Trang chủ Lớp 11 SBT Văn 11 (sách cũ) Thương vợ – Văn 11: Giải câu 1, 2, 3 trang 30...

Thương vợ - Văn 11: Giải câu 1, 2, 3 trang 30 SBT Văn 11 tập 1, Hình tượng người vợ...

Giải câu 1, 2, 3 trang 30 SBT Ngữ văn 11 tập 1. Hình tượng người vợ trong bài thơ được quan sát và miêu tả như thế nào ? Nhan đề Thương vợ có thể hiện đúng nội dung bài thơ không ? Vì sao ?. Soạn bài Thương vợ SBT Ngữ văn 11 tập 1 - Soạn bài Thương vợ

1. Hình tượng người vợ trong bài thơ được quan sát và miêu tả như thế nào ? Nhan đề Thương vợ có thể hiện đúng nội dung bài thơ không ? Vì sao ?

- Trong khuôn khổ hạn hẹp của một bài thơ thất ngôn bát cú, tác giả không thể kể, tả tỉ mỉ, chi tiết về người vợ của mình được mà phải chọn lọc những sự việc tiêu biểu nhất, có sức ám ảnh nhất. Nhà thơ đã nêu những sự việc bản chất nhất (buôn bán vặt quanh năm) để gánh vác cả gánh nặng gia đình, đã phải nuôi con rồi mà còn phải nuôi cả chồng (“Nuôi đủ năm con với một chồng”), tức là bà Tú có một ông chồng vô tích sự, gánh nặng gia đình tăng gấp đôi. Chú ý lời bình của Xuân Diệu : “Chồng cũng là một thứ con còn dại, phải nuôi. Đếm con, năm con, chứ ai lại đếm chồng, một chồng - tại vì phải nuôi như nuôi con cho nên mói liệt ngang hàng mà đếm để nuôi đủ”. Sau đó, tác giả tả người vợ bằng hai hình ảnh ám ảnh nhất. Hình ảnh "Cái cò lặn lội” là một mẫu gốc trong ca dao, dân ca, gợi lên trong tâm hồn người đọc cuộc sống tần tảo, lam lũ của người lao động Việt Nam hàng ngằn đời nên rất dễ được chia sẻ, đồng cảm. Hình ảnh đò đông gợi nên sự nguy hiểm trong việc đi lại buôn bán hằng ngày (ca dao : “Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua”).

-  Những quan sát và miêu tả nói trên cho thấy tình cảm trân trọng, yêu thương, quý mến của tác giả dành cho người vợ, đúng như nhan đề bài thơ. Chính tình cảm chân thành đã quy định việc chọn những sự việc và hình ảnh sâu sắc, tràn đầy xúc cảm đó.

2. Bốn câu thơ cuối là lời của bà Tú hay của ông Tú ? Cho biết ý nghĩa của những câu thơ này. Anh (chị) suy nghĩ gì về cách thể hiện tình cảm với người vợ của nhà thơ?

Về hình thức, bốn câu thơ cuối là “giọng” của bà Tú do nhà thơ hư cấu. Lí do cần có sự hư cấu, “nói hộ” giọng của bà Tú là dễ biểu : người vợ hiền thảo, chịu thương, chịu khó thường nhẫn nhịn, không than thở, kêu ca, hi sinh vì chồng con. Vì thế, cần nói hộ tâm tình sâu kín của người vợ. Bốn câu thơ cuối chính là lời của tác giả “bình luận” về người vợ, tiếp tục thể hiện niềm thương yêu, trân trọng người vợ.

Advertisements (Quảng cáo)

- Bốn câu thơ này có ý nghĩa như là sự đánh giá khách quan dành cho sự tần tảo, lam lũ, chấp nhận thân phận của người vợ. Duyên số đã đưa đẩy bà Tú gặp ông Tú, nhưng duyên số đó đối vói bà, theo cách nhìn của tác giả, củng lại là “nợ”. Nợ tức là trách nhiệm phải trang trải. Theo tác giả, người vợ gánh cả trách nhiệm nặng nề trên đôi vai nhưng không hề ta thán. Nắng mưa là hai hiện tượng thời tiết khá phổ biến trong ca dao, dân ca và văn học viết xưa (ví dụ Truyện Kiều) gợi nên sự gian khó, vì thế rất dễ tạo sự đồng cảm ở bạn đọc. Tiếng “chửi” thói đời bạc, sự hờ hửng ở hai câu 7-8 tưởng như lời người vợ, nhưng thực chất là lời tác giả tự trách mình, tự phê phán mình, một cách thể hiện tình cảm rất đặc biệt của nhà thơ đối với người vợ.

- Bốn câu thơ không có một lời ca ngợi trực tiếp nào nhưng ẩn dưới các hàng chữ là tình cảm thương yêu, là nỗi xót xa, day dứt của người chồng không làm được gì giúp cho người vợ. Cùng với bài thơ này, Tú Xương còn có nhiều bài thơ “tự trào”, đem bản thân ra làm đối tượng chế giễu, phê phán.

3. Nhận xét về ngôn ngữ của bài thơ.

Ngôn ngữ cúa bài thơ giản dị, mộc mạc, nhiều chất liệu của lời ăn tiếng nói hằng ngày (thành ngữ năm nắng mười mưa, một duyên hai nợ), các hình ảnh thơ gần gũi, quen thuộc (thân cò, đò đông), tạo cho câu thơ có cái vẻ tự nhiên, sự chân thành của cảm xúc, không cầu kì, gọt giũa nên có sức truyền cảm mạnh mẽ.

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn SBT Văn 11 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)