Trang chủ Lớp 10 SBT Ngữ văn 10 (sách cũ) Viết bài làm văn số 2 Văn tự sự (SBT Văn 10...

Viết bài làm văn số 2 Văn tự sự (SBT Văn 10 tập 1) Giải câu 1, 2, 3, 4, 5, 6 trang 51 - ãy kể lại câu chuyện Đăm Săn...

Giải câu 1, 2, 3, 4, 5, 6 trang 51 SBT Ngữ văn 10 tập 1. Bằng lời văn của mình, anh (chị) hãy kể lại câu chuyện Đăm Săn chiến thắng Mtao Mxây (dựa theo đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây, trích sử thi Đăm Săn).. Soạn bài Viết bài làm văn số 2 : Văn tự sự

1 1, trang 81, SGK.

a) Chọn đề tài : Trong ba truyện SGK gợi ý, hãy chọn một tác phẩm mà anh (chị) vừa yêu thích vừa nhớ được nhiều sự việc, nhân vật nhất, đặc biệt là những sự việc liên quan tới nhân vật chính.

b) Nhớ lại cốt truyện, rồi lập dàn ý tóm lược theo ba phần của văn bản tự sự. Ví dụ dàn ý truyện Bến quê :

- Mở bài : Ngồi trên giường, vịn tay vào thành cửa sổ, Nhĩ nhìn ra ngoài...

- Thân bài : Gồm các sự việc :

+ Nhĩ trò chuyện với vợ con...

+ Nhĩ sai con thay mình đi sang bãi sông Hồng...

+ Mấy em bé hàng xóm sang giúp Nhĩ trở mình...

+ Nhĩ lại nghĩ đến người vợ, thức tỉnh về vẻ đẹp tâm hồn của vợ...

- Kết bài : Ông giáo Khuyến sang thăm, hoảng hốt trước vẻ mặt và cử chỉ bất thường của Nhĩ.

c) Dựa vào bố cục của truyện, vận dụng kĩ năng tóm tắt văn bản tự sự, anh (chị) tự kể lại câu chuyện đó. 

2 2, trang 81, SGK.

3 3, trang 81, SGK.

a) Dựa vào lời dẫn dắt của đề, hãy dự kiến cốt truyện.

b) Có thể xảy ra ba tình huống :

- Gặp lại Trọng Thuỷ, Mị Châu rất cảm động và nhận lời nối lại duyên xưa.

- Gặp lại Trọng Thuỷ, Mị Châu tức giận, bỏ đi.

- Gặp lại Trọng Thuỷ, Mị Châu giảng giải lẽ đúng sai, tình nghĩa. Trọng Thuỷ rất ân hận, ngỏ ý muốn nối lại duyên xưa, nhưng Mị Châu không chấp thuận. Trọng Thuỷ lặng im, suy nghĩ...

c) Theo anh (chị), trong ba tình huống ấy, tình huống nào có ý nghĩa và có thể xảy ra ? Hãy dựa vào gợi ý đó rồi viết thành câu chuyện với một nhan đề sát hợp. Ví dụ : Gặp lại người xưa, Tái hồi Mị Châu - Trọng Thủy, Kiếp sau của một đôi vợ chồng...

4 4, trang 81, SGK.

a) Trước hết, hãy chọn đề tài cho câu chuyện :

- Một kỉ niệm về tình cảm gia đình : quan hệ với cha mẹ, quan hệ với anh chị em, hay quan hệ với ông bà nội, ngoại...

- Một kỉ niệm về tình thầy trò hoặc tình bạn...

b) Sau đó dự kiến cốt truyện. Chú ý lựa chọn những sự việc theo bố cục ba phần như đã gợi ý ở bài tập 1.

c) Chọn nhan đề, rồi viết thành văn bản câu chuyện mà mình đã dự kiến. Khi viết, cần kết hợp kể sự việc xen lẫn với miêu tả và biểu cảm để câu chuyện được sinh động, hấp dẫn. Chú ý làm nổi bật chủ đề, ý nghĩa của câu chuyện ở đoạn mở bài và kết bài.

5. Bằng lời văn của mình, anh (chị) hãy kể lại câu chuyện Đăm Săn chiến thắng Mtao Mxây (dựa theo đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây, trích sử thi Đăm Săn).

6. Đóng vai nhân vật bà lão nghèo - xưng tôi - kể lại sự việc cuối trong truyện Tấm Cám (từ lúc bà lão nhìn thấy quả thị đến khi Tấm gặp lại nhà vua).

a) Trước hết, có thể đặt nhan đề cho câu chuyện: Lời kể của bà lão nghèo ; Chốn nương thân của cô Tấm ; Một cuộc gặp gỡ thần kì...

b) Sau đó dự kiến cốt truyện :

- Mở bài : Bà lão nghèo tự giới thiệu.

- Thân bài : Phát triển các sự việc, chi tiết :

+ Sự việc 1 : Bà lão nhìn thấy quả thị chín, toả hương thơm...

+ Sự việc 2 : Đem thị về nhà, bà lão nâng niu, đặt thị trên đầu giường... Rồi Tấm hiện ra, hai người kết nghĩa mẹ con...

+ Sự việc 3 : Nhà vua tới uống nước tại quán của bà lão... Tấm tìm lại được hạnh phúc...

- Kết bài : Kể một chi tiết đặc sắc, hoặc ghi lại một suy nghĩ... của bà lão nghèo.

c) Tham khảo hai đoạn văn sau :

- Mở đầu câu chuyện :... Tôi là một bà lão nghèo bán hàng nước ở dưới gốc đa trong một ngôi làng nhỏ ven hoàng cung. Tôi cứ ngỡ đời mình sẽ cô đơn, thui thủi một thân cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Nhưng ông trời đã thương hại, cho tôi gặp một cô gái hiền thảo, nết na... Tôi xin kể lại cuộc gặp gỡ ấy để bà con cùng nghe nhé...

- Phần phát triển câu chuyện : Lạ kì thay, mỗi lần tôi đi bán hàng về đều thấy nhà cửa sạch sẽ, cơm nước được nấu và dọn sẵn để phần tôi. Cứ ngỡ như có một nàng tiên nào hiện lên đem lại niềm vui, hạnh phúc cho tôi vậy. Ngày thứ nhất, ngày thứ hai... Cho đến ngày thứ năm, tôi quyết định rình xem trong nhà mình có tiên thật không. Hôm ấy, tôi giả vờ đi bán hàng, rồi rón rén quay lại, nấp sau vườn, ghé mắt nhìn qua khe cửa buồng. Tôi thấy từ trong quả thị đầu giường bước ra một bé gái tí hon. Rồi trong chốc lát, em bé lớn dần, lớn dần... Tôi không tin nổi mắt mình nữa, bụng nghĩ thầm hay là mình đang nằm mơ. Tôi nhanh nhẹn bước vào nhà. Trước mặt tôi đúng là một cô gái xinh đẹp. Cô đang ở tuổi xuân sắc mười tám, đôi mươi. Nước da cô trắng như trứng gà bóc, mái tóc mịn màng, đen óng. Đôi mắt đẹp như mắt con chim phượng hoàng. Đặc biệt là... đôi môi đỏ mọng, chúm chím. Nhìn thẳng vào cô gái, tôi xúc động, ngỡ ngàng không nói nên lời... Tôi chạy ào vào nhà, xé tan cái vỏ quả thị, rồi ôm chầm lấy cô gái...

Advertisements (Quảng cáo)

(Bài làm của HS)

d) Đọc thêm về văn bản tự sự:

Văn bản 1

RÙA, THỎ CHẠY THI LẦN THỨ HAI

Trong cuộc chạy thi nổi tiếng lần trước, Rùa đã tới đích trước và thắng cuộc. Thế nhưng câu chuyện không dừng ở đây.

Rùa ta sau khi lĩnh được huy chương vàng và tiền thưởng, vừa định quay đi, liền bị đám nhà báo của giới động vật bu lấy vòng trong vòng ngoài. Có người xin chụp ảnh Rùa, có người nêu câu hỏi phỏng vấn Rùa, lại có cả những nhà báo hỏi xin chữ kí của Rùa nữa.

Rùa hình như không hề tỏ ra sợ hãi trước cái thế trận ấy, ung dung mỉm cười, nhẩn nha trả lời phỏng vấn các nhà báo. Chẳng bao lâu, với những đầu đề rất hấp dẫn như: Con đường đi đến chức vô địch của vận động viên Rùa, Phong độ Rùa, Rùa là một lá cờ đầu, Rùa thần... các báo Thế giới động vật, Động vật buổi chiều... thi nhau đăng tải những câu chuyện về Rùa. Đài truyền hình các loài vật còn mời Rùa đến trường quay của Đài tham dự giao lưu. Đến, Rùa đã thấy các ngôi sao dẫn chương trình nổi tiếng như Quạ, Vẹt, Hoạ Mi... đang đợi sẵn ở đó. Đạo diễn truyền hình nói rõ với Rùa về yêu cầu của cuộc giao lưu đặc biệt này... Thế rồi còn gợi ý cho Rùa nói mấy điều tâm sự với đông đảo các loài vật. Rùa hơi run, song đã lấy hết can đảm và bắt đầu nói, cứ nghĩ đến đâu thì nói đến đấy, lúc đầu xem ra có vẻ hơi run, nhưng về sau càng nói càng hào hứng, đến nỗi cả những chuyện ngày bé đái dầm, hái trộm trái cây nhà hàng xóm thế nào cũng kể tuốt tuồn tuột.

Sau khi được lên truyền hình, Rùa vốn định nghỉ vài hôm, thế nhưng Giám đốc Công ty thuốc bảo vệ sức khoẻ loài vật tới gõ cửa, nói rằng chỉ cần Rùa nhận lời xuất hiện một phút trong tiết mục quảng cáo bảo vệ sức khoẻ của Công ty ông ta, sẽ được hưởng một khoản thù lao 500.000 đồng. Sau đó là ông chủ Xưởng đóng giày động vật, Nhà máy thực phẩm các loài vật, Công ty may mặc các loài vật, Hãng dụng cụ thể thao động vật... đua nhau mời Rùa cộng tác, quáng cáo. Tiền thù lao quảng cáo Rùa nhận được mỗi ngày một tăng lên : 500.000 đồng, 1.000.000 đồng rồi 3, 4, 5 triệu đồng một pha mà Rùa chỉ cần xuất hiện trước máy quay vài phút. Rùa nghĩ, đáng kiếm tiền thì cứ việc kiếm...

[...] Mấy nhà xuất bản cũng tìm gặp Rùa, bàn việc ra sách về Rùa. Không lâu, trên thị trường sách bỗng xuất hiện một cuốn sách bán rất chạy : Đường dẫn đến huy chương vàng của Rùa. Tất nhiên, sau việc đó, Rùa ta nhận được một khoản nhuận bút kha khá.

Rùa đọc sách, thấy toàn là chuyện phịa mà đời mình chưa hề trải qua. Rùa chẳng bắt bẻ làm gì vì tiền của người ta đã nằm trong túi mình rồi.

Rùa những tưởng thế là quá đủ mệt. Không ngờ mói chỉ ba hôm sau, Giám đốc Trung tâm phim truyền hình lại tìm gặp Rùa, mời Rùa xuống núi một phen để nhận một vai chính của bộ phim truyền hình 50 tập, nhan đề là Truyền kì về Rùa. Thế là Rùa lại phải một phen giáp mãng ra trận, theo đoàn làm phim trèo đèo lội suối, quay những cảnh phim võ hiệp. Rùa nghiễm nhiên trở thành ngôi sao truyền hình mà giới động vật vô cùng hâm mộ.

Thỏ được biết Rùa lên như diều gặp gió như vậy, ấm ức trong lòng, bèn thách thức Rùa chạy thi lần nữa. Thật không ngờ Rùa đã rất vui vẻ nhận lời thách thức của Thỏ. Thế là các cơ quan truyền thông đại chúng, nào là Đài truyền hình động vật, báo Thế giới động vật, Đài phát thanh động vật... thi nhau liên tục đưa tin, làm cho giới động vật xôn xao hết cả lên. Các loài vật lớn nhỏ háo hức chờ đợi phút mở đầu cuộc chạy thi lần thứ hai giữa Rùa và Thỏ, ai cũng cho rằng lần trước Thỏ ngủ quên trên dọc đường nên Rùa mới thắng, lần này dứt khoát là Thỏ sẽ rửa được mối nhục đó.

Thế nhưng kết quả cuộc đua tài ngoài dự đoán của mọi người : Một lần nữa Rùa lại tới đích trước, giành danh hiệu vô địch chạy việt dã. Mọi người bảo nhau rằng không thể được, nhất định là có gì mờ ám bên trong.

Chẳng biết thế nào, nhưng sau đó không lâu, Thỏ vốn nghèo rớt mồng tơi đã xây được biệt thự, đi đến đâu cũng ăn uống chơi bời, tiêu tiền như rác. Thế là mọi người đoán biết được Rùa với Thỏ đã quan hệ vói nhau thế nào.

Mọi người đều ngấm ngầm cảm nhận ra rằng, là Rùa nhưng có tiền, có tiếng nên đã trở nên đáng nể, đáng sợ thế nào.

(Theo Mâu Phi Chí, Truyện cực ngắn hay nhất

của Trung Quốc, tập IV, Nguyễn Bá Thính dịch,

NXB Văn học, Hà Nội, 2003)

Văn bản 2

ĐIỂM TÁM

Giờ trả bài tập làm văn là giờ sôi động nhất vì thầy giáo thường đọc cho cả lớp nghe hai bài, bài được điểm cao nhất và bài có điểm thấp nhất. Tất nhiên, bài điểm cao được những tràng pháo tay và bài điểm thấp là những trận cười, chưa kể sau đó còn hình thành nên nhiều giai thoại từ những câu mà thầy nhận xét là "què cụt, thiếu sức thuyết phục...”. Và giai thoại này đôi khi còn lan truyền ra cả các lớp khác mà tác giả của nó chỉ còn cách là lấy cả hai tay mà che mặt lại. Vào giờ này, cả lớp đứa nào cũng hồi hộp khi xấp bài trên tay thầy đã vơi nhiều rồi mà bài của mình còn chưa thấy đâu.

Hôm nay, như thường lệ, thầy mở cặp lấy xấp bài ra. Cả lớp nhấp nhỏm. Với đề ra là "Hãy kể lại một kỉ niệm sâu sắc của em”, thầy đã nói rằng lớp có bốn mươi học sinh thì chắc chắn sẽ có bốn mươi kỉ niệm khác nhau, không như khi chứng minh trích đoạn nào đó bị thầy chê là đơn điệu và chúng tôi thường chống chế "Thầy ơi, học cùng nhau thì làm sao mà dẫn chứng không trùng lặp nhau được !”.

Khác thường, là thầy đưa xấp bài cho lóp trưởng, chỉ giữ lại một bài. Chỉ một! Đứa nào cũng nhón người nghển cổ cho cao lên một chút để cố nhìn cho ra tên của ai và được mấy điểm, nhưng không được. Bài hay nhất ? Dở nhất ?

Giỏi văn nhất lớp là Kim Chi. Nhưng rồi dự đoán của chúng tôi tiêu tan khi Kim Chi với tay nhận bài của mình từ tay lớp trưởng. Vậy là thầy giữ lại bài dở nhất rồi! Cả lớp chuyển ánh nhìn về phía Cường với tiếng cười khúc khích. Cường thường có những câu văn kiểu như “Đi một ngày đàng học một sàng khôn vậy nên chúng ta phải đi nhiều ngày hơn nữa...”. Nhưng rồi Cường cũng nhận được bài của mình.

Vậy thì của ai ? Hay ? Dở ? Làm sao biết trước được bài sẽ đọc lên hôm nay là của ai! Trời, môn Văn... Có khi bài trước mới được sáu điểm với lời phê "Lối hành văn trong sáng. Nên đọc nhiều để dẫn chứng phong phú hơn” thì bài sau nhận được ngay điểm bốn với lời phê "Quá lan man, dông dài!”. Điểm bảy môn Văn của thầy là một ước mơ xa! Ngay cả Kim Chi cũng nói vậy.

Chúng tôi nhìn theo tay của lớp trưởng cho đến khi bài cuối cùng được phát ra. Chỉ mình Dũng là chưa có. Không hẹn mà cả lớp đều ngạc nhiên nhìn về phía Dũng, tác giả bài văn trên tay thầy.

Tránh cái nhìn của cả lớp, Dũng ngoảnh ra cửa sổ. Không thấy mặt Dũng nhưng có thể thấy rõ hai vành tai và cổ của Dũng đỏ ửng.

Dũng là học sinh trường huyện mới chuyển về lớp tôi được hai tháng nay. Không có gì nổi trội, nơi Dũng cái gì cũng bình thường và chưa có gì tỏ ra là đặc biệt về môn Văn cả. Vậy mà điểm tám. Phải, điểm tám ! Chúng tôi nhìn rõ số tám đỏ chói trong ô điểm khi thầy đưa tay sửa lại cặp kính trên sống mũi, cử chỉ quen thuộc mỗi khi thầy xúc động. Giọng thầy trầm trầm :

"Kỉ niệm sâu sắc nhất của em là khi nhận được thư của ba em. Nhà em nghèo lắm nhưng ba má cho em ra phố học để sau này em có thể làm được điều gì đó tốt đẹp hơn. Cho em ra phố, ngoài việc phải kiếm việc làm thêm để có tiền trang trải chuyện học hành của em, ba em còn phải làm những việc mà khi ở nhà, em có thể đỡ đần được cho gia đình. Chưa bao giờ ba má em viết cái gì cả. Hồi em còn ở nhà, mỗi khi cần thư về quê hay viết đơn từ là em viết...”

- Các em, thầy sẽ chép lại nguyên văn lá thư của ba bạn Dũng lên bảng cho chúng ta cùng đọc.

Một chuyện lạ ! Tất cả chúng tôi hồi hộp tò mò đọc từng chữ hiện ra dưới tay thầy: 

“Con iu thươn của ba. Chiu hôm qua ba kiu người báng con heo đễ có tiềng gưởi cho con con nhớ nhà khôn ? Cã nhà nhớ con nhíu lấm cố họch nge con chừn nào mùa màn song ba má xẻ ra thăm con”.

Lá thư vỏn vẹn 45 chữ.

Khi thầy quay lại thì Dũng đã úp mặt xuống bàn, hai vai run run. Mắt thầy cũng hoe đỏ.

Cả lớp im phăng phắc trước lá thư đầy lỗi chính tả trên bảng, lá thư yêu thương và gởi gắm của một người cha vốn chỉ quen với cày cuốc lần đầu cầm bút viết cho con.

(Theo Nguyên Hương, 35 tác phẩm được giải

cuộc vận động viết truyện ngắn giáo dục đạo đức

cho thiếu niên, nhi đồng, NXB Giáo dục, 2003)

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn SBT Ngữ văn 10 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)