1. Anh (chị) dự định viết một bài văn thuyết minh về sự cần thiết phải bảo vệ môi trường sống. Anh (chị) thấy bài văn của mình, xét về kiểu văn bản, có thể hoàn toàn giống với đoạn trích được dẫn dưới đây không ? Vì sao ?
SAO CHIM KHÔNG HÓT SỚM MAI ?
Tình cờ đọc bài trên một tờ báo Pháp, thấy họ nói "dàn đồng ca bình minh ở nước Pháp ngày càng yếu giọng” [...].
Loài nhạn, những kẻ di cư trở về từ phương Nam sau mùa đông lạnh lẽo và cũng là kẻ đem về cho nước Pháp ánh nắng ấm áp, đã giảm số lượng đến 84% trong thời gian 13 năm đó. Người ta đã phá tổ chúng vì sợ bị bẩn nhà. Loài ác là cũng là nạn nhân của con người. Bị gán cho cái tiếng ác là là loài chim hại, chúng là một trong các loài chim được phép săn bắn vào mùa xuân, mùa chim xây tổ. Kết quả tất nhiên là số lượng của chúng đã giảm 61% kể từ năm 1989.
Mặt khác, nguồn sống của các loài chim cũng đang bị huỷ diệt. Các loại hạt cỏ cung cấp thức ãn cho chúng đã bị dọn sạch trên các cánh đồng hay dọc theo các con đường. Bê tông hoá và phương pháp canh tác hiện đại đã giết chết rất nhiều những giống chim hoang.
Tuy nhiên, lỗi này không phải do một mình người Pháp gánh chịu. Khi cả quả đất ấm lên thì các loài chim cũng bị ảnh hưởng. Các loài chim di cư đến nước Pháp từ Bắc Phi đã giảm vì các vùng đầm lầy ở đó đang khô cạn vì hạn hán [...].
Buổi sáng, nước Pháp sẽ vắng dần tiếng chim và người Pháp đã biết để tâm nhận ra điều đó. Thế còn ta ? Có bao giờ chúng ta cảm thấy trống vắng vì không được nghe tiếng chim sâu lích chích chuyền cành một buổi sáng ? Có khi nào ta nhớ ngay ra tên một loài chim nào đó mà con trẻ ta líu lô hỏi khi trên đường về quê ?
(Sơn Nam, báo Tin tức, số 28 - 5 - 2004)
Đoạn trích thú vị trên rõ ràng có chứa đựng yếu tố thuyết minh. Tuy nhiên, xét về mục đích viết (thể hiện qua nhan đề, cách đặt vấn đề, cách kết thúc...) thì cái đích chủ yếu mà tác giả hướng tới lại không phải là giới thiệu hay cung cấp những tri thức cho người đọc. Những kiến thức, số liệu được đưa ra, xét cho cùng, chỉ nhằm để làm cho những cảm nghĩ của tác giả có căn cứ hơn và trở nên sâu xa, thấm thía hơn. Kiểu văn bản của đoạn trích, do đó, không thật phù hợp với văn bản thuyết minh mà anh (chị) định viết.
2. Nếu viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh (hoặc một nghề nghiệp truyền thống hay một đặc sản nào đó) của quê hương thì trong phần thân bài, anh (chị) sẽ lần lượt nêu lên những ý chính nào ?
Các ý trong phần thân bài có thể được sắp xếp theo những trình tự khác nhau. Tuy nhiên, dù theo cách nào thì ở phần này, người viết cũng phải:
- Miêu tả để người đọc có thể hiểu biết và hình dung thật cụ thể điều được thuyết minh (vị trí, đường đến tham quan, cảnh trí thiên nhiên... nếu là danh lam thắng cảnh ; nguyên vật liệu, quy trình sản xuất, mẫu sản phẩm... nếu là nghề truyền thống...).
- Những nét riêng biệt, đặc sắc, độc đáo, có sức hấp dẫn mạnh mẽ, lớn lao của thắng cảnh, của đặc sản hay nghề nghiệp đó.
3. Thử diễn đạt một trong các ý chính (phần thân bài đã triển khai ở bài tập 2) thành một đoạn văn, rồi kiểm tra lại xem các tri thức và các câu văn trong đoạn đã bảo đảm được tính chuẩn xác hay chưa.
4. Từ đoạn văn đã thực hiện ở bài tập 3, anh (chị) hãy tìm cách nâng cao chất lượng đoạn văn của mình bằng cách sửa chữa, trau chuốt sao cho nội dung và hình thức của đoạn văn không chỉ chuẩn xác mà còn sinh động và hấp dẫn.
Có thể tham khảo hai đoạn trích của nhà văn Nguyễn Tuân dưới đây:
a)
Advertisements (Quảng cáo)
TƠ TẰM, CHUỐI NGỰ TỈNH NAM
Đặc sắc nhất của chợ Rồng mà không nơi chợ tỉnh nào sánh được là tơ tằm và chuối ngự. Tơ chín vàng, chuối chín vàng. Màu hoa hoè nở rộ vào giữa mùa nhập trường thi chữ Hán ngày xưa, cũng khó mà đọ được với vàng chuối vàng tơ của chợ Rồng chói lọi. Cái màu vàng giãy nảy lên ấy, tưởng chỉ có được trong nghệ thuật và tranh màu, chứ không ngờ nó lại ê hề giữa thiên nhiên và gian chợ tỉnh Nam. Tơ, lụa, chuối làm cả chợ rực sáng lên như nhuộm tắm trong một cái ráng trời óng lộng cuối thu. [...] Tỉnh Nam là đất cũ của vua nhà Trần, cung nữ đời Trần có truyền thống lao động, cái giống chuối thành ra tên là ngự ấy, không biết có dính gì đến những bàn tay cung nữ nhà Trần không ? Chỉ biết rằng, cả thiên hạ đều khen chuối ngự Nam Định là ngon, thơm và lành, vỏ mỏng tang, ruột chuối ngọt ánh lên chất cát đường. Có những buồng chuối, khi mình vén những tua lá chuối khô phủ lên nó như những tấm áo nâu cũ màu, thì thấy, leo ôi ! Nó xếp tầng gác lên tới hai chục nải. Có người vì buồng chuối ngự mang từ Nam lên Thủ đô làm quà, mà đành đi tàu thuỷ, nó lâu thời giờ hơn tàu hoả, ô tô, nhưng cho chuối đi tàu thuỷ nó đỡ bị lắc, gãy, rụng, bảo đảm hơn. Tôi đã từng nghe một số bà con Nam Định hay nói : "Đọc thơ Xương, ăn chuối ngự”. Ý muốn khoe hai thứ "thổ ngơi” quý giá của tỉnh Nam Định mình.
(Nguyễn Tuân, Cảnh sắc và hương vị đất nước,
>NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1988.
Tên đoạn trích do NBS đặt)
b)
Ngồi bên mẹt cốm mới giã xong, tôi đã có dịp được rộng thêm kiến văn về giống lúa nếp và về nghề làm cốm (của làng Vòng - NBS thêm). Nếp làm cốm ra nhiều giống thật, và phải đặt mua rải rác ở nhiều cánh đồng, nhiều khi không phải đồng làng. Nào là nếp sớm Bắc, nếp sớm ta, nếp Phùng, nếp Chẩm, nếp mộ. Cuối mùa cốm là thứ nếp dụt, và ngon nhất vẫn là thứ nếp hoa vàng. Nếp sắp chín để gặt thì trước độ mươi ngày là đúng vào dịp đi cắt từng bông về làm cốm. Cây lúa lớn lên rồi trổ hoa, hoa kết hạt, từ lúa con gái lúa dậy thì rồi trổ đòng, mà đậu sữa ngậm hạt rồi thành trắt và cái hạt lúa tuốt từng bông về mà rang mà giã thành cốm chính nó là hạt thóc bao tử vậy. [...] Ngày đầu mùa của cốm là khoảng rằm tháng bảy ta. [...] Ngày vui nhất và ngon đậm nhất của cốm tức là dịp Tết Trung thu, sửa hạt nếp bao tử gặp kì giăng tròn nên chất nhựa đường thật là ngọt đọng và dẻo quánh.
Tính trung bình, mỗi gia đình làm một ngày được mười hai mẻ tức là mười hai mẹt cốm, cân lên, được khoảng một yến (mười cân) cốm. [...] Làng cốm nhộn nhịp nhất là suốt một mùa thu. Trong một ngày hàng cốm vui nhất là từ quá trưa giở đi [...] tiếng chày giã cốm nhà này, nhà nọ nghe đã đều tai.
[...] Tiếng chày giã cốm thanh hơn, nhẹ hơn tiếng chày giã bột, giã gạo, giã vỏ dó bột dó ở ven sông Tô Lịch phía Bưởi dưới kia. Nhịp chày cốm cũng nhanh hơn nhịp chày giã gạo. Tôi nhích lại cái cối đá nhận ra mỏ chày giã cốm có khác mỏ chày giã gạo và cần chày cốm ngắn hơn cần chày giã gạo. Chị hàng cốm lại cười : "Cối nặng, chày nhẹ, đòn gánh cong, ấy là nghề làng chúng tôi đấy !”. Chị vừa xơ cốm sảy cốm vừa nói về nghề : "Cốm ngọn nó dày mình hơn cốm đầu nia. cốm làng Vòng vẫn mỏng hơn cốm Mễ Trì. Mễ Trì xưa kia sang giã cốm thuê bên này, rồi biết nghề nhưng chưa tinh[...]”. Chị xuống bếp dỡ lên mẻ nếp chồng vừa rang xong đợi nó nguội rồi lại giã tiếp. Bên mẹt cốm câu chuyện nghề lại nổi thêm : "Cứ giã xong một lượt lại sảy. Cốm đầu mùa ngon hơn vì nó mỏng nhất. Rang mà giòn quá, giã nó đớn ra cám hết. Mới rang xong chưa nguội mà giã thì nó dính. Phải giã nhẹ và nhanh chày, không có sữa hạt nếp nó bết lại. Làm cốm cả nhà vất vả và tốn công hơn làm khung cửi. Phải giã đủ bảy lượt. Giã không đủ lượt, giã vội nó đỏ cốm lên. Đủ bảy lượt, cốm mới sạch mới xanh, mới đẹp mặt cốm. Làm cốm không thể sốt ruột được”.
Thực ra không phải chỉ riêng miền Bắc mới có cốm và miền Bắc chỉ riêng làng Vòng mới có cốm. Ngay quanh thủ đô ngoài cốm Vòng còn có cốm Mễ Trì, cốm Lủ. Khắp nước ta, ở đâu có lúa nếp là ở đó có cốm, là ở đó làm cốm. Ở Bắc cũng như ở Nam, ở đồng bằng cũng như miền núi, mỗi hạt cốm mỗi nơi đều có hương vị thổ ngơi của triền ruộng của cánh đồng nơi ấy [...].
Thơ Thôi Hữu có những câu cốm rừng :
Đêm giăng chày đập vang thôn bản
Phấn cốm bay bay phủ lá ngàn
(Nguyễn Tuân, cốm, in trong Cảnh sắc và hương vị đất nước,
Sđd, tr. 253-258)
Sachbaitap.com