Trang chủ Lớp 10 SBT Ngữ văn 10 Ôn tập tiếng Việt Văn 10 tập 2: Giải câu 1, 2,...

Ôn tập tiếng Việt Văn 10 tập 2: Giải câu 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 trang 115 SBT...

Giải câu 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 trang 115 SBT Ngữ văn 10 tập 2. Phân tích đặc điểm của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt thể hiện trong đoạn trích sau. Theo anh (chị), đó là dạng ngôn ngữ nói hay dạng ngôn ngữ viết ?. Soạn bài Ôn tập tiếng Việt SBT Ngữ văn 10 tập 2 – Soạn bài Ôn tập tiếng Việt

Advertisements (Quảng cáo)

1. Bài tập 1, trang 138, SGK.

Cần xem lại nội dung bài Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ trong SGK (phần Ghi nhớ) để trình bày về ba nội dung: khái niệm hoạt động giao tiếp, các nhân tố giao tiếp, các quá trình trong hoạt động giao tiếp.

2. Bài tập 3, trang 138, SGK.

Cần xem lại nội dung bài Văn bản trong SGK, rồi vận dụng những đặc điểm đó vào một văn bản cụ thể đã học, chẳng hạn văn bản truyện Nhưng nó phải bằng hai mày. Phân tích từng đặc điểm :

– Văn bản tập trung vào việc lí trưởng xử kiện giữa Cải và Ngô và triển khai câu chuyện trọn vẹn từ lúc nảy sinh mâu thuẫn đến kết cục xử kiện của lí trưởng.

– Các câu trong văn bản liên kết chặt chẽ : nội dung các câu đều tập trung thể hiện câu chuyện, trình tự các câu phù hợp với diễn biến câu chuyện. Không có câu nào thừa hoặc đi chệch ra ngoài nội dung câu chuyện, hay sắp xếp lộn xộn.

– Cả văn bản nhằm mục đích chế giễu, đả kích lối xử kiện vì tiền của lí trưởng. Đó là sự đả kích bằng tiếng cười mỉa mai, cay độc.

– Văn bản có nhan đề và kết thúc đột ngột khi người đọc, người nghe phát hiện ra cái đáng cười. Kết luận : đó là văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.

Sau đó, điền vào sơ đồ tên các loại văn bản phân biệt theo phạm vi và chức năng giao tiếp : văn bản thuộc các phong cách ngôn ngữ sinh hoạt, nghệ thuật, khoa học, hành chính, chính luận và báo chí.

3. Bài tập 5, trang 139, SGK.

 a) Xem lại hoặc nhớ lại nội dung bài Khái quát lịch sử tiếng Việt để trình bày ngắn gọn về cội nguồn tiếng Việt, quan hệ họ hàng và quá trình phát triển của tiếng Việt. Trong quá trình phát triển, cần chú ý đến hai sự kiện quan trọng về chữ viết: sự ra đời của chữ Nôm và chữ Quốc ngữ.

b) Xem lại hoặc nhớ lại những văn bản văn học đã học để kể tên được một số văn bản viết bằng chữ Hán (thường ở văn học trung đại), văn bản viết bằng chữ Nôm (văn học trung đại), và văn bản viết bằng chữ quốc Ngữ. Ví dụ văn bản chữ Hán được dịch sang tiếng Việt : Bình Ngô đại cáo ; văn bản chữ Nôm : Truyện Kiều (được chuyển sang chữ Quốc ngữ) và văn bản viết bằng chữ Quốc ngữ: văn bản quảng cáo “Bán máy vi tính” (SGK, tr. 142).

4. Bài tập 6, trang 139, SGK.

Cần xem lại hoặc nhớ lại nội dung của bài Những yêu cầu về sử dụng tiếng Việt để ghi vào bảng tổng kết nội dung tương ứng ở bốn cột: yêu cầu về ngữ âm và chữ viết, về từ ngữ, về ngữ pháp, về phong cách ngôn ngữ. Đó là những yêu cầu dùng đúng chuẩn mực. Ngoài ra, còn có những yêu cầu dùng hay, đạt hiệu quả giao tiếp cao.

5. Phân tích đặc điểm của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt thể hiện trong đoạn trích sau. Theo anh (chị), đó là dạng ngôn ngữ nói hay dạng ngôn ngữ viết ?

Sáng hôm nay, lúc bà Hai sắp sửa quang gánh ra hàng thì mụ chủ nhà không biết đi đâu về, mụ đứng dạng háng ở ngoài sân nói chõ vào :

– Bà lão chưa đi hàng cơ à ? Muộn mấy ?…

– Chưa bà ạ. Mời bà vào chơi trong này.

– Vâng bà để mặc em… À bà Hai này !… Mụ chạy sát vào bực cửa, thân mật .

Advertisements (Quảng cáo)

– Trên này họ đồn giăng giăng ra rằng thì là làng dưới nhà ta đi Việt gian theo Tây đấy, ông bà đã biết chưa nhỉ ?… Nghe nói, bảo có lệnh đuổi hết những người làng Chợ Dầu khỏi vùng này không cho ở nữa.

(Kim Lân, Làng)

Để thấy được đặc điểm của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt thể hiện trong đoạn trích (đoạn này tái hiện dưới dạng ngôn ngữ viết một hoạt động hội thoại hằng ngày), cần chú ý đến : tính biểu cảm thể hiện ở sắc thái thân mật gần gũi giữa hai người, ở việc dùng từ ngữ tình thái (cơ à, muộn mấy, ạ, à, này, nhỉ…), tính cá thể thể hiện ở những từ ngữ mang sắc thái cá nhân (muộn mấy, rằng thì là, đồn giăng giăng…), tính chất luân phiên lượt lời, và việc dùng thường xuyên những câu hỏi, câu cảm thán…

6. Tính hình tượng và tính truyền cảm của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật thể hiện như thế nào trong đoạn thơ sau :

Non cao những ngóng cùng trông

Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày.

Xương mai một nắm hao gầy

Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.

(Tản Đà, Thề non nước)

Trong đoạn thơ của Tản Đà, tính hình tượng thể hiện qua việc dùng thành ngữ (những ngóng cùng trông), dùng hình ảnh (suối khô dòng lệ), dùng dạng rút gọn của phép so sánh (xương mai, tóc mây), dùng ẩn dụ (tuyết sương); còn tính truyền cảm thì bộc lộ qua việc diễn tả tâm trạng chờ mong đến nỗi khóc khô cạn nước mắt, đến nỗi thân gầy mòn và tóc bạc như tuyết sương…

7. Phân tích đặc trưng của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật thể hiện ở hai câu ca dao sau:

Hỡi cô tát nước bên đàng

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi ?

Câu ca dao tuy ngắn gọn nhưng là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời. Nó bộc lộ rõ nét những đặc trưng cơ bản của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.

– Câu ca dao thể hiện cảm xúc và ý tưởng qua hình tượng nghệ thuật: cô gái tát nước bên đàng, đặc biệt là hình tượng tát nước mà như múc ánh trăng vàng. Người nghe (đọc) cũng say mê với hình ảnh đẹp, cảm mến cả con người và cảnh vật. Người nghe (đọc) như được chiêm ngưỡng một bức tranh đẹp.

– Cái đẹp trong lao động và trong thiên nhiên đã được thể hiện qua một hình tượng độc đáo. Tác giả dân gian như nắm bắt được khoảnh khắc có một không hai trong thời gian, không gian. Không thể lẫn lộn với bất cứ một vẻ đẹp nào khác. Đó chính là đặc trưng của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật ở câu ca dao.