Sau đại thắng mùa Xuân 1975, Tổ quốc Việt Nam được thống nhất về mặt lãnh thổ, song ở mỗi miền vẫn tồn tại hình thức tổ chức nhà nước khác nhau. Thực tế đó trái với nguyện vọng, tình cảm thiêng liêng của nhân dân hai miền Bắc –Nam là sớm được sum họp trong một đại gia đình, mong muốn có một chính phủ thống nhất, một cơ quan đại diện quyền lực chung cho nhân dân cả nước.
Đáp lại nguyện vọng chính đáng của nhân dân cả nước, đồng thời cũng phù hợp với thực tế lịch sử dân tộc- “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” –Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (9-1975) để ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước.
Nghị quyết của Đảng nêu rõ : “Thống nhất đất nước vừa là nguyện vọng tha thiết của nhân dân cả nước, vừa là quy luật khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam.
Từ ngày 15 đến ngày 21-11-1975, Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất đất nước được tổ chức tại Sài Gòn. Hai đoàn đại biểu đại diện cho hai miền tham dự. Hội nghị nhất trí hoàn toàn các vấn đề về chủ trương, biện pháp nhằm thống nhất đất nước về mặt nhà nước.
Ngày 25-4-1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung được tiến hành trong cả nước. Hơn 23 triệu cử tri (chiếm 98,8% tổng cử tri) đi bỏ phiếu và bầu cử ra 492 đại biểu.
Hình 84. Nhân dân thành phố Huế bỏ phiếu bầu đại biểu quốc hội khóa VI
Advertisements (Quảng cáo)
Từ ngày 24 -6 đến ngày 3-7-1976, Quốc hội khóa VI nước Việt Nam thống nhất họp kì đầu tiên tại Hà Nội.
Quốc hội thông qua chính sách đối nội và đối ngoại của Nhà nước Việt Nam thống nhất, quyết định tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ ngày 2-7-1976), quyết định Quốc huy mang dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc kì là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca,thủ đô là Hà Nội, thành phố Sài Gòn-Gia Định được đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.
Quốc hội bầu các cơ quan, chức vụ lãnh đạo cao nhất nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bầu Ban dự thảo Hiến pháp.
Ở địa phương, Quốc hội quyết định tổ chức thành ba cấp chính quyền: cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, cấp huyện và tương đương, cấp xã và tương đương. Ở mỗi cấp chính quyền có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
Với kết quả của kì họp thứ nhất Quốc hội khóa VI, công việc thống nhất đất nước về mặt nhà nước đã hoàn thành. Từ đây, việc tiếp tục hoàn thành thống nhất trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội sẽ gắn với việc thực hiện những nhiệm vụ của cách mạng xã hội chủ nghĩa trong phạm vi cả nước.
Hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước đã tạo nên những điều kiện chính trị cơ bản để phát huy sức mạnh toàn diện của đất nước, những điều kiện thuận lợi để bảo vệ Tổ quốc và mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới.
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa thành lập đã có 94 nước chính thức đã công nhận và đặt quan hệ ngoại giao. Ngày 20-9-1977, nước ta trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc.