không thích cái mói (chuyện đi xe đạp)…. Muốn lấy vợ nhưng lại không dám đặt vấn đề… Thói quen phục tùng thụ động, máy móc, luôn luôn tự cho mình là đúng, coi lối sống của người khác là sai lầm, là không đúng mực…

– Nhân vật tự rút ra kết luận về lối sống đó và ảnh hưởng của lối sống đó đối với mọi người xung quanh.

Khi làm bài tập này, cần chú ý là phải kể từ ngôi thứ nhất. Chú ý tới ngữ điệu của nhân vật, có thể là ngữ điệu “vênh váo” vì anh ta đã tạo ra một lối sống khác đời, có thể là ngữ điệu lo âu, buồn thảm vì với lối sống đó anh ta mất hết khả năng chủ động trong công việc. Chú ý tới cách thức lập luận, dẫn dắt các tình huống, sự kiện của Sê-khốp.

2. Bài tập 2, trang 70, SGK.

Theo tưởng tượng của anh (chị), hãy viết một đoạn kết khác cho truyện ngắn Người trong bao.

Kết thúc truyện là cái chết của nhân vật, cho nên khi viết lại đoạn kết của câu chuyện về Bê-li-cốp, có thể chọn những cách khác nhau :

– Bê-li-cốp tiếp tục quan hệ với Va-ren-ca và họ cưới nhau, để rồi không chịu được lối sống kì cục đó, Va-ren-ca đi tới chia tay.

– Mọi người đều đồng tình phản đối Bê-li-cốp, hiệu trưởng cùng với thanh tra giáo dục buộc phải thuyên chuyển anh ta đi nơi khác. Bê-li-cốp nhận ra sai lầm của mình và quyết tâm sửa chữa.

– Bê-li-cốp bị bài xích và nhận ra các sai lầm của mình, anh ta để lại một bức thư trần tình và biến mất, từ đó không ai nhìn thấy hay gặp anh ta ở đâu nữa.

– Bê-li-cốp nhận ra sự sai lầm trong lối sống thu mình và quyết tâm sửa sai, hoà mình vào nhịp sống chung của mọi người.

– Sau cú ngã trời giáng ấy, anh ta ốm nặng. Mọi người tỏ ra thông cảm với sự đơn độc của Bê-li-cốp và họ đi tới thống nhất là quyên góp tiền để chữa bệnh cho anh ta, cử người thường xuyên săn sóc anh ta. Trong những ngày ấy, Bê-li-cốp được nghe kể nhiều chuyện dân gian rất lí thú. Anh ta chợt hiểu ra sự sai lầm nghiêm trọng về lối sống ích kỉ của mình trước đây, cái lối sống đã tạo ra rào cản cho mọi người, cho anh ta với mọi người. Anh ta hối hận và thành thật xin lỗi họ. Tất cả đều đồng ý tha thứ. Một cuộc sống mới mở ra trước mắt anh và mọi người.

Lưu ý : Đây là cách kết thúc tự chọn. Mỗi người có cách hiểu riêng của mình, có tiếng nói riêng của mình. Điều quan trọng là các suy nghĩ đó đều được rút ra từ truyện Người trong bao, như là một bài học, hay một quan niệm sống. Có thể phê phán, có thể đồng tình, có thể biện minh… tuỳ hoàn cảnh và cách cảm nhận của từng người.

3. Dựa vào truyện ngắn Người trong bao, hãy phân tích các biểu hiện khác nhau của hình ảnh “cái bao” trong cuộc đòi Bê-li-cốp.

Trong việc khắc hoạ chân dung nhân vật, Sê-khốp thường sử dụng nhiều chi tiết tưởng chừng vặt vãnh, nhỏ nhoi, tầm thường như giày, ô, mũ, bông nhét tai… và đặc biệt là hình ảnh “cái bao”, cần bám sát vào văn bản thống kê số lần “cái bao” xuất hiện để từ đó tìm ra ý nghĩa của nhan đề Người trong bao. Có thể phân tích hình ảnh cái bao qua ba cấp độ :

a) Hình ảnh “cái bao” qua các vật dụng hằng ngày của Bê-li-cốp

Tác giả liệt kê nhiều chi tiết cho thấy các vật dụng hằng ngày của Bê-li-cốp đều mang tính chất “bao”, đều được “bao bọc”: ô để trong bao, đồng hồ quả quýt cũng đế trong bao, chiếc dao cũng được đặt trong bao… Bản thân hắn cũng được đặt trong cái bao đặc biệt : áo bành tô ấm cốt bông, ngay cả khi trời không lạnh. Tất cả các vật dụng của hắn đều có một thứ vỏ bọc riêng, tạo ra các kiểu “bao” cụ thể song rất ấn tượng.

b) Hình ảnh “cái bao” qua công việc hằng ngày

Nhiệm vụ của Bê-li-cốp là hằng ngày giảng dạy tiếng Hi Lạp cổ, thứ tiếng mà hắn cho là : “thật là tuyệt vời, êm tai”.  Hắn ghê tởm hiện tại nên tìm cách quay về với quá khứ : “ngợi ca quá khứ, ngợi ca những gì không bao giờ có thật”. Tất cả những điều đó cũng tạo ra một loại “bao” đặc biệt, vây bọc hắn, che chở và bảo vệ cho hắn.

c)  Hình ảnh “cái bao” thường trực trong tư tưởng

– Hắn luôn luôn có một nỗi sợ hãi, nghi ngại : “sợ nhỡ ra lại có chuyện gì” thường trực trong tư tưởng. Từ đó dẫn tói việc ngại tiếp xúc, ngại va chạm, bảo thủ và không dám chấp nhận cái mói ; tạo ra một lối sống kì dị: khi ngủ thì trùm chăn kín mít và rờn rợn nghĩ lại sợ xảy ra chuyện gì. Tư tưởng của hắn bị bao kín bởi một nỗi sợ vô hình và hắn bị gặm nhấm dần vì nỗi sợ ấy.

-Hình ảnh “cái bao” tạo ra một lối sống thu mình, ích kỉ, song điều nguy hiểm là lối sống co cụm trong bao ấy sẽ tác động tiêu cực đến xã hội, sẽ khiến người khác phải chùn bước trước cái mới. Lối sống ấy tạo ra một bầu không khí nặng nề, ức chế, đề phòng và dè chừng lẫn nhau, ở đó con người khó có thể giao tiếp, khó có thể thật lòng với nhau. Anh (chị) tự liên hệ và đề xuất các suy nghĩ về lối sống, lẽ sống.

4. Để khắc hoạ tính cách nhân vật Bê-li-cốp, Sê-khốp đã sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật khác nhau. Anh (chị) hãy chỉ ra các biện pháp nghệ thuật ấy và cách thức sử dụng chúng của tác giả.

Cũng như các nhà văn khác, để khắc hoạ tính cách nhân vật Bê-li-cốp, Sê-khốp đã sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật khác nhau. Đó là :

a) Xây dựng những chi tiết điển hình

– Chân dung nhân vật Bê-li-cốp được tái hiện qua nhiều chi tiết đời thường. Anh (chị) hãy chỉ ra những chi tiết ấy và tính chất biếm hoạ của chúng.

– Chi tiết “cái bao” được nhấn mạnh mấy lần ? Sự nhấn mạnh ấy nhằm dụng ý gì ?

–  Các chi tiết ấy có ảnh hưởng như thế nào đến việc hình thành thói quen sinh hoạt, tạo thành cuộc sống lập dị của nhân vật ?

b) Tạo ra các đối thoại – độc thoại nội tâm phù họp với các nhân vật

– Các đối thoại gắn với ba tình tiết tiêu biểu : Bê-li-cốp là đối tượng bị đàm tiếu, chế giễu; việc chị em nhà Va-ren-ca đi chơi bằng xe đạp ; lời đe doạ của Cô-va-len-cô. Anh (chị) hãy cho biết các phản ứng của Bê-li-cốp trong ba trường hợp này. Các phản ứng đó có liên quan gì với tính cách nhân vật Bê-li-cốp không ?

– Các đối thoại này cho thấy hoàn cảnh vây bọc nhân vật. Hoàn cảnh này có quy định tính chất “cái bao” của nhân vật không ?

– Độc thoại nội tâm của Bê-li-cốp : “sợ nhỡ lại xảy ra chuyện gì” tạò ra sự lo âu thường trực trong nhân vật. Nỗi lo âu đó có phải tự nó cũng là một cái bao không ?

c) Khắc hoạ chân dung Bê-li-cốp từ điểm nhìn của người kể chuyện, qua lời kể của nhân vật Bu-rơ-kin

– Lời kể của nhân vật Bu-rơ-kin xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Nhân vật này đóng vai trò kể chuyện, dẫn dắt câu chuyện, duy trì giọng điệu và bộc lộ một cách nhìn, một thái độ đánh giá nhân vật Bê-li-cốp. Anh (chị) hãy chỉ ra giọng điệu châm biếm của Bu-rơ-kin.

– Thái độ đánh giá của Bu-rơ-kin về Bê-li-cốp cũng là thái độ phê phán của tác giả về hoàn cảnh xã hội đã sản sinh ra mẫu người Bê-li-cốp. Từ đó, anh (chị) hãy rút ra ý nghĩa biểu tượng của nhân vật Bê-li-cốp.

d) Các biện pháp nghệ thuật trên được sử dụng tuần tự theo diễn biến của truyện

– Đoạn mở đầu : khắc hoạ chân dung bằng các chi tiết điển hình.

– Đoạn giữa đan lồng các đối thoại để tạo ra các góc nhìn khác nhau về cùng một con người ; kết hợp với độc thoại nội tâm (rất ngắn) của nhân vật Bê-li-cốp như là hình thức hồi âm – cộng hưởng, để làm nổi bật cả hình thức bên ngoài lẫn nội tâm nhân vật. Từ đó cho thấy tính chất nguy hại của lối sống này.

Lời người kể chuyện Bu-rơ-kin, qua đó bộc lộ gián tiếp cách nhìn của tác giả, xuyên suốt toàn bộ câu chuyện, tạo ra sự quy chụm của mạch kể, kết tinh thành “người trong bao” Bê-li-cốp quanh năm đi giày cao su, tay cầm ô trong nỗi sợ hãi thường trực. Hình ảnh Bê-li-cốp vừa tạo ra ấn tượng về một lối sống nguy hại, lối sống đánh mất bản thân mình, vừa tạo ra không khí ảm đạm, ngột ngạt của một thời đại, mà muốn thoát ra thì phải xoá bỏ lối sống ấy. Theo anh (chị), cái chết của Bê-li-cốp ở cuối tác phẩm có ý nghĩa gì xét từ phương diện này ? Nhân vật chết vì tai nạn hay nhân vật phải chết để kết thúc một lối sống lập dị, kì cục, phương hại tới sự phát triển đi lên của xã hội ?