Trang chủ Lớp 10 SBT Ngữ văn 10 Soạn bài Nhàn -SBT Văn 10 tập 1 trang 102 – Phân...

Soạn bài Nhàn -SBT Văn 10 tập 1 trang 102 – Phân tích vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Bỉnh Khiêm...

Giải câu 1, 2, 3 trang 102 SBT Ngữ văn 10 tập 1. Phân tích vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ Nhàn. Soạn bài Nhàn SBT Ngữ văn 10 tập 1 – Soạn bài Nhàn

Advertisements (Quảng cáo)

1. Phân tích vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ Nhàn.

Bài thơ Nhàn làm hiện lên vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Bỉnh Khiêm : yêu thiên nhiên, giản dị mà thanh cao.

– Yêu thiên nhiên, Nguyễn Bỉnh Khiêm trở về sống giữa tự nhiên. Yêu đến độ hoà hợp, đến độ giữa con người và thiên nhiên không còn khoảng cách. Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, mùa nào thiên nhiên cũng là môi trường sống thanh tao:

                                                               Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,

                                                               Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

Hai câu thơ là một bộ tranh tứ quý, có cảnh, có người, có mùi vị, có hương sắc. Con người thảnh thơi, vui thú với thiên nhiên, tận hưởng niềm hạnh phúc mà thiên nhiên mang lại. Vật chất có mà tinh thần cũng có. Mùa thu ăn măng trúc, mùa đông ăn giá đỗ, nhưng câu thơ “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá”, nói như Xuân Diệu là có cảm giác “ăn giá tuyết, uống băng đông”. Cách viết tinh tế trong câu thơ là biểu hiện của sự cảm nhận tinh tế về thiên nhiên của tác giả.

– Tâm hồn Bạch Vân Cư Sĩ giản dị mà thanh cao. Trạng Trình về sống giữa thôn quê như một “lão nông tri điền”, với những công cụ lao động – mai để đào đất, cuốc để xới đất, cần câu đế bắt cá :

                                                            Một mai, một cuốc, một cần câu,

                                                            Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.

Nguyễn Bỉnh Khiêm dời bỏ chốn quan trường để về quê nhàn dật, tránh xa danh lợi. Dù không sống và lao động như một người nông dân bình thường thì Bạch Vân Cư Sĩ vẫn gần gũi với người dân cả trong đời sống vật chất và tình thân.

Bậc đại ẩn trở về với cuộc sống chất phác, nguyên sơ của cái thời “tạc tỉnh canh điền” (đào giếng lấy nước uống, cày ruộng lấy cơm ăn), hết sức giản dị với những thức ăn quê mùa, dân dã. Ăn đã vậy, còn ở, còn sinh hoạt ? Cũng tắm hồ, tắm ao như bao người dân quê khác. Đạm bạc chứ không khắc khổ. Đạm đi với thanh : “Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao” – vừa có nước xanh trong, vừa có hương thơm thanh quý.

2. Bài tập 5, trang 130, SGK.

Qua toàn bộ thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, ta có thể thấy quan niệm sống nhàn của tác giả có nội dung phong phú và khá phức tạp. Nhàn là sống theo tự nhiên, sống hoà hợp với tự nhiên cho tâm hồn thanh thản: “Dẫu nhẫn chê khen dầu miệng thế – Cơ cầu tạo hoá mặc tự nhiên”. Nhàn là sống cho trong sạch : “Thanh nhàn ấy ắt là tiên khách”. Nhàn là sự phủ nhận danh lợi: “Để rẻ công danh đổi lấy nhàn”…

– Quan niệm sống nhàn đó của Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải là tìm đến sự nhàn nhã để chẳng vất vả, cực nhọc. Nhàn cũng không phải là để thoả thú nhàn tản của bản thân, thây kệ cuộc đời, không bận tâm tới xã hội.

– Với Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhàn là sống hoà hợp với tự nhiên, thuận theo tự nhiên: “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá – Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”; nhàn là xa lánh nơi danh lợi, quyền quý để giữ cốt cách thanh cao: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ – Người khôn người đến chốn lao xao”.

– Bản chất của chữ nhàn ở Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhàn thân mà không nhàn tâm. Nhàn mà vẫn lo âu việc nước, việc đời. Nhà thơ tìm đến “say” nhưng là để tỉnh: “Rượu đến cội cây ta sẽ uống – Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”.

Quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm chứa đựng nhiều yếu tố tích cực. Nó khác xa lối sống “độc thiện kì thân”(làm tốt cho riêng mình).

3. Qua bài thơ Nhàn, anh (chị) hãy làm sáng tỏ sự kết hợp giữa trữ tình và triết lí trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm có sự kết hợp giữa trữ tình và triết lí. Trạng Trình đã đem đến cho văn học Việt Nam một phong cách triết gia. Bài thơ Nhàn là cảm hứng nhàn mà cũng là triết lí nhàn.

– Triết lí nhàn ấy thể hiện qua quan niệm của tác giả về dại và khôn :

                                                              Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,

                                                              Người khôn, người đến chốn lao xao.

Triết lí sâu sắc mà đùa vui hóm hỉnh trong cách nói ngược nghĩa, dại mà thực chất là khôn còn khôn mà hoá dại. Ở một bài thơ khác, Nguyễn Bỉnh Khiêm viết:

                                                           Khôn mà hiểm độc là khôn dại,

                                                          Dại vốn hiền lành ấy dại khôn.

(Thơ Nôm – bài 94)

Như vậy thì dại, khôn, ở Nguyễn Bỉnh Khiêm là xuất phát từ trí tuệ, từ triết lí dân gian : “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”.

– Triết lí nhàn của Trạng Trình là trở về với tự nhiên, sống hoà hợp với tự nhiên, phủ nhận danh lợi. Nhàn là về nơi vắng vẻ đối lập với lao xaota đối lập với ngườiNơi vắng vẻ là nơi tĩnh tại của thiên nhiên và là nơi thảnh thơi của tâm hồn, nơi không người cầu cạnh ta và ta cũng không cầu cạnh người. Chốn lao xao là chốn cửa quyền, là đường hoạn lộ, sang trọng thì có ngựa xe tấp nập, kẻ hầu người hạ, thủ đoạn thì có bon chen, luồn lọt, sát phạt. Còn Trạng Trình thì:

                                                          Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống,

                                                          Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

Nhà thơ tìm đến “say” chỉ là để “tỉnh”. “Tỉnh” để nhận ra công danh, của cải, quyền quý chỉ là giấc chiêm bao. Nguyễn Bỉnh Khiêm triết lí với mục đích tự cảnh tỉnh mình nhưng lại có tác dụng cảnh tỉnh ngưòi đời. Triết lí, giáo huấn mà không khô khan, trái lại vẫn tràn đầy cảm xúc bởi nhà thơ nói bằng tất cả trái tim chân thành, nói bằng chính sự trải nghiệm của cuộc đời mình.

Sachbaitap.com