Trang chủ Lớp 10 Ngữ văn lớp 10 (sách cũ) Hãy viết bài văn kể lại những kỷ niệm đáng nhớ về...

Hãy viết bài văn kể lại những kỷ niệm đáng nhớ về một người thân yêu nhất, Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo đông con. Những người họ hàng hoặc quen biết đều...

Luyện tập viết đoạn văn tự sự - Hãy viết bài văn kể lại những kỷ niệm đáng nhớ về một người thân yêu nhất. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo đông con. Những người họ hàng hoặc quen biết đều nói tôi giống cha tôi nhất. Điều đó khiến tôi hãnh diện. Một niềm hãnh diện rất trẻ thơ. Chẳng biết có phải vì thế hay không mà tôi yêu cha lắm

       Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo đông con. Những người họ hàng hoặc quen biết đều nói tôi giống cha tôi nhất. Điều đó khiến tôi hãnh diện. Một niềm hãnh diện rất trẻ thơ. Chẳng biết có phải vì thế hay không mà tôi yêu cha lắm!

      Cha tôi là một thợ mộc khá nổi tiếng ở cái thị xã trung du này. Đôi tay tài khéo của cha đã đóng không biết bao nhiêu giường, tủ, sa-lông, và các vật dùng bằng gỗ khác cho mọi nhà. Cha nghèo, không có vôn mua sẵn gỗ nên ai muôn đóng thứ gì thì phải mang gỗ đến.

      Xưởng mộc của cha tôi là cái chái nhà rộng chừng ba chục mét vuông, có đủ các đồ nghề cần thiết: cưa dọc, cưa ngang, bào lớn, bào nhỏ, thước xếp, thước gỗ, thước vuông, tràng, đục, dây nảy mực... Một chiếc ghế dài đến mấy mét bằng nguyên một thân cây xẻ dọc làm đôi kê gần sát tường là chỗ cha tôi để cưa và bào gỗ. Trên mặt đất là lớp mùn cưa mịn màng và lớp vỏ bào loăn xoăn, bốc mùi thơm hăng hắc khó tả của nhiều loại cây rừng.

      Giữa khung cảnh đó, cha tôi cần cù làm việc, hết ngày này sang ngày khác, năm này qua năm khác để kiếm tiền nuôi đàn con khôn lớn, đứa nào cũng được học hành tử tế. Cha thường nói với mẹ rằng chăng có của cải đáng kể gì để lại cho các con thì cho cái chữ, cái nghề. Đứa nào ráng học đến đâu thì cha mẹ cũng ráng nuôi đến đó.

       Không khí gia đình tôi vui nhất là vào những bữa cơm. Những món ăn đạm bạc do mẹ tôi nấu như canh cua đồng mùng tơi, chuối xanh nấu ốc, đậu phụ rán giòn, canh dưa chua nấu cá trê... cùng với đĩa cà pháo trắng tinh hay đĩa dưa cải muối xổi... vậy mà sao ngon lạ lùng! Ngắm đàn con ăn như tằm ăn rỗi, cha mẹ tôi nhìn nhau, ánh mắt vừa tỏ vẻ hài lòng lại vừa lo lắng.

      Tình thương của cha tôi thể hiện qua từng hành động nhỏ hằng ngày như chuốt cho các con từng chiếc bút chì, bọc từng quyển sách, quyển vở. Cha hướng dẫn con lớn học bài và dạy con nhó tập viết từng nét thẳng, nét cong. Cha dạy anh chị em trong nhà phải biết thương vêu, đùm bọc lẫn nhau.

       Vì nhà nghèo nên Tết Trung Thu nào cha tôi cũng tự tay làm đèn cho các con. Cứ trước rằm một tuần là cha vào làng xin một cây tre nhỏ. Tự tay cha chẻ tre, chuốt nan và làm khung đèn con thỏ, đèn con cá chép và đèn ông sao. Tôi thích chiếc đèn ông sao thật lớn dán bằng giấy bóng kính màu đỏ, xung quanh là một vòng tròn dán giấy tua rua ngũ sắc. Ở trong, cha cắm một ngọn nến lung linh. Cha đem treo chiếc đèn ấy ở cành bưởi trước sân, bên dưới là mâm cỗ đón trăng có đủ bưởi vàng, hồng đỏ, ổi đào và mía tím, toàn những trái cây vườn nhà do chính tay cha trồng và chăm sóc.

      Năm tôi mười bốn tuổi, cha bắt đầu dạy tôi nghề thợ mộc. Việc làm đầu tiên là tôi giúp cha nảy mực lên tấm ván. Sợi dây nhỏ rất săn được tẩm đẫm nhọ nồi. Tôi cầm một đầu, cha cầm một đầu đặt theo đúng dấu đã đánh sẵn. Cha nheo mắt ngắm kĩ, lấy ngón tay nhấc lên ở chính giữa rồi buông ra. Sợi dây được kéo căng nảy lên một cái rồi hạ xuốn, vết sẫm do nó để lại in thẳng băng trên mặt ván. Cha cười hỏi tôi giờ thì đã hiểu thế nào là cầm cân nảy mực hay chưa?

Advertisements (Quảng cáo)

      Rồi cha dạy tôi tập bào. Hai tay cầm hai tai bào ra sao, độ cúi, độ nhấn và cách đưa bào cho trơn tru, không vấp váp. Khó ghê! Cái bào như vùng vằng muôn chống lại tôi. Nó chăng chịu đi mà cứ giật cục hoài khiến mặt ván nham nhở. Cha kiên nhẫn hướng dẫn cho tôi từng động tác. Sau nửa tháng, tôi đã có thể bào gỗ thành thạo. Tuy nhiên, “tài nghệ” thì còn non kém cha nhiều lắm!

       Hai cha con cứ vừa làm vừa rủ rỉ chuyện trò. Tôi nhớ mãi lời cha khuyên: “Muốn trở thành một thợ mộc giỏi, ngoài hoa tay ra thì phải cần cù, kiên nhẫn và có óc tường tượng, sáng tạo. Nhìn đồ vật, ta có thể đoán được phần nào tính cách người làm ra nó”.

      Hai sản phẩm một đầu tiên hoàn toàn do tôi đóng dưới sự hướng dẫn của cha là chiếc kệ sách và chiếc bàn học. Chúng vững chãi và xinh xắn làm sao! Chúng khiến cho góc học tập của mây anh em tôi trở nên gọn gàng, ngăn nắp.

      Từ đó, tôi trở thành trợ thủ đắc lực của cha. Cứ xong việc học hành là tôi giúp cha đóng tủ, đóng giường theo đơn đặt hàng của khách. Công việc khá nhiều mà cha tôi đã có tuổi. Tôi thương cha lắm! Có những lúc, tôi lặng lẽ ngắm đôi bàn tay chai sần của cha, ngắm chiếc kính lão trễ xuống gần chóp mũi của cha mà trong lòng dấy lên một cảm xúc khó tả. Tôi khẽ nói: “Cha để cho con bào”. Hoặc: “Cha để đấy con cưa”!. Cha vui vẻ nhường việc cho tôi nhưng vẫn không rời  mắt và luôn nhắc nhở: “Làm bất cứ việc gì cũng phải cẩn thận và giữ uy tín con ạ! Hơn hai chục năm nay cha làm thợ mộc, vật dụng đóng ra kể cũng đến vài trăm, nhưng cha chưa để khách hàng phải trách cứ điều gì. Vì thế mới nuôi nổi các con đấy!”.

      Tôi vụng về, chẳng biết thổ lộ những lời yêu thương kính trọng đối với cha như thế nào nhưng tôi luôn thầm cầu nguyện cho cha sống khỏe, sông lâu đến ngày cả đàn con được trưởng thành. Bất chợt, bên tai tôi lại văng vẳng câu ca dao mà cha thường ngâm nga lúc làm việc:

                    Người trồng cây hạnh người chơi,

                    Ta trồng cây phúc để đời cho con!

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn Ngữ văn lớp 10 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)