Ở các thế kỉ XVI – XVIII, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc tiếp tục phát triển với các công trình có giá trị như chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên - Huế), tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), các tượng La Hán ở chùa Tây Phương (Hà Tây)...; xuất hiện một số tượng nhân vật (vua, chúa...), tranh vẽ chân dung.
Cùng với văn học dân gian, một trào lưu nghệ thuật dân gian được hình thành.
Trên các vì, kèo ở những ngôi đình làng, các nghệ nhân đã khắc lên những cảnh sinh hoạt thường ngày của nhân dân như đi cày, đi bừa, đấu vật, nô đùa, hát xướng v.v... Trình độ nghệ thuật tuy đơn giản nhưng phán ánh được cuộc sống của người dân thường.
Nghệ thuật sân khấu phát triển cả ở Đàng Ngoài, Đàng Trong. Nhiều làng có phường tuồng, phường chèo. Bên cạnh đó, phổ biến hàng loạt làn điệu dân ca mang tính địa phương đậm nét như quan họ, hát giặm, hò, vè, lí, si, lượn v.v...
Số công trình nghiên cứu khoa học tăng lên. Về sử học, bên cạnh các bộ lịch sử của nhà nước, có nhiều bộ lịch sử của tư nhân như ô châu cận lục, Đại Việt thông sử, Phù biên tạp lục, Đại Việt sử kí tiền biên... và đặc biệt là bộ sử thi bằng chữ Nôm Thiên Nam ngữ lục (khuyết danh); về địa lý có tập bản đồ Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư; về quân sự có tập Hổ trướng khu cơ (của Đào Duy Từ); về triết học có một số bài thơ, tập sách của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn; về y học có bộ sách y dược của Hải Thượng Lãn Ông, Lê Hữu Trác v.v... Ngoài ra còn nhiều tác phẩm về nông học, văn hoá Việt Nam...
Advertisements (Quảng cáo)
Do những hạn chế về quan niệm và giáo dục đương thời, khoa học tự nhiên không có điều kiện phát triển.
Về kỹ thuật : Nhu cầu quốc phòng đã tạo điều kiện cho sự sáng tạo một số thành tựu kỹ thuật như đúc súng đại bác theo kiểu phương Tây, đóng thuyền chiến, xây thành luỹ...
Sử cũ viết : “Người thợ kính là Nguyễn Văn Tú... trước được sang Hà Lan học nghề 2 năm, về nước có thể chế các hạng đồng hồ và kính thiên lí rất khéo. Ông đã từng chế tạo một chiếc đồng hồ hạng trung, phía trong bớt đi 5 bánh xe và 6 quả chuông nhỏ. Đo bóng mặt trời mà nghiệm thì rất đúng.”
(Phủ biên tạp lục)
Ngoài ra, vào các thế kỉ XVII - XVIII, một số thành tựu kỹ thuật phương Tây đã du nhập vào nước ta thông qua con đường ngoại thương và truyền đạo, nhưng do nhiều hạn chế nên không có điều kiện để phát triển.