Trang chủ Lớp 10 SBT Ngữ văn 10 (sách cũ) Soạn bài Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ Văn 10...

Soạn bài Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ Văn 10 tập 2: Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 69 SBT...

Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 69 SBT Ngữ văn 10 tập 2. Hãy chỉ ra các biện pháp nghệ thuật tả tâm trạng trong đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ.. Soạn bài Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ SBT Ngữ văn 10 tập 2

1. Hãy chỉ ra các biện pháp nghệ thuật tả tâm trạng trong đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ.

- Các từ ngữ tả ngoại hình : dáng vẻ buồn rầu "nói chẳng nên lời”, mắt đẫm lệ "gương gượng soi lệ lại châu chan”.

- Các từ ngữ tả hành động: người chinh phụ bước từng bước chậm chạp dưới hiên vắng, kéo rèm lên, hạ rèm xuống nhiều lần ; gượng gạo khi đốt hương, soi gương, gảy đàn. Những công việc thường ngày của một phụ nữ (đây là phụ nữ quý tộc) được người chinh phụ làm một cách miễn cưỡng, chán nản, chiếu lệ.

Các từ ngữ nói trên đều nhằm đặc tả tâm trạng đau khổ của người chinh phụ trong cô đơn. Chú ý: Nội tâm là cái vô hình, không thể nhìn thấy được, để cho cái vô hình trở nên hữu hình, giúp người đọc có thể nắm bắt được, nhà thơ phải lựa chọn các hình ảnh cụ thể, trực quan, khơi gợi kinh nghiệm ở người đọc để ngựời đọc tưởng tượng.

2. Nêu nhận xét về mối quan hệ giữa tình và cảnh trong đoạn trích.

Trong thơ ca truyền thống, cảnh và tình có quan hệ qua lại mật thiết. "Cảnh” là ngoại cảnh, là không gian sống của con người với những sự vật, hiện tượng khác nhau, được đặt trong thời gian nào đó. Ngoại cảnh có thể làm nảy sinh ở con người những tâm trạng, cảm xúc khác nhau. Ngoại cảnh trong đoạn trích này là : hiên, rèm, chim thước, ngọn đèn khuya, cảnh đêm khuya với tiếng gà gáy, bóng cây hoè, cành cây đẫm sương, tiếng côn trùng, cảnh mưa. Các cảnh vật thuộc một không gian hẹp, tù túng, bế tắc (sân, phòng ở). Thời gian là đêm dài, vắng lặng, cô độc. Tất cả nhằm tô đậm sự cô đơn, buồn chán, bế tắc của tình cảnh người chinh phụ. Hiên vắng lặng, rèm kéo lên lại hạ xuống, chờ đợi tiếng chim thước báo tin mừng (người chinh phụ hi vọng nhận được tin mừng của chồng) mà vô vọng. Đèn là người bạn duy nhất trong đêm dài, nhưng vì đèn vô tri vô giác nên không thể an ủi người chinh phụ cô đơn. Tiếng gà gáy càng làm đậm thêm cảm giác vắng lặng (lấy động tả tĩnh). Một hình ảnh đặc thù có liên quan đến cảnh đêm là bóng: bóng người, bóng cây hoè. Bóng có vai trò diễn tả sự cô đơn, lẻ loi của người chinh phụ. Trong phòng chỉ có người chinh phụ và cái bóng của chính mình. Ngoài nhà, vây bốn phía là bóng những cây hoè. Lẻ loi tột cùng ! Các chi tiết được chọn lọc công phu, có sức diễn tả. Đây cũng là thủ pháp tả cảnh để tả tình, tức tả nội tâm.

3. Theo anh (chị), những lời than thở, than vãn của chính người chinh phụ đã thể hiện được tâm trạng buồn khổ như thế nào ?

Trong đoạn trích có ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ nhân vật (người chinh phụ).

- Ngôn ngữ tác giả: các câu thơ tả hành động, ngoại hình của người chinh phụ (như đã nói ở bài tập 2).

- Ngôn ngữ nhân vật:

                                                         Ngoài rèm thước chẳng mách tin,

                                                     Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng ?

Advertisements (Quảng cáo)

                                                         Đèn có biết dường bằng chẳng biết,

                                                         Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.

và:

                                                         Lòng này gửi gió đông có tiện ?

                                                         Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.

                                                            Non Yên dù chẳng tới miền,

                                                     Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.

Các từ ngữ dưới hình thức phát ngôn trực tiếp của nhân vật có ý nghĩa làm thay đổi cách diễn tả cảm xúc nhân vật. Tác giả để cho nhân vật trực tiếp phát ngôn.

Nội tâm nhân vật được nhìn từ bên trong chứ không chỉ miêu tả từ bên ngoài, đem lại sắc thái thẩm mĩ mới cho tác phẩm, nâng cao tính biểu cảm của lời thơ, tạo nên tính chân thực của xúc cảm.

4. Qua đoạn trích, anh (chị) hãy lí giải vì sao người ta còn gọi nỗi niềm người chinh phụ là "khuê oán”.

"Khuê oán” (nỗi oán hận của người phụ nữ nơi khuê phòng) là tâm trạng được thi ca trung đại quan tâm. Vì sao có nỗi oán hận này ? Vì người phụ nữ phải sống cô quạnh trong thời gian dài đằng đẵng chờ đợi người chồng đi chiến trận, một sự chờ đợi tưởng như vô vọng, sống cô quạnh tức là không có hạnh phúc lứa đôi. Sự oán hận được các thi nhân nam giới nói hộ bằng cách hư cấu giọng người vợ lính, do đó có ý nghĩa nhân đạo sâu sắc. Chủ ý các từ gián tiếp nói là nỗi oán hận như : bi thiết, thương, sầu, nhớ...

Sachbaitap.com

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn SBT Ngữ văn 10 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)