Châu Phi là châu lục lớn thứ ba thế giới (sau châu Á và châu Mĩ), gồm 54 nước với diện tích khoảng 30,3 triệu km2, dân số 800 triệu người(2000).
1.Vài nét về cuộc đấu tranh giành độc lập
Chiến tranh thế giới thứ hau chấm dứt cũng là thời điểm bùng nổ cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân các nước châu Phi. Phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân ở châu Phi đặc biệt phát triển từ những năm 50 của thế kỉ XX, trước hết là khu vực Bắc Phi, sau đó lan ra các khu vực khác.
Mở đầu cuộc binh biến của sĩ quan và binh lính yêu nước Ai Cập (1952) lật đổ vương triều Pharuc, chỗ dựa của thực dân Anh, lập nên nước cộng hòa Ai Cập(18-6-1953). CÙng năm 1952, nhân dân Libi giành được độc lập.
Sau 8 năm đấu tranh vũ trang chống Pháp(1954-1962), nhân dân Angiêri đã giành được thắng lợi. Tuynidi, Marốc và Xuđăng giành được độc lập năm 1956, Gana- năm 1957, Ghinê – năm 1958 v.v..
Đặc biệt, lịch sử ghi nhận năm 1960 là Năm châu Phi với 17 nước được trao trả độc lập. Năm 1975, với thắng lợi của nhân dân Môdămbích và Ănggôla trong cuộc đấu tranh chống thực dân Bồ Đào Nha, chủ nghĩa thực dân cũ ở châu Phi cùng hệ thống thuộc địa của nó cơ bản bị tan rã.
Từ sau năm 1975, nhân dân các thuộc địa còn lại ở châu Phi hoàn thành cuộc đấu tranh đánh đổ nền thống trị thực dân cũ, giành độc lập và quyền sống con người.
Sau nhiều thập kỉ đấu tranh, nhân dân Nam Rôđêdia tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Dimbabuê(18-4-1980). Ngày 21-3-1990, Nambia tuyên bố độc lập sau khi thoát khỏi sự thống trị của Nam Phi.
Hình 14: Lược đồ châu Phi sau chiến tranh thế giới thứ hai
Ngay tại Nam Phi trước áp lực đấu tranh của người da màu, bản Hiến pháp tháng 11-1993 đã chính thức xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc (Apácthai). Sau đó, với cuộc bầu cử dân chủ giữa các chủng tộc ở Nam Phi (4-1994), Nenxơn Manđêla trở thành Tổng thống người da đen đầu tiên của Cộng hòa Nam Phi.
Advertisements (Quảng cáo)
Hình 15: N. Manđêla
Nenxơn Manđêla sinh ngày 18-7-1919. Ngay từ thời trẻ, ông đã tích cực đấu tranh cống chế độ Apácthai. Trong thời gian bị giam giữ (1964-1990), ông vẫn tham gia đấu tranh. Sauk hi ra tù, ông trở thành Chủ tịch Đại hội dân tộc Phi(ANC), sau đó trở thành Tổng thống nước Cộng hòa Nam Phi(1994-1999). Năm 1999, ông nghỉ hưu, nhưng vẫn tham gia hoạt động cho phong trào đòi hòa bình, hòa giải dân tộc ở châu Phi.
2.Tình hình phát triển kinh tế- xã hội
Sau khi giành được độc lập, các nước châu Phi bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, xã hội và đã thu được những thành tựu bước đầu, song chưa đủ để thay đổi căn bản bộ mặt của châu lục này.
Nhiều nước châu Phi vẫn còn trong tình trạng lạc hậu, không ổn định và khó khăn : xung đột về sắc tộc và tôn giáo, đảo chính, nội chiến diễn ra liên miên; bệnh tất và mù chữ; sự bùng nổ về dân số; đói nghèo, nợ nần và phụ thuộc nước nghèo v.v..
Tất cả những điều đó đã và đang là thách thức lớn đối với châu Phi.
Từ năm 1952 đến năm 1985, tại châu Phi xảy ra 241 lần đảo chính quân sự. Từ năm 1987-1997, châu Phi có tới 14 cuộc xung đột và nội chiến. Bi thảm nhất là cuộc nội chiến ở Ruanđa năm 1994 với hai bộ tộc Hutu và Tuxi làm 80 vạn người thiệt mạng, hơn 1,2 triệu người phải tị nạn, trong khi dân số nước này chỉ có 7 triệu người.
Trong số 43 quốc gia mà Liên hợp quốc xác định là nghèo nhất thế giới(1997), ở châu Phi có 29 nước. Khoảng 150 triệu dân châu Phi thuộc diện đói ăn thường xuyên. Vào đầu những năm 90, số nợ của châu hi lên tới 300 tỉ USD với số lãi hằng năm phải trả trên 25 tỉ USD.
Tổ chức thống nhất châu Phi(OAU) thành lập tháng 5-1963, đến năm 2002 đổi tên thành Liên minh châu Phi(AU).Liên minh châu Phi đang triển khai nhiều chương trình phát triển của châu lục. Con đường đi tới tương lai tươi sang của châu Phi còn phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ.