Trang chủ Lớp 12 Lịch sử lớp 12 (sách cũ) Đất nước bước đầu đi lên chủ nghĩa xã hội (1976-1986)

Đất nước bước đầu đi lên chủ nghĩa xã hội (1976-1986)...

Đất nước bước đầu đi lên chủ nghĩa xã hội (1976-1986). Cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới.

1.Cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước và hoàn thành thống nhất đất nước, về mặt nhà nước, nước ta chuyển sang giai đoạn đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Độc lập và thống nhất là điều kiện tiên quyết để đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tiến lên chủ nghĩa xã hội sẽ đảm bảo cho nền độc lập và thống nhất đất nước thêm bền vững.

Độc lập và thống nhất đất nước không những gắn với nhau mà còn gắn với chủ nghĩa xã hội. Đó là con đường phát triển hợp quy luật của cách mạng nước ta.

Quy luật đó là: “Trong thời đại ngày nay, khi độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội không tách rời nhau và ở nước ta khi giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo cách mạng thì thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng là sự bắt đầu của cách mạng chủ nghĩa xã hội”.

2.Thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm 1976-1980

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (họp từ ngày 14 đến ngày 20-12-1976) đã tổng kết 21 năm (1954-1975) tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, kháng chiến chống Mĩ, cứu nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đại hội đề ra đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước, quyết định phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch Nhà nước 5 năm 1976-1980.

Trong 5 năm này, nhân dân ta vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa cải tạo quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, nhằm hai mục tiêu cơ bản: xây dựng một bước cơ sở vật chất-kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, bước đầu hình thành cơ cấu kinh tế mới trong cả nước mà bộ phận chủ yếu là cơ cấu công-nông nghiệp và cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân lao động.

Thực hiện kế hoạch 5 năm, nhân dân ta đạt được những thành tựu quan trọng:

-Các cơ sở nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải bị địch đánh phá về cơ bản đã được khôi phục và bước đầu phát triển.

Trong nông nghiệp, nhờ tăng cường biện pháp khai hoang, thâm canh tăng vụ, diện tích gieo trồng tăng thêm  gần 2 triệu héc ta. Nông nghiệp được trang bị thêm 18 000 máy kéo các loại.

Trong công nghiệp, nhiều nhà máy được gấp rút xây dựng như nhà máy điện, cơ khí, xi măng v.v..Trong giao thông vận tải, khôi phục và xây dựng mới 1 700 kilômét đường sắt, 3 800 kilômét đường bộ, 30 000 mét cầu đường, 4 000 mét bến cảng. Tuyến đường sắt Thống nhất từ Hà Nội đi thành phố Hồ Chí Minh sau 30 năm bị gián đoạn đã hoạt động trở lại.

Hình 85. Đoàn tàu Thống nhất Bắc-Nam

Advertisements (Quảng cáo)

-Công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa được đẩy mạnh trong các vùng mới giải phóng ở miền Nam: giai cấp tư sản mại bản bị xóa bỏ; 1500 xí nghiệp tư bản hạng lớn vừa được cải tạo chuyển thành xí nghiệp quốc doanh hoặc công ty hợp danh. Đại bộ phận nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể, thủ công nghiệp và thương nghiệp được sắp xếp và tổ chức lại.

-Xóa bỏ những biểu hiện văn hóa phản động của chế độ thực dân, xây dựng nền văn hóa mới cách mạng. Hệ thống giáo dục từ mầm non, phổ thông đến đại học đều phát triển. Tính chung, số người đi học thuộc các đối tượng trong cả nước năm học 1979-1980 là 15 triệu, tăng hơn năm học 1976-1977 là 2 triệu.

Bên cạnh những thành tựu, chúng ta gặp không ít khó khăn, hạn chế, nhất là về kinh tế-xã hội.

Sau 5 năm, nền kinh tế của nước ta vẫn còn mất cân đối lớn. Kinh tế quốc doanh và tập thể luôn bị thua lỗ, không phát huy được tác dụng. Kinh tế tư nhân và cá thể có thể bị ngăn cấm. Sản xuất phát triển chậm, thu nhập quốc dân và năng suất lao động thấp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trong xã hội nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực.

3.Thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm 1981-1985

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (họp từ ngày 27 đến ngày 31-3-1982) khẳng định tiếp tục đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước do Đại hội IV đề ra với một số điểm điều chỉnh, bổ sung và cụ thể hóa.

Đại hội V đã xác định thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trải qua nhiều chặng, gồm chặng đường đầu tiên và những chặng đường tiếp theo. Đại hội còn quyết định phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch Nhà nước 5 năm 1981-1985.

Trong 5 năm này, nước ta sắp xếp lại cơ cấu và đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa nền kinh tế quốc dân, nhằm cơ bản ổn định tình hình kinh tế-xã hội, đáp ứng những nhu cầu cấp bách và thiết yếu của đời sống nhân dân, giảm nhẹ những mất cân đối nghiêm trọng của nền kinh tế.

Sau 5 năm thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội, nước ta có những chuyển biến và tiến bộ đáng kể.

-Trong sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, đã chặn được đà giảm sút của 5 năm trước (1976-1980) và có bước phát triển: sản xuất nông nghiệp tăng bình quân hằng năm là 4,9% so với 1,9% của những năm 1976-1980, sản xuất lương thực tăng bình quân từ 13,4 triệu tấn lên 17 triệu tấn; sản xuất công nghiệp tăng bình quân 9,5% so với 0,6% trong những năm 1976-1980; thu nhập quốc dân tăng bình quân hằng năm là 6,4% so với 0,4% trong 5 năm trước.

-Về xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật, hàng trăm công trình tương đối lướn, hàng nghìn công trình vừa và nhỏ được hoàn thành. Dầu mỏ bắt đầu được khai thác, công trình thủy điện Hòa Bình, thủy điện Trị An được khẩn trương xây dựng, chuẩn bị đi vào hoạt động.

-Các hoạt động khoa học-kỹ thuật được triển khai, góp phần thuc đẩy sản xuất phát triển.

Tuy nhiên những khó khăn yếu kém của 5 năm trước vẫn chưa được khắc phục, thậm chí có phần trầm trọng hơn, mục tiêu cơ bản là ổn định tình hình kinh tế-xã hội vẫn chưa thực hiện được.

Những khó khăn yếu kém của chúng ta trong bước đầu đi lên chủ nghĩa xã hội do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhất là sai lầm khuyết điểm trong lãnh đạo và quản lí, chậm được khắc phục.

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn Lịch sử lớp 12 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)