Trang chủ Lớp 10 SBT Ngữ văn 10 (sách cũ) Viết bài tập làm văn số 6 SBT Văn 10 tập 2:...

Viết bài tập làm văn số 6 SBT Văn 10 tập 2: Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 61 và câu 1, 2 trang 64...

Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 61 và câu 1, 2 trang 64 SBT Ngữ văn 10 tập 2. Khi làm bài văn thuyết minh về một tác giả văn học, theo anh (chị) có nên viết theo cách viết của đoạn trích dưới đây không ? Vì sao ?. Soạn bài Viết bài tập làm văn số 6 SBT Ngữ văn 10 tập 2

Phần một: THUYẾT MINH VĂN HỌC

BÀI TẬP

1. Khi làm bài văn thuyết minh về một tác giả văn học, theo anh (chị) có nên viết theo cách viết của đoạn trích dưới đây không ? Vì sao ?

An-phông-xơ Đô-đê sinh ra ở thành phố Ni-mê, cái thành phố từng được tô điểm bởi những vườn hoa, những hàng cột và thứ ánh sáng cổ đại. Ông lớn lên giữa những cánh rừng ô-liu và dâu, giữa những vườn nho. Ông hít thở một thứ không khí say người của hành nhân. Ông yêu "những thảm cỏ dày giữa những bóng cây, lớp bụi trắng của những con đường lớn, những dãy đồi miên man dưới nắng”. Ông say sưa với cuộc sống trên mảnh đất giống như xứ Hi Lạp này. Đó là một cậu bé nồng nhiệt và hay giễu cợt, một thứ thần Điền dã nhỏ tuổi.

Nhưng cha mẹ ông không sống hạnh phúc giữa những cánh rừng thưa, như những con người của thế kỉ vàng ngày trước. Đô-đê và Rây-nô, ông nội và ông ngoại ông, từ lâu đã chuyển đến ở Lan-ghe-đô-ke, trở thành nhà buôn và chủ xưởng [...].

Tôi quen với An-phông-xơ Đô-đê từ khi ông còn chưa biết đến mọi vinh quang cũng như mọi đau khổ. Và ngay từ lúc ấy, tôi đã tin rằng không bao giờ, không một người nào khác lại yêu thiên nhiên và nghệ thuật bằng một tình yêu hào hiệp đến vậy, lại hoà nhập với cả vũ trụ một cách vui vẻ, dịu dàng mà lại mãnh liệt đến vậy. Chỉ những ai đã có dịp chứng kiến tâm hồn chói lọi này từng lấp lánh lên trong một thân thể mạnh mẽ đầy sức sống, mới có thể hiểu được cái câu mà, sau mười lăm năm bị bệnh tật hành hạ, Đô-đê thường thầm thì mấy ngày trước khi chết :

- Tôi thật đáng bị trừng phạt thế này, bởi tôi quá yêu cuộc sống.

(A. Phơ-răng-xơ, An-phông-xơ Đô-đê (1840 -1897),

trong Tuyển tập mười năm tạp chí Văn học và Tuổi trẻ,

NXB Giáo dục, 2003)

Đoạn trích là những dòng viết hay, đầy sức truyền cảm. Nhưng đấy là những dòng văn nói lên cảm nghĩ riêng của người viết - một nhà văn - về một tác giả văn chương, một bạn văn mà ông hết lòng yêu quý. Cách viết trong đoạn trích phù hợp với mục đích làm văn biểu cảm, chứ không phù hợp với một bài văn được viết ra nhằm mục đích thuyết minh.

2. SGK Ngữ văn 10, tập hai (trang 85) đã nêu bố cục của bài thuyết minh về một tác phẩm văn học (Truyền kì mạn lục) như sau :

"Tiểu dẫn của bài Chuyện chức phán sự đền Tản Viên có ba phần : Phần đầu thuyết minh về nhà văn Nguyễn Dữ ; phần hai thuyết minh về thể truyền kì; phần ba thuyết minh về tác phẩm Truyền kì mạn lục.”

Anh (chị) có cho rằng đây là cách sắp xếp ý duy nhất của một bài văn thuyết minh về tác phẩm Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ không ? Vì sao ?

Trình tự được nêu trong bài tập có thể là một cách sắp xếp ý, nhưng không phải là cách sắp xếp ý duy nhất cho phần thân bài của một bài văn được viết để thuyết minh cho tác phẩm Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ. Vì bên cạnh nó, vẫn còn có nhiều cách bố cục khác nữa. Chẳng hạn như :

a) Giới thiệu về tác giả Nguyễn Dữ.

b) Giới thiệu về tác phẩm Truyền kì mạn lục (phần trọng tâm của bài làm) :

- Giải nghĩa nhan đề tác phẩm và giới thiệu qua về thể truyện truyền kì.

- Những nét chính về nội dung tư tưởng.

- Những đặc sắc về hình thức nghệ thuật.

- Đánh giá chung về giá trị của tập truyện.

3. Hãy xây dựng dàn ý bài văn thuyết minh về một đặc điểm hay một thể loại văn học cổ sao cho dàn ý đó làm rõ được đặc điểm của bài văn là thuyết minh, có đầy đủ những tri thức chuẩn xác và có sức hấp dẫn đối với người đọc.

4. Dựa vào dàn ý bài văn thuyết minh ở bài tập 3 và vận dụng những phương pháp thuyết minh đã học để viết thành một bài văn đạt các yêu cầu cần có.

Có thể tham khảo đoạn trích sau đây :

THỂ PHÚ

Phú là một thể văn có vần hoặc xen lẫn văn vần và văn xuôi của Trung Quốc và Việt Nam để tả phong cảnh, kể sự việc, bàn chuyện đời... Trong ba loại phú, tỉ, hứng thì phú là phô diễn, là miêu tả trực tiếp chứ không qua so sánh, liên tưởng như tỉ, hứngKinh Thi viết : "Phú giả trực trần kì sự” (phú là phô bày thẳng sự thực).

Phú có thể chia làm hai lối : Phú cổ thể (thể cũ) là thể phú có trước đời nhà Đường, có vần mà không có đối, hoặc như một bài ca thật dài, hoặc như một bài văn xuôi mà có vần, lối sau này gọi là lối phú lưu thuỷ (nước chảy), như bài Bạch Đằng giang phú. Còn phú cận thể (hay phú Đường luật hoặc Đường phú) là thể phú đặt ra từ thời nhà Đường, có vần, có đối, có theo luật bằng trắc. Lối này phải theo quy củ nhất định và là lối phú thông dụng nhất.

Phú cận thể có thể gieo vần theo nhiều lối khác nhau như : độc vận (đầu cuối cùng một vần) hoặc liên vận (một bài dùng nhiều vần) ; hạn vận (ra sẵn một câu làm vần, phải theo thứ tự các chữ trong câu ấy mà gieo) hoặc phóng vận (tuỳ ý gieo vần).

Phú cận thể bao giờ cũng đặt câu gồm hai vế đối nhau, vần nằm ở cuối vế dưới. Có mấy loại câu : câu tứ tự (mỗi vế 4 chữ), câu bát tự (mỗi vế 8 chữ), câu song quan (hai cửa, mỗi vế gồm từ 5 đến 9 chữ), câu cách cú (mỗi vế chia làm hai đoạn, một đoạn ngắn, một đoạn dài), câu hạc tất (gối hạc, mỗi vế gồm từ ba đoạn trở lên, đoạn giữa thường ngắn, xen vào các đoạn kia như cái đầu gối giữa hai ống chân con hạc).

Về luật bằng trắc thì phú cận thể yêu cầu các chữ cuối các vế trong câu phải đối nhau : bằng đối với trắc hoặc trắc đối với bằng.

về bố cục, một bài phú cận thể. thường có sáu phần : lung (mở đầu, nói bao quát toàn bài), biện nguyên (nói gốc tích, ý nghĩa của đầu bài), thích thực (giải thích, phân tích ý nghĩa của đầu bài), phu diễn (trình bày, dẫn chứng minh hoạ cho rõ phần giải thích, phân tích), nghị luận (bình luận, nhận định ý nghĩa của đầu bài), kết (thắt lại, kết thúc).

(Tổng hợp từ Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu,

NXB Tổng hợp Đồng Tháp và bài của

Nguyễn Xuân Nam, trong Từ điển văn học,

tập II, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1984)

Phần hai: NGHỊ LUẬN VĂN HỌC [1]

BÀI TẬP

1.

Ở Cấp THCS, anh (chị) đã được làm quen với các kiểu bài giải thích và chứng minh. Hãy nhớ lại những kiến thức đã học và cho biết:

a) Những kiểu bài đó thuộc phương thức biểu đạt nào : tự sự, miêu tả, biểu cầm, thuyết minh, nghị luận hay hành chính - công vụ ? Vì sao ?

b) Mục đích cần đạt tới khi ta làm nhiệm vụ giải thích có khác biệt gì so với mục đích cần đạt tới khi ta làm nhiệm vụ chứng minh không ? Nếu có thì khác biệt ở chỗ nào ?

c) Có người nói rằng giải thích và chứng minh khác nhau ở chỗ : giải thích cần lí lẽ nhiều, dẫn chứng ít, còn chứng minh thì ngược lại, lí lẽ chỉ cần ít, còn dẫn chứng phải có thật nhiều.

Anh (chị) thấy ý kiến ấy có đúng không ? Vì sao đúng (hoặc chưa đúng) ?

d) Từ đó, anh (chị) có thể rút ra bài học cần thiết nào có thể giúp mình làm tốt một bài văn giải thích (hoặc chứng minh) ?

Cần thấy rõ:

- Trong văn nghị luận, giải thích và chứng minh là hai phép lập luận khác nhau, nhằm tới hai mục đích khác nhau. Phép lập luận giải thích có mục đích đưa một/nhiều người từ chỗ chưa hiểu tới chỗ hiểu ra một điều nào đó (gọi là điều cần giải thích). Trong khi chứng minh là phép lập luận nhằm đưa một/nhiều người từ chỗ còn hoài nghi, "bán tín bán nghi” tới chỗ tin rằng một điều nào đó (gọi là điều phải chứng minh) là đúng với lẽ phải hoặc/và sự thật, có căn cứ rõ ràng trong thực tế. Do vậy, văn giải thích, muốn được hiểu thì cần rành rẽ, dễ hiểu. Còn văn chứng minh phải gồm các bằng cứ đủ để người ngờ vực nhất cũng không thể không tin.

- Thước đo thành công của một bài giải thích (hoặc chứng minh) là ở chỗ, bài văn ấy làm sáng tỏ được điều cần giải thích (hay điều phải chứng minh) đến mức nào chứ không hề ở chỗ người nói/viết dùng lí lẽ nhiều hơn hay ít hơn dẫn chứng.

- Từ đó, muốn làm tốt một bài giải thích (hoặc chứng minh), người nói/viết cần cố thử đặt mình vào địa vị của người chưa hiểu (hoặc chưa tin), một điều gì đó, hình dung xem đâu là chỗ họ còn chưa hiểu (chưa tin), để tìm ra cách thức hữu hiệu nhất đưa họ tới chỗ hiểu và tin, tức là thật sự sáng tỏ vấn đề.

2. Nêu phương hướng làm bài của anh (chị) khi gặp những đề bài cụ thể sau :

a) Dựa vào những dẫn chứng lấy từ bản Đại cáo bình Ngô, hãy chứng minh : "Đối với Nguyễn Trãi, yêu nước là thương dân, để cứu nước phải dựa vào dân, đem lại thái bình cho dân, cho mọi người.”

(Phạm Văn Đồng, Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc (1962),

in trong: Nguyễn Trãi, Thơ và đời, NXB Văn học, 1997, tr. 56)

Advertisements (Quảng cáo)

b) Trong bài Phú sông Bạch Đằng, Trương Hán Siêu có viết hai câu :

                                Quả là : Trời đất cho nơi hiểm trở,

                               Cũng nhờ: Nhân tài giữ cuộc điện an.

Nhưng đến hai dòng cuối, ông lại để người khách chơi sông kết thúc khúc hát của mình bằng những câu :

                              Giặc tan muôn thuở thăng bình.

                             Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao.

(Ngữ văn 10, tập hai, tr.6)

Ai đó có thể thắc mắc : Những dẫn chứng trên đây cho thấy, hình như tác giả bài phú tự mâu thuẫn với mình. Nếu trường hợp đó xảy ra, anh (chị) sẽ giải đáp cho người ấy thế nào ?

a) Nên lưu ý:

- Trước khi chứng minh, cần làm rõ khái niệm đóng vai trò trung tâm trong toàn lời nhận định - khái niệm dân (lớp người đông đảo và chịu nhiều đau khổ nhất trong xã hội bấy giờ). Có thể so sánh qua với các tác phẩm tiêu biểu nhất thời ấy (Nam quôc sơn hà, Hịch tướng sĩ), để người nghe / đọc thấy sự gắn bó với những người cùng khốn là nội dung làm nên nét ưu việt, sự đặc sắc hiếm có của Đại cáo bình Ngô.

- Nên dựa vào đề bài để lấy những dẫn chứng phù hợp nhằm làm rõ tư tưởng thương dân, thực sự vì dân, do dân của Nguyễn Trãi lần lượt theo ba khía cạnh :

+ Với Nguyễn Trãi, yêu nước là thương dân. Tình thương của ông chỉ đặt, và đặt hẳn vào những người lao động bị giết tróc, hành hạ, bóc lột và đè nén tàn tệ, dã man, với nhiều hình ảnh, chi tiết cụ thể, chân thực, đầy chất hiện thực rất lạ, rất đặc biệt trong thứ văn chương còn thiên về quy phạm, ước lệ trong thời ấy.

+ Với Nguyễn Trãi, để cứu nước phải dựa vào dân, những người dân cày hay người đi ở (manh lệ). Tác giả không coi nhẹ vai trò của những bậc hào kiệt, nhưng ngay cả khi "tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu”, sức mạnh vô địch của cuộc khởi nghĩa vẫn được làm nên từ sự đoàn kết của nhân dân đông đảo, của đội quân phụ tử, không tài giỏi như Hậu Nghệ, Bàng Mông, nhưng mang khí thế ngất trời của khối nhân dân đồng lòng, đồng sức, để trở thành chớp giật, sấm vang, cơn gió to làm cạn khúc sông, mòn đá núi.

+ Với Nguyễn Trãi, cứu nước là để đem lại thái bình cho dân. Công cuộc điếu phạt không có mục đích nào khác hơn là để an dân. Cách kết thúc chiến tranh kì diệu nhất, "chưa thấy xưa nay” là làm sao để bảo toàn được "đức hiếu sinh”, giữ được "toàn quân”, "để nhân dân nghỉ sức”, để "mở nền thái bình muôn thuở”.

Tham khảo cách chọn đưa dẫn chứng cho bài làm này qua đoạn trích sau đây :

"Nguyễn Trãi suốt đời mang một hoài bão lớn : làm gì cho dân, người dân lầm than cực khổ. Bắt đầu Bình Ngô đại cáo có câu : "Việc nhân nghĩa cốt ở an dân”, chữ "an” ở đây có nghĩa là an cư lạc nghiệp, cùng một ý với câu cuối của Bình Ngô đại cáo : "nền thái bình muôn thuở” [...].

Bình Ngô đại cáo là khúc ca hùng tráng bất hủ của dân tộc ta. Hãy nghe Nguyễn Trãi lên án giặc ngoại xâm :

                            Tát cạn nước Đông Hải, khôn rửa sạch tanh hôi,

                            Chặt hết trúc Nam Sơn, khó ghi đầy tội ác

                            Nghĩ khó đội trời cùng quân địch,

                            Thề không chung sống với giặc thù.

và đây là mấy câu diễn tả thế thắng của quân ta :

                           Voi uống mà cạn hết nước sông,

                           Gươm mài mà khuyết mòn đá núi,

                           Cứu binh hai lộ kéo sang, chửa quay chân đã bại ;                 

                          Cùng khấu các thành đã sợ, đều cởi giáp ra hàng.

                          Tướng giặc bị tù, vẫy đuôi cọp đói cầu thương hại

                          Uy thần chẳng giết, thể lượng đất trời đức hiếu sinh.

rồi đến đoạn cuối, lúc dẹp xong giặc ngoại xâm :

                          Nước nhà từ nay bền vững,

                          Non sông bởi đó đẹp tươi,

                         Càn khôn bĩ cực thái lai,

                         Nhật nguyệt tối rồi sáng tỏ

                        Để mở nền thái bình muôn thuở,

                       Để rửa điều hổ thẹn nghìn thu.

(Phạm Văn Đồng, Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc,

Sđd, tr.57-59)(1)

b) Khi thực hiện bài tập này, cần cố gắng làm rõ mấy nội dung sau :

- Đúng là mới thoạt đọc, dễ tưởng tác giả nói lên những nhận định có vẻ mâu thuẫn với nhau, nhất là khi ta đặt câu : Quả là : Trời đất cho nơi hiểm trở (tinh thần là thừa nhận vai trò của "đất hiểm”) bên cạnh các chữ : Bởi đâu đất hiểm (tinh thần dường như là không thừa nhận).

- Nhưng xét kĩ thì thấy không hẳn thế. Bởi :

+ Cả hai cặp câu đều nhắc đến thế đất (địa lợi) và con người (nhân hoà), các yếu tố có thể xét đến như những căn nguyên làm nên chiến thắng.

+ Cả hai cặp câu đều khẳng định : trong hai nhân tố ấy, con người luôn giữ vai trò quyết định. Hãy chú ý rằng, trong đoạn trích trên, đất chỉ được nhắc đến trong duy nhất một câu. Còn vai trò của con người đã được Trương Hán Siêu nói kĩ và đề cao hơn đất nhiều lần (có thể đọc lại 5 dòng tiếp theo câu : Cũng nhờ: Nhân tài giữ cuộc điện an trong bài phú).

Về các mặt này, tư tưởng của tác giả luôn luôn nhất quán.

- Tuy nhiên, không thể không thấy rằng, từ :

                      Quả là : Trời đất cho nơi hiểm trở.

                      Cũng nhờ : Nhân tài giữ cuộc điện an.

đến:

                     Giặc tan muôn thuở thăng bình.

                     Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao.

tư tưởng của tác giả không đứng yên, mà có vận động và phát triển, theo hướng mỗi lúc một đúng đắn hơn, tiến bộ hơn. Vai trò của đất ít quan trọng đi, và vai trò hết sức quan trọng của con người có địa vị thống lĩnh, bao trùm. Và nếu trong đoạn trên, con người còn được ngợi ca ở sự tài giỏi, anh minh thì đến những khúc hát của các bô lão và người khách chơi sông ở cuối bài, cái được đề cao đến mức tuyệt đối ở con người đã chuyển sang lĩnh vực của đức, của chính nghĩa, về mặt này, công lao rất to lớn của Trương Hán Siêu, qua Phú sông Bạch Đằng, là ở chỗ : ông đã sớm ghi lại một trong những chân lí đã làm nên truyền thống quý báu nhất trong lịch sử lâu dài của dân tộc Việt Nam ta.

[1] Bài viết bổ sung theo tài liệu Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học môn Ngữ văn, cấp THPT, ngày 01 - 09 - 2011, của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

  Sachbaitap.com

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn SBT Ngữ văn 10 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)