Trang chủ Lớp 10 SBT Ngữ văn 10 Soạn bài Tựa “Trích diễm thi tập” SBT ngữ văn 10 tập...

Soạn bài Tựa “Trích diễm thi tập” SBT ngữ văn 10 tập 2: Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 24...

Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 24 SBT ngữ văn 10 tập 2. Trong Tựa “Trích diễm thi tập”, tác giả đã đưa ra những lí do gì khiến thơ văn của người xưa không được lưu truyền đầy đủ cho đời sau ? Soạn bài Tựa “Trích diễm thi tập”

Advertisements (Quảng cáo)

1. Trong Tựa “Trích diễm thi tập”, tác giả đã đưa ra những lí do gì khiến thơ văn của người xưa không được lưu truyền đầy đủ cho đời sau ?

Đọc kĩ phần Hoàng Đức Lương bàn về những nguyên nhân khiến “thơ văn không lưu truyền hết ở đời”. Qua đây có thể hình dung công việc sưu tầm, biên chép các sáng tác văn thơ là rất khó khăn.

a) Có khó khăn liên quan đến khả năng thẩm định, cảm thụ cái hay, cái đẹp của bài thơ. Cái hay, cái đẹp của thơ ca không dễ cảm thụ vì nó trừu tượng (so sánh : cái đẹp của gấm vóc, vị ngon của nem chả dễ được cảm nhận bằng giác quan). Phải có một vốn học vấn, một khả năng cảm thụ tinh tường đến mức nào đó mới hiểu và trân trọng giá trị của thơ ca.

b) Có khó khăn liên quan đến đặc điểm của công việc sưu tầm thơ ca thời xưa. Đây chỉ là việc bắt nguồn từ hứng thú cá nhân mà không đem lại lợi nhuận. Dành thời gian cho công việc không mang lại hiệu quả vật chất là một điều rất khó được nhiều người chấp nhận.

c) Có khó khăn liên quan đến năng lực làm việc : có người yêu thích thơ văn đã tiến hành sưu tầm, song vì “công việc nặng nề, tài lực kém cỏi” nên làm nửa chừng rồi bỏ dở.

d) Có khó khăn liên quan đến chế độ kiểm duyệt thời xưa. Theo Hoàng Đức Lương, chỉ có sách vở nào được nhà vua cho phép mới được khắc ván lưu hành. Đa phần thơ ca nhà Nho chỉ được chép tay, truyền bản, vì thế không thể phổ biến rộng rãi, dễ thất lạc. Trong điều kiện đó, tất nhiên nhà sưu tầm gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, Hoàng Đức Lương có nhắc đến lí do chiến tranh, đến thời gian đã làm mai một, huỷ hoại nhiều văn bản thi ca. Đây cũng là một khó khăn đối với người sưu tầm.

2. Tìm các từ ngữ thể hiện tình cảm của Hoàng Đức Lương đối với di sản văn học của các bậc tiền bối.

Để làm bài tập này, cần đọc kĩ và phân tích đoạn văn sau :

Advertisements (Quảng cáo)

Đức Lương này học làm thơ, chỉ trông vào thơ bách gia đời nhà Đường, còn như thơ văn thời Lí – Trần, thì không khảo cứu vào đâu được. Mỗi khi nhặt nhạnh ở giấy tàn, vách nát được một vài câu, thường cầm sách than thở, có ý đổ lỗi bậy cho hiền nhân quân tử lúc bấy giờ. Than ôi ! Một nước văn hiến, xây dựng đã mấy trăm năm, chẳng lẽ không có quyển sách nào có thể làm căn bản, mà phải tìm xa xôi để học thơ văn đời nhà Đường. Như thế chả đáng thương xót lắm sao !

Đây là một đoạn văn thấm đẫm cảm xúc. Qua lời tâm sự, có thể hình dung hình ảnh tác giả xót xa, trăn trở trước cảnh thiếu vắng sách vở tra cứu thơ văn nước ta. Ông xót xa khi nghĩ đến di sản thơ văn của dân tộc mình không được lưu giữ, mỗi khi làm thơ chỉ biết dựa vào thơ Đường của Trung Hoa mà không có tài liệu thơ văn thời Lí – Trần mà học hỏi (Chú ý : Ở thế kỉ XV, thơ văn của hai triều đại Lí – Trần, tức hai triều đại trước nhà Lê, tất nhiên là đối tượng sưu tầm của Hoàng Đức Lương, còn trước thời Lí – Trần, sáng tác văn học của người Việt như thế nào thì cho đến tận ngày nay, chúng ta cũng biết rất ít). Đó là một tâm sự đáng trân trọng. Chúng ta cần biết tâm sự của một nhà thơ sống cách đây hơn năm trăm năm để có ý thức gìn giữ và phát huy di sản tinh thần quý báu của cha ông. Mỗi bài thơ, áng văn vượt thời gian truyền lại đến ngày nay là nhờ tâm huyết, công sức của nhiều thế hệ.

3. So sánh khái niệm “văn hiến” trong Tựa “Trích diễm thi tập” với khái niệm “văn hiến” trong Đại cáo bình Ngô. Nêu nhận xét về ý thức văn hiến dân tộc của trí thức nước ta thế kỉ XV.

Bài tập này không yêu cầu đọc toàn văn Đại cáo bình Ngô, anh (chị) chỉ cần đọc phần mở đầu bài cáo là có thể tìm thấy khái niệm “văn hiến”. Thế kỉ XV là thế kỉ mà ý thức về nền văn hiến dân tộc đạt tới đỉnh cao. Tiếp theo Đại cáo bình Ngô, ta thấy Trích diễm thi tập được biên soạn với ý thức khẳng định tầm vóc đáng tự hào của văn hiến Việt Nam, không thua kém văn hiến Trung Hoa. Đó là một trong những nguồn sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ dân tộc ta xây dựng và bảo vệ độc lập dân tộc trong suốt trường kì lịch sử.

4. Bài Luyện tập, trang 30, SGK.

Đọc lại phần một bài Đại cáo bình Ngô hoặc sưu tầm các giai thoại về việc đi sứ và thơ đi sứ của các sứ thần Việt Nam (đi sứ Trung Quốc) trong lịch sử để biết được niềm tự hào về văn hiến Việt Nam của các nhà nho xưa.

Sachbaitap.com