1. Đề 2, trang 10, SGK
Cảm nhận của anh chị về hình tượng nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao.
a) Khi phân tích đề và làm bài văn, cần lưu ý:
- yêu cầu người viết nêu cảm nhận của mình về hình tượng nhân vật Chí Phèo (trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao). Tuy nhiên, người đọc sẽ không thể tiếp nhận và tán thưởng những cảm nhận của người viết, nếu họ còn chưa biết rõ về bản thân hình tượng nhân vật đó. Vì thế, không thể coi nhẹ việc tái hiện hình tượng Chí Phèo trong tiến trình nêu cảm nhận, thông qua các sự việc, chi tiết, hành động, lời nói, ý nghĩ... của nhân vật đó.
- Yêu cầu chính của bài làm không phải là khắc hoạ lại nhân vật Chí Phèo, cũng không phải là phân tích nhân vật Chí Phèo mà là nêu cảm nhận của bản thân người viết về nhân vật đó. Những cảm nhận về nhân vật, đó mới là cốt lõi làm nên các luận điểm chính của bài văn. Những cảm nhận ấy dĩ nhiên phải có căn cứ trong tác phẩm và đặc biệt là trong hình tượng. Nhưng điều đó không có nghĩa là anh (chị) chỉ cần nói lại thật đúng, thật đầy đủ những gì về Chí Phèo mà các thầy (cô) đã nói trên lớp hoặc các nhà nghiên cứu, phê bình đã đề cập. Bởi, một mặt, những kiến thức anh (chị) thu lượm được chỉ có thể trở thành các ý, các luận điểm của bài làm khi đã thực sự đi vào cảm nhận chủ quan của bản thân. Mặt khác, anh (chị) hoàn toàn có quyền nêu những cảm nhận không có hoặc trái vói những gì đã học được hay đọc được về nhân vật Chí Phèo, với điều kiện cảm nhận ấy phải chân thực và có lí.
- Anh (chị) có thể làm bài theo cách trình bày về hình tượng Chí Phèo trước, rồi nêu cảm nhận của mình về nhân vật đó sau. Hoặc có thể phối hợp giữa việc nêu cảm nghĩ của bản thân về nhân vật với việc phân tích hình tượng nghệ thuật, làm sáng tỏ cho cảm nghĩ.
- Cần vận dụng hợp lí thao tác bác bỏ trong quá trình lập luận để bài văn đầy đủ, chặt chẽ và có sức thuyết phục.
b) Có thể nêu lên những cảm nghĩ sau đây :
- Chí Phèo vốn mang bản chất lương thiện của người nông dân lao động. Nguồn gốc nghèo đói, không cha mẹ tuyệt đối không phải là nguyên nhân khiến cho người cố nông ấy trở nên hung dử, mất tính người.
Advertisements (Quảng cáo)
- Song, điều đau khổ nhất của Chí Phèo vẫn không phải là nghèo đói mà là đã không sao tránh khỏi bị biến thành “một con vật lạ”, “một con quỷ dữ”, bởi bọn cường hào phong kiến và thế lực thực dân. Cuộc đời Chí Phèo là một bản án tố cáo xã hội thực dân phong kiến về sự huỷ hoại bản tính lương thiện trong con người.
- Cuộc đời Chí Phèo còn chứng tỏ rằng, bản tính người trong anh có thể bị tàn phá chứ không thể nào bị huỷ diệt. Con người lương thiện trong Chí Phèo vẫn có thể hồi sinh nếu anh được đối xử như một con người, được yêu thương, dù đó là tình yêu của một người như thị Nở.
- Nhưng rồi chính thị Nở cũng cho mình quyền khinh rẻ Chí Phèo. Đã không hề có sự “đôi lứa xứng đôi”. Đó là lí do khiến Chí Phèo phải chết. Con người đau khổ ấy đã chết vì cái mâu thuẫn mà xã hội bấy giờ không thể nào giải quyết, mâu thuẫn giữa một bên là khát vọng “làm người lương thiện” và một bên là thực tế phũ phàng “không thể làm người lương thiện được nữa”.
2. Theo anh (chị), cảnh ông Huấn Cao cho chữ viên quản ngục trong truyện ngắn Chữ người tử tù có gì đặc biệt để nhà văn Nguyễn Tuân gọi đó là “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có” ?
Trả lời:
Có thể nêu ra các ý:
- Cảnh tượng ấy “xưa nay chưa từng có” vì nó quá khác thường, trái ngược hẳn vói trật tự bình thường. Cái đẹp được sản sinh ở một nơi hôi hám, tối tăm. Người ban phát cái đẹp bất tử lại là một tử tù. Người bị tù tội, bị giam cầm lại hiện lên uy nghi, lồng lộng như một thánh tông đồ, còn kẻ có quyền lực lại kính cẩn, khúm núm, sợ sệt như một tín đồ... Nguyễn Tuân đã phát huy đến tận cùng sức mạnh của phép tương phản, một thủ pháp nghệ thuật quen thuộc của văn chương lãng mạn, để đẩy trí tưởng tượng của người đọc tói một chốn cao cả đến lạ lùng.
- Cảnh tượng ấy “xưa nay chưa từng có” vì nó mang một ý nghĩa cũng rất khác thường. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong cánh cho chữ, nhà văn tài hoa Nguyễn Tuân, thật lạ, lại chỉ tập trung viết về những lời giảng giải đạo lí của ông Huấn khi chữ đã viết xong. Bàng cách đó, nhà văn đã cho ta hiểu cái đẹp trong nghệ thuật không hề tách rời với cái đẹp trong đời sống. Và cái đẹp cũng chính là đạo đức. Cái tận mĩ cũng là tận thiện. Vì thế, cái đẹp mới có thể làm được điều kì diệu là “cứu rỗi thế giới”, cứu vãn con người.