Giai cấp tư sản ở các vương quốc trên bán đảo I-ta-li-a đều muốn dựa vào Pi-ê-môn-tê để loại bỏ thế lực của Áo, thực hiện việc thống nhất I-ta-li-a. Bá tước Ca-vua - Thủ tướng Pi-ê-môn-tê, chủ trương dùng chiến tranh để thành lập nước I-ta-li-a thống nhất dưới sự lãnh đạo của Vương triều Xa-voa.
Tháng 4 - 1859, Ca-vua liên minh với Pháp tiến hành chiến tranh với Áo. Trong khi chiến sự đang diễn ra, quần chúng ở các vương quốc thuộc miền Trung I-ta-li-a đã nổi dậy khởi nghĩa. Bọn phong kiến thống trị ở đây phải chạy sang Áo. Liên quân Pi-ê-môn-tê - Pháp, được sự hỗ trợ của đoàn quân tình nguyện Ga-ri-ban-đi, đã đẩy quân Áo vào tình thế vô cùng khó khăn. Tháng 3 - 1860, các vương quốc trên sáp nhập vào Pi-ê-môn-tê.
Tháng 4 - 1860, phong trào khởi nghĩa của nhân dân ở đảo Xi-xi-li-a (miền Nam I-ta-li-a) bùng nổ đòi lật đổ chính quyền tay sai đế quốc Áo và thống nhất đất nước. Ga-ri-ban-đi đem quân xuống giúp nhân dân Nam I-ta-li-a. Đội quân “Áo đỏ” hơn 1000 người do Ga-ri-ban-đi chỉ huy đã rời Giê-nô-va, vượt biển đổ bộ lên đảo Xi-xi-li-a.
Chỉ trong một thời gian ngắn, khoảng 4000 nông dân xin gia nhập đội quân “Áo đỏ” đã tiến vào thủ đô Na-pô-li, giải phóng toàn bộ miền Nam l-ta-li-a. Một chính quyền mới được thành lập do Ga-ri-ban-đi làm Chấp chính, những chính sách dân chủ được ban hành : chia đất công cho nông dân, những đặc quyền phong kiến bị bãi bỏ...
Sau đó, miền Nam I-ta-li-a được sáp nhập vào Pi-ê-môn-tê (10-1860), thành lập Vương quốc I-ta-li-a. Vua Pi-ê-môn-tê là Em-ma-nu-en II được tôn làm Quốc vương, Bá tước Ca-vua làm Thủ tướng.
Advertisements (Quảng cáo)
Cuộc đấu tranh thống nhất I-ta-li-a mang tính chất một cuộc cách mạng tư sản, lật đổ sự thống trị của đế quốc Áo và các thế lực phong kiến bảo thủ I-ta-li-a, tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản phát triển.