Ông tham gia cách mạng rất sớm, gia nhập tổ chức Văn hoá cứu quốc và sáng tác văn học phục vụ cách mạng. Ông đặc biệt thành công với đề tài lịch sử ở cả hai thể loại tiểu thuyết và kịch.
2. Tác phẩm chính : Vũ Như Tô (kịch, 1941), Bắc Sơn (kịch, 1946), Những người ở lại (kịch, 1948), Đêm hội Long Trì (tiểu thuyết, 1942), An Tư (tiểu thuyết, 1945), Sống mãi với thủ đô (tiểu thuyết, 1961), Kí sự Cao - Lạng (kí, 1951)…
3. Vở kịch gồm năm hồi, viết về một sự kiện xảy ra ở Thăng Long khoảng năm 1516 – 1517.
Nhân vật chính của vở kịch là Vũ Như Tô, là một nhà kiến trúc tài giỏi, một nghệ sĩ có chí lớn, tính tình cương trực, trọng nghĩa khinh tài. Lê Tương Dực, một hôn quân bạo chúa, sai Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài để làm nơi ăn chơi với đám cung nữ. Vũ đã từ chối dù bị đe doạ kết tội tử hình. Song Đan Thiềm, một cung nữ tài sắc nhưng đã bị ruồng bỏ, đã khuyên Vũ nên nhận lời xây dựng Cửu Tràng Đài vì đây là cơ hội để Vũ đem tài ra phục vụ đất nước, “Ông cứ xây lấy một toà đài cao cả. Vua Hồng Thuận và lũ cung nữ kia rồi mất đi, nhưng sự nghiệp của ông còn lại về muôn đời. Dân ta nghìn thu được hãnh diện…”. Vũ đã nhận lời và dồn hết sức xây Cửu Trùng Đài. Nhưng Cửu Trùng Đài đã làm cho dân chúng thêm cực khổ. Họ đã nổi dậy. Vũ Như Tô bị giết, Cửu Trùng Đài bị thiêu trụi.
4. Đoạn trích thuộc hồi V của vở kịch, cảnh diễn ra trong cung cấm. Việc xây dựng Cửu Trùng Đài đã khiến cho nhân dân vô cùng cực khổ. Trịnh Duy Sản đã lợi dụng tình hình dấy binh nổi loạn. Nhân dân, binh lính và thợ xây dựng Cửu Trùng Đài đã nổi dậy. Chúng bắt giết Vũ Như Tô, Đan Thiềm và huỷ diệt Cửu Trùng Đài.
5. Đọc phân vai, phân biệt lời dẫn và lời thoại của nhân vật.
II - Kiến thức cơ bản
Mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống là một vấn đề rất phức tạp. Nghệ thuật và cuộc sống không thể tách rời nhau là điều đương nhiên nhưng chúng quan hệ với nhau như thế nào là điều được nhiều người quan tâm. Cuộc tranh luận giữa hai trường phái “Nghệ thuật vị nghệ thuật” và “Nghệ thuật vị nhân sinh” là cố gắng của các nhà nghiên cứu để xác định mối quan hệ này. Các nhà văn Việt Nam sau này cũng vẫn cố gắng không ngừng để lí giải quan niệm của mình. Với kịch Vũ Như Tô, một mặt nào đấy cũng là cố gắng và quan niệm của Nguyễn Huy Tưởng về quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.
Vũ Như Tô là một vở bi kịch. Nhân vật chính là một người nghệ sĩ đầy tài năng và tâm huyết với khát vọng sáng tạo nghệ thuật rất lớn và chân chính. Tác phẩm đã đặt ra vấn đề lớn, đó là mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật thuần tuý của muôn đời và lợi ích thiết thực của nhân dân. Vũ Như Tô là một tài năng nhưng chính vì không giải quyết được mâu thuẫn giữa nghệ thuật và cuộc sống mà ông đã thất bại.
Đoạn trích tái hiện cuộc nổi dậy của binh lính và dân chúng dưới sự cầm đầu của Lê Duy Sản. Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài theo lời khuyên của Đan Thiềm với mục đích xây dựng cho đất nước một công trình nghệ thuật. Đó là mục đích nghệ thuật của người nghệ sĩ. Còn điều mà nhân dân và binh lính trông thấy ngay trước mắt là Vũ Như Tô đang dùng công sức và xương máu của nhân dân để phục vụ mục đích ăn chơi sa đoạ của tên hôn quân Lê Tương Dực.
Chỉ là một trích đoạn nhưng đoạn kịch này cũng có kết cấu như một vở kịch : có thắt nút (mâu thuẫn), xung đột, cao trào và mở nút. Với cả vở kịch, đoạn trích này là phần cao trào, rồi giải quyết mâu thuẫn lớn nhất của cả vở kịch.
Cuộc đối thoại giữa Đan Thiềm và Vũ Như Tô ở lớp I của hồi kịch cho thấy Vũ Như Tô là một người nghệ sĩ chỉ chú ý đến nghệ thuật. Trông coi việc xây Cửu Trùng Đài mà ông không biết rằng tác phẩm nghệ thuật của ông đã gây ra bao nhiêu lầm than cực khổ cho dân chúng. Mục đích nghệ thuật của ông mâu thuẫn với quyền lợi thiết thực của dân chúng mà ông lại không nhận ra. Ông là người nghệ sĩ quá quan tâm đến nghệ thuật mà quên đi quan hệ của nghệ thuật với đời sống. Vì thế ông không thể hiểu điều Đan Thiềm nói. Vũ Như Tô thà chết với Cửu Trùng Đài chứ không chịu chạy trốn. Đây cũng chính là phần thắt nút của đoạn kịch.
Cuộc nổi loạn của binh lính, thợ thuyền là tất yếu. Với họ, Cửu Trùng Đài đơn giản là nguyên nhân gây nên lầm than cực khổ, là biểu hiện của sự ăn chơi sa đoạ của tên hôn quân. Giữa Vũ Như Tô, người nghệ sĩ có mục đích nghệ thuật tốt đẹp và nhân dân lao động đã không có tiếng nói chung bởi người nghệ sĩ như ông Vũ không hiểu và không giải quyết được mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.
Cao trào của hồi kịch được tập trung ở ba lớp kịch cuối cùng, đó là cuộc đối đầu giữa Vũ Như Tô và những người nổi dậy. Đan Thiềm và Như Tô là hai người tri âm, tri kỉ, cùng có một mục đích nghệ thuật tốt đẹp nhưng cuối cùng đều thất bại. Và cả Cửu Trùng Đài, tâm huyết của hai người cũng bị phá huỷ.
Đoạn đối thoại giữa Vũ và Ngô Hạch cùng đám quân sĩ thể hiện cao trào của mâu thuẫn. Giữa họ không có tiếng nói chung. Sự thất bại của Vũ Như Tô đã nói lên một điều rằng, khi nghệ thuật mâu thuẫn với cuộc sống, nghệ thuật khó tồn tại. Đồng thời, thái độ của binh lính đối với Cửu Trùng Đài còn thể hiện những trăn trở của chính Nguyễn Huy Tưởng về nghệ thuật, về văn hoá dân tộc. Không thể trách những người nổi dậy bởi hành động đập phá của họ. Hành động đó là tất yếu. Nhưng nó vẫn gợi sự xót xa, tiếc nuối cho người đọc. Việc đốt Cửu Trùng Đài với đám binh sĩ chỉ là một hành động trả thù bởi với họ Cửu Trùng Đài là nguyên nhân của mọi nỗi khổ cực. Họ không hiểu gì về ý nghĩa lớn lao của công trình kiến trúc này. Với Vũ Như Tô, Cửu Trùng Đài là tất cả.
Đoạn trích có đủ các yếu tố của một vở kịch : biến cố, xung đột và giải quyết xung đột. Không khí, nhịp điệu của sự việc được diễn tả theo chiều tăng tiến mức độ dồn dập đã thể hiện được tính chất gay gắt của mâu thuẫn và dần đẩy xung đột kịch lên cao trào. Cửu Trùng Đài và Vũ Như Tô là cái nút của mâu thuẫn. Xung đột đã được giải quyết bằng sự ra đi vĩnh viễn của cả hai.
Đan Thiềm và Vũ Như Tô vừa đáng khen vừa đáng trách. Đáng khen bởi họ là những người nghệ sĩ biết tôn trọng tài năng và yêu nghệ thuật. Họ là những người có khát vọng cao quý, đó là xây dựng cho đất nước một công trình nghệ thuật lớn. Nhưng họ cũng đáng trách bởi vì khi quan tâm đến nghệ thuật họ đã quên trách nhiệm đối với nhân dân. Nghệ thuật là kết quả của lao động nghệ thuật nhưng nghệ thuật không thể là nguyên nhân của lầm than, không thể được xây dựng bởi máu và nước mắt của người lao động.
Với đoạn trích này, Nguyễn Huy Tưởng đã giải quyết mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Nghệ thuật đích thực phải thống nhất với quyền lợi của con người. Nghệ thuật chân chính là nghệ thuật vì con người. Người nghệ sĩ khi làm nghệ thuật phải chú ý đến điều đó.
Nam Cao từng nói : “Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than” để khẳng định nghệ thuật phải xuất phát từ cuộc sống và vì cuộc sống. Về một phương diện nào đó, với kịch Vũ Như Tô, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã thể hiện sự nhất trí với quan niệm của Nam Cao.
III - liên hệ
1. Có cái nghề nào thú vị hơn nghề văn. Nó lấy nguyên liệu chính là con người, một cái gì đẹp nhất, kì diệu nhất của sự sáng tạo… Đừng viết cái gì sai trái với sự thực của con người. Người là thật. Phải thật với người… Phải tự nâng mình lên. Tự vượt mình lên. Và cải tạo xã hội…
(Trích nhật kí của Nguyễn Huy Tưởng,
ngày 16 – 6 và ngày 15 – 7 – 1956)
2. Vũ Như Tô là vở kịch mang tính anh hùng ca. Nghệ sĩ Như Tô là một “kẻ sĩ” theo đúng nghĩa của nó : đối mặt với cái chết, trước những lời đe doạ của Lê Tương Dực (“Trẫm sai cắt lưỡi mi đi bây giờ”, “Mi chờ quân đao phủ dẫn đi”), chàng bất khuất, hiên ngang như một “kẻ sĩ”. Chàng bảo Vua : “Hoàng thượng quá lầm về chữ sĩ. Một ông quan trị dân với một người thợ giỏi, xây những lâu đài tráng quan, điểm xuyết cho đất nước, tiện nhân chưa biết người nào mới đáng gọi là sĩ ” (I,9). Con người có “mộng lớn” ấy sống với Đài, chết với Đài. ở hồi kết thúc, khi Đan Thiềm không còn, Cửu Trùng Đài đã sụp đổ, chàng điềm tĩnh bảo quân lính của Trịnh Duy Sản : “Dẫn ta đến pháp trường” (V,9). Lời nói trên của Vũ Như Tô (về kẻ sĩ) quyết định một bước ngoặt của hành động kịch : Vua phải nhượng bộ, sai bỏ gông xiềng cho chàng, cùng chàng bàn định việc xây dựng Cửu Trùng Đài ; mặt khác, nó triết lí về giá trị con người. Lời nói sau của chàng kết thúc năm hồi của vở kịch, cũng mang ý nghĩa về quan niệm lí tưởng đời sống con người, nó sẽ còn âm vang mãi mãi sau này.
Advertisements (Quảng cáo)
Như vậy, Vũ Như Tô là một bi kịch (và một bi kịch lớn), kiểu bi kịch cổ điển Pháp thế kỉ XVII, với tiêu đề vở là tên nhân vật trung tâm (Andromaque, Phèdre, Vũ Như Tô…), với những hồi, những cảnh xung đột đầy kịch tính, và cuối cùng kết thúc bằng những cái chết : vua Lê Tương Dực bị giết chết, Hoàng hậu nhảy vào lửa tự vẫn, Nguyễn Vũ tự đâm dao vào cổ, chết, Đan Thiềm bị lôi đi xử giảo, Vũ Như Tô ra pháp trường. Cái chết của Vua và Hoàng hậu được Lê Trung Mại kể trong tiếng khóc ; hình thức kể truyện (récit) trong kịch, một mặt mở rộng không gian kịch (không gian ngoài sân khấu), Vua bị đâm chết ở phường Bích Câu, mặt khác, trên sân khấu, miêu tả tác động của đối thoại : Nguyễn Vũ khóc : “Hoàng thượng ôi ! Ăn lộc Vua, xin chết vì nạn của Vua !”. ở độc thoại này, nhân vật nói với “Hoàng thượng” vắng mặt, nói với bản thân mình, và với người xem ; nói xong Nguyễn Vũ tự tử. Đó là tính đa âm và tính hành động của đối thoại kịch. Còn hồn thiêng của Đan Thiềm và Vũ Như Tô bay đi, ở hậu trường, sân khấu còn vẳng tiếng kêu của Như Tô : “Ôi mộng lớn ! Ôi Đan Thiềm ! Ôi Cửu Trùng Đài !” diễn đạt ý nghĩa sâu xa của vở kịch, trung tâm cái bi kịch ngàn đời của nhân loại, – cái Đẹp cao cả và đẫm máu, đó là dư âm của Vũ Như Tô.
Hết sức lôgíc, “mộng lớn” tan tành, Đan Thiềm chết, Cửu Trùng Đài sụp đổ, tất cả đã được báo hiệu từ hồi II, lớp 3, khi xuất hiện Trịnh Duy Sản. Duy Sản nói : “Xây dựng Cửu Trùng Đài thì loạn mất”… “Loạn”… “Loạn”, “Loạn”, và tuốt kiếm chém Vũ Như Tô, Nguyễn Vũ kịp ngăn lại ; đó là vết rạn thứ nhất của toà Đài. Sang hồi III, vết rạn thứ hai, nghiêm trọng hơn, nó ở ngay trong nội bộ những người thợ đang thiết kế và xây dựng Đài : Phó Bảo, Phó Độ, Hai Quát…, những người thợ tài hoa đã chung sức, chung lòng với Vũ Như Tô, nay, trước sự lung lạc và đe doạ của Trịnh Duy Sản, quay lưng lại “Bác Cả”, theo kẻ phản loạn. ở hồi IV, lớp 1, xuất hiện Vũ Như Tô lồng lộng trên Đài cao, tráng lệ, đang xây dở, xa xa Khải Hoàn Môn hoành tráng, song một Vũ Như Tô “đi khập khiễng”, “tay chống gậy”. Tất cả các biến diễn trên (thể hiện bằng đối thoại – hành động) liên kết với nhau, từ hồi này qua hồi khác, tạo nên những hình tượng báo hiệu và chuẩn bị cho sự đổ vỡ của Cửu Trùng Đài ở Hồi V, – cấu trúc lôgíc, nghiêm ngặt của kịch cổ điển phương Tây. Chỉ dẫn sân khấu (didascalies), những khoảnh trống, chỗ trắng của kịch bản, diễn từ (discours).
(Đỗ Đức Hiểu, Đổi mới đọc và bình văn, NXB Hội Nhà văn, 1999)
3. Nhân xem lại kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng, nhà thơ Hồng Nhu tâm sự với “Đan Thiềm” :
Tài sắc không nơi trú ngụ
Đêm tối ngày dài dải lụa lê thê
Nàng nhướng mắt chín bậc thềm vương phủ
Mảnh trăng xa thăm thẳm chưa về…
Ai khóc khi người ta cười
Rùng mình nghe phỡn phè cung điện
Ai thức khi người ta ngủ
Mắt thâm quầng nỗi nhân thế khôn nguôi
Vũ Như Tô chàng ở đâu ở đâu
Cửu Trùng Đài lồng lộng quá
ánh nắng chừng chình mái đậu
Ngơ ngác dung nhan người xa lạ
Làm sao nghệ sĩ bầu bạn với cường quyền
Làm sao cái đẹp an cư cùng hoa độc ?
Đắp xây hay phá đốt
Đều làm đau lòng nàng, tội quá Đan Thiềm ôi !
Thôi trời đất hãy chứng cho lòng dân
Người xây điện cũng chính người đốt điện
Ngọn lửa này xin là lời nguyện
Soi lương tri máu đỏ lối nhân quần…